Tổ chức quân đội nhà Hán

minh hoa quan doi nha han
186 views
17 phút đọc
Nội dung

Nhà Hán là hoàng triều thứ hai trong lịch sử Trung Quốc, do Hán Cao Tổ Lưu Bang thành lập. Trải dài hơn bốn thế kỷ, nhà Hán được coi là triều đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc, ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc nền văn minh Trung Hoa cho tới mãi về sau. Kinh tế nhà Hán thịnh vượng, chứng kiến sự phát triển đáng kể của nền kinh tế tiền tệ vốn đã được thiết lập từ thời nhà Chu (1122 TCN – 249 TCN).

Tiền xu do chính quyền trung ương đúc, phát hành vào năm 119 TCN, vẫn là tiền xu tiêu chuẩn ở Trung Quốc cho đến thời nhà Đường (619 – 907). Dân số Nhà Hán vào năm 01 TCN vào khoảng 59 triệu đến 60 triệu người. Nhờ dân số đông, kinh tế mạnh mẽ, các Hoàng Đế nhà Hán có khả năng xây dựng lực lượng quân sự lớn mạnh.

Từ thời Chiến Quốc, các đội quân của các nước chư hầu đã được các học giả hiện đại xếp vào loại “combine arm”. Quân đội thời Hán tiếp tục mô hình này, sử dụng nhiều chủng loại quân trong lực lượng của mình, khiến quân đội nhà Hán là một lực lượng hỗn hợp mạnh mẽ thích hợp với nhiều địa hình và vùng chiến sự khác nhau, giúp nhà Hán mở rộng lãnh thổ đáng kể, cũng như đánh bại những kẻ thù rất mạnh.

1. Tổ chức

Quân đội nhà Hán tuy không được tổ chức hoàn toàn chuyên nghiệp như quân đội La Mã, nhưng vẫn là một đội quân có tổ chức chặt chẽ và hiệu quả.

A. Tuyển mộ và đào tạo

Trong giai đoạn đầu, quân đội Hán tuyển mộ theo hình thức nghĩa vụ quân sự. Mọi nam giới từ 23 đến 56 tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Độ tuổi tối thiểu có thay đổi trong một vài khoảng thời gian ngắn và cuối cùng được ấn định ở tuổi 20.

Những người phạm một số tội danh nhất định, hoặc trong những dịp miễn xá có thể lựa chọn tham gia quân đội và đóng giữ ở vùng biên giới. Binh lính phải phục vụ 2 năm quân dịch, tân binh sau khi nhập ngũ sẽ được huấn luyện 1 năm, sau đó dành thời gian còn lại phục vụ ở nơi đóng quân được chỉ định, có thể là vùng biên giới hoặc một châu quận nào đó. Sau khi giải ngũ, cựu binh được trở về quê hương, nhưng vẫn tiếp tục được huấn luyện quân sự hàng năm và luôn sẵn sàng tái ngũ khi được gọi.

Thời gian sau, khi chiến sự với Hung Nô căng thẳng, Quân đội Hán có thu nhận những tội nhân tình nguyện phục vụ trong quân đội và tạo dựng một đội quân chuyên nghiệp từ lực lượng này.

Tạo hình Tiêu Hà, Hán Tín – Phim “Huyết Yến” 2012. Tiêu Hà là ban văn, Hàn Tín là ban võ, đây là hai nhân vật trụ cột giúp Lưu Bang nhất thống thiên hạ, khai sinh nhà Hán tồn tại 400 năm. Hàn Tín được gọi là binh tiên vì tài dùng binh xuất quỷ nhập thần của ông.

Bộ binh Hán được huấn luyện sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, như cung, nỏ, kích, đao, kiếm…. và cách sử dụng chúng trong hàng ngũ để đem đến hiệu quả cao nhất. Người lính được huấn luyện chiến đấu trong các đội hình chiều sâu 5 hàng ngang, nhưng tùy vào chỉ huy và điều kiện thực tế mà việc huấn luyện ở mỗi vùng có thể khác nhau….

Thời kỳ này, quân đội Hán ko có những chỉ huy quân đội thường trực. Truyền thống từ thời Chiến Quốc vẫn được lưu giữ, khi có chiến sự, Hoàng Đế sẽ bổ nhiệm chỉ huy quân đội từ các quan viên trong triều. Cùng một thời điểm, vài người sẽ được giao quyền chỉ huy những cánh quân riêng biệt, điều này là để ngăn ngừa việc một người nắm giữ quá nhiều quyền lực quân sự trong thời gian quá lâu, và ngăn ngừa nguy cơ các tướng lĩnh quân sự làm phản. Hệ thống chỉ huy của quân đội Hán trên chiến trường bao gồm 5 cấp:

  • Tướng Quân
  • Đô Úy
  • Hiệu Úy
  • Tư Mã
  • Quân hậu
  • Đồn trưởng

Ngoài ra còn các cấp bậc khác dành cho những vị trí đặc biệt quản lý những lực lượng hỗn hợp tại kinh thành, ví dụ như chức Chấp Kim Ngô chỉ huy lực lượng bảo an kinh thành với 2000 kỵ binh và 1000 kích sỹ. Chức Giám Môn Hiệu Úy, chỉ huy 2000 binh sỹ giữ cổng thành. Chức Hổ bôn trung lang tướng chỉ huy 1500 dũng sỹ bảo vệ Hoàng Đế…..

Hàn Tín trong trận Cai Hạ – Phim “Huyết Yến” 2012. Thời nhà Hán chiến xa vẫn còn được sử dụng trong chiến trận.

B. Quân đội chuyên nghiệp và Bán chuyên

Binh lính đóng giữ tại các vùng biên giới thường là binh lính chuyên nghiệp hoặc bán chuyên, họ được giao những mảnh đất gần nơi đóng quân như một dạng trả công. Những mảnh đất này kết hợp với các căn cứ quân sự trong khu vực sẽ tạo thành một vùng quản lý quân sự tự cung tự cấp, để binh lính hoặc các cựu binh và gia đình họ có thể canh tác, sản xuất lương thực để cung cấp cho quân đồn trú và dân cư xung quanh.

Điều này giảm nhẹ đáng kể gánh nặng cho Nhà Nước. Các cộng đồng dân cư tại các khu quản lý quân sự này lại tiếp tục cung cấp nhân lực cho quân đội khi cần thiết.

Thời Hán Vũ Đế, khi chiến sự với người Hung Nô trở nên căng thẳng, những người từng phạm tội hoặc ở tầng lớp thấp trong xã hội thường ở lại tiếp tục phục vụ trong quân đội sau khi mãn hạn quân dịch, vì những người này không có nhiều lựa chọn khi trở về quê hương, nên đối với họ việc phục vụ trong quân đội sẽ đem đến cho họ công việc ổn định và cơ hội thăng tiến rõ ràng hơn.

Việc này dần dần tạo ra 1 lực lượng quân đội chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp với quân số lên đến 150.000 người vào năm 97 TCN. Trong những chiến dịch quân sự lên phía Bắc vào những năm 111 TCN, 104 TCN và 97 TCN, hơn 130.000 tội phạm được ân xá đã được tuyển vào quân đội. Những người này tiếp tục ở lại phục vụ trong quân ngũ sau khi chiến dịch kết thúc và trở thành quân nhân chuyên nghiệp.

Trong các chiến dịch quân sự khác nhằm vào Nam Việt năm 112 TCN và Triều Tiên năm 109 TCN, Nhà Hán cũng tuyển mộ tội nhân theo hình thức tương tự, vì vậy theo Nhà sử học Chun-shu Chang, đến năm 97 TCN, nhà Hán phải có ít nhất 150.000 binh lính chuyên nghiệp trong tổng số khoảng 500.000 đến 600.000 binh lính hiện dịch. Cũng theo Chun-shu Chang, việc tuyển mộ một số lượng lớn tội nhân vào quân đội khiến danh tiếng của quân đội suy yếu, khiến người dân thường không còn muốn ra nhập quân đội. Nhưng thực tế từ các tài liệu quân sự thời kỳ này và các tài liệu về sau, trong việc tuyển mộ binh lính thì những đối tượng lý tưởng lại là những người mắc tội, từng làm cướp…. những người không có vướng bận ở hậu phương.

Binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa, nên khi tuyển binh lính chú trọng người nào khỏe mạnh, nếu đã quen việc đánh giết thì càng tốt, nếu không còn vướng bận gì ở quên nhà có thể dốc toàn tâm trí cho binh nghiệp thì càng hoàn hảo. Quy tắc dùng binh cũng thường nói “Dụng nhân như dụng mộc” không có ai là không dùng được, chỉ có cách dùng người không thỏa đáng mà thôi.

Nhà Đông Hán tiếp tục duy trì lực lượng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp bên cạnh lực lượng nghĩa vụ, và được chia thành Nam Quân và Bắc Quân với tổng số 20.000 người, thấp hơn nhiều so với thời Tây Hán.

C. Hậu Cần

Theo Triệu Sung Quốc, tướng thời Tây Hán, thì đội quân 10.000 người sẽ cần 27.363 hũ lương thực và 308 hũ muối mỗi tháng cần đoàn vận chuyển 105 xe thồ. Xúc vật dùng để vận tải thời này có lừa, ngựa thồ, lạc đà….Từ thời nhà Tần, việc xây dựng đường xá, kho bãi tại địa phương đã rất được trú trọng vừa tiện việc giao thông buôn bán nhưng đồng thời cũng tăng tốc độ di chuyển cho quân đội và đoàn vận lương.

Ngoài ra trong nội địa Trung Quốc lúc đó việc sử dụng kênh đào và hệ thống sông ngoài để vận chuyển đã rất phổ biến, khiến việc vận lương thực trở nên dễ dàng, nhanh chóng, cũng như bớt tốn kém hơn. Trong các chiến dịch viễn chinh xa xôi, quân đội nhà Hán có thể yêu cầu các nước chư hầu trên đường đi cung ứng một phần lương thực như chiến dịch viễn chinh đến Bactria lần thứ 2 dưới thời Hán Vũ Đế, các Châu Phủ đều có kho tích trữ, việc này cũng góp phần làm giảm gánh nặng hậu cần cho các cuộc viễn chinh.

Lương thực sử dụng trong quân đội khá đa dạng tùy thuộc vào vùng miền, các loại ngũ cốc bao gồm kê, mỳ, mạch, gạo…. nhưng chủ yếu ở miền Bắc sử dụng kê, vì đặc điểm dễ bảo quản tích trữ. Rau xanh và thịt tươi khá hiếm vì không bảo quản được, binh lính có thể mang theo các loại rau muối, thịt khô hoặc cá khô tùy sản vật từng vùng.

Ngoài lương thực để đun nấu trong quân, khi dã chiến, người lính cũng phải mang theo lương khô đảm bảo khẩu phần trong 1 khoảng thời gian nhất định. Theo các ghi chép, khi di chuyển, các đội quân thường tận dụng thời gian đóng trại để tìm kiếm nguồn thực phẩm tươi như rau xanh, thịt tươi… Các tài liệu quân sự thời kỳ này và sau đó có hướng dẫn cách tổ chức cho binh lính săn bắn, hái lượm quanh doanh trại, tùy tình huống, chỉ huy sẽ quy định phạm vi, số lượng binh sỹ tham gia và thời gian tiến hành hoạt động săn bắt hái lượm trong ngày.

Sách Võ bị chí của Trung Quốc hay sách Binh Thư Yếu lược của Việt Nam đều có nhắc đến hoạt động này. Quân đội Hán còn mang theo muối trên đường hành quân, đây là một loại nguyên liệu quan trọng trong khẩu phần của binh lính có tác dụng bổ sung dưỡng chất, ngăn ngừa 1 số bệnh tật đồng thời là nguyên liệu bảo quản quan trọng.

2. Kỵ binh và Chiến xa

Dù chiến xa đã thoái trào từ thời Chiến Quốc, nhưng quân đội nhà Tây Hán vẫn sở hữu 1 lượng chiến xa khá lớn vì chúng vẫn có giá trị đặc biệt là khi cần tạo dựng hệ thống phòng thủ dã chiến. Một lý do khác đó là vào đầu thời Tây hán, số lượng kỵ binh trong quân đội khá hạn chế, do TQ không có giống ngựa đủ tốt cho việc phát triển kỵ binh. Thời Hán Văn Đế, trong bối cảnh nhà Hán cần lực lượng kỵ binh mạnh hơn để đối phó với người Hung Nô ở phiá Bắc, nhà Hán đã bắt đầu có những nỗ lực để đẩy mạnh việc nhân giống và nuôi ngựa nhằm tằng cường số lượng chiến mã.

Hán Văn đế ra chiếu chỉ cho phép miễn quân dịch cho ba người trong 1 gia đình với mỗi con ngựa chiến đóng góp cho triều đình. Hán Cảnh Đế cho thiết lập 36 trang trại lớn tại khu vực phía Tây Bắc và cho chuyển đến các trại ngựa này 30.000 nô bộc để nuôi ngựa chiến. Vào thời Hán Vũ Đế, Trương Khiên trong một lần đi sứ Tây Vực đã tình cờ phát hiện giống ngựa Đại Uyển tại Bactria, giống ngựa có chất lượng tốt hơn nhiều so với giống ngựa nội địa của Trung Quốc. Để có được giống ngựa này, Hán Vũ Đế đã 2 lần viễn chinh đến Bactria, thiệt hại tổng cộng gần 90.000 quân để đưa giống ngựa này về Trung Quốc. Nhờ nhân giống những con ngựa loại này cùng với việc liên tục thu mua ngựa từ nước Ô Tôn dần dần giúp nhà Hán tăng cường chất lượng đàn ngựa của mình, cả về số lượng và chất lượng.

Lúc cao điểm thời Hán Vũ Đế, Nhà Hán có trong tay 450.000 ngựa chiến, tỉ lệ kỵ binh trong quân đội đạt khoảng 30%, mức rất lớn khi so với thời Chiến Quốc hay các triều đại sau này. Kỵ binh thời Tây Hán được phân thành khinh kỵ và trọng kỵ, dù thời kỳ này nhà Hán chưa có trọng kỵ thực sự. Ngựa chưa được bọc giáp toàn thân, mà mới chỉ bọc giáp một phần, chủ yếu là phần ngực, đầu và mông. Vũ khí chính của kỵ binh là kích, thương; kỵ binh nhẹ được trang bị cung tên, nhà Hán có sử dụng loại nỏ khá nhẹ có thể sử dụng trên lưng ngựa; vũ khí phụ là 1 thanh đao, một số kỵ binh có mang lá chắn.

Theo thời gian, trang bị của thiết kỵ binh ngày càng nặng hơn, đến cuối thời Đông Hán, Tam Quốc đã xuất hiện những lực lượng kỵ binh trang bị rất nặng như Hổ Báo Kỵ của nhà Ngụy, đến thời Tấn, Trung Quốc đã có lực lượng Caltaphract đúng nghĩa đầu tiên.

3. Giáp trụ và Vũ khí

A. Giáp trụ

Giáp trụ thời Hán khá đa dạng chủ yêu là loại scale và lamellar, những mảnh giáp cũng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như da thuộc cứng, đồng, sắt, thép…. Mũ trụ cũng khá đa dạng, một số loại mũ gồm các mảnh thép ghép vào với nhau được lót bên trong bằng 1 lớp vải hoặc da thuộc, mũ đầu mâu làm bằng kim loại nguyên khối vẫn tồn tại, phần lớn bộ binh nhẹ sử dụng mũ da hoặc mũ vải.

Phục dựng Giáp trụ thời Đông Hán
Phục dựng Giáp trụ thời Đông Hán

Trang bị giáp trụ của người lính tùy thuộc vào vai trò của họ trên chiến trường, các lực lượng trọng binh được trang bị khá nặng, với giáp, mũ trụ, khiên… với độ che phủ khá tốt; trong khi đó các lực lượng khinh binh được trang bị nhẹ hơn, với 1 tấm giáp che ngực, có thể không có mũ… những đơn vị cung thủ có thể không mặc giáp.

Phục dựng Giáp Lamellar thời Hán
Phục dựng Giáp Lamellar thời Hán

Khiên thời Hán tiếp tục sử dụng loại khiên có từ thời Chiến Quốc, phổ biến nhất là Song Hồ Thuẫn, theo các bằng chắng khảo cổ học, Song Hồ Thuẫn băn đầu chỉ có kích thước trung bình, nhưng càng về sau kích thước càng lớn, kích cỡ lớn nhất của nó khi đặt dưới đất có che phủ 1 nửa cơ thể của người lính.

Một số loại khiên được thiết kế để gắn vào cẳng tay của người lính giúp việc sử dụng trở nên dễ dàng hơn. Khiên được làm bằng gỗ bọc da, chiều cao trung bình là từ 70-80cm, chiều rộng từ 30-60cm. Ngoài ra các nhà khảo cổ học còn tìm được một số loại khiên làm hoàn toàn từ kim loại, nhưng không rõ độ phổ biến của loại khiên này.

B. Vũ khí

Vũ khí thời Hán phổ biến nhất là các loại đao, kiếm, kích, thương và cung nỏ. Thời Hán phổ biến vũ khí thép, trừ các mũi nỏ và các bộ phận của nỏ, vẫn được làm bằng đồng, nhờ khả năng sản xuất hàng loạt.

Kiếm là vũ khí phổ biến trong giới quý tộc và sỹ phu thời kỳ này, trong đó miền Nam và miền Trung Trung Hoa được biết đến là vùng sản sinh ra những kiếm sỹ xuất xắc nhất. Nhưng trong quân đội, đao dần dần thay thế kiếm, trở thành vũ khí tiêu chuẩn cho binh lính vì dễ sử dụng và dễ huấn luyện hơn và đặc biệt hữu dụng cho kỵ binh.

Thương kỵ thời Tây Hán – game “Three Kingdom Total war/mod Western Han armory”

Công nghệ rèn thời Hán có bước phát triển mạnh mẽ so với các thời kỳ trước, họ đã thành công trong việc sản xuất các thanh đao kiếm được tinh luyện từ 30-50 lần. Vào giữa thời Tây Hán, những người thợ luyện kim đã phát minh ra một kỹ thuật luyện kim sắt mới, quặng sắt lần đầu tiên được chuyển thành gang thông qua quá trình nấu chảy.

Gang sau đó được nấu chảy bằng một luồng không khí mạnh thành chất lỏng. Đồng thời, chất lỏng được khuấy, thúc đẩy quá trình oxy hóa carbon trong gang nóng chảy. Theo cách này, gang được chuyển thành sắt rèn, sau đó được cacbon hóa và rèn thành vũ khí. Một kỹ thuật khác liên quan đến việc kiểm soát mức độ oxy hóa carbon trong gang. Sau khi lượng carbon mất đi đạt đến một mức độ nhất định, gang được rèn nhiều lần.

Kỹ thuật này bắt đầu xuất hiện từ thời Tây Hán, nhưng nó đã được cải tiến rất nhiều và áp dụng rộng rãi trong chế tạo vũ khí ở Đông Hán. Các loại đao kiếm thời kỳ này có phần lưỡi dài từ 0,7-1,1m. Tuy nhiên các loại trường kiếm 1,4m cũng có xuất hiện.

Tranh vẽ hướng dẫn cách sử dụng vũ khí thời Tây Hán
Tranh vẽ hướng dẫn cách sử dụng vũ khí thời Tây Hán

Với vũ khí cá nhân tầm xa, nỏ là loại vũ khí được ưa chuộng nhất, từ thời Chiến Quốc, nỏ đã là loại vũ khí phổ biến trong quân đội các nước chư hầu, sang thời Hán, nỏ trở thành vũ khí tiêu chuẩn. Binh lính khi nhập ngũ phải kéo được 1 cây nỏ có sức nặng 76kg/168lbs để đủ tiêu chuẩn trở thành nỏ thủ. Ghi chép cho thấy, một số ít binh lính có thể kéo những cây nỏ có sức nặng 340 kg/750lbs.

Nỏ được ưa thích vì nó dễ chế tạo hàng loạt, dễ huấn luyện, dễ sử dụng, có sức công phá mạnh và hơn nữa, theo Tiều Thố, một chính trị gia thời Tây Hán, sử dụng nỏ rất có lợi khi chiến đấu với người Hung Nô; Thứ nhất, Nỏ bắn xa hơn cung của người Hung Nô, giúp cho quân Hán có lợi thế tầm xa, có thể áp chế đối phương trước; Thứ hai, do sức công phá mạnh mẽ sử dụng với số lượng đông đảo, nỏ Hán dễ dàng gây thương vong lớn cho người Hung Nô vốn có ít giáp trụ; Thứ ba mũi nỏ ngắn hơn mũi tên nên người Hung Nô không thể sử dụng chúng để bắn trả người Hán.

4. Chiến tranh Hán – Hung Nô

Trong số những kẻ thù của mình, không nghi ngờ rằng Hung Nô là kẻ địch nguy hiểm nhất của nhà Hán. Vào thế kỷ III TCN, các bộ tộc Hung Nô được thống nhất dưới quyền chỉ huy chung của 1 Thiền Vu khiến cho sức mạnh của bộ tộc này gia tăng nhanh chóng. Sang Thế kỷ thứ II TCN, Thiền Vu Mạc Đốn lên ngôi, chinh phạt Đông Hồ, đánh bại các bộ tộc khác trên thảo nguyên và chuyển hướng chú ý tới vùng đất đai màu mỡ phương Nam.

Kỵ binh nặng Đông Hán - game "Three Kingdom Total war/mod Western Han armory"
Kỵ binh nặng Đông Hán – game “Three Kingdom Total war/mod Western Han armory”

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, đã có lúc nhà Hán chịu tổn thất nặng nề, phải cống nạp hàng năm để tránh bị Hung Nô đánh phá. Hán Cao Tổ từng bị vây khốn suýt chết ở Bình Thành. Sau thất bại này, nhà Hán phải dùng chính sách hòa thân, tuy nhiên vẫn không thể thoát khỏi hiểm họa từ người Hung Nô, thi thoảng Hung Nô vẫn cướp phá các khu định cư ở vùng biên giới. Thời Văn Đế, Cảnh Đế, hai bên giao chiến nhiều trận nhỏ, đôi khi có các chiến dịch quân sự khá lớn, quân Hán có khi đẩy lùi được Hung Nô, nhưng khi xuất chiến vào vùng sa mạc lại thường thất bại hoặc không thu được kết quả gì.

Quân Hung Nô xung trận
Quân Hung Nô xung trận

Đến thời Hán Vũ Đế, ông quyết tâm dẹp bỏ mối nguy hại từ người Hung Nô, liên tục thực hiện các chiến dịch quân sự lớn về phía Bắc, nhưng mãi đến năm 128 TCN, quân Hán mới bắt đầu chiếm ưu thế. Năm 127 TCN, Vệ Thanh và Lý Tức tấn công Phù Lý đánh bại Bạch Dương Vương và Lâu Phiền Vương của người Hung Nô sáp nhập vùng đất Hà Sáo của Hung Nô vào lãnh thổ nhà Hán, góp phần giải quyết được mối đe dọa đối của Hung Nô với kinh đô Trường An. Từ năm 126 TCN, Thiền Vu Y Trĩ Tà của Hung Nô liên tục phát động các hoạt động quân sự nhằm vào nhà Hán, tấn công Đại Quận, Định Tương Thượng Quận và Hà Sáo. Năm 123 TCN, Vệ Thanh 2 lần dẫn quân tấn công Hung Nô, đẩy họ vào vùng Sa mạc Gobi.

Kỵ binh Hán xung phong
Kỵ binh Hán xung phong

Năm 121 TCN, Hán Vũ Đế muốn thực hiện kế hoạch đánh chiếm khu vực Hà Tây của Hung Nô để làm bàn đạp tiến công lên phía bắc để đẩy quân Hung Nô ra khỏi Trung Nguyên. Hoắc Khứ Bệnh dẫn 10.000 phiêu kỵ, tiến về phía tây của Lũng Tây và trong vòng 6 ngày đã tiến sâu vào 1000 dặm qua 5 tiểu quốc của Hung Nô, giết 9000 quân Hung Nô và bắt được hơn 1000 người. Mùa hè năm đó, Hoắc Khứ Bệnh lại vượt sa mạc và giao tranh với quân Hung Nô trên núi. Quân Hán nhanh chóng nắm ưu thế, tiêu diệt hơn 30000 quân Hung Nô, nhưng cũng bị tổn thất 2800 người.

Năm 119 TCN, Hán Vũ Đế lại cử Vệ Thanh cùng Hoắc Khứ Bệnh mỗi người dẫn 5 vạn kị binh thành hai đường đánh Hung Nô, lại cho hơn 14 vạn ngựa chiến và 50 vạn bộ binh cùng hậu cần tiến về sa mạc Gobi. Quân Hán tiến vào Đại Quận, đánh bại quân của Tả Hiền Vương, buộc ông này phải đem 4 vạn quân đầu hàng nhà Hán. Sau đó Vệ Hoắc mỗi người chia quân theo hai phía đông-tây, cánh của Hoắc Khứ Bệnh tiến đánh Đại quận, còn cánh của Vệ Thanh đi về phía đông, thu phục Định Tương.

Vệ Thanh đưa quân đi được về phía bắc gần 1000 dặm thì gặp quân chủ lực của Thiền vu Hung Nô. Ban đầu quân Hán có gặp một số khó khăn nhưng sau đó Vệ Thanh lệnh cho bộ binh dùng thế trận chiến xa phòng thủ và dùng 5000 kị binh phối hợp tạo thành thế trận liên hoàn để đối đầu với quân số đông của Hung Nô, làm quân Hung Nô mất nhuệ khí. Giữa lúc hai bên đang giao tranh thì trên chiến trường xuất hiện bão cát, làm tầm nhìn bị giảm đi đáng kể, khiến quân Hung Nô không thể duy trì đội hình.

Vệ Thanh ngay lập tức lợi dụng tình huống này, cho quân xuất kích, tiến đánh thẳng vào hai bên cánh của quân Hung Nô. Quân Hung nô rối loạn, đại bại, Thiền vu Y Trĩ Tà bỏ trốn về phía bắc. Tổng cộng trong trận chiến này, quân Hung Nô bị thiệt hại nặng nề, mất khoảng 8-9 vạn quân, trong khi số thương vong của quân Hán chỉ bằng 1/3. Về phía cánh quân của Hoắc Khứ Bệnh cũng đã giành được chiến thắng, bắt giết 70.000 người Hung Nô, trong đó có Tả Hiền vương và 86 quý tộc Hung Nô.

Sau hàng loạt các chiến dịch thời Hán Vũ Đế, nhà Hán thiệt hại nặng nề, họ mất 80% số ngựa chiến đem theo, vì nguyên nhân chiến đấu và các nguyên nhân khác.

Chiến tranh với Hung Nô quá tốn kém, khiến nhiều loại thuế mới được đặt ra, số lượng hộ khẩu tụt giảm vì nạn đói và chiến sự. Nhưng người Hung Nô còn thiệt hại nặng nề hơn. Họ mất một diện tích lãnh thổ lớn, kèm theo hàng triệu gia súc, nguồn sống chính của người du mục. Hơn nữa, người Hung Nô cũng mất kiểm soát với vùng đất màu mỡ phía Nam và bị đẩy vào khu vực phía Bắc sa mạc Gobi và vùng Siberia. Các bộ tộc Hung Nô bị chia ra làm 2, Bắc Hung Nô và Nam Hung Nô, với ảnh hưởng của người Hán ngày càng gia tăng với người Nam Hung Nô.

Minh họa trận đánh giữa quân Hán và quân Hung Nô

Nhà Hán và người Hung Nô vẫn tiếp tục giao chiến trong thế kỷ tiếp theo nhưng mối đe dọa từ người Hung Nô đã không còn, cuối cùng các bộ tộc Bắc Hung Nô ngày càng trở nên yếu thế và bị đẩy về phía Tây, nhường lại thảo nguyên Đông Bắc Á cho các dân tộc du mục khác và không bao lâu, hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử.

Quân đội nhà Hán là một đội quân hỗn hợp được trang bị tốt, và có hiệu quả chiến đấu cao. Hệ thống quân sự chuyên nghiệp kết hợp với nghĩa vụ của quân đội nhà Hán hoàn toàn phù hợp với hệ thống kinh tế Trung Quốc vào thời đại này. Nó cho phép nhà nước duy trì một lực lượng quân sự lớn thường xuyên, được huấn luyện liên tục nhưng không làm suy giảm đáng kể khả năng sản xuất của nền kinh tế. Quân đội có thể dàn trải trên lãnh thổ rộng lớn nhưng không biến thành gánh nặng kinh tế cho Quốc Gia.

Những bước cải tiến quân sự thời Hán cho thấy khả năng thích nghi với tình hình thực tế khá tốt. Quân đội trong 1 thời gian ngắn đã chuyển trọng tâm phát triển từ bộ binh sang kỵ binh để có khả năng đối đầu với một kẻ thù mạnh về kỵ binh. Đây là thành quả rất đáng lưu ý.

Với lực lượng quân sự này, nhà Hán có đủ khả năng đánh bại các dân tộc du mục ngay trên chính địa hình quen thuộc của người du mục. Đây cũng là lực lượng then chốt giúp nhà Hán mở rộng đáng kể lãnh thổ Trung Quốc, ra khắp bốn phía, khiến Triều đại này trở thành một trong những triều đại rực rỡ nhất lịch sử Trung Quốc và đưa Trung Hoa thời kỳ này trở thành một thế lực hùng mạnh bậc nhất Đông Bán Cầu.

5/5 - (3 votes)

Về Chuyên trang Lịch Sử & Văn Minh

Bài viết trong chuyên mục này được sưu tầm từ các trang uy tín về cùng chủ đề, hoặc do ad tự biên soạn, biên dịch để chia sẻ với mọi người, vì lịch sử và văn minh là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích. Các bạn có thể ủng hộ trang bằng cách kích quảng cáo.