Tìm hiểu về chủ nghĩa Tân Tự Do (Neoliberalism)

Chủ nghĩa Neoliberalism - Tân tự do ka gi
Chủ nghĩa Neoliberalism - Tân tự do nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường tự do,  hạn chế can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế
5 views
15 phút đọc
Nội dung

Chủ nghĩa Neoliberalism – Tân tự do là một học thuyết kinh tế chính trị nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường tự do, bãi bỏ quy chế và hạn chế can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Chủ nghĩa Tân tự do hồi sinh những ý tưởng của thế kỷ 19 gắn liền với chủ nghĩa tư bản “laissez-faire – cho tha hồ tự do, kết quả là đã trở thành hệ tư tưởng kinh tế thống trị từ cuối thế kỷ 20. 

Chủ nghĩa Tân tự do gắn liền với các chính sách kinh tế do Margaret ThatcherVương quốc Anh và Ronald Reagan ở Hoa Kỳ đưa ra. Những chính sách này bao gồm tư hữu hóa, bãi bỏ quy chế và cắt giảm thuế. Chúng cũng dẫn đến việc giảm quy mô và phạm vi của các chính sách phúc lợi xã hội

Chủ nghĩa Tân tự do đã bị chỉ trích vì tác động xấu về bất bình đẳng, an sinh xã hội và môi trường sống. Và cũng bị đổ lỗi gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.  

Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ nghĩa này lập luận rằng nó đã đưa đến tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cho nhiều người

Dưới đây là một số đặc điểm chính của chủ nghĩa Tân tự do:

• Thị trường tự do: Chủ nghĩa Tân tự do tin rằng thị trường tự do là cách hiệu quả nhất để phân bố tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

• Bãi bỏ quy chế: Những người theo chủ nghĩa Tân tự do lập luận rằng các quy chế kìm hãm tăng trưởng và sáng kiến kinh tế. Họ ủng hộ bãi bỏ quy chế trong các lĩnh vực như tài chính, lao động và môi trường.

• Hạn chế can thiệp của chính phủ: Những người theo chủ nghĩa Tân tự do tin rằng chính phủ nên đóng một vai trò hạn chế trong nền kinh tế. Họ ủng hộ tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước và cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

• Toàn cầu hóa: Những người theo chủ nghĩa Tân tự do ủng hộ toàn cầu hóa, điều mà họ tin rằng sẽ dẫn đến tăng trưởng mậu dịch và kinh tế.

• Trách nhiệm cá nhân: Những người theo chủ nghĩa Tân tự do tin rằng các cá nhân chịu trách nhiệm về sự thịnh vượng kinh tế của chính mình. Họ lập luận rằng chính phủ không nên cung cấp các chương trình phúc lợi xã hội không khuyến khích làm việc và chịu trách nhiệm cá nhân. 

Chủ nghĩa Tân tự do đã có tác động lớn lên nền kinh tế thế giới trong hơn 40 năm nay, đưa đến tăng trưởng mậu dịch và kinh tế, nhưng đồng thời cũng dẫn đến gia tăng bất bình đẳng và các vấn đề xã hội. Sau đây là một số ưu và khuyết điểm của chủ nghĩa Tân tự do: 

Ưu điểm:

• Tăng trưởng kinh tế

• Gia tăng mậu dịch thương mại

• Tăng cường sáng kiến kinh doanh

• Giảm quy chế từ chính phủ

• Tăng tự do cá nhân 

Khuyết điểm:

• Gia tăng bất bình đẳng

• Giảm phúc lợi xã hội

• Gây thiệt hại về môi trường

• Gây bất ổn tài chính

• Gia tăng quyền lực của các doanh nghiệp lớn  

Các chính sách thực tế của chủ nghĩa Tân tự do 

Nỗ lực “tăng trưởng kinh tế” (thực chất là tăng tỷ lệ lợi nhuận) của chủ nghĩa Tân tự do đã hiển lộ sự đồng dạng của các chính sách kinh tế trên toàn thế giới, bao gồm: 

  • làm lấy lệ hoặc bỏ mặc việc giải quyết các nguy cơ toàn cầu như biến đổi khí hậu, hoặc các vấn đề xã hội trước mắt như bạo lực gia đình;
  • làm suy yếu và cản trở các nghiệp đoàn lao động;
  • cắt giảm mức sống của người lao động, trực tiếp thông qua việc giảm tiền lương thực chất, hoặc gián tiếp thông qua việc cắt giảm các phụ cấp xã hội (y tế, giáo dục, giao thông, …);
  • tăng thêm giờ làm việc khiến công nhân ngày càng bị bóc lột sức lao động;
  • cắt giảm chi tiêu của chính phủ, nhất là cho người nghèo;
  • kiểm soát gắt gao những người nhận phúc lợi xã hội từ chính phủ;
  • thắt chặt điều kiện để có thể nhận được các khoản trợ cấp của chính phủ, kể cả tiền cấp dưỡng người già, người tàn tật;
  • cắt giảm các loại thuế công ty;
  • trợ cấp cho các hoạt động kinh doanh lớn tới mức hàng chục tỷ đô la;
  • chi hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp lớn (nhưng không vì lợi ích của người lao động);
  • nới lỏng kiểm soát để các công ty lớn dễ dàng tránh thuế doanh nghiệp;
  • tư hữu hóa các dịch vụ lâu nay vốn là của chính phủ, như giao thông, nhà tù,… 

Tác động lên bất bình đẳng 

Chủ nghĩa Tân tự do bị chỉ trích về tác động xấu làm gia tăng bất bình đẳng. Hệ tư tưởng này chủ trương thị trường tự do hoàn toàn và cực lực hạn chế sự can thiệp của chính phủ, điều này đã dẫn đến sự tập trung của cải và quyền lực vào tay một số ít người, trong khi tầng lớp lao động và người nghèo phải chứng kiến thu nhập của họ bị đình trệ hoặc suy giảm. 

Ngày càng có nhiều bằng cớ minh chứng mối liên hệ giữa chủ nghĩa Tân tự do và bất bình đẳng. Ví dụ, một nghiên cứu của International Monetary Fund – Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy các quốc gia áp dụng nhiều chính sách Tân tự do đã trải qua mức độ bất bình đẳng thu nhập cao hơn. Một nghiên cứu khác của World Bank – Ngân hàng Thế giới cho thấy khoảng cách giàu nghèo đã tăng cao ở hầu hết các quốc gia kể từ thập niên 1980, trùng khớp với thời kỳ trỗi dậy của chủ nghĩa Tân tự do. 

Có một số cách thức mà chủ nghĩa Tân tự do có thể dẫn đến bất bình đẳng. Ví dụ, việc bãi bỏ quy chế vào thị trường tài chính đã cho phép đầu cơ và liều lĩnh chấp nhận rủi ro lớn hơn, dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính gây tổn hại không tương xứng cho người nghèo và tầng lớp lao động. Việc tư nhân hóa các dịch vụ công cộng cũng dẫn đến giá cả cao hơn và phẩm chất dịch vụ thấp hơn cho nhiều người. Và việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho các chương trình phúc lợi xã hội đã khiến nhiều người không có phương tiện để đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong đời sống. 

Bằng chứng thực tế cho thấy rằng ý thức hệ Tân tự do đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở nhiều quốc gia. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về cách chủ nghĩa Tân tự do đã dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng: 

  • Sự suy giảm của các nghiệp đoàn khiến người lao động càng khó thương lượng để được trả lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.
  • Sự xói mòn của nhà nước phúc lợi đã khiến nhiều người không có phương tiện để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ.
  • Nỗ lực tài chính hóa mọi thứ đã dẫn đến sự gia tăng tập trung của cải lợi tức vào tay một số ít người.
  • Quá trình toàn cầu hóa về sản xuất đã dẫn đến tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực chế tạo ở các nước phát triển, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng bất tương xứng đến những người lao động trong các ngành không đòi hỏi tay nghề cao. 

Trên đây chỉ là một số cách thức mà chủ nghĩa Tân tự do đã góp phần làm gia tăng bất bình đẳng. Hệ tư tưởng này đã có tác động đáng kể đến sự phân bố của cải và quyền lực ở nhiều quốc gia, và sẽ tiếp tục tác động như thế trong nhiều năm tới. 

Tương quan giữa chủ nghĩa Tân tự do và sự mất lòng tin vào hệ thống 

Có một số lý do tại sao chủ nghĩa Tân tự do dẫn đến sự mất lòng tin vào hệ thống. Đầu tiên, chủ nghĩa Tân tự do có liên quan đến một số hậu quả kinh tế tiêu cực, chẳng hạn bất bình đẳng gia tăng, tầng lớp trung lưu suy giảm và mất việc làm trong lĩnh vực chế tạo. Những hậu quả này đã khiến nhiều người tin rằng hệ thống đã bị thao túng để có lợi cho những người giàu có và quyền lực. 

Thứ hai, chủ nghĩa Tân tự do gắn liền với sự suy giảm niềm tin của công chúng vào các thiết chế chính trị kinh tế. Ví dụ, một nghiên cứu của Pew Research Center – Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy niềm tin vào chính phủ Mỹ đã giảm sút đáng kể từ thập niên 1950. Sự suy giảm niềm tin này có thể là do một số yếu tố, kể cả nhận thức rằng chính phủ không còn đáp ứng nhu cầu của người dân thường, và chính phủ tham nhũng

Thứ ba, chủ nghĩa Tân tự do gắn liền với sự gia tăng phân cực chính trị. Sự phân cực này khiến mọi người khó tìm thấy điểm chung mà cùng nhau giải quyết vấn đề. Nó cũng dẫn đến sự suy giảm tinh thần hòa nhã, và gia tăng bế tắc chính trị

Mối tương quan giữa chủ nghĩa Tân tự do và sự mất niềm tin vào hệ thống là một vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy chủ nghĩa Tân tự do là một yếu tố quan trọng làm suy giảm niềm tin vào hệ thống ở Mỹ. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về cách chủ nghĩa Tân tự do đã dẫn đến sự mất lòng tin vào hệ thống ở Mỹ: 

  • Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 phần lớn là do việc bãi bỏ quy chế đối với ngành tài chính, vốn là một nguyên lý chính của chủ nghĩa Tân tự do. Cuộc khủng hoảng này dẫn đến sự mất niềm tin vào khả năng của chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế và bảo vệ người tiêu dùng.
  • Sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập là nguyên nhân chính gây mất lòng tin vào hệ thống. Khoảng cách giàu nghèo đã gia tăng đáng kể trong những thập niên gần đây và nhiều người tin rằng hệ thống này đã bị thao túng gian lận để có lợi cho những người giàu có.
  • Sự suy giảm của nhà nước phúc lợi đã dẫn đến sự mất niềm tin vào khả năng của chính phủ trong việc cung cấp các nhu cầu của người dân. Nhiều người cho rằng chính phủ đã từ bỏ trách nhiệm giúp đỡ giới người nghèo và người bị thiệt thòi. 

Tác hại của Chủ nghĩa tư bản Tân tự do 

Từ những năm 1970, các chính trị gia bảo thủ cùng giới tư bản lớn đã tìm mọi cách tuyên truyền để giới hạn quy mô của chính phủ liên bang Mỹ. Họ chủ trương như Robert LeFevre mô tả “chính phủ là một căn bệnh đội lốt thuốc chữa bệnh” với sự cổ võ của những tỷ phú như Charles Koch cùng anh là David, chủ trì một tập đoàn bao trùm từ dầu mỏ đến chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy,… đã thành lập một mạng lưới các tổ chức tư vấn, các chương trình học thuật, các nhà vận động hành lang và các ứng cử viên chính trị cho mục tiêu này. Rush Limbaugh nêu quan điểm của họ rằng chủ trương bảo vệ môi trường chỉ là “một phương cách để hù dọa cho mọi người hoảng sợ mà từ bỏ quyền tự do và tài sản của cá nhân, đồng thời giúp bọn cánh tả giành được nhiều quyền lực hơn và kiểm soát cuộc sống của các cá nhân”; còn các trường học chỉ là bãi thải phung phí tiền thuế của dân, “Ngày nay, chúng ta chi cho mỗi lớp học một lượng tiền đủ để cung cấp xe limousine có tài xế lái cho cả giáo viên lẫn học sinh.” 

Chiến dịch bôi đen hình ảnh của chính phủ liên bang như thế đã thành công thật ngoạn mục. Mặc dù thực tế, ngân sách của chính phủ Mỹ đã thúc tiến tăng trưởng tài sản quý giá nhất của chủ nghĩa tư bản Mỹ là chất bán dẫn, vắc-xin, năng lượng hạch nhân, truyền thông, hàng không vũ trụ và Internet, chiến dịch đó của phe bảo thủ đã thành công trong việc tạo hình ảnh chính phủ là thứ gì xấu xa. Các nghiên cứu về thái độ của công chúng cho thấy nhiều người Mỹ bày tỏ thái độ ác cảm thậm chí thù địch đối với chính phủ liên bang, ngay cả khi họ hài lòng với những dịch vụ thực tế mà họ nhận được. Một cuộc khảo sát năm 2015 của Pew cho biết đại đa số người ủng hộ Đảng Dân chủ và cả Đảng Cộng hòa cho rằng chính phủ đã làm tốt công việc quản lý thiên tai (lần lượt là 82 và 78%) và thiết lập các tiêu chuẩn công bằng, an toàn cho nơi làm việc (lần lượt là 79 và 77%). Và có khoảng một nửa số người mỗi bên cho biết chính phủ liên bang đã làm tốt việc bảo trì đường sá, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục phẩm chất cao. 

Đáng chú ý nhất là người dân Mỹ đã khinh thị chính những khoản trợ cấp và lợi ích mà họ nương tựa vào. Trong một nghiên cứu năm 2008, Suzanne Mettler, một nhà khoa học chính trị của Đại học Cornell, đã phỏng vấn nhiều người Mỹ đã “từng sử dụng một chương trình xã hội của chính phủ” như An sinh xã hội, Medicaid hay khấu trừ lãi suất mua nhà. Hơn một nửa—57 phần trăm—cho biết là họ chưa bao giờ sử dụng một chương trình nào, trong khi trên thực tế, 92 phần trăm trong số họ đã sử dụng các chương trình xã hội của chính phủ. Trung bình, mỗi người Mỹ đăng ký vào năm chương trình xã hội liên bang, như Medicare và An sinh xã hội,… 

Thay đổi chính sách ở Mỹ gần đây nhất 

Tổng thống Joe Biden vào giữa tháng 07-2023 đã mở rộng cuộc chiến chống phí rác (loại phí vặt linh tinh người dùng phải trả thêm cho các dịch vụ) trong thị trường nhà cho thuê, tuyên bố trấn áp việc các công ty lớn cấu kết ấn định giá cả trong thị trường thực phẩm và nông sản, đồng thời công bố dự thảo hướng dẫn về việc sáp nhập các công ty như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Hoa Kỳ. Các biện pháp mới được đưa ra nhằm tấn công vào các hành vi phản cạnh tranh, trước mắt cụ thể nhắm đến phí đóng gói thịt, vận chuyển đường biển và các loại phí rác đánh vào người tiêu dùng. 

Tổng thống Joe Biden coi việc tấn công vào lòng tham và quyền lực của các đại công ty là trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đã giải thích các hành động mới nhất của chính phủ tại cuộc họp lần thứ năm của Competition Council – Hội đồng về Cạnh tranh gồm 18 cơ quan chính phủ của ông: “Đó là về công bằng cơ bản,” ông nói với các thành viên Nội các và các thành viên hội đồng khác, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục giảm lạm phát. “Mọi người đã mệt mỏi vì bị đối xử như những con mồi dễ bị lường gạt.” 

Nhà Trắng cho biết 4 thập niên “triết lý kinh tế sai lầm“, tức là Chủ nghĩa tư bản Tân tự do, đã dẫn đến việc gia tăng mức độ tập trung vào 3 phần 4 các ngành công nghiệp của Mỹ, khiến mỗi hộ gia đình Mỹ trung bình phải thiệt thòi tới 5.000 USD một năm do giá cả cao hơn và lương thấp hơn. Tổng thống Biden nói: “Chúng ta không thể chấp nhận những vụ sáp nhập công ty tồi tệ dẫn đến sa thải hàng loạt, giá cả cao hơn và ít lựa chọn hơn cho người lao động lẫn người tiêu dùng”. “Tôi đã từng nói, chủ nghĩa tư bản không có cạnh tranh không phải là chủ nghĩa tư bản. Đó là bóc lột.” 

Nỗ lực thúc đẩy cạnh tranh nhiều hơn của Biden tập trung vào việc tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các công ty nhỏ. “Chúng ta không thực sự có một thị trường cạnh tranh trừ khi có sự thực thi mạnh mẽ của chính phủ,” Morgan Harper của American Economic Liberties Project – Dự án Tự do Kinh tế Hoa Kỳ nói, “Các vấn đề từ việc tập trung trên toàn bộ nền kinh tế đang gây thiệt hại cho người lao động, làm tổn thương các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.” 

Cần có nhiều chính sách như thế để khôi phục niềm tin của dân chúng vào hệ thống chính trị, đồng thời giảm bớt bất bình đẳng kinh tế sâu rộng là nguy cơ hỗn loạn do tác động tiêu cực của Chủ nghĩa tư bản Tân tự do trong hơn bốn mươi năm nay. 

Chủ nghĩa Tân tự do theo lời Gs. Shoshana Zuboff

Các nước Mỹ, Anh và hầu hết châu Âu bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội cực đoan hơn bao giờ hết kể từ Thời đại Mạ vàng – Gilded Age [1], với mức độ thê thảm không kém gì một số nước nghèo khổ nhất trên thế giới. Mặc dù đã có một thập niên bùng nổ tăng trưởng của kỹ nghệ số mà điển hình là thành công như phép mầu của các công ty công nghệ cao kiểu Apple, cùng với sự thâm nhập của mạng lưới toàn cầu internet vào mọi ngõ ngách của đời sống hàng ngày, nhưng sự phân hóa nguy ngập trong xã hội cảnh báo một tương lai thậm chí còn phân cách sâu đậm và phản dân chủ hơn nữa. 

Một kinh tế gia Mỹ đã viết: “Ngay trong thời đại mới của chính sách tài chính ổn định do đồng thuận xã hội này, nền kinh tế đang chứng kiến cuộc chuyển giao thu nhập lớn nhất trong lịch sử, vào tay những người giàu có bậc nhất.” Một báo cáo nghiêm trọng năm 2016 từ International Monetary Fund – Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo tình hình bất ổn, kết luận rằng các xu hướng toàn cầu của chủ nghĩa Neoliberalism – Tân tự do “không đưa đến kết quả như đã mong đợi.” Thay vào đó, bất bình đẳng đã làm giảm đi đáng kể “mức độ và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế” đồng thời làm tăng bất ổn định và tạo ra tình hình thường xuyên có nguy cơ khủng hoảng kinh tế.  

Nỗ lực tìm kiếm cuộc sống hiệu quả của con người đã bị đẩy ngược đến điểm đổ vỡ dưới danh nghĩa bảo vệ tự do thị trường. Hai năm sau cuộc bạo loạn North London – Bắc Luân Đôn, các nghiên cứu ở Vương quốc Anh cho thấy đến năm 2013, tình trạng nghèo khổ do học vấn thấp và thất nghiệp đã loại trừ gần một phần ba dân số nước Anh ra ngoài những sinh hoạt xã hội thông thường. Một báo cáo khác của Anh kết luận, “Người lao động ở mức thu nhập thấp và trung bình đang trải qua sự suy giảm lớn nhất trong mức sống của họ, kể từ khi việc ghi chép thống kê đáng tin cậy bắt đầu vào giữa thế kỷ 19.” Đến năm 2015, chính sách kiệm ước – thắt lưng buộc bụng đã loại mất 19 phần trăm, tương đương với 18 tỷ bảng Anh, ra khỏi ngân sách của các chính quyền địa phương, buộc phải cắt giảm 8% kinh phí bảo hộ trẻ em, và khiến cho 150.000 người hưu trí không còn được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu nữa.  

Trong khi ở Mỹ thì đến năm 2014 gần một nửa dân số sống trong tình trạng nghèo khổ về chức năng, phân nửa dân số Mỹ chỉ có mức lương dưới USD $34.000. Khảo sát năm 2012 của Bộ Nông nghiệp cho thấy gần 49 triệu người sống trong các hộ gia đình “không có an ninh lương thực”. 

Trong sách “Capital in the Twenty-First Century – Tư bản trong thế kỷ 21″, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty tích hợp dữ liệu thu nhập trong nhiều năm để rút ra quy luật tổng quát về tích lũy tài sản, đưa đến kết luận rằng: tỷ lệ lợi nhuận trên tiền vốn, có xu hướng vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Xu hướng này được tóm tắt là “r > g” (return on capital > growth of economy), là một động lực tạo ra sự cách biệt thu nhập ngày càng quá đáng, từ đó sinh ra một loạt các hậu quả phản dân chủ trong xã hội, từ lâu nay đã được dự đoán là điềm báo về một cuộc khủng hoảng sẽ xảy đến với chủ nghĩa tư bản. 

Trong ý nghĩa đó, Piketty chỉ ra những cách thức mà giới tinh thông về tài chính lợi dụng thu nhập vượt trội của họ để tài trợ cho một chu kỳ nắm bắt quyền lực chính trị để bảo vệ lợi ích của họ từ những thách thức chính trị. Thật vậy, một bài báo của New York Times năm 2015 đã kết luận rằng 158 gia đình Mỹ và tập đoàn kinh doanh của họ đã cung cấp gần một nửa (khoảng 176 triệu USD) trong tổng số tiền đã được “biếu tặng” cho cả hai đảng chính trị Mỹ để ủng hộ ứng cử viên tổng thống năm 2016, chủ yếu để hỗ trợ “các ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã cam kết cắt giảm các quy chế kinh doanh, cắt giảm thuế và cắt giảm các kinh phí an sinh xã hội.” 

Các nhà sử học, nhà báo điều tra, nhà kinh tế học và chính trị học đã phân tích những sự thật phức tạp về sự chuyển hướng sang chế độ “thiểu số thống trị – oligarchy“, soi rọi vào các chiến dịch vận động có tính cách tổ chức có hệ thống để gây ảnh hưởng trong công chúng và nắm bắt quyền lực chính trị, đã thực tế giúp thúc đẩy và duy trì mưu đồ thị trường tự do cực đoan, khiến nền dân chủ suy thoái. 

Có thể nói giản tiện rằng đại ý của nghiên cứu sâu rộng của Piketty là: “chủ nghĩa tư bản thì không nên ăn sống.” Nghĩa là chủ nghĩa tư bản giống như xúc-xích vậy, cần được nấu chín bởi một xã hội có các thiết chế dân chủ, bởi lẽ chủ nghĩa tư bản sống sít vốn có tính cách phản-xã-hội. Như Piketty cảnh báo, “Nền kinh tế thị trường, nếu để tự chuyên thì chứa đựng những lực phân ly cách biệt mạnh mẽ, có khả năng đe dọa phá hủy các giá trị về công bằng xã hội, vốn là nền tảng của các xã hội dân chủ.” 

Nhiều học giả đã quen mô tả loại tình thế mới này là chủ nghĩa neofeudalism – tân phong kiến, được đánh dấu bằng sự thu tóm tài sản và quyền lực vào tay giới thượng lưu quyền thế, vượt khỏi tầm kiểm soát của người dân thường và các cơ chế đồng thuận dân chủ. Piketty gọi đó là sự quay trở lại “patrimonial capitalism – chủ nghĩa tư bản gia trưởng,” quay ngược trở lại một xã hội tiền-hiện-đại, trong đó mọi cơ hội trong cuộc sống con người đều tùy thuộc vào tài sản thừa kế hơn là những thành tích xứng đáng. 

Bây giờ thì chúng ta có được các công cụ để thấu hiểu sự đụng độ này với toàn bộ mức độ tàn phá phức tạp của nó: “điều không thể chịu đựng được là bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đã quay ngược trở lại dạng thức “phong kiến” thời tiền-công-nghiệp, thế nhưng chúng ta, là dân chúng, thì không thể quay ngược lại được.” 

Chúng ta ngày nay đâu phải là nông dân mù chữ, nông nô hay nô lệ. Cho dù là “tầng lớp trung lưu” hay “người bị gạt ra ngoài lề xã hội” đi nữa, chúng ta cùng chia sẻ hoàn cảnh lịch sử tập thể của những bản thể cá nhân có những kinh nghiệm và quan điểm xã hội phức tạp. Chúng ta gồm hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người ở thời hiện đại thứ hai, mà lịch sử đã giải phóng khỏi những thực tế ngày xưa đã không vượt qua được, của một định mệnh an bài ngay từ khi sinh ra, và cả từ những điều kiện của xã hội đại chúng. Chúng ta biết mình xứng đáng với phẩm giá con người và cơ hội sống được một cuộc sống hiệu quả. Hiện hữu của chúng ta giống như kem đánh răng, một khi đã được giải phóng rồi thì không thể bị bóp ép trở lại trong ống được. Thời đại của chúng ta được định nghĩa bằng sự lan truyền của những đợt sóng đau khổ và uất hận phát sinh từ những vụ bùng nổ vì va chạm bất bình đẳng độc hại này trong các sự kiện và cảm xúc bất bình đẳng. 

Chú thích [1]:

Thời đại “ Gilded Age – Mạ Vàng“, là thời kỳ chủ nghĩa vật chất thô thiển và tham nhũng chính trị trắng trợn, trong lịch sử Hoa Kỳ những năm 1870, đã là đề tài của những tiểu thuyết phê bình xã hội và chính trị được quan tâm. Tên gọi này lấy từ nhan đề tiểu thuyết “The Gilded Age” (năm 1873), của Mark Twain, đã mô tả sống động và chính xác về Washington D.C., châm biếm nhiều nhân vật hàng đầu thời bấy giờ, gồm các chính trị gia tham nhũng và các nhà kinh doanh tham lam. Các nhà kinh doanh này được gọi là “captains of industry – các lãnh tụ công nghiệp” hoặc “robber barons – các chúa trùm cướp bóc” đã trở nên giàu có nhờ các công ty độc quyền họ tạo ra trong ngành thép, dầu mỏ và vận tải. Trong số những người nổi tiếng nhất có John D. Rockefeller, Andrew Carnegie, Cornelius Vanderbilt, Leland Stanford và J.P. Morgan.

Phạm Vũ Thịnh

Sydney 19/07/2023

Đánh giá
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Kiến Thức

Chuyên trang Kiến Thức sưu tầm và chia sẻ các bài viết giúp ta hiểu hơn về nhiều lĩnh vực mà ad cảm thấy chúng hữu ích và giá trị.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT