Chắc khán giả VN đã quen thuộc với chủng loài này trong những bộ phim viễn tưởng đình đám như Chúa Nhẫn, Warhammer, Warcraft,…
Elf (cổ ngữ Álfr, số nhiều Álfar), tùy vào ngữ cảnh mà được gọi “yêu tinh” hoặc “người tiên”, là chủng loài nổi tiếng trong thần thoại và truyền thuyết dân gian Bắc Âu. Họ xuất hiện trong cả Edda Thơ Cổ, Tân Văn cùng nhiều bộ sử thi. Thế mà hình tượng lẫn vai trò của loài này vẫn còn khá mập mờ.
Xuất hiện
Trong Edda Thơ Cổ, người Elf thường đồng hành với Aesir trong nhiều buổi tiệc. Nhưng họ không phát biểu hoặc tham gia bất kì chuyến phiêu lưu nào.
Edda Văn Xuôi có ghi chép nhiều hơn một tí. Snorri Sturluson phân loại Elf thành hai tộc:
– Ljósálfar, tức Light Elf, “mặc trang phục sáng hơn mặt trời và sống tại Álfheimr”. Thần Odin đề cập đến Viðbláinn, tầng trời thứ ba nằm ở phía nam của Asgard, là nơi xây dựng toà thành Gimlé cho những người lương thiện chính trực. Còn hiện tại thì Light Elf đang sống ở tầng nọ. Nhưng có khả năng “chín tầng trời” này là ông Snorri tự thêm thắt, chứ hoàn toàn không xuất hiện trong Edda Thơ Cổ.
– Dökkálfar hay Dark Elf thì “đen như than và chui nhủi dưới lòng đất”. Đáng chú ý là sau khi cắt tóc của Sif, Loki phải chạy đến Svartálfaheimr để gặp những người lùn ở đấy, nhờ họ chế tạo ra bộ tóc giả bằng vàng. Thần Odin từng phái Skirnir tới Svartálfheimr, yêu cầu người lùn chế tạo dây xích Gleipnir. Từ Svartálfar có nghĩa là Black Elf và trong Edda Văn Xuôi thì đây chỉ là tên gọi khác cho người lùn. Bởi vì người lùn sống trong lòng đất và từ Dark gần nghĩa với Black, cho nên phần lớn học giả ngày nay đều công nhận người lùn với Dark Elf là một.
Ở trường ca Völsungs, con rồng Fafnir từng nói với Sigurd về các Norn. Mặc dù xuất thân, lai lịch khác nhau, chẳng hạn như Elf, người lùn hay nhân loại, nhưng họ đều là nữ giới. Ba Norn cổ xưa nhất đóng vai trò lãnh đạo, còn lại chỉ là tay chân.
Theo quan điểm cá nhân mình, lý do người lùn bị gọi là Black/Dark Elf chẳng qua vì Snorri muốn tạo ra cầu nối giữa thần thoại bản địa và Kitô giáo. Quả thật người lùn thường đóng vai phản diện ở nhiều câu chuyện. Không những vậy, bài thơ Völuspá còn liệt kê rất nhiều tên gọi của người lùn, nhưng kèm theo hậu tố “-álf” (elf). Thế là ông đổi tên họ thành Black Elf rồi đồng nhất với thiên thần sa ngã. Trong bài viết này, mình sẽ tập trung vào Light Elf, tức loài Elf thuần túy.

Đặc điểm
Như đã viết ở trên, Elf có diện mạo tươi sáng và gu thời trang cực kì chói mắt. Bản thân từ Elf có gốc Tiền-Ấn-Âu là Albʰós (trắng), vì vậy không khó để hình dung họ trông như thế nào. Theo mô tả trong dân gian, Elf thường cao lớn và để tóc dài, nhưng cũng có truyện mô tả họ là người tí hon với cái đầu to. Họ thường tụ tập thành nhóm, ca hát và nhảy múa trong rừng. Nơi họ quây quần sẽ phát ra luồng sáng mờ ảo. Nhìn chung, ngoại hình của Elf trong ấn tượng của người Scandinavian rất sáng sủa.
- Hải đăng – “mắt thần” của các đại dương
- Vấn đề về tranh cãi giữa Galileo và Giáo Hội Công Giáo La Mã
- Tây Thái Hậu – Một góc nhìn về Từ Hy Thái Hậu
Nhưng tâm hồn của Elf chưa chắc được sáng như bề ngoài đâu. Họ được xem là hiện thân của thiên nhiên: mang đến cả phước lành và tai họa. Một mặt, Elf làm đất đai tơi xốp, mùa màng bội thu, hoa trái ngọt lành, gia súc béo mập. Mặt khác, họ có thể gieo rắc bệnh tật, giết hại gia súc, phá hủy nhà cửa, bắt cóc trẻ con, dụ dỗ và sát hại phụ nữ.
Để cảm ơn vụ mùa cũng như cầu mong loài Elf đừng gây họa, người Bắc Âu hằng năm phải tổ chức huyết tế Álfablót. Họ giết mổ gia súc, chuẩn bị rượu bia, bánh mì, hoa quả dâng cúng. Người Elf sẽ đến từng nhà để uống máu, ăn thịt, đánh chén no nê mới tha cho làng. Nhà nào không cúng thì cả năm đừng hòng yên ổn. Trong thời gian làm lễ, người ngoài bị xua đuổi, cấm đặt chân vào nhà (nhằm bảo vệ họ trước bầy Elf đói khát). Álfablót phản ánh niềm kính sợ sâu sắc của tiền nhân đối với sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên.