Trận chiến Trường Bình và thắng lợi của nước Tần

tran truong binh thoi chien quoc
Trận Trường Bình đánh dấu thắng lợi của nhà Tần trước nước thời Chiến Quốc. Đây là trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử của đất nước này
Nội dung

Trận Trường Binh là trận đánh lớn kéo dài trong 02 năm từ năm 262 TCN đến năm 260 TCN giữa hai nước Tần và Triệu thời Chiến Quốc. Trận đánh có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước, với nước Tần, sự thành bại của trận này quyết định khả năng Đông tiến của nước Tần, sau nhiều năm thực hiện biến pháp và tích trữ lực lượng. Thắng lợi trong trận chiến này sẽ giúp nước Tần làm suy yếu Tam Tấn, đẩy mạnh ảnh hưởng về phía Đông và là bàn đạp quan trọng giúp Tần thôn tính các nước Sơn Đông.

Đối với nước Triệu, trận chiến còn có ý nghĩa quan trọng hơn, dù băn đầu chỉ có ý định đi cứu Thượng Đẳng nhưng khi gặp quân Tần ở Trường Bình thì trận đánh có ý nghĩa sống còn với nước Triệu, nếu Trường Binh thất thủ, quân Tần có thể thẳng đường tiến về Hàm Đan mà gần như không gặp trở ngại nào.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, cả hai bên đều dồn lực lượng lớn vào trận đánh này khiến trận Trường Bình trở thành 1 trong những chiến dịch quân sự lớn nhất thời Chiến Quốc.

1. Bối cảnh

Năm 265 TCN, Tần Chiêu Tương vương sai Tả thứ trưởng Vương Hột mang quân tấn công nước Hàn. Quân Tần khí thế mạnh mẽ, đánh chiếm thành Dã Vương, bao vây quận Thượng Đảng. Tướng giữ Thượng Đảng của nước Hàn là Phùng Đình cố gắng chống cự nhưng không đánh nổi phải cố thủ trong thành. Quân Tần bao vây Thượng Đảng, cắt đứt tuyến đường huyết mạch thông sang núi Thái Hành, tức là cô lập hoàn toàn Thượng Đảng với phần còn lại của nước Hàn.

Trong lúc Vương Hột đang đánh Thượng Đảng thì cánh quân Tần khác do Bạch Khởi chỉ huy cũng tiến đánh Hàn ở Hình Thành. Quân Hàn đại bại, Bạch Khởi xua quân chiếm 9 thành, chém 5 vạn quân Hàn. Năm sau (263 TCN), Quân Tần do Bạch Khởi chỉ huy lại tấn công Nam Dương, mở rộng ảnh hưởng của nước Tần đến tận mạn Nam núi Thái Hành.

Trong lúc đó, Thượng Đẳng bị bao vây đã gần 03 năm, viện binh từ Tân Trịnh không tới. Phùng Đình tự lượng sức đánh không nổi bèn cử người sang nước Triệu đem Thượng Đẳng dâng cho Triệu Hiếu Thành Vương, ý muốn Triệu vương phái binh cứu Thượng Đẳng, để 2 quân Tần – Triệu giao tranh thì Thượng Đẳng sẽ được giải vây. Bình Dương Quân Triệu Báo can Triệu vương không nên nhận mối lợi bỗng dưng mà có, và chỉ ra rằng đó là ý Phùng Đình muốn cho Tần chĩa mũi nhọn từ Hàn sang Triệu.

Nhưng Triệu vương lại tin theo lời Bình Nguyên quân Triệu Thắng, cho rằng đó là mối lợi lớn nên vui mừng thu nhận. Triệu vương sai Bình Nguyên quân Triệu Thắng đến nhận đất, phong cho Phùng Đình ba vạn hộ, gọi là Hoa Dương quân, vẫn giữ chức thái thú, mười bảy viên huyện lệnh đều được phong làm quan nước Triệu. Nhưng Triệu nhận đất rồi mà mãi mấy tháng sau mới phái binh đi cứu Thượng Đẳng, trong khi quân Tần do Vương Hột chỉ huy vẫn công phá dữ dội. Đến khi Liêm Pha dẫn quân Triệu đi cứu thì Thượng Đẳng đã bị quân Tần đánh vỡ, Phùng Đình đem quân dân chay sang nước Triệu, quân Triệu đi đến ải Trường Bình thì gặp quân Tần tiến đến. Trận chiến bắt đầu.

2. Diễn biến

A. Giao tranh ban đầu

Khi gặp đối phương, Liêm Pha của nước Triệu thiết lập hệ thống phòng thủ ba tuyến xung quanh phía Nam ải Trường Bình (ngày nay là vùng giáp danh giữa Cao Bình và Trường tử, tỉnh Sơn Tây). Tháng 04, quân Triệu lần đầu tiên đụng trận với quân Tân ở phía tây đường Cao Bình, tại tuyến phòng thủ đầu tiên và bị quân Tần đánh bại.

Mô hình nỏ thủ quân Tần

Viên Đô Úy của Triệu bị giết tại trận, quân Tần lợi dụng đà tấn công, nhanh chóng chiếm đường Cao Bình và 3 vị trí phòng thủ của Triệu gần đó, làm sụp đổ phòng tuyến đầu tiên. Nhận thấy rằng khả năng chiến đấu hiện tại của quân Tần là quá mạnh, Liêm Pha quyết định, cách duy nhất để chống lại đà tấn công của quân Tần là tránh đối đầu trực diện, và giữ phòng tuyến thứ hai cạnh Đan Giang, ông củng cố phòng tuyến phía tây thung lũng Đan Giang, xây dựng nhiều hệ thống công sự xây dựng dựa vào các triền đồi. Liêm Pha muốn dùng hệ thống phòng ngự này để làm kiệt sức quân Tần, biết rằng Trường Bình nằm ở xa lãnh thổ nước Tần, đường đi cũng phức tạp hơn khiến việc vận chuyển lương thực sẽ rất khó khăn. Điều này về lâu về dài sẽ trở thành gánh nặng quá lớn cho nước Tần, cuối cùng sẽ buộc quân Tần phải rút lui.

Nỏ thủ của Tần trong đội hình chiến đấu

Quân Tần nhiều lần cố sức tấn công vào phòng tuyến của quân Triệu, thậm chí đã có lúc đục thủng phòng tuyến thứ hai, nhưng do không đủ đà tấn công, họ bị quân Triệu đánh bật trở lại. Đến tháng 07 năm đó, chiến trường rơi vào thế giằng co, không bên nào đủ sức tạo ra đột biến, tình hình kéo dài như vậy suốt 2 năm. Cả hai bên đều dốc lực lượng dự bị của mình nhằm tăng viện cho chiến trường, khiến cho tổng quân số của hai phe lúc cao điểm, theo các ghi chép, là gần 1 triệu người.

B. Bước ngoặt của trận chiến

Chiến lược của Liêm Pha ở Trường Bình ban đầu phát huy hiệu quả. Quân Tần ở xa tới, đường vận chuyển lương thực không thuận lợi, dù họ có quân số ít hơn nhưng rất muốn đánh nhanh. Quân Triệu lại chỉ thủ vững vị trí, nhất định không chịu đưa quân ra ngoài quyết chiến, Vương Hột, tướng Tần, biết rõ ý đồ của Liêm Pha, nhưng phòng tuyến ở Trường Bình quá chắc chắn, lương thảo lại đầy đủ nên nhất thời không tìm được cách công phá.

Trong lúc đó, Triệu Hiếu Thành Vương ở Hàm Đan lại sốt ruột do chiến sự đã kéo dài 2 năm mà không có kết quả. Nước Tần nắm được cơ hội này, liền cử gián điệp mang nhiều vàng bạc đến nước Triệu, đút lót cho các quan lại nước Triệu, phao tin rằng: “Liêm Pha già cả, nhút nhát, không dám đụng độ quân Tần. Trong các tướng Triệu thì quân Tần chỉ sợ một mình Triệu Quát, con Mã Phục quân Triệu Xa mà thôi.”

Nói về Triệu Quát là con của Mã Phục Tướng Quân Triệu Xa, danh tướng một thời của nước Triệu. Triệu Quát từ nhỏ đã có tiếng là thông thuộc binh pháp, nhiều khi luận giải, tranh biện, ngay cả Triệu Xa cũng không bắt bẻ gì được. Mẹ của Triệu Quát rất mừng, cho rằng con mình có phong thái làm tướng, nhưng Triệu Xa lại rất lo lắng nói rằng: “Việc binh là việc hệ trọng, mà nó lại coi như trò chơi con trẻ, sau này nhất định không được để nó làm tướng, nếu không sẽ có ngày nó đem cả tính mạng đại quân nước Triệu mà vất đi”

Lạn Tương Như nghe tin Triệu vương phong Triệu Quát làm tướng cũng đến can: “Đại vương dùng Quát cũng chỉ vì nghe danh ông ta cũng như gắn trục đàn mà gảy đàn thôi. Quát chỉ biết đọc sách của cha để lại, không biết ứng biến đâu”.

Mẹ Quát cũng dâng thư can Triệu vương. Triệu vương bèn triệu cả mẹ Quát vào hỏi. Bà đáp: “Trong thời cha nó làm tướng, hạng người ông ấy thân hành bưng cơm nước, cho ăn có đến hàng chục, hạng ông ấy xem là bạn có đến hàng trăm. Đại vương và tôn thất thưởng cho cái gì thì ông ấy đưa tất cả cho các quân lại và sĩ phu. Ngày được nhận mệnh lệnh làm tướng, ông ấy không hỏi đến việc nhà. Nay Quát mới làm tướng mà ngồi ngoảnh mặt về hướng Đông để tiếp khách,[d] quân lại không ai dám ngẩng lên nhìn, vàng lụa nhà vua cho đều đem về cất ở nhà, hàng ngày xem có nhà cửa ruộng vườn gì có lợi, nên mua thì mua. Nhà vua xem nó có bằng cha nó không? Cha con bụng dạ khác nhau, xin nhà vua chớ sai đi”

Nhưng Triệu vương vẫn không đổi ý. Bà mẹ Triệu Quát biết không can được, chỉ xin sau này nếu Quát thua trận thì cả nhà được miễn tội. Năm 260 TCN, Triệu Quát ra mặt trận thay thế Liêm Pha. Liêm Pha bị bãi chức trở về Hàm Đan.

Trong khi đó, Tần Chiêu Tương vương Doanh Tắc biết Triệu Quát đã thay Liêm Pha, bèn bí mật phái Vũ An quân Bạch Khởi ra mặt trận làm chánh tướng, cho Vương Hột làm phó tướng. Quân Tần giữ đúng phép tắc, không để lộ thông tin ra ngoài. Vì vậy quân Triệu vẫn không biết rằng quân Tần đã đổi chủ tướng.

C. Quân Triệu bại trận

Tháng 07 năm 260, Triệu Quát ra trận, lập tức thay đổi mọi mệnh lệnh và chiến lược của Liêm Pha. Triệu Quát từ bỏ chiến thuật phòng ngự và quyết định đưa lực lược của mình tiến lên phía Bắc, vượt Đan Giang và tấn công vào sườn trái của quân Tần, hy vọng có thể dùng cuộc tấn công này phá vỡ lực lượng của đối phương. Để làm điều này một cách nhanh chóng, Triệu Quát để lại phần lớn lương thực ở Trại lớn, lúc này chỉ được phòng thủ rất yếu và không thể đảm bảo được tuyến đường tiếp tế dài trước mặt quân Tần bên kia sông.

Vì mọi hành động của Triệu Quát đều theo binh pháp nên Bạch Khởi không mấy khó khăn để đoán được ý đồ của đối phương, cùng lúc với sự di chuyển của quân Triệu, Bạch Khởi điều động lực lượng của mình thực hiện một đòn chiến thuật gần tương tự như trận Cannae (chỉ là đi trước 50 năm và ở quy mô lớn hơn). Bạch Khởi tự làm yếu lực lượng cánh trái của mình bên bờ sông Đan Giang, và củng cố lực lượng phòng ngự bên dẫy đồi dọc bờ Tây con sông. Khi Triệu Quát vượt sông, cánh trái của quân Tần nhanh chóng bỏ vị trí phòng thủ của họ và rút lui về phía các dẫy đồi phía sau, Triệu Quát ra lệnh truy kích.

Cùng lúc đó, 1 lực lượng 25.000 quân Tần trước đó đã tiến về phía Bắc qua đường núi Thái Nguyên, thực hiện một đòn vu hồi khá rôngj bên cánh trái và bất ngờ xuất hiện phía sau phòng tuyến thứ 3 của quân Triệu cắt đứt con đường tiêp tế của quân Triệu từ hướng Bắc. Một lực lượng khác khoảng 5000 kỵ binh nhẹ, cùng lúc đó, từ cánh phải, vượt Đan Giang cắt đứt tuyến liên lạc giữa lực lượng của Triệu Quát và trại chính, chia quân Triệu ra làm hai phần, lực lượng chính của Bạch Khởi nhanh chóng theo sau và chiếm giữ vị trí then chốt, lối thoát khỏi thung lũng Đan Giang. Những bước di chuyển liên tiếp này hoàn thành thế bao vây, nhốt chặt lực lượng của Triệu Quát trong dẫy đồi núi nhỏ hẹp.

Đòn tấn công của Quân Triệu vào cánh trái của Quân Tần sớm phải dừng lại do gặp phải hệ thống phòng ngự dọc các sườn đồi, Triệu Quát cũng nhận ra rằng mặt sau của ông bị cắt đứt bởi kỵ binh nhẹ của Tần và lương thực đang cạn kiệt nhanh chóng, Triệu Quát không còn cách nào khác ngoài từ bỏ cuộc tấn công và phải tìm cách rút lui qua sông Đan Giang. Quân Tần ngay lập tức phản công và gây thiệt hại nặng cho quân Triệu. Đường qua sông đã bị cắt đứt khiến Triệu Quát không thể tập hợp hay liên lạc với phần còn lại của quân Triệu ở phía Nam, ông ta đành phải cố thủ ở khu vực sườn đồi và đợi lực lượng cứu viện.

Tần Chiêu Tương vương nghe tin quân Tần đã bao vây được quân Triệu, hết sức vui mừng, bèn đích thân đến Hà Nội,[f] ra lệnh động viên tất cả đàn ông và con trai từ 15 tuổi trở lên phải ra trận, điều động tới những nơi hiểm yếu phía đông bắc Trường Bình, cắt đứt đường vận lương và chặn luôn viện binh của quân Triệu từ Hàm Đan tới.

Sau khi đã bẫy được được quân Triệu, Bạch Khởi liên tục tấn công nhằm làm suy yếu lực lượng của đối phương và ngăn chặn khả năng quân Triệu phá vòng vây. Triệu Quát cùng quân Triệu phải liên tục chống trả quân Tần trong suốt 46 ngày trong khi lương thực đã dần cạn sạch. Sang tháng 9, tình thế của Triệu Quát đã rất quẫn bách, quân Triệu trong vòng vây phải giết thịt ngựa để ăn. Quân Tần cũng đã mất gần một nửa lực lượng sau 2 năm chiến đấu liên tục. Triệu Quát cùng kế, đành đích thân dẫn một cánh quân tinh nhuệ liều chết đi phá vây, hy vọng mở đường máu thoát ra. Khi quân Triệu Quát xông ra ngoài đều bị quân Tần dùng cung nỏ bắn thành nhím. Triệu Quát cùng cánh quân Triệu đều bị tử trận.

D. Bạch Khởi giết hàng binh

Nghe tin Triệu Quát tử trận, quân Triệu không còn tinh thần chiến đấu, đều buông vũ khí đầu hàng. Phùng Đình tự sát.

Quân Triệu đầu hàng quá đông, số lượng còn lớn hơn cả quân Tần vào thời điểm đó. Bạch Khởi sợ cũng không thể kiềm chế được, nên bàn với Vương Hột giết sạch hàng binh của Triệu. Để lừa quân Triệu, Bạch Khởi đem hàng tốt chia làm mười doanh, sai 10 viên tướng thống suất, hợp với 20 vạn quân Tần, đều cho trâu rượu, ăn uống và nói rằng ngày mai Vũ An quân sẽ lựa chọn quân Triệu, người nào khoẻ mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần sai dụng, còn người già yếu đều cho về Triệu. Quân Triệu mừng rỡ. Đêm hôm đó, Bạch Khởi lệnh cho quân Tần dùng vải trắng cuốn quanh đầu để phân biệt, ai không quấn vải, giết không cần hỏi. Quân Tần theo lệnh, cùng ra tay một lúc. Hàng tốt nước Triệu vì không biết có lệnh ấy, lại không có khí giới, nên đều bó tay chịu chết. Bốn mươi vạn quân Triệu trong một đêm đều bị chém chết cả. Bạch Khởi cho thu nhặt những đầu lâu quân Triệu, chất đống ở trong luỹ Tần, gọi là núi Đầu Lâu. Tính ra trong trận Trường Bình, trước sau quân Tần chém hoặc bắt tổng cộng 45 vạn quân Triệu, kể cả những quân Triệu đầu hàng Vương Hột trước, đều bị giết sạch. Bạch Khởi cho thả 240 người ít tuổi về Hàm Đan để lan truyền uy danh của nước Tần.

3. Chiến Thuật và binh Pháp

Trong trận Trường Bình, quân Triệu có rất nhiều lợi thế, trước tiên, quân số của Triệu đông hơn quân số của Tần. Thứ hai, quân Triệu đến chiến trường trước chiếm được địa lợi, quân Tần đến sau ở thế bất lợi do phải chiến đấu trên chiến trường do đối phương lựa chọn. Thứ ba, quân Triệu có lợi thế phòng thủ ải Trường Bình hiểm trở, lẽ thường bên nào chiếm được vị trí phòng thủ, lại có sự chuẩn bị trước, bên đó chiếm được lợi thế. Thứ tư, quân Triệu chiến đấu trên sân nhà, tuyến đường vận chuyển lương thực dễ dàng hơn, không quá xa xôi, vất vả, quân Tần đi đánh xa nhà, tuyến đường tiếp vận thường xuyên bị kéo căng, đường xá xa xôi, cách trở, càng kéo dài càng nguy khốn.

Chiến thuật ban đầu của Liêm Pha là hoàn toàn chính xác, quân Triệu tuy đông hơn quân Tần nhưng sức chiến đấu lại kém hơn, Quân Tần vừa thắng nhiều trận, sỹ khí đang hăng hái, đối đầu trực diện với họ trong giai đoạn này chắc chắn sẽ chịu tổn thất nặng nề. Nhưng điểm yếu của quân Tần là chiến đấu xa lãnh thổ, sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển lương thực, hơn nữa quân Tần chinh chiến đã lâu, khi mất đà tấn công, chắc chắn sẽ mệt mỏi, thời gian kéo dài không đạt được mục đích sẽ phải lui quân. Quân Triệu tuy sức chiến đấu yếu hơn nhưng lại chiến đấu trên lãnh thổ nhà, có lợi thế xuất hiện ở chiến trường trước, chiếm được địa lợi. Nắm rõ điểm mạnh yếu của mình và đối phương, Liêm Pha mới quyết định cố thủ không đánh, đợi đến khi quân Tần cạn lương, không thể duy trì được nữa, phải rút quân, lúc bấy giờ mới đuổi theo truy kích thì có thể thu được toàn thắng.

Sau khi Triệu Quát thay Liêm Pha, mọi chiến lược của quân Triệu hoàn toàn thay đổi. Triệu Quát là người thuộc làu binh pháp nhưng không có kinh nghiệm thực chiến, không biết ứng biến. Mọi đối sách, bước di chuyển Triệu Quát đưa ra đều dựa chính xác vào binh pháp nên quá dễ đoán, ông lại không nắm hiểu rõ đối phương nên việc mắc sai lầm, rơi vào vòng vây của quân Tần là điều dễ hiểu.

Ngược lại bên phía quân Tần, Bạch Khởi dùng binh không theo khuân mẫu nào, thậm chí làm nhiều việc ngược với Binh Pháp. Theo kiến giải thông thường, quân đông gấp 2 thì chia, gấp 5 thì đánh, gấp 10 thì vây; Nhưng Bạch Khởi dù có số quân ít hơn vẫn chia cắt và bao vây quân triệu đông hơn. Theo binh pháp, khi bao vây nên để hở, nhưng Bạch Khởi lại vây quân Triệu rất chặt không hở chút nào. Điều này là do Bạch Khởi vô cùng thông hiểu cách dùng binh, biến hóa linh hoạt theo từng tình huống cụ thể chứ không bó buộc máy móc, vì vậy đường đi nước bước vô cùng khó đoán, khi hành động lại dứt khoát, quyết liệt, khiến đối phương trở tay không kịp.

4. Hậu quả và Ý nghĩa

Nếu con số tử vong trong các tư liệu đưa ra là chính xác, thì đây là vụ thảm sát lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại tính đến thời điểm này. Nước Triệu bị tổn thất nặng về nhân sự và cả nước bị chấn động. Thừa thắng ở Trường Bình, Bạch Khởi chia quân làm ba hướng, một cánh đi về hướng đông, vượt qua dãy núi Thái Hàng tiến đánh Vũ An, áp sát kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, một cánh tiến về phía bắc để bình định Thái Nguyên, một cánh do Bạch Khởi đích thân chỉ huy, đóng giữ Thượng Đảng, chờ thời cơ tiến vây kinh thành Hàm Đan, tạo ra thế uy hiếp nước Triệu từ hướng Tây sang hướng Đông để tiêu diệt nước Triệu. Trong tình thế như vậy, Bạch Khởi lại bị sự ghen tỵ của thừa tướng Phạm Thư.

Vốn nước Triệu bị kinh động vì tổn thất trong trận Trường Bình, bèn nhờ Tô Đại (em Tô Tần) làm thuyết khách sang nước Tần xúi giục Phạm Thư. Nghe lời Tô Đại, Thư sợ công lao của Bạch Khởi quá lớn sẽ lấn át mình, nên nói với vua Tần Chiêu Tương vương chấp nhận lui quân giảng hòa với điều kiện nước Triệu dâng hiến sáu thành. Triệu Vương đồng ý dâng 6 thành để tranh thủ thời gian hoà hoãn, cho gọi lại Liêm Pha làm tướng, chỉnh đốn lại binh mã, củng cố quốc phòng. Khi Tần thúc giục giao đất, vua Triệu theo lời quần thần nhất quyết không giao đất, đồng thời ra sức liên kết với các nước để hợp lực chống Tần.

Bạch Khởi nhận lệnh lui quân về nước, tiếc công lao của mình và tướng sĩ phải bỏ dở, hỏi ra mới biết là ý đồ của Phạm Thư. Từ đó giữa Khởi và Thư có hiềm khích. Sau khi Triệu Vương nuốt lời, từ chối dang 6 thành, Tần Chiêu Vương lại ra lệnh cho Bạch Khởi làm tướng công phá Hàm Đan của Triệu, nhưng Bạch Khởi cho rằng cơ hội đã qua, nước Triệu đã có phòng bị, lại có cứu viện từ các nước chư hầu; Hơn nữa quân Tần chiến đấu liên tiếp nhiều năm, nhuệ khí đã suy giảm, vì vậy không nên tiếp tục chiến tranh nữa. Nhưng Tần Vương cho rằng ông không muốn hết lòng vì nước Tần, nên tước hết mọi chức vụ, đầy Bạch Khởi làm lính, sau đó lại ban thuốc độc giết chết Bạch Khởi năm 257 TCN.

Quân Tần công phá Hàm Đan thêm 2 năm, nhưng đúng như Bạch Khởi dự đoán, nước Triệu đã phòng bị kỹ càng, lại có quân Ngụy, Sở đến đánh giúp, cuối cùng quân Tân chính chiến nhiều năm mệt mỏi, bị đánh bại tại thành Hàm Đan, nước Triệu được giải nguy

Tuy thoát khỏi họa diệt Quốc, nhưng thất bại tại Trường Bình vẫn là một tổn thất quá nặng nề cho nước Triệu. Tranh cãi xung quanh con số thương vong thực tế trong trận chiến vẫn tiếp tục, nhưng không cần bàn cãi gì nữa, rằng con số đó hẳn phải rất lớn. Nước Triệu mất gần như toàn bộ lực lượng quân sự của mình sau trận đánh, chỉ còn lại 1 đạo quân phòng thủ Hàm Đan. Từ đó đến khi bị Tần Thủy Hoàng thôn tính, nước Triệu không phát động chiến dịch quân sự lớn nào ra bên ngoài, và cũng không có bằng chứng cho thấy họ đã khôi phục lại quân đội của mình. Như vậy nghĩa là Triệu đã phải mất một tỉ lệ dân số trưởng thành khá lớn, đến mức 30 năm sau quân đội của họ vẫn không thể phục hồi.

Quân Tần qua chiến thắng này càng khẳng định sức mạnh của mình trước Lục Quốc, 3 nước Tam Tấn giờ đây không còn là đối thủ của nước Tần, sau này bị tiêu diệt đầu tiên. Chiến thắng tại Trường Bình cùng những chiến dịch quân sự sau đó tạo nền tảng vững chắc để sau này Tần Thủy Hoàng diệt Lục Quốc thống nhất Trung Hoa.

5/5 - (3 votes)

Về Chuyên trang Lịch Sử & Văn Minh

Bài viết trong chuyên mục này được sưu tầm từ các trang uy tín về cùng chủ đề, hoặc do ad tự biên soạn, biên dịch để chia sẻ với mọi người, vì lịch sử và văn minh là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích. Các bạn có thể ủng hộ trang bằng cách kích quảng cáo.