Một đế chế Aztec trẻ trung hùng mạnh đang được xây dựng và phát triển thịnh vượng nhưng lại bị một viên sĩ quan trẻ tuổi người Tây Ban Nha, Fernando Cortes, phá hủy gần như chỉ trong nháy mắt. Vì sao một đội quân nhỏ của người châu Âu đã làm được điều này?
Đế chế Aztec với hủ tục hiến tế man rợ
Cuối thế kỷ 15, Hoàng đế Ahuizotl cai trị Đế chế Aztec với khối tài sản xã hội tăng lên đáng kể và số lượng các bộ lạc da đỏ cống nạp cho người Aztec ngày càng tăng. Các chiến binh Aztec đặc biệt khát máu, gieo rắc sự sùng bái hiến tế của mình lên các bộ lạc khác. Nhiều nhà sử học cho rằng chính vì sự tàn ác quá mức và số lượng nghi lễ hiến tế ngày càng nhiều đã góp phần làm gia tăng sự thù hận của các bộ lạc bị áp bức, nô dịch.
Ở Nam Mỹ cổ đại, tục hiến tế khá phổ biến và máu có một ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Tuy nhiên, người Aztec đã thực hiện các nghi lễ của họ với sự tàn ác nghiêm trọng và gần như nâng chúng lên hàng nghệ thuật, chỉ bởi họ tin rằng họ nợ các vị thần về tất cả những gì họ có, vì vậy họ phải cho đi thứ quý giá nhất – máu người, trái tim. Người Aztec tin rằng nếu họ ngừng hiến tế, các vị thần sẽ quay lưng lại với họ và ngày tận thế sẽ đến. Nghi thức thờ cúng nữ thần Mặt trăng (Koyolshauki) đặc biệt tàn nhẫn. Nạn nhân bị chặt đầu và ném thẳng từ nóc các đền thờ. Khi hoàn thành việc xây dựng kim tự tháp lớn nhất ở kinh đô Tenochtitlan, người Aztec đánh dấu sự kiện này bằng một nghi lễ hiến tế lớn nhất. Đầu của các nạn nhân được trưng bày công khai, rất nhiều, người dân nói là “nhiều kinh khủng”, còn các nhà sử học thì đưa ra con số 20.000.
Dưới thời Ahuizotl cai trị, cuộc sống trong đế chế trở thành một băng chuyền giết chóc vô tận, những cuộc hiến tế không chỉ mang ý nghĩa nghi lễ tín ngưỡng mà còn mang ý nghĩa chính trị để đe dọa, phòng tránh những điều không mong muốn. Những chiến binh Aztec nổi tiếng tàn bạo và thiện chiến, nhưng họ chưa sẵn sàng đối mặt với người châu Âu.
Thầy chủ tế Montezuma II 34 tuổi kế vị ngai vàng khi hoàng đế Ahuizotl qua đời. Cùng lúc đó ở châu Âu, một người Tây Ban Nha trẻ tuổi, Fernando Cortez, đang lập một đoàn thám hiểm để chinh phục những vùng đất mới. Dưới thời Montezuma II, biên giới của đế chế ở phía nam đã đến Guatemala ngày nay, và từ tây sang đông đã trải dài từ Thái Binh dương sang đến Đại Tây dương, với khoảng 25.000.000 cư dân, 40 tỉnh và một số lượng lớn các quốc gia thường xuyên cống nạp cho người Aztec. Kinh đô Tenochtitlan đắm chìm trong xa hoa tráng lệ. Montezuma II đàn áp dã man tất cả những người bất đồng chính kiến.
“Khách quý” từ bên kia đại dương
Hệ thống tuyền thông liên lạc của đế chế được tổ chức rất tốt, vì vậy vị hoàng đế trẻ tuổi nhanh chóng nhận được tin từ bờ biển rằng “những ngọn núi nổi trên mặt nước” đã được nhìn thấy ở phía chân trời. Người Aztec chưa bao giờ nhìn thấy tàu và không biết cách mô tả chính xác “những quái vật biển” đang tiến đến gần.
Fernando Cortes cùng đội quân của mình đổ bộ lên phía đông nam của thủ đô Tenochtitlan. Khi nhìn thấy người châu Âu, dân bản địa coi họ như những vị thần. Họ chưa bao giờ nhìn thấy ngựa, và người cưỡi ngựa mặc áo giáp khiến người da đỏ khiếp sợ. Họ coi các chiến binh trên lưng ngựa là thần thánh. Các bộ lạc ở Nam Mỹ nhìn chung khá thân thiện và chỉ cầm đến vũ khí như một phương sách cuối cùng. Nhiều bộ lạc mòn mỏi trong một thời gian dài dưới ách thống trị của người Aztec đã đón nhận người châu Âu rất tốt, và để lấy lòng khách, họ đã tặng những món quà quý giá như vàng bạc, đá quý và thậm chí cả… những cô gái trẻ. Sau khi có được bên mình những đồng minh đầu tiên từ các bộ lạc của người bản địa, Cortes quyết định tiến sâu vào đất liền. Anh chàng Tây Ban Nha ngay lập tức nhận ra rằng ở đây bạn có thể dễ dàng làm giàu. Ngay khi có được một số lượng lớn quà tặng quý giá, chàng sĩ quan Tây Ban Nha đã quyết tâm sẽ không rời bỏ những vùng đất này. Cortes rất si mê một cô gái trẻ trong số “quà tặng”, và cô đã sinh cho anh ta một đứa con trai. Cô gái trẻ rất thông minh và nhanh chóng học thành thạo tiếng Tây Ban Nha, vì vậy, từ một người vợ hờ, cô không chỉ trở thành vợ chính mà còn là cố vấn, phiên dịch viên của Cortes trong các cuộc đàm phán với người da đỏ.
Cortes ngày càng tiến gần hơn đến thủ đô của đế chế, Tenochtitlan, gần như không có giao tranh, vì ngày càng có nhiều đồng minh da đỏ. Anh ta cho phép đội quân của mình đối xử tàn bạo với những người chống đối.
Hoàng đế Montezuma II đã nhận được thông tin kịp thời về những bước tiến của người châu Âu đến Tenochtitlan. Vào cuối mùa hè năm 1519, hàng ngàn người da đỏ đã gia nhập đội quân của anh chàng Tây Ban Nha trẻ tuổi. Nhưng thật liều lĩnh khi tham gia vào cuộc chiến công khai với Montezuma II, vì quân đội của ông ta lên tới hàng trăm nghìn binh sĩ vô cùng thiện chiến.
Người châu Âu trong biển máu ở Tenochtitlan, hay “La Noche Triste”
Quân đội của những kẻ chinh phạt chủ yếu bao gồm cư dân địa phương đoàn kết chống lại Montezuma II, quy tụ dưới quyền chỉ huy của toán quân Tây Ban Nha ít ỏi.
Khi tiếp cận kinh đô Tenochtitlan, Cortes đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp nguy nga, sang giàu có của nó và gọi thành phố này là Venice phương Bắc.
Cortes và Montezuma II gặp nhau ở con đập dẫn vào thành phố và mọi chuyện diễn ra bình yên. Người cai trị đế chế không muốn chiến tranh, vì vậy dự kiến sẽ tặng người châu Âu những gì họ muốn, như một món quà để họ rời đi. Về mặt ngoại giao, người Aztec quá cả tin, họ không hiểu hết dã tâm của người châu Âu. Cortes được trao một cung điện nằm ngay cạnh hoàng cung. Đây là một sai lầm chết người, vì những kẻ xâm lược đã có thể quan sát cuộc sống của hoàng đế để lên kế hoạch tiếm quyền.
Chỉ một tuần sau, người Tây Ban Nha đã bắt hoàng đế làm con tin, và ông ta mau chóng trở thành con rối trong tay Cortés. Chính thức, Montezuma II vẫn là người cai trị, nhưng ông chỉ truyền đạt lại ý chí, mệnh lệnh của người châu Âu. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 6 tháng. Tin đồn lan rộng trong thành phố, người dân bắt đầu đoán rằng họ không còn được cai trị bởi hoàng đế của họ, sự bất mãn bắt đầu gia tăng. Lần nọ, người Tây Ban Nha đã dám “cả gan” can thiệp vào một buổi lễ hiến tế, chiếm đoạt đồ trang sức bằng vàng và đá quý trên người các thầy chủ tế. Xảy ra cãi vã dữ dội, kết quả là nhiều người da đỏ và thầy tế đã bị giết, cướp. Người dân nổi dậy, đổ xô đến cung điện của hoàng đế. Montezuma II đến gặp đám đông cuồng nộ, cầu xin dừng cuộc nổi loạn, nhưng người Aztec đã coi ông là kẻ phản bội nên đã ném đá tới tấp vào mặt ông. Sau cuộc nổi dậy, người ta tìm thấy xác của Montezuma II gần các bức tường cung điện. Không ai biết hoàng đế chết dưới tay người Tây Ban Nha hay vì các thần dân của ông.
Vào đêm 20/6/1520, người châu Âu đã cố gắng rời khỏi thành phố và mang theo chiến lợi phẩm đến mức tối đa. Người da đỏ nổi loạn đã truy sát trên con đập, ném xác người Tây Ban Nha xuống nước. 400 người châu Âu và hàng nghìn người bản địa đã chết trong trận chiến. Người Tây Ban Nha gọi các sự kiện trong đêm đó là “Đêm đau buồn” (tiếng Tây Ban Nha: La Noche Triste).
- Alpaca, kho báu trên rặng núi Andes
- Chiến tích bi hùng ở pháo đài Masada
- Chiến tranh Punic, thảm họa Carthage với đế chế La Mã
Kinh đô Tenochtitlan thất thủ
Cortes cùng một số cộng sự của mình sống sót một cách thần kỳ và đã có thể trốn thoát. Sau đó, Cortes quyết định sẽ san bằng Tenochtitlan để rửa hận. Anh ta tập hợp một đội quân từ các bộ lạc đồng minh và một lần nữa kéo đến thủ đô vào ngày 4/6/1521. Để làm suy yếu thành phố, đội quân của Cortes đã chặn nguồn cung cấp nước và lương thực, với mục đích làm cho dân chúng Tenochtitlan phải đói khát. Trong hàng trăm năm, thủ đô của người Aztec được bảo vệ bởi Hồ Texcoco khỏi những kẻ xâm lược, nhưng giờ đây, người châu Âu đã nghĩ ra một nước đi khôn ngoan. Cortes ra lệnh cho quân đồng minh tháo dỡ các con tàu của mình, di chuyển chúng qua đèo rồi lắp ráp lại trên hồ. Bây giờ Cortes có thể bắt đầu cuộc tấn công vào thành phố từ cả trên bộ và dưới nước.
Trận chiến với cư dân thủ đô tiếp tục trong nhiều tháng. Những giao tranh dai dẳng khiến những đội quân nhỏ của Cortes kiệt sức vì trận chiến ngày càng trở nên tàn khốc và không khoan nhượng hơn. Những kẻ xâm lược đã phá hủy mọi thứ trên đường đi của chúng. Vào ngày 13/8/1592, Cuautemoc, cháu trai của Montezuma II, bị bắt sống – đó là người cai trị cuối cùng của đế chế. Cư dân địa phương đã tự bảo vệ mình hết sức có thể, nhưng đột nhiên thành phố bị tê liệt bởi căn bệnh do người Tây Ban Nha mang đến. Dân số Tenochtitlan nhanh chóng sụt giảm, chỉ còn1/10: bệnh đậu mùa cướp đi sinh mạng của 20 triệu cư dân đế chế. Thế rồi người Tây Ban Nha gần như đã phá hủy hoàn toàn thành phố cũ và bắt đầu xây dựng trên đống đổ nát của nó một thành phố mới của thuộc địa Tây Ban Nha – Thành phố Mexico. Cấu trúc duy nhất không bị phá hủy là ngôi đền hang động ở Malinalco. Việc kinh đô thất thủ đánh dấu bước khởi đầu cho sự tan rã hoàn toàn của đế chế Aztec hùng mạnh và vĩ đại một thời.