Nguyễn Văn Tưởng
Trên đường đưa du khách đến tham quan Khiêm lăng của vua Tự Đức, nhân tiện đó đưa du khách rẽ vào một con nhỏ đến thăm ngôi chùa Từ Hiếu, để chiêm ngưỡng một màu xanh đây hương thơm của nhựa thông và bóng mát của hàng vạn cây thông già cổ kính. Bên trong nội thất của chùa thờ Phật còn có những hương án thờ các thái giám. Với bản tính tò mò, tôi tìm tư liệu để nghiên cứu cuộc đời của các quan thái giám sống trong Tử Cấm thành nhà Nguyễn.
Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế người ta vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ “Vui như làng đẻ ông Bộ” (ông Bộ tức là người con trai bán nam bán nữ). Gia đình nào may mắn đẻ được ông Bộ thì phải báo ngay với làng để các quan hữu trách cấp trên bẩm báo lên bộ Lễ. Từ đó, bộ Lễ nuôi nấng và dạy các nghi lễ trong cung, rồi đưa vào Đại Nội làm thái giám phục vụ công việc thường ngày trong cấm cung. Trong xã hội xưa, những người con trai không có giới tính mới sinh gọi là “đồng thanh”, còn những người mất giới tính sau khi thiến thì gọi là “thanh”. Hành động thiền được gọi một cách tế nhị là “thanh thân” (làm cho thân thể trong sạch). Thưởng những con người bị thiến đều xuất thân từ tầng lớp nghèo, nên phải tìm người đỡ đầu, hoặc bán cho kẻ môi giới để bọn này bỏ tiền ra thuê người thiến.
Tử Cấm thành là trung tâm sinh hoạt hàng ngày không chỉ của nhà vua đương nhiệm và các vương phi mà còn có các thái giám chuyện hầu hạ nhà vua làm việc, ăn mặc, ngủ, nghỉ ngơi, giải trí, sinh hoạt phòng the và còn quân lý các cung phi mỹ nữ của hoàng đế Tử Cấm thành có nghĩa là nơi ở của vua và các vương phi, cấm dân thường ra vào.
- Đi tìm tác giả Gia huấn ca
- Hai bức tranh dân gian Du Xuân Đồ tả cảnh chơi xuân
- Con cà con kê nghĩa là gì?
Thời nhà Nguyễn, đặc biệt vua Minh Mạng đã rút ra những bài học kinh nghiệm của các triều đại phong kiến đời trước về việc thái giám lộng quyền lũng đoạn việc triều chính, đến không kiềm chế được như Hoàng Công Phụ thời Tiền Lê nước ta, ở Trung Quốc cũng có các thái giám lộng quyền như Triệu Cao nhà Tần, Thất Thưởng thị nhà Hán; nhà Minh sau một thời gian phát triển hùng mạnh, cuối cùng bị mất nước là do sự lộng hành của bọn thái giám trong triều đúng đầu là Ngụy Trung Hiền. Qua đó, Minh Mạng năm thứ 17 (1836), nhà vua xuống dụ từ nay thái giám không được giữ những chức phẩm như các quan đại thần, làm quan không được quá tứ phẩm. Vua Minh Mạng đặt ra những chức tước riêng biệt dành cho thái giám, gồm có 5 bậc: hạng nhất thứ đẳng là Quảng vụ và Điên Điển sự thái giám; hạng nhì thứ đẳng là Kiểm sự và Phụng nghi thái giám; hạng ba trung đẳng là Thừa vụ và Điển thần thái giám; hạng tư á đẳng là Cung sự và Hộ thản thái giám; hạng năm hạ đẳng là Cung phụng và Thừa biện thái giám. Tùy theo cấp bậc mà giữ từng công việc khác nhau, đủ để sai khiến trong nội cung, nhưng vĩnh viễn không được dự vào triều chính.
Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), vua xuống dụ cho các đình thần truyền chỉ từ các hạt Bắc Thành, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, trong các làng xóm sở tại, trai từ 13 tuổi trở lên, 65 tuổi trở xuống, hễ ai là giám sanh thì dẫn đích thân người yêm hoạn ấy đến trình quan địa phương để kiểm nghiệm xác thực, rồi dẫn về kinh giao cho bộ Lễ để họ tấu thay. Gia đình nào có người làm thái giám sẽ được nhiều quyền lợi vật chất, cha mẹ thái giám sẽ được nhà nước cho người cấp dưỡng. Bên cạnh đó, thái giám cũng được thưởng tiền bạc, vải vóc… vào dịp các đại lễ ở cung đình nhà Nguyễn. Ngoài ra, ở kinh đô và các tỉnh, nếu có người yêm hoạn, không kể già trẻ, nếu cố ý giấu giếm mà bị phát giác thì sẽ mang tội.

Nhiệm vụ của thái giám trong Tử Cấm thành nhà Nguyễn là chuyên hầu hạ nhà vua và các phi tần trong việc tiêu khiển, ăn uống, truyền lệnh, liền lạc thông tin và canh phòng. Đặc biệt, công việc ban đêm sau giờ vua làm việc, đọc sách, làm thơ, xem hát bội thì thái giám đề lên vua một cái khay đựng các phiến thạch có khắc tên các bà phi tần. Nhà vua muốn triệu ai thì chọn ra phiến thạch ghi tên người vua muốn gặp. Thái giám có nhiệm vụ treo phiến thạch trước cửa người cung phi được chọn. Người được chọn thấy hiệu bèn trang điểm rồi trút bỏ xiêm y, viên thái giám dùng một chiếc áo choàng rộng màu đỏ bọc lại rồi ẵm đến tận cung vua. Thái giám phải ghi chép tên tuổi của bà phi và ngày giờ vua gặp bà rồi báo cho Quốc sử quán ghi vào sổ để theo dõi những chuyện về sau để làm minh chứng.

Y phục dành cho thái giám khác với y phục của các quan lại. Trong khi áo các quan văn, võ nhà Nguyễn đều có cổ tròn; phân biệt nhau được quy định bởi màu sắc: Áo quan trên nhất phẩm có màu tía, hàm nhất đều dùng màu xanh, lục, lam đen… Theo nguyên tắc phục của thái giám, đặc biệt là chiếc áo dài bằng màu xanh lục cho chức vụ cao, màu lam cho người chức vụ thấp, có dệt hoa ở mảng trước ngực. Mũ thái giám trên đỉnh phẳng và có hình bầu dục, có dát vàng bạc theo chức tước và đính một quả bông. Tướng mạo và tính tình của thái giám thường được nhắc đến cái cằm không râu, dáng điệu ẻo lả như phụ nữ, tính tình và giọng nói khác với lứa tuổi và giới tính của họ. Cuộc đời thái giám trong Tử Cấm thành cũng chẳng được yên bình thanh thản ở tâm hồn. Hàng ngày, thái giám chuyên hầu hạ vua và các vương phi nên họ là những kẻ gần gũi với cuộc sống đầy bí ẩn bên trong Tử Cấm thành, biết nhiều bí mật chốn cung đình. Ngoài ra thái giám còn phục vụ các bà cung phi góa bụa trên các lăng tẩm. Nỗi buồn của thái giám là khi đau yếu không được ở trong Tử Cấm thành hoặc lăng tẩm mà phải ra ở tòa nhà Cung Giám viện, ở phía Bắc Hoàng thành. Nếu bệnh không chữa lành, nằm chờ chết thì họ phải nằm ở đó chứ không được trở lại Tử Cấm thành và lăng tẩm. Đặc biệt, bi kịch của thái giám khi cuối đời là không có con nối dõi tông đường và thờ phụng họ sau khi chết.

Họ vẫn có ý thức về nỗi cô đơn, buồn phiền trong đời, nhất là về tuổi già thiếu đi người bạn đời. Chính vì vậy, họ đóng góp tiền của để trùng tu ngôi chùa Từ Hiếu ở Huế để được nương nhờ cửa Phật hương khói hàng năm và cúng giỗ vào những ngày hủy nhật. Khi cuối đời, được trở về dưới mái chùa Từ Hiếu, họ an tâm. Tấm bia dựng ở chùa có nội dung sau: “Trong đời sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau chúng tôi tìm về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy sự an nghỉ tại nơi này” *