Tất cả những nỗ lực của con người để loại bỏ chuột đều thất bại vì không thể thắng được trí thông minh của loài gặm nhấm này.
Không ai biết được người và chuột “chung sống không hòa bình” từ thời nào – có lẽ từ thuở hồng hoang! Bất kể thuộc chi loài, phân loài nào, chuột đều ăn và phá hoại nguồn cung lương thực (và cả thực phẩm) của con người, hỗ trợ cuộc sống của đội quân bọ chét, phục vụ như một đối tượng săn bắt của mèo và chó. Tất nhiên, không ai ưa gì chuột, nhưng rồi vẫn phải “bó tay” trước sự hiện diện của chúng. Ngay cả thiên địch của chuột là mèo thì cũng không phải con mèo nào cũng có thể đối phó với chuột xám.
Chuột xám
Một trong những đại diện lớn nhất của chuột là chuột xám (có nơi gọi là chuột nâu): chiều dài cơ thể của con trưởng thành là 17-28 cm (chưa tính đuôi), nặng 250-450 gram (có cá thể nặng hơn một kg). Màu sắc của những con chuột non là màu xám thuần khiết, khi già đi, trên bộ lông có thể xuất hiện những vùng có tông màu đỏ và nâu; thỉnh thoảng có màu đen và các màu khác.
Môi trường sống ban đầu của chuột xám là Đông Á, nhưng trong những thế kỷ gần đây, chuột xám đã định cư gần như khắp nơi trên thế giới. Chúng có thể ăn hầu hết mọi loại lương thực, nhưng thích thức ăn có nguồn gốc động vật hơn. Mỗi cá thể chuột tiêu thụ 20-25 gam thức ăn mỗi ngày, nếu không có thức ăn, nó có thể sống không quá 3-4 ngày. Rất háo nước. Trong tự nhiên, chuột sinh sản vào mùa ấm (thường 2-3 lứa mỗi mùa hè), còn trong các tòa nhà và hang hốc ở gần con người thì quanh năm.
Trong một lứa, chuột sinh từ 1 đến 20 (trung bình 9) con – theo tuổi của chuột mẹ, số lượng chuột con tăng lên. Chuột mang thai kéo dài khoảng ba tuần, đàn con được sinh ra chưa mọc lông và chưa mở mắt. Sự trưởng thành về giới tính đạt được khi đủ hai tháng tuổi, nhưng đại đa số (hơn 90%) con cái bắt đầu sinh sản không sớm hơn một năm tuổi và con đực thậm chí còn muộn hơn. Tổng tuổi thọ là khoảng ba năm. Chuột cái lót ổ bằng rơm, lông tơ, vải vụn, giấy hoặc bất kỳ vật liệu dạng sợi nào khác.
Được biết, quần thể chuột tự nhiên có dân số khá ổn định, trong khi quần thể chuột thành thị có thể biến động mạnh. Chúng mang bệnh leptospirosis, bệnh sốt thỏ, giả lao, sốt sodoku… Trong thời gian bùng phát dịch hạch, chuột thành thị trở thành ổ chứa mầm bệnh tạm thời, nhưng các ổ bệnh dịch hạch tự nhiên dựa trên quần thể chuột xám là tương đối hiếm và thường không ổn định.
Chuột cống ở Việt Nam ta là một chi loài gần với chuột xám.
Những kẻ xâm lược tàn nhẫn
Đột nhiên, vào nửa đầu thế kỷ 18 ở châu Âu, hết thành phố này đến thành phố khác, bắt đầu xuất hiện những con chuột to lớn – to hơn rõ rệt so với chuột bản địa. Chúng có màu xám đỏ, trơ trẽn, xảo quyệt, lén lút… Những vị khách không mời to lớn này xua đuổi hoặc thậm chí tàn sát loài chuột đen sở tại và nhân lên nhanh chóng, chiếm hết lãnh thổ này đến lãnh thổ khác.
Chuột xám không từ chối ngũ cốc và rau, nhưng sẵn sàng ăn thịt, xúc xích, mỡ lợn, ăn trộm trứng, giết gà, lợn sơ sinh và cừu non. Đôi khi, chúng cũng không kiêng dè thịt người: chúng có thể tấn công những đứa trẻ nhỏ không được bố mẹ coi ngó cẩn thận hoặc ăn thịt người đã khuất (đặc biệt là trong các đợt dịch bệnh hoặc các thảm họa khác, khi có nhiều xác chết nằm trên đường phố). Và khi bị dồn vào bước đường cùng, chúng liều lĩnh lao thẳng vào kẻ truy đuổi, khiến không chỉ mèo mà cả người cũng phải bỏ chạy. Răng chuột là một công cụ linh hoạt, có khả năng tự mài sắc, phát triển liên tục trong suốt cuộc đời. Cả gỗ, nhựa hay kim loại mềm đều không thể chống lại được sức gặm của răng chuột.
Không ai biết những “khách không mời” khủng khiếp này đến từ đâu, nhưng người ta nhận thấy rằng ở mọi quốc gia có biển, sự phân bố của chúng bắt đầu từ các thành phố cảng. Và khi, vào năm 1769, nhà tự nhiên học người Anh John Berkenhout cuối cùng đã mô tả một loài gặm nhấm mới theo tất cả các quy tắc phân loại sinh học (vừa được Carl Linnaeus chuẩn hóa), và ông kết luận rằng chuột xám đã xâm nhập vào Anh qua tàu thuyền Na Uy. Dựa trên điều này, con vật được đặt tên là Rattus norvegicus – “Chuột Na Uy”.
- Bộ luật Napoleon (Bộ luật dân sự Pháp 1804)
- “Kỵ binh bay” (Winged Hussars) và trận giải vây thành Vienna 1683
- Chiến dịch diệt chim sẻ thời cách mạng văn hóa Trung Quốc
Nhưng Berkenhout đã sai: bằng chứng đầu tiên về chuột xám ở Anh có từ năm 1728, khi chúng chưa có mặt ở Na Uy. Nhiều khả năng, chúng đến Anh từ Đan Mạch. Tuy nhiên, không có lý do gì để đặt tên là “chuột Đan Mạch”, vì quê hương của chúng, theo các nhà khoa học hiện đại, nằm ở một nơi vô cùng xa: miền Đông Trung Quốc. Và thời điểm xuất hiện loài này được cho là vào kỷ băng hà.
Không, đừng nghĩ rằng giống loài này được sinh ra trong băng – băng hà không hề ảnh hưởng đến Đông Trung Quốc. Trong giai đoạn băng hà, nhờ lợi thế địa hình (phía Đông giáp biển, phía nam giáp những dãy núi cao, sa mạc trấn phía tây nên dòng sông băng đã ngừng hoạt động ở thảo nguyên lạnh giá ở phía Bắc), Trung Quốc trở thành một hòn đảo nhỏ có khí hậu ấm áp và ẩm ướt, nơi có một loài gặm nhấm “bất khả chiến bại” đã hình thành và tồn tại cho đến ngày nay, có khả năng ăn bất cứ thứ gì, nhưng thích thức ăn động vật hơn.
Quần thể ưa thích nước
Trong tự nhiên, chuột xám ưa sống gần nước, thích những bờ dốc thoai thoải với nền đất mềm, nơi chúng có thể đào một cái hang dài (đến 5 mét). Khi nơi trú ẩn này bị ngập lụt, chuột di chuyển vào các hốc đá trên cao và nếu không có hốc, chúng sẽ trú tạm trên những cây gần đó.
Chúng không sợ nước chút nào, bơi và lặn hoàn hảo (do có màng bơi nhỏ ở chân sau), chúng kiếm thức ăn trong nước – động vật nhuyễn thể, bọ cánh cứng, ếch và đôi khi là cá.
Nói chung, chuột xám tấn công bất kỳ con mồi nào, từ côn trùng đến chim bồ câu và cả chuột đồng có kích thước không thua kém mình. Về sự tinh khôn và khéo léo chuột đồng kém xa chuột xám.
Pasyuks thường sống theo nhóm lớn, đôi khi sống thành bầy đàn, nhiệt tình bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên khỏi những “kẻ lạ”. Đồng thời, chuột sở hữu một trí nhớ siêu phàm – khi vượt qua mê cung phức tạp, chuột có thể ghi nhớ lộ trình tốt hơn so với con người.
Chuột xác định “bạn bè” và “người lạ” bằng mùi: tất cả các thành viên của bầy đàn đều có quan hệ huyết thống, liên tục duy trì tiếp xúc cơ thể với nhau, mùi của chúng có một thành phần chung. Nếu bạn giữ con chuột non trên một chiếc ổ còn sót lại từ một nhóm lạ, sau đó thả nó về bầy cũ, các thành viên của bầy sẽ xé nó ra vì ngửi thấy mùi lạ. Số phận tương tự đối với những cá thể nhỡ lạc vào bầy lạ.
Các cuộc giao tranh bạo lực cũng không phải là hiếm trong nhóm, mặc dù hầu như không gây bất cứ trường hợp tử vong nào. Chính thiên nhiên đã kích thích các cuộc chiến của chúng: pasyuki đực có một cơ chế sinh lý thú vị – sau mỗi cuộc ẩu đả thành công, con chuột chiến thắng sẽ lớn lên một chút và tăng cân (về nguyên tắc, chuột xám có thể phát triển cả đời). Những nhà vô địch như vậy trở thành kẻ thống trị bầy đàn và là cha của phần lớn những con non trong bầy.
Trốn vé lên tàu
Nói chung, nhiều loài động vật phải ganh tị với sức chịu đựng và sức sống dẻo dai của chuột xám.
Sau thời kỳ gian băng, từ “khu bảo tồn” chuột ở Đông Trung Quốc chuột xám bắt đầu lan ra khắp thế giới. Trong một thời gian dài, do gắn bó với nước, chúng di chuyển rất chậm: trong 13 nghìn năm mở rộng địa bàn, loài động vật này chỉ đến được Altai, Vùng ven hồ Baikal và Primorye (ngày nay thuộc Nga). Ở những nơi này (cũng như trên bán đảo Sakhalin, Nam Kuriles và ở Nhật Bản), một phân loài đặc biệt của Rattus norvegicus caraco vẫn còn sống – đó chính là dạng nguyên bản của loài chuột xám.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi xuất hiện những phương tiện giao thông hàng hải. Các tàu thuyền này chuyên chở mang theo ngũ cốc, dầu, da sống, nguồn cung cấp thực phẩm cho thủy thủ đoàn… Vào thời điểm đó, chuột xám đã thích nghi hoàn hảo với cuộc sống trong các không gian nhân tạo kề cận con người như nhà, xưởng, kho bãi… và từ đó chúng dễ dàng lên tàu, dù là “lậu vé”.
Vào khoảng đầu kỷ nguyên Công lịch, chuột xám bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ, trong thời Trung cổ, nó đã làm chủ các cảng ở Vịnh Ba Tư, ven Biển Đỏ và vùng Đông Phi. Và sau khi nhà hàng hải Bồ Đào Nha Vasco da Gama tìm ra con đường biển đến Ấn Độ, việc chinh phục châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian đối với lũ chuột. Các “đội tiên phong” của chúng tập trung ở các thành phố cảng Ấn Độ, các cảng vùng Đông Phi để hễ có dịp là “trốn vé”, lên tàu đi chu du thiên hạ. Và vào đầu thế kỷ 18, chuột xám đã trở thành loài chuột thống trị ở tất cả các nước châu Âu.
Từ thập niên 1770, chuột xám đã xâm nhập vào châu Mỹ, sau đó là Úc, New Zealand, Tây Phi … Cuộc chinh phục hành tinh này tiếp tục diễn ra cho đến thế kỷ 20: vào những năm 1940, chuột xám đã xâm nhập vào các thành phố ở Trung Á và Nam Siberia. Vào những năm 1950, chúng lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Alberta của Canada, vào những năm 1980, chúng đột nhập vào Tajikistan và Thung lũng Ferghana. Hiện tại, vẫn còn những khu vực trên Trái đất mà chuột xám chưa đến được, nhưng có lẽ chỉ có Nam Cực, những vùng hoang vắng ở Bắc Cực và một số hòn đảo mới hi vọng thoát khỏi chúng.
Tuy nhiên, cuộc chinh phục này khá tùy tiện: ở hầu hết các nơi, chuột không lan rộng khắp lãnh thổ mà ở gần con người. Và chỉ ở những nơi có khí hậu ấm áp, loài gặm nhấm này đôi khi trở về tự nhiên, tạo ra các “khu định cư chuột” dọc theo bờ những hồ chứa nước.
Chuột xám không sợ lạnh, chỉ sợ đói: ở những nơi có đủ thức ăn, chúng có thể thản nhiên chịu đựng những đợt sương giá khắc nghiệt nhất. Tại các nhà máy chế biến thịt, người ta nhiều lần tìm thấy chuột trong tủ đông: chúng sống ở bên trong các xác gia súc đông lạnh, chỉ ăn thịt; chuột cái xây tổ từ các sợi gân lợn, gân bò hay những sợi lông còn sót lại trên thân gia cầm đông lạnh rồi sinh con trong đó, ở nhiệt độ âm 18 độ C – thật đáng kinh ngạc!
Răng chuột là một công cụ linh hoạt, có khả năng tự mài sắc, phát triển liên tục trong suốt cuộc đời. Cả gỗ, nhựa hay kim loại mềm đều không thể chống lại công cụ này.
Rõ ràng là một loài động vật có khả năng sinh tồn cao trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy sẽ dễ dàng làm chủ bất kỳ môi trường sống đô thị nào. Chuột xám chỉ ngại độ cao: chúng thường không thích sống trong các không gian từ tầng 10 trở lên. Ngược lại, tầng hầm và bất kỳ không gian ngầm nào, chặng hạn đường tàu điện ngầm là địa bàn sống ưa thích đối với chúng. Do ưa nước, chúng cũng chọn cống rãnh, nơi không loài gặm nhấm nào sinh sống được.
Theo Vokrugsveta