Máy chém, được gọi một cách mỉa mai là “công cụ hành quyết nhân đạo”, tồn tại và hoạt động ở nước Pháp suốt 185 năm liền, từng lấy đầu vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette cùng hàng nghìn hàng vạn người khác, trong đó có cả những nhân vật hàng đầu của Đại cách mạng Pháp.
Từ ý tưởng của một thầy thuốc cách mạng
Bác sĩ Joseph Ignace Guillotin, thành viên Quốc hội lập pháp thời Cách mạng tư sản Pháp, được coi là “cha đẻ” của máy chém. Tên ông được người Pháp đặt cho loại công cụ hành quyết này (guillotin). Thực ra, ông chỉ là người đưa ra ý tưởng về một dạng công cụ hành quyết đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng, không gây đau đớn kéo dài cho tội nhân. Một ý tưởng hoàn toàn xuất phát từ tinh thần nhân đạo. Là ủy viên Hội đồng soạn thảo hiến pháp, Guillotin vốn phản đối án tử hình.
Song ông cũng nhận ra rằng trong thời kỳ cách mạng, việc loại bỏ hoàn toàn án tử hình là không tưởng. Vì thế ông đề xuất biện pháp thi hành án tử một cách nhân đạo hơn, mang nhiều nét văn minh, tiến bộ hơn, cụ thể là phải cơ giới hóa quá trình hành quyết, thay người thi hành bằng máy móc, dù đó chỉ là một cỗ máy đơn giản. Nhiều đồng chí của ông, trong đó có cả Maximilien Robespierre, một trong những người được coi là linh hồn của Cách mạng tư sản Pháp, cũng đề nghị xóa bỏ án tử hình, vì cho rằng nó đi ngược với tinh thần vế thứ ba trong khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của Cách mạng.
Nhưng tình hình thực tế có khác: kẻ thù của Cách mạng chống cự điên cuồng, vì thế không thể áp dụng tư tưởng bác ái trong trường hợp này. Ngày 1/6/1791, Quốc hội lập hiến chính thức tuyên bố vẫn duy trì án tử hình và đến ngày 6/10 thì thông qua điều luật cấm sử dụng nhục hình trong điều tra, xét xử và mọi tử tội đều bị hành quyết theo phương thức duy nhất là chặt đầu. Nhiệm vụ thiết kế, chế tạo “máy chặt đầu” theo ý tưởng của Guillotin được giao cho bác sĩ Antoine Louis, viện sĩ Hàn lâm y học Pháp, đồng thời cũng là thành viên Quốc hội lập hiến.
Rắc rối thi hành án tử
Trước Cách mạng, tại Pháp tồn tại rất nhiều hình thức thực hiện án tử hình, mỗi nhóm tội danh được áp dụng một cách hành quyết khác nhau. Tội cướp bóc bị xử bằng cách cho xe ngựa chà chết, tội mưu phản – tứ mã phanh thây, tội làm tiền giả bị đun sống trong vạc dầu sôi, tội trộm cắp bị treo cổ, tội tà giáo – thiêu trên giàn hỏa, v.v.
Riêng tội giết người do ngộ sát được xử “nhẹ” hơn, bằng cách chặt đầu (thời đó, chặt đầu được coi là một ân huệ so với những hình thức hành quyết khác. Tuy nhiên, hình thức chặt đầu lắm khi cũng gây đau đớn kéo dài cho tội nhân, nếu đao phủ không giỏi tay nghề. Điển hình là vụ xử tử bá tước Henry de Perigore, bị buộc tội mưu sát Hồng y giáo chủ De Chelle, được thực hiện vào năm 1626. Thực ra, vụ mưu sát này do hoàng đệ và hoàng hậu của vua Louis XIII chủ mưu. Hai người này sau đó hối hận, muốn cứu kẻ hàm oan, bèn chuốc rượu viên đao phủ hoàng gia đến say khướt, tới giờ hành quyết thì không thể bước ra pháp trường.
Nhưng vua Louis XIII đã chọn ngay một người trong số các tử tù, hứa sẽ tha bổng nếu anh ta chém đầu bá tước Perigore. Người này sung sướng nhận lời tức khắc. Nhưng do không tinh thông nghề đao phủ nên anh ta rất lóng ngóng: nhát chém đầu tiên chỉ đủ làm cho tử tội ngã lăn ra sàn. Không biết cách chém làm sao cho đúng, viên đao phủ nghiệp dư bàn kề lưỡi kiếm vào cổ tử tội mà cứa, nhây nhưa mãi vẫn chẳng nên trò trống gì. Do quá sốt ruột, một người trong đám đông chứng kiến cuộc hành quyết đã ném lên bục gỗ của đoạn đầu đài một cây đục với lời khuyên hãy dùng nó mà kết liễu đời tử tội.
- Atlanropa – rút nước Địa Trung Hải để sát nhập Âu-Phi
- Nguồn cơn chiến tranh Nga-Ukraine, xung đột từ đâu mà ra
- Trận Bull Run lần thứ nhất và thấy bại cay đắng của quân miền bắc
Nhưng viên đao phủ tay mơ vẫn vụng về lóng ngóng với cây đục trong tay, mãi tới nhát đâm thứ 34 mới hoàn thành sứ mạng (sau nhát đâm thứ 29, nạn nhân vẫn còn gào thét được). Cũng cần biết rằng việc chém đứt lìa đầu tử tù chỉ bằng một nhát kiếm duy nhất là vô cùng khó, ngay cả những đao phủ lão luyện cũng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Thế rồi đến năm 1632, khi xử tử quận công Monmoransie, người ta gắn lưỡi đao vào một súc củi tạ, đao phủ thả từ trên cao xuống cắt ngọt đầu tử tù bị trói nằm dưới đấy. Đó có thể coi là tiền thân của máy chém sau này.
Như đã nói, việc thiết kế, chế tạo máy chém theo ý tưởng của Guillotin được giao cho bác sĩ Antoine Louis, viện sĩ Hàn lâm y học Pháp, cũng là thành viên quốc hội lập hiến. Ông đã dày công sưu tầm bản vẽ, bản khắc hay văn bản mô tả những công cụ hành hình từ thời Trung cổ ở các nước khác nhau, nghiên cứu chúng thật kỹ để rồi chọn lọc ra những gì cần thiết, phù hợp cho cỗ máy của mình. Nhưng, mặc dù bản thiết kế của ông rất hoàn chỉnh, khâu thi công vẫn gặp khó khăn. Cánh thợ, kẻ thì quá ghê sợ, không dám làm, người thì đòi tiền công quá cao, cao hơn cả lương bổng thường niên của một công tước. Cuối cùng, Tobias Smith, một thợ dương cầm người Đức, nhận lời làm máy chém với mức thù lao chấp nhận được. Cựu đao phủ hoàng gia Pháp Sharles-Henri Sanson được cử làm “cố vấn kỹ thuật” cho Smith.
Ngày 25/3/1792, Quốc hội lập hiến thông qua điều luật loại bỏ vua chúa phong kiến, bằng hình thức chặt đầu và chính thức thừa nhận máy chém là công cụ hành quyết duy nhất của tòa án cách mạng. Việc chế tạo máy chém lúc đó cũng vừa hoàn thành và được thử nghiệm thành công mỹ mãn với khoảng một tá cừu và ba cái xác vô thừa nhận. Mục đích chính của máy chém là để hành quyết và đàn áp tinh thần những kẻ thù của cách mạng, nhưng nạn nhân đầu tiên của nó lại chỉ là một kẻ trộm cướp giết người khét tiếng, Jean Peltie, bị hành quyết ngày 25/4/1792. Đúng như mọng đợi của nhà thiết kế, từ độ cao 2,3m, lưỡi dao nặng 7kg xé gió lao xuống, chặt phăng đầu tử tội trong nháy mắt. Rất nhanh chóng và hiệu quả, nạn nhân không bị đau đớn kéo dài. Nhưng đám đông chứng kiến thì cảm thấy thất vọng vì mọi chuyện diễn ra quá nhanh chóng, chẳng mấy ấn tượng.
Dù vậy, với tiện ích nhanh chóng và đơn giản, máy chém đã phát huy tối đa tác dụng trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Chỉ tính từ ngày 21/8/1792 (lần đầu tiên hành quyết kẻ thù của cách mạng bằng máy chém) cho đến khi cách mạng chính thức thất bại vào ngày 28/7/1794, có đến hơn 61.000 cái đầu lìa khỏi cổ dưới lưỡi dao máy chém, trong đó khoảng 19.000 trường hợp ở ngay tại Paris. 6 chiếc máy chém đặt ở các quảng trường lớn của thủ đô hoạt động gần như liên tục suốt ngày đêm; một trong số đó có ngày cao điểm đã phải chặt 60 cái đầu. Máy chém cũng theo các đoàn quân cách mạng đi về những địa phương xa xôi để đàn áp những cuộc nổi dậy của phái bảo hoàng.
Máy chém “chinh phục” châu Âu
Hồi cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, các nhà khoa học cho rằng đầu người còn sống thếm ít nhất 10 giây sau khi rời khỏi cổ. Vì thế, ngay sau khi hành quyết, đao phủ phải nhặt cái đầu lên hướng phần mặt về phía đám đông chứng kiến để tử tội có thể… “nhìn đời lần cuối”. Cần biết, thời đó có khá nhiều nhân vật nổi tiếng lìa đời dưới lưỡi dao máy chém, chẳng hạn vua Louis XVI, hoàng hậu Marie-Antoinette (do phe Cách mạng xử), các lãnh tụ cách mạng như Danton, Desmoulins, Robespierre và thậm chí cả nhà bác học vĩ đại Antoine Lavoisier, một trong những người sáng lập nền hóa học hiện đại (do phái Bảo hoàng xử).
Ngày 21/1/1793, “kẻ thù số 1 của cách mạng” (vua Louis XVI), lên đoạn đầu đài, xác bị ném vào một cái hố gần nhà thờ Madlene, rắc vôi rồi lấp đất. Ngày 16/10 cùng năm, hoàng hậu Marie-Antoinette cũng chịu chung số phận. Tương truyền, khi đao phủ nắm tóc giơ cái đầu ra trước mặt quần chúng chứng kiến buổi hành quyết, người đàn bà gốc Áo từng khuynh đảo nước Pháp này bỗng trợn ngược đôi mắt khiến đám đông hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Thời cuộc chuyển vần, Cách mạng tư sản Pháp thành công rồi thất bại, đến lượt chính các chiến sĩ cách mạng bị phái bảo hoàng đưa lên máy chém. Một thời từng có những lời đồn thổi rằng chính cha đẻ của máy chém, bác sĩ Joseph Guillotin, cũng bị rơi đầu dưới lưỡi dao máy chém. Nhưng sự thật thì ông chết vì bệnh khi đã về già, vào năm 1814. Dòng họ của ông nhiều lần yêu cầu Viện Hàn lâm đổi tên gọi của máy chém, không gọi là guillotin nữa, nhưng không thành, cuối cùng họ phải làm thủ tục xin đổi sang họ khác.
Cho đến giữa thế kỷ 19, máy chém không được sử dụng nhiều ở các nước châu Âu, chỉ vì nỗi ám ảnh rằng đó là “công cụ đàn áp” đáng sợ. Tuy nhiên, dần dần châu Âu cũng nhận thấy rằng máy chém là một công cụ hành quyết giản tiện, hiệu quả nên đưa vào sử dụng ngày một nhiều, chủ yếu để trừng tri các tội phạm hình sự.
Sau Thế chiến II, tuyệt đại đa số các nước châu Âu loại bỏ máy chém ra khỏi danh mục các công cụ hành quyết, duy chỉ nước Pháp vẫn sử dụng cho đến tận cuối thập niên 1970. Cuộc hành hình công khai bằng máy chém diễn ra lần cuối cùng vào ngày 17/6/1939. Tử tội là Eugen Weidmann, kẻ đã giết chết 7 người một lúc. Thái độ điên loạn của đám đông cuồng nộ cùng với sự hăng hái thái quá của đám phóng viên chứng kiến buổi hành quyết đã khiến chính quyền Pháp buộc phải chấm dứt việc hành quyết công khái bằng máy chém – từ đó, việc thi hành án tử hình bằng máy chém chỉ được phép diễn ra trong nội thất khép kín của nhà tù. Ngày 10/10/1977 diễn ra cuộc hành quyết cuối cùng bằng máy chém, tử tội là Hamid Janduby, một người tị nạn gốc Tunisia, phạm tội giết chết người yêu của mình.
Năm 1981, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand ký pháp lệnh từ bỏ án tử hình trên khắp đất nước. Cả nước Pháp hiện chỉ còn hai cỗ máy chém, được lưu giữ trong nhà tù Frene như chứng tích của một giai đoạn lịch sử.