Phần 1 : Ulus – sự tiếp nối của truyền thống văn hóa chính trị du mục
Ulus là 1 trong những khái niệm quan trọng nhất để hiểu về bản chất nhà nước của Đế chế Mông Cổ. Khi Thành Cát Tư Hãn hoàn thành thống nhất toàn bộ cao nguyên phương Bắc, người Mông Cổ gọi quốc gia của họ là “Mongol Ulus” hoặc “Yeke (=Great) Mongol Ulus”. Đó là 1 ulus khổng lồ duy nhất chứa bên trong nó 1 số lượng các ulus nhỏ hơn. Trong số các ulus được Thành Cát Tư Hãn phân chia thời kỳ đầu (primitive uluses), 2 ulus ở cánh phải của dòng Chaghadai (Sát Hợp Đài) và Jochi (Truật Xích) đã phát triển lớn mạnh, cùng với ulus của dòng Hülegü (Húc Liệt Ngột – con thứ Đà Lôi) thành lập về sau tạo thành “Tam đại hãn quốc” ở phương Tây, trên thực tế trở thành những Đế chế độc lập đối với Qa’an Ulus (Đại Hãn Quốc – hay Nhà Nguyên sau này) ở phía Đông. Đến lượt mình, các ulus này lại tiếp tục phân cấp thành các ulus nhỏ hơn bên trong chúng (secondary uluses), và thậm chí tiếp tục phân mảnh xa hơn nữa. Tuy nhiên, dưới góc nhìn người Mông Cổ đương thời, xét cho cùng chúng vẫn chỉ là những bộ phận hợp thành nên Yeke Mongol Ulus mà thôi. Do đó, khái niệm về ulus chính là cơ sở quan trọng giúp người Mông Cổ duy trì cảm giác thống nhất trong đế chế của họ.
Từ nguyên của nó có thể truy từ thuật ngữ “ulush” trong các văn bản Turk cổ thế kỷ VII – VIII, tích hợp trong đó cả 2 sắc thái ý nghĩa chính : trước hết là về mặt con người và sau đó là về mặt chính trị. Điều này thể hiện sự đặc sắc của lối sống du mục : coi trọng việc kiểm soát và gắn kết giữa con người với nhau hơn là các vùng lãnh thổ vốn không hề có định trên thảo nguyên (và do đó, không thể chuyển ngữ 1 cách bất biến hay chính xác hoàn toàn thuật ngữ này, mà luôn có sự linh hoạt tùy theo bối cảnh chủ thể được nói đến). Truyền thống này vẫn được tiếp nối phổ biến và liên tục sau đó. Chẳng hạn như Ambaqai (Yêm Ba Hài Hãn) của Mông Ngột Quốc – một thực thể tiền thân của Đế quốc Mông Cổ – đã tự xưng là “Qa’an of all and the lord of the people (ulus)” khi ông ta bị bắt giải về Kim quốc. Khi Yesügei (Dã Tốc Cai) bị giết và người của ông ta ly tán, một bô lão trong bộ lạc đã nói với Thiết Mộc Chân rằng “The people (ulus) gathered by your good father, the people of all of us, they have taken with them and moved away”. Thuật ngữ “ulus” không chỉ được dùng riêng cho người Mông Cổ, mà trong “Bí sử Mông Cổ” nó còn được sử dụng đối với tất cả giống dân khác trên thảo nguyên như Kereits (Khắc Liệt), Tatars (Thát Đát), Merkits (Miệt Nhi Khất) hay Naiman (Nãi Man).
Sau khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất thảo nguyên năm 1206, theo truyền thống chính trị du mục, cái thực thể nhà nước gọi là “Yeke Mongol Ulus” mới được tạo ra không phải là tài sản riêng của 1 người cai trị tối cao, mà nó được xem như 1 thứ tài sản chung của tất cả gia tộc ông ta, cần được chia sẻ cho các thành viên còn lại. Do đó, ulus sớm trở thành 1 khái niệm nhị nguyên – vừa là bộ phận lại vừa mang tính toàn thể (both the parts and the totality).
Quá trình này được miêu tả trong các tài liệu như Bí sử Mông Cổ hay Jāmiʿ al-tawārīkh của Rashid al-Din Hamadani. Theo đó, Thiết Mộc Chân ban đầu đã chia tất cả dân chúng của mình thành 95 thiên hộ (mingghans) theo chế độ binh dân hợp nhất, mà các thành viên trong gia tộc được phân phối như sau:
– Thái hậu Ha Ngạch Luân và em út Oát Xích Cân (Temüge) 10.000 hộ, các anh em khác Cáp Tát Nhi (Hasar – nhị đệ) 4.000 – Hợp Xích Ôn (Hachiun – tam đệ) 2000 – Biệt Lặc Cổ Đài (Belgutei – em cùng cha khác mẹ) 1.500, họ tạo thành nhóm các vương Cánh trái (cánh phía Đông)
– Các con Truật Xích (Jochi – trưởng tử) 9.000 – Sát Hợp Đài (Chagatai – nhị tử) 8.000 – Oa Khoát Đài (Ögedei – tam tử) 5.000 – Đà Lôi (Tolui – tứ tử) 5.000, họ tạo thành nhóm các vương Cánh phải (cánh phía Tây).
Ta thấy sự phân chia này trước hết là về mặt con người, và đất đai là yếu tố được tích hợp vào sau đó. Phạm vi ban đầu của 4 ulus phía Tây trải dài từ núi Altai đến Khangai, chẳng hạn như Jochi Ulus nằm ở lưu vực sông Irtysh thuộc phía bắc của dãy Altai, Ögedei ulus nằm ở lưu vực sông Ulungur, Chagatai ulus ở phía nam dãy Altai, còn Tolui ulus thì xung quanh núi Khangai. Trong khi đó 4 ulus phía Đông kéo dài từ sông Selenge đến núi Đại Hưng An, chẳng hạn như Temüge ulus tại thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ, Hachiun ulus ở lưu vực sông Urgen hay Hasar ulus ở lưu vực sông Argun. Cùng với quá trình bành trướng thành công của nhà nước Mông Cổ, các ulus cũng không ngừng được mở rộng theo. Điển hình nhất là trường hợp Jochi ulus, trong chiến dịch Tây chinh Khwarazmian, Thành Cát Tư Hãn đã tuyên bố chia cho con trai cả của mình 1 vùng đất trải dài từ các khu vực Qayaligh và Khorazm cho đến phần tận cùng của Saqsin và Bulghar (thuộc lưu vực Volga) và “đến tận nơi xa nhất (về phía Tây) mà vó ngựa Mông Cổ có thể vươn tới” (as far in that direction as the hoofs of Tartar horse had penetrated). Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, vì phạm vi của đế chế Mông Cổ lúc này vẫn chưa mở rộng ra khỏi Trung Á, ngoại trừ cuộc viễn chinh chỉ mang tính thăm dò của 2 danh tướng Triết Biệt – Tốc Bất Đài.
Như vậy về mặt phương vị lãnh thổ ban đầu, Yeke Mongol Ulus được chia thành 2 cánh với 8 ulus nhỏ hơn bên trong nó. Mỗi ulus này được mang tên của người sở hữu đầu tiên, chẳng hạn như “Jochi ulus”, được coi như là “tài sản cá nhân” (private property) và được quyền thừa kế trong nội bộ dòng Truật Xích. Riêng Qa’an Ulus hay Center Ulus được coi là 1 thứ tài sản chung (common property) mang tính biểu tượng quyền lực và nền thống nhất của cả Đế chế, mà nó sẽ thuộc về bất kỳ ai thuộc gia tộc Bojijin được thừa kế ngôi vị Khả hãn thông qua 1 Kurultai – tức Hội đồng toàn thể quý tộc.
Ít nhất là cho đến thời Oa Khoát Đài Hãn, người đứng đầu các ulus vẫn chủ yếu đóng vai trò “thủ lĩnh quân sự” trực tiếp lãnh đạo dân chúng – binh lính của mình tham gia chiến tranh dưới quyền Đại hãn, hơn là những “nhà cai trị” với 1 lãnh thổ chính trị được xác định rõ ràng. Hay nói cách khác, chúng vẫn chưa phát triển thành những “nhà nước con” bên trong Đế quốc.
Song, những cuộc chinh phạt và mở rộng không ngừng của Đế quốc Mông Cổ đã dẫn đến những chuyển đổi quan trọng sau đó.
Phần 2 : Từ Ulus đến Khanate
Thành Cát Tư Hãn mất năm 1227, các đời Khả hãn kế tục ông như Oa Khoát Đài (1229 – 1241) – Quý Do (1246 – 1248) – Mông Ca (1251 – 1259) vẫn tiếp nối công cuộc chinh phạt và bành trướng của Đế quốc Mông Cổ. Trong giai đoạn kéo dài 1/3 thế kỷ này, đi cùng với những thắng lợi quân sự và mở rộng cương thổ không ngừng ra bên ngoài, là quá trình tích tụ và phát triển 1 cách phức tạp các mối mâu thuẫn – tương quan bên trong 4 nhánh chính của Gia tộc Bojijin, mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự phân liệt của Đế chế về sau
Sau khi tiêu diệt nước Kim và thôn tính toàn bộ Hoa Bắc, Oa Khoát Đài quyết định phát động cuộc Tây chinh lớn lần hai (1236 – 1242). Kết quả là chinh phục thành công toàn bộ thảo nguyên Khâm Sát (Kipchak) và lưu vực các sông Volga – Dniepr, cướp phá và biến các công quốc Kievan Rus’ thành chư hầu, đồng thời xâm nhập đến Ba Lan – Hunggary trước khi rút lui về phía Đông. Song cũng chính trong cuộc viễn chinh này, đã xảy ra những bất hòa không thể hàn gắn giữa Bạt Đô (nhị tử của Truật Xích – người kế thừa Jochi ulus) và nhóm các vương Quý Do (Güyük – đích trưởng tử của Oa Khoát Đài) – Bất Lý (Büri – đích tôn của Sát Hợp Đài). Thật ra ngay từ lúc Thiết Mộc Chân còn sống, từ những mâu thuẫn trong vấn đề kế vị, đã ngầm hình thành thế liên minh đối kháng lẫn nhau giữa các nhánh gia tộc Truật Xích – Đà Lôi và Oa Khoát Đài – Sát Hợp Đài. Sự xung đột giữa Bạt Đô và Quý Do chỉ là sự chính thức hóa và phát triển thêm 1 bước của mối tương quan này mà thôi.
Đến đời Khả hãn Quý Do, địa vị nhà thống trị tối cao của ông ta bắt đầu bị sự thách thức từ người anh họ Bạt Đô. Với tư cách là trưởng tôn của Thành Cát Tư Hãn, Bạt Đô có vị thế rất cao bên trong đại gia tộc Bojijin thế hệ thứ ba. Thành quả của cuộc Tây chinh lần hai đã củng cố và mở rộng nền tảng thực lực cho nhánh gia tộc Truật Xích. Carpini (thành viên của sứ đoàn được Giáo hoàng Innocentius IV phái đến Qaraqorum 1245 – 1246) đã ghi nhận rằng Bạt Đô là “the richest and most powerful after the Emperor”. Trên cơ sở đó, ông ta đã ra mặt chống đối bằng cách từ chối tham gia Kurultai bầu chọn Qa’an năm 1246, mà chỉ có cái chết đột ngột của Quý Do năm 1248 mới ngăn chặn được 1 cuộc chiến lớn bên trong Đế chế.
Mặc dù vậy, mối mâu thuẫn Quý Do – Bạt Đô thể hiện tính cá nhân hơn là sự đối kháng toàn diện giữa các nhánh gia tộc. Và trong giai đoạn này, những phần đất đai mở rộng nhờ cuộc Tây chinh lần hai – chẳng hạn như lưu vực Dniepr – vẫn được xem là tài sản chung của toàn thể gia tộc Bojijin, mà các vương khác ngoài hệ Truật Xích – chẳng hạn như Mục Trực Triết Biệt (Mochi Yebe – con trai trưởng của Sát Hợp Đài) – vẫn được quyền chiếm hữu chăn thả. Nghĩa là, Jochi ulus đã bắt đầu thể hiện xu hướng ly tâm khỏi Qa’an Ulus, song về mặt pháp lý lẫn thực tiễn, nó chưa được cơ cấu thành 1 nhà nước hoàn thiện đúng nghĩa
Cái chết của Quý Do Hãn khiến mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Hai gia tộc Đà Lôi – Truật Xích liên kết với nhau để lật đổ thế thống trị của gia tộc Oa Khoát Đài. Với sự hậu thuẫn của Bạt Đô, Mông Ca (Möngke) – đích trưởng tử của Đà Lôi – được bầu làm Đại hãn trong Kurultai 1251. Sau 1 âm mưu đảo chính bất thành, nhiều thành viên cấp cao của liên minh 2 gia tộc Oa Khoát Đài – Sát Hợp Đài bị thanh trừng, dẫn đến sự suy yếu quyền lực nghiêm trọng của 2 nhánh này. Cùng với đó, để trả ơn Bạt Đô trong việc ủng lập mình, Mông Ca Hãn đã xác nhận quyền thống trị phía Tây của ông ta. Rubruck (thành viên của sứ đoàn Pháp được vua Louis IX cử đến Mông Cổ 1253 – 1254) đã thuật lại lời vị Đại hãn “Just as the sun spreads its rays in all directions, so my power and that of Batu are spread to every quarter”. Từ đây, dù rằng vẫn thừa nhận tính chất tối cao của các Khả hãn ở phương Đông trên danh nghĩa, song Jochi ulus đã trở thành 1 hãn quốc độc lập – với cái tên được biết đến rộng rãi trong thế giới phương Tây là Kim Trướng Hãn quốc (Golden Horde) hay Khâm Sát Hãn quốc (Kipchak Khanate)
Sau khi lên ngôi Đại hãn, Mông Ca đã ủy nhiệm người em ruột của mình là Húc Liệt Ngột (Hülegü) mở cuộc Tây chinh lớn lần ba để chinh phục nốt các chính quyền Hồi giáo còn chưa khuất phục ở Tây Á. Trong khi đó, ông ta cùng với 1 người em khác là Hốt Tất Liệt (Kublai) tiếp tục công cuộc Nam chinh từ thời Oa Khoát Đài Hãn để tiêu diệt hoàn toàn nhà nước Nam Tống. Về mặt lý thuyết, những vùng đất mới được thôn tính trong các cuộc viễn chinh này sẽ thuộc về Qa’an Ulus, tức là tài sản chung của Đế chế. Song Húc Liệt Ngột đã dựa vào quyền thống lĩnh, dần loại bỏ các hậu vương khác, độc chiếm quyền lực và biến vùng đất mới chinh phục ở Tây Á thành tài sản riêng của mình, được gọi là Hülegü ulus. Mặc dù chiếm hữu thành công, nhưng trong mắt của người Mông Cổ thì ulus được hình thành bằng con đường đặc biệt này không có được địa vị ngang hàng với 4 ulus phương Tây đã được Thành Cát Tư Hãn phân chia ban đầu.
Sự kiện Mông Ca Hãn trọng thương rồi qua đời tại chiến trường Tứ Xuyên, tiếp theo đó là cuộc chiến tranh giành ngôi vị Khả hãn giữa 2 anh em Hốt Tất Liệt – A Lý Bất Ca đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng vĩnh viễn cho nền thống nhất của Đế quốc. Ban đầu, những hậu vương lớn thuộc các nhánh Sát Hợp Đài – Oa Khoát Đài – Truật Xích đều ủng hộ A Lý Bất Ca, khiến Hốt Tất Liệt lâm vào tình thế bất lợi. Để tranh thủ các vương cánh phía Tây, Hốt Tất Liệt đã thực hiện nhượng bộ lớn, thừa nhận quyền thống trị của Húc Liệt Ngột và A Lỗ Hốt (Alghu – cháu của Sát Hợp Đài) ở Tây Á và Trung Á. Không những thế, ông ta còn cắt 1 số vùng đất tiếp giáp thuộc quyền thống trị trực tiếp của Khả hãn ban cho họ. Như vậy, nối tiếp Kim Trướng Hãn quốc, các Ulus của Húc Liệt Ngột và Sát Hợp Đài cũng đã trở thành những Hãn quốc độc lập trên thực tế
Tóm lại, sự ly tâm dần dần của các ulus phương Tây đối với Qa’an Ulus (hay còn gọi là Center Ulus – Great Ulus tức Đại Hãn Quốc) là 1 quá trình tất yếu. Từ những thực thể mang tính thái ấp “fief” đặc trưng của văn hóa chính trị du mục buổi đầu, các ulus phương Tây đã phát triển lên thành những thực thể quốc gia – tức là các khanate thực thụ. Điều này xuất phát từ 1 số nguyên nhân sau:
– Thứ nhất, sự mở rộng không cân đối về các hướng của Đế quốc Mông Cổ khiến cho Qa’an Ulus không còn giữ được vị thế “trung tâm” cả về mặt địa lý và chính trị, khiến nó mất đi uy lực và khả năng khống chế đối với các ulus phương Tây đang không ngừng lớn mạnh. Vào cuối thời đại của “Bốn hãn đầu”, Qa’an Ulus trở nên quá thiên về phía Đông, mà Chagatai ulus trên thực tế mới là “Center Ulus” đúng nghĩa về mặt địa lý đơn thuần. Hơn thế nữa, việc Hốt Tất Liệt dời trung tâm chính trị của mình ra khỏi cao nguyên Mông Cổ xuống phía Thượng Đô – Đại Đô, đồng thời tập trung sự chú ý nhiều hơn vào vùng Trung Nguyên của đất Hán, càng khiến cho trục tâm bị lệch Đông, mất đi khả năng kiểm soát hữu hiệu, buộc phải buông bỏ sự khống chế đối với nhiều lãnh thổ phương Tây.
– Thứ hai, chính là sự lớn mạnh không ngừng của bản thân các ulus. Cùng với quá trình bành trướng của Đế quốc Mông Cổ, các ulus được hưởng lợi không đồng đều nhau. Đối tượng thu được nhiều lợi ích nhất là Jochi ulus. Nhờ thành quả của cuộc Tây chinh lần hai, lãnh địa của dòng Truật Xích từ khu vực giữa 2 con sông Irtysh và Ural, đã mở rộng qua khỏi sông Volga đến bờ trái sông Dniepr, hình thành nên Kim Trướng Hãn quốc. Do quá rộng lớn, nó lại tiếp tục phân chia thành “Batu ulus” hay Cánh phải (tức Thanh Trướng Hãn quốc) và “Orda ulus” hay Cánh trái (tức Bạch Trướng Hãn quốc). Bên cạnh Truật Xích, thì Đà Lôi là nhánh gia tộc hưởng lợi thứ nhì với Hülegü ulus hùng cứ Tây Á. Chagatai ulus thì tiếp tục mở rộng về phía Tây qua dãy núi Thiên Sơn đến sông Amu Darya. Cùng với sức mạnh quân sự và uy tín trong gia tộc Bojijin của những người cầm đầu, các ulus này đã lần lượt trở thành những hãn quốc độc lập. Trong khi đó, Ögedei ulus cũng như các ulus cánh phía Đông, do ở quá gần Qa’an Ulus nên đã không thể phát triển.
– Thứ ba, sự xa cách cùng những mâu thuẫn gia tăng dần qua các thế hệ gia tộc Bojijin càng thúc đẩy quá trình ly tâm của những ulus phương Tây. Uy vọng của Thành Cát Tư Hãn đã giúp cho Oa Khoát Đài thuận lợi được bầu chọn vào ngôi vị Đại hãn. Song đến Quý Do đã bắt đầu vấp phải sự chống đối của Bạt Đô – vị vương hùng mạnh nhất phía Tây. Đến khi Mông Ca lên ngôi, lại gặp phải sự chống đối quyết liệt của nhiều hậu vương 2 nhánh Oa Khoát Đài – Sát Hợp Đài. Việc Hốt Tất Liệt lên ngôi trong thế tranh chấp với A Lý Bất Ca càng làm sút giảm uy tín của Khả hãn. Hơn thế nữa, việc ông ta triệu tập Kurultai bầu Đại hãn tại Khai Bình và chỉ bao gồm 1 bộ phận nhỏ thành viên hoàng tộc, càng khiến cho tính chính danh bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với giới quý tộc Mông Cổ bảo thủ. Cuối cùng, khi Hốt Tất Liệt cải quốc hiệu thành Đại Nguyên năm 1271 và biến Qa’an Ulus từ 1 “tài sản chung” mang tính biểu tượng của cả đại gia tộc Bojijin thành 1 thứ tài sản riêng mang tính thừa kế – Kublai ulus – như tất cả ulus còn lại, thì Yeke Mongol Ulus với tư cách là 1 nguyên thể thống nhất (the totality) đã chính thức kết thúc trên thực tế.
Song, những di sản và ảnh hưởng của ulus với vai trò là những bộ phận (the parts) thì vẫn tồn tại lâu dài.
Phần 3 : Và những Ulus bên trong Ulus
Từ 8 ulus ban đầu được Thành Cát Tư Hãn phân chia cho các thành viên Gia tộc Bojijin, bên trong chúng lại tiếp tục được phân cấp thành các ulus nhỏ hơn (secondary uluses). Với tư cách là tài sản riêng của các nhánh gia tộc, nên về mặt nguyên lý, các ulus bậc hai này có thể được tiếp tục phân chia thành những phân mảnh nhỏ hơn, tạo nên 1 hệ thống đa lớp phức tạp (multilayered).
Trước tiên, chúng ta hãy xem xét sự phân cấp bên trong Jochi ulus. Nhà sử học Rashid al-Din cho biết những thông tin quan trọng:
– “Although Jochi Khan’s successor was the second son, Batu, in decrees written by Möngke Qa’an, Orda’s name has precedence. Orda gave his consent to Batu’s becoming ruler and seated him on his father’s throne. Orda commanded half of Jochi Khan’s troops, and Batu commanded the other half. He, his troop, and four of his brothers, Udur, Tuqa Temur, Sinqur, and Shingum, went to the left wing, and until now they are called the Prince of the Left Wing. At present their families are together with Orda’s family. The yurt that belongs to him and to those brothers and their troops is toward the left on the frontier, where his sons and ulus live as before. From the beginning none of Orda’s offspring who succeeded him ever went before the Khan of Batu’s family because they were so far away and ruled their ulus in autonomy. However, it has been their custom that their ruler and king should regconize Batu’s successors and write their names at the top of their decrees.”
Như vậy, con trai cả Truật Xích là Oát Nhi Đáp (Orda) đã nhường quyền đứng đầu gia tộc cho nhị đệ tài năng hơn của mình là Bạt Đô. Ông ta cùng với các em như Ngột Đô Nhi (Udur – thập nhị đệ), Ngốc Hoa Thiếp Mộc Nhi (Tuqa Temur – thập tam đệ), Thăng Khố Nhĩ (Sinqur – cửu đệ), Chân Cổ Mộc (Shingum – thập tứ đệ) ở tại đất cũ tạo ra Orda ulus hay là Cánh trái của Jochi Ulus thần phục dòng Bạt Đô trên danh nghĩa với tư cách là người đứng đầu toàn bộ Jochi Ulus. Trong khi đó Bạt Đô cùng với các em khác như Biệt Nhi Ca (Berke – tam đệ), Tích Ban (Shiban – ngũ đệ) tại vùng đất mới mở rộng ở phía Tây tạo ra Batu ulus hay là Cánh phải.
Trong Cánh phải, lãnh địa trực tiếp của Bạt Đô về sau lại phân chia ra làm Cánh trái, tiếp tục được cai trị bởi nhánh hậu duệ Bạt Đô và Cánh phải, được cai trị bởi nhánh hậu duệ của Thổ Oát Nhĩ (Teval – thất đệ)
Hệ thống phân cấp như sau :
– Jochi Ulus -> Left Wing (Orda ulus, Udur ulus, Tuqa Temur ulus, Singur ulus, Shingum ulus..)
-> Right Wing
-> Batu ulus -> Left Wing (Tokhta)
-> Right Wing (Nogai)
-> Berke ulus
-> Shiban ulus..
Chagatai ulus được phân ra làm 2 ulus lớn. Nhánh phía Tây thuộc dòng đích (tức Baraq ulus) do Đô Oa (Duwa) đứng đầu giành được quyền thống trị Hãn quốc Sát Hợp Đài tại Trung Á; nhánh phía Đông thuộc dòng thứ (tức Alghu ulus tại Hành lang Hà Tây) do Xích Bá (Chübei) đứng đầu thất bại trong việc tranh giành kế vị, quay sang thần phục và ủng hộ Hốt Tất Liệt.
Chính quyền nhà Nguyên bố trí chi Sát Hợp Đài trung thành này trở thành 1 hệ thống phiên vương trấn đóng bảo vệ mặt tây bắc Đế chế. Trong đó Chübei ulus (tức Alghu ulus) lại tiếp tục phân chia thành 1 số ulus nhỏ hơn. Chẳng hạn Nam Hốt Lý (Nomquli – con trai Xích Bá) trở thành Bân Vương với lãnh địa tại Sa Châu – Qua Châu, một con trai khác cai trị khu vực từ Sa Châu tới Hami với tước hiệu Tây Ninh Vương, một nhánh nữa được phong Uy Vũ Tây Ninh Vương với lãnh địa xung quanh Hami thuộc cực tây Qa’an Ulus.
Trong cuộc đấu tranh chuyển địa vị Khả hãn vào hệ Đà Lôi, gia tộc Oa Khoát Đài bị trấn áp thẳng tay. Sau khi Mông Ca lên ngôi, Ögedei ulus bị chia cắt, chỉ những thành viên nào không chống đối mới được ban cho các ulus nhỏ và phân tán đến các khu vực khác nhau. Chẳng hạn như Hợp Đan (Kadan – lục tử Oa Khoát Đài) đến Biệt Thất Bát Lý (Beshbalik), Diệt Lý (Melik – thất tử) đến Irtysh, Hải Đô (con trai của Hợp Thất – ngũ tử) đến Qayaliq, Thoát Thoát (con trai của Cáp Lạt Sát Nhi – tứ tử) đến Emil, Mông Ca Đô (con trai của Khoát Đoan – nhị tử) đến phía tây Khotan. Mục đích là để họ không thể liên kết lại với nhau để chống lại gia tộc Đà Lôi. Tuy nhiên Hải Đô – người cháu kiệt xuất nhất của dòng Oa Khoát Đài – đã vươn lên xác lập được quyền lực tối cao bên trong nội bộ gia tộc, thống nhất trở lại Ögedei ulus, lập ra 1 nhà nước độc lập tức Hãn quốc Oa Khoát Đài.
Hãn quốc Oa Khoát Đài trở thành thế lực mạnh nhất Trung Á khi thao túng chặt chẽ đồng minh Sát Hợp Đài thông qua các hãn bù nhìn, đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh dai dẳng với gia tộc Hốt Tất Liệt để tranh giành ngôi vị Khả hãn. Song nó nhanh chóng sụp đổ sau cái chết của Hải Đô, lãnh thổ bị phân chia giữa nhà Nguyên và Hãn quốc Sát Hợp Đài. Tuy vậy, các tàn dư của Ögedei ulus vẫn tồn tại bên trong nhà Nguyên lẫn Hãn quốc Sát Hợp Đài thông qua các nhánh lưu vong của nó. Chẳng hạn như Sát Bát Nhi (Chapar – người cai trị cuối cùng của Oa Khoát Đài Hãn quốc) trở thành Nhữ Ninh vương của nhà Nguyên với thái ấp tại Hà Nam. Các nhánh khác được phong làm Phần Dương vương, Kinh vương (Hồ Bắc), Tĩnh Viễn vương (Giang Tây), Tương Ninh vương (Hồ Bắc), Lũng vương (Thiểm Tây), Dương Địch vương (Hồ Nam), Nam Bình vương (Phúc Kiến). Cuối thời Nguyên, A Lỗ Huy Thiếp Mộc Nhi (Alqui Temur – Dương Địch vương đời thứ năm) đã nổi dậy tập hợp lực lượng tại Irtysh tranh chấp ngôi Qa’an với chính quyền trung ương, cho thấy gia tộc Ögedei tại vẫn duy trì được ảnh hưởng tại Trung Á và Mông Cổ.
Bây giờ hãy quay trở lại với nhóm ulus cánh phía Đông, tức các ulus cánh trái được Thành Cát Tư Hãn phân chia cho các em Cáp Tát Nhi (Hasar – nhị đệ) – Hợp Xích Ôn (Hachiun – tam đệ) – Biệt Lặc Cổ Đài (Belgutei – em cùng cha khác mẹ). Trong đó, Hasar ulus lại được chia làm các ulus bậc hai cho các con trai Cáp Tát Nhi : Dã Khổ (Yeku), Thoát Hốt (Toqu) và Dã Tùng Cách (Yisungge). Trong cuộc chiến tranh giành ngôi vị Khả hãn giữa Hốt Tất Liệt – A Lý Bất Ca, các vương cánh phía Đông dưới sự lãnh đạo của Tháp Sát Nhi (Tachar – cháu trai Oát Xích Cân) đều dốc lực ủng hộ Hốt Tất Liệt đăng cơ. Do đó, khi Hốt Tất Liệt cải cách hành chính vẫn bảo lưu quyền tự trị bên trong ulus của họ. Ngay cả sau khi Nãi Nhan (Nayan – chắt của Oát Xích Cân) nổi loạn năm 1287, các ulus này vẫn được tiếp tục tồn tại cho đến cuối triều đại.
Sau khi chinh phục Trung Quốc, các vương Hachiunid có thêm 2 thái ấp tại Sơn Đông (1236) và Giang Tây (1281). Án Chỉ Cát Đãi (Alchidai – người đứng đầu Hachiun Ulus) được nhà Nguyên phong làm Tế Nam vương. Điều tương tự cũng xảy ra đối với 3 nhánh còn lại. Trong 4 hệ vương cánh trái, nhà Oát Xích Cân là nhánh hùng mạnh nhất. Khi Mông Ca Hãn chia quân xâm lược Nam Tống, Tháp Sát Nhi được chỉ huy cánh trái. Nãi Nhan – kẻ lãnh đạo các vương phía Đông chống lại Hốt Tất Liệt – cũng là 1 thành viên khác của gia tộc này.
Cuối cùng, chúng ta quay về với Qa’an Ulus. Như đã nói ở Phần 2, Hốt Tất Liệt đã biến Center Ulus mang tính biểu tượng thành tài sản riêng của gia tộc mình : Kublai ulus. Mặc dù vậy, ông ta vẫn là Qa’an và nhà thống trị tối cao của toàn đế quốc. Và như chúng ta thấy, các thái ấp của những nhánh khác trong đại gia tộc Bojijin vẫn rải rác khắp bên trong Đế chế Đại Nguyên, chứng tỏ nó vẫn bảo lưu tính năng của Qa’an Ulus. Hay nói cách khác, Kublai Ulus là 1 thực thể mang tính lưỡng nguyên đối với người Mông Cổ. Do đó, dù đã phân liệt trên thực tế, các ulus phương Tây vẫn thừa nhận quyền tôn chủ tối cao của Nhà Nguyên trong 1 thời gian khá dài, kiến tạo nên Nền Hòa Bình Mông Cổ (Pax Mongolica).
Sau khi chinh phục toàn bộ Trung Quốc, Nguyên Thế Tổ đã áp dụng chế độ “Tông vương xuất trấn” (Princely garrisoning), phái các con trai đi trấn đóng tại các khu vực bên ngoài phạm vi quản lý của Trung Thư Tỉnh. Chẳng hạn như Hốt Ca Xích tại Vân Nam, Áo Lỗ Xích tại Thổ Phồn, Mang Ca Lạt tại Trường An, Khoát Khoát Xuất tại Mông Cổ. Họ nhận tước hiệu Vương cùng 1 con dấu và được quyền thành lập Vương phủ. Do Nguyên triều là 1 Đế chế tập quyền, các phiên quốc này bị hạn chế quyền hành về các mặt chính trị – quân sự – kinh tế bởi các Hành Trung Thư Tỉnh địa phương, nên họ không phải là những ulus đúng nghĩa. Tuy vậy 1 số phiên vương đã lợi dụng hoàn cảnh đặc thù, chẳng hạn như Lương vương tại Vân Nam vào cuối triều Nguyên, đã phát triển thái ấp của mình trở thành quốc gia bán độc lập bên trong Đế chế.
Chế độ Ulus đã ảnh hưởng lâu dài đối với Đế quốc Mông Cổ cũng như tất cả nhà nước kế tục nó, mà ta có thể khái quát như sau :
– Thứ nhất, kết hợp với các Kurultai, nó đã hình thành nên cơ chế giúp cho các hậu duệ Bojijin chính thống và chỉ họ mới được nắm quyền thống trị hợp pháp tối cao tại Yeke Mongol Ulus và các nhà nước hậu thân như Đại Nguyên – Bắc Nguyên, Kim Trướng Hãn quốc, Y Nhi Hãn quốc hay Sát Hợp Đài Hãn quốc. Những quyền thần hùng mạnh nhưng không thuộc gia tộc Thành Cát Tư Hãn như Mã Mạch (Mamai) của Kim Trướng Hãn quốc, Thiếp Mộc Nhi (Tamerlane) của Sát Hợp Đài Hãn quốc hay Dã Tiên của Bắc Nguyên cũng đều không thể và không dám tự mình bước lên ngôi Hãn. Hay tại Y Nhi Hãn quốc mạt kỳ, khi dòng Húc Liệt Ngột hết người thừa kế, thì Togha Temür 1 hậu duệ của Cáp Tát Nhi (nhị đệ Thành Cát Tư Hãn) vẫn mang tính hợp pháp cao hơn ứng viên từ các gia tộc bản địa hùng mạnh như Chupanids hay Jalayirids.
– Thứ hai, việc phân phối ulus đa lớp giúp cho việc tổ chức quân sự theo chiều dọc thể hiện được tính chất ưu việt rõ rệt trong chiến tranh. Nó tích hợp ưu điểm của chế độ quân sự thái ấp phong kiến phương Tây – Nhật Bản Chiến Quốc khi các lãnh chúa đồng thời là những nhà quân sự thao lược gắn bó am hiểu và dễ dàng huy động nhanh chóng nhất số lượng lớn quân đội dưới quyền mình. Bên cạnh đó, sự gắn bó và tuân phục đối với quyền thống lĩnh bên trên dựa trên mối quan hệ và uy quyền gia tộc – ít nhất là trong giai đoạn đầu – thể hiện tính chất tập quyền quân sự không hề thua kém bất cứ nhà nước phương Đông nào. Chính điều này đã giúp cho Đế quốc Mông Cổ bành trướng vô đối từ Đông sang Tây, khuất phục mọi đế chế hùng mạnh nhất đương thời.
– Thứ ba, thực hành phân phối ulus rộng rãi còn giúp cho các thành viên của gia tộc Bojijin thành thạo trong việc cai trị. Từ đó, họ dễ dàng tham gia vào công việc chính trị của các ulus lớn hơn. Đó là con đường thực tế thông minh để trui rèn sức mạnh cho tất cả con cháu Thành Cát Tư Hãn, đặc biệt là với nền chính trị mở rộng cho tất cả thành viên gia tộc. Nhờ đó, ngay cả những nhánh gia tộc bị thất bại trong đấu tranh quyền lực như Oa Khoát Đài hay A Lý Bất Ca vẫn duy trì được sức mạnh tương đối. Đến thời Đạt Diên hãn (1479 – 1517) của Bắc Nguyên, các nhánh gia tộc Bojijin lại hợp sức với nhau để đánh bại hoàn toàn người Oirat, thống nhất thảo nguyên Mông Cổ 1 lần nữa. Quyết định của Đạt Diên Hãn chia 6 bộ lạc ở miền đông Mông Cổ như là đất phong cho các con trai của ông – nghĩa là mô phỏng hệ thống tổ tiên – đã tạo ra sự cai trị phi tập trung nhưng ổn định trong 1 thế kỷ sau đó.
– Thứ tư, cơ chế ulus đã giúp người Mông Cổ và dòng Bojijin duy trì lâu dài sự tồn tại của họ, rất lâu sau khi những nhà nước của họ đã Turk hóa hay chính thức sụp đổ. Ngay cả khi Kim Trướng Hãn quốc tan vỡ thành hàng tá quốc gia nhỏ, thì đa số kẻ thống trị các hãn quốc con này vẫn thuộc dòng máu con cháu Truật Xích, mà đại diện cuối cùng là Hãn quốc Krym (1449 – 1783). Điều tương tự với Sát Hợp Đài Hãn quốc, mà hậu thân cuối cùng là Hãn quốc Kumul (1696 – 1930). Ngay cả khi triều đại nhà Thanh chinh phục hoàn toàn thảo nguyên Mông Cổ, họ cũng rất tôn trọng gia tộc Bojijin. Các Thanh Đế đầu tiên đã liên hôn với tộc Khoa Nhĩ Thấm – hậu nhân trực tiếp của chi Cáp Tát Nhi em trai Thành Cát Tư Hãn.
Cuối cùng, khi tất cả đế chế hay nhà nước do Bột Nhi Chỉ Cân thị đã bị tiêu diệt hòa vào cát bụi thảo nguyên, thì câu chuyện truyền thuyết về Thiết Mộc Chân vẫn lưu truyền mãi mãi cũng như hậu duệ của ông ta đã rải rác khắp lục địa Á – Âu và chiếm tỉ lệ không nhỏ trong dân số thế giới hiện tại. Chẳng phải, đến cuối cùng, Thành Cát Tư Hãn vẫn luôn là người chiến thắng ư?
Phần cuối : Ulus và 1 số vấn đề phức tạp
Mặc dù ulus thông thường có thể được dịch là thái ấp/quốc gia, nghĩa gốc của nó là “một nhóm người”, mà nếu chuyển nghĩa chính xác nhất – chẳng hạn như “Ögedei ulus” – phải là “nhóm du mục của Oa Khoát Đài” (do Thành Cát Tư Hãn chia sẻ). Khi Thiết Mộc Chân phân bổ ulus cho các con em mình, chúng trở thành phiên bản rút gọn của Yeke Mongol Ulus, và bản thân mỗi Ulus này là 1 “nhóm du mục” với nhiều ulus cấp dưới
Yếu tính đó của ulus đã dẫn đến 3 ảnh hưởng lớn :
– Thứ nhất, là sự phân chia các lãnh thổ khác ngoài Mông Cổ. Chẳng hạn sau khi đánh bại nhà Kim ở Hoa Bắc và Nam Tống ở Giang Nam, người Mông Cổ đã phân chia các vùng bị chinh phục theo 1 cơ chế gọi là “đầu hạ 投下”. Theo đó các vị vương được ban cho những vùng có dân số lớn gấp 10 lần dân du mục của họ, như Ögedei ulus với 4000 hộ vào thời Thành Cát Tư Hãn được cấp Tây Kinh lộ với 45.945 hộ, hình thành nên phần ulus mới bên ngoài ulus chính. Theo cơ chế này, các vương cánh phía Tây bên cạnh ulus cũ tại cao nguyên Mông Cổ còn sở hữu thêm nhiều dân chúng – lãnh thổ tại Hoa Bắc; trong khi các vương cánh phía Đông thì còn có thêm thái ấp tại Giang Nam, bởi họ tham gia vào cuộc viễn chinh tiêu diệt Nam Tống. Ban đầu hệ thống này được thiết lập cho toàn bộ lãnh thổ được chinh phục của Đế chế Mông Cổ chứ không chỉ riêng tại Trung Quốc, tạo nên tình trạng độc đáo là lãnh thổ ulus của tất cả các dòng thuộc gia tộc Bojijin trên thực tế đan cài vào nhau như thế da báo. Tuy nhiên, cùng với sự hỗn loạn sau cái chết của Mông Ca Hãn, phần đất phía Tây bị độc chiếm bởi các gia tộc Jochi, Chagatai và Hülegü, và hệ thống “đầu hạ” chỉ còn được tiếp tục tồn tại ở lãnh thổ Qa’an Ulus phía Đông
– Thứ hai, trong quá trình chinh phạt đã nảy sinh thêm 1 mâu thuẫn : trong khi các vị vương cho rằng quyền tích hợp con người – lãnh thổ đích thân chiếm lĩnh được vào phần ulus của mình là hoàn toàn tự nhiên; thì Khả hãn tin rằng chúng là tài sản chung của cả thị tộc và phải được Qa’an phân bổ công bằng. Vấn đề này đã xuất hiện rất sớm ngay từ khi Thiết Mộc Chân còn sống, đặc biệt là trong chiến dịch chinh phục Trung Á. Cuối cùng đi đến thỏa hiệp rằng : ulus do Chinggis Khan cũng như các Qa’an kế tục ban cấp chỉ bao gồm vùng thảo nguyên mở, còn mọi thành trấn định cư vẫn thuộc quyền sở hữu của chính quyền trung ương, mà trong đó họ sẽ phân phối trở lại 1 phần lợi tức (inju) cho các vị vương. Chẳng hạn như, Chagatai ulus có thể bao gồm những vùng đất hoang chăn thả xung quanh Bukhara hay Samarqand, và lợi tức của nó – inju – còn được phân phối thêm 1/4 doanh thu từ các làng nông nghiệp và thuế thương mại lữ hành tại các thành phố này (phần còn lại tất nhiên thuộc về Đại hãn ở Mông Cổ). Mục đích sâu xa của cơ chế này là để ngăn chặn các gia tộc đủ mạnh để thành lập những nhà nước hoàn toàn độc lập của riêng mình
– Thứ ba, đối với xã hội Mông Cổ, ngay cả khi lãnh thổ bị mất, “ulus” vẫn được coi là tiếp tục tồn tại miễn là nó không mất đi người dân của mình. Tiêu biểu là trường hợp của các vị vương Ögedei ulus, những người đã bị mất đi lãnh thổ tại Trung Á sau khi Hải Đô chết, buộc phải di cư đến lãnh thổ của Qa’an Ulus. Nhưng từ Qa’an Ulus, kế thừa gia sản của dòng Ögedei tại Trung Quốc theo quy chế “đầu hạ”, họ vẫn tiếp tục sở hữu những ulus của riêng mình, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, riêng dòng Diệt Lý (Melik – con út Oa Khoát Đài) vẫn nắm giữ được ulus riêng tại lưu vực Irtysh không bị Chagatai ulus sát nhập. Do đó, Ögedei ulus vẫn chưa bị xem là hoàn toàn diệt vong.
Các cơ chế trên đã tạo nên thế mâu thuẫn đan cài với quyền lợi chồng lấn lẫn nhau vô cùng phức tạp giữa các nhánh lớn trong gia tộc Bojijin và sau đó là giữa các nhánh nhỏ hơn
Theo thời gian, các thể chế trên lần lượt bị phá vỡ. Trước tiên là Oa Khoát Đài Hãn đã tự ý can thiệp vào lãnh thổ của các nhánh khác để củng cố quyền lực gia tộc mình. Chẳng hạn như ông ta đã tước đi 1 quân đoàn thuộc về Tolui ulus, cùng với lãnh thổ thuộc Bình Dương lộ của nhà Truật Xích theo cơ chế đầu hạ để ban cho nhị tử Khoát Đoan tạo thành Koden ulus – tức 1 bộ phận của Ögedei ulus, với cái cớ là làm căn cứ địa viễn chinh Nam Tống. Những hành động như vậy đã xâm phạm nguyên tắc hiến pháp quốc gia – Yassa – do Thành Cát Tư Hãn xác lập là “chia sẻ quyền kiểm soát Đế chế cho toàn thể Gia tộc” và tạo ra mối hận thù đối với hai nhánh Truật Xích – Đà Lôi, khiến họ liên kết với nhau để lật đổ quyền thống trị của con cháu ông ta về sau
Trong cuộc Tây chinh lớn lần ba, gia tộc Jochi đã cử đi 3 vị vương thuộc thế hệ thứ tư cùng với quân đội dưới quyền, với dự định sẽ giành được vùng đất Azerbaijan. Nhưng khi kết thúc chiến dịch, Húc Liệt Ngột đã sát hại họ để độc chiếm lãnh thổ và quyền lực tại Tây Á. Điều này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc chiến tranh Berke – Hülegü 1262, hoàn toàn tan vỡ mối liên minh giữa 2 gia tộc Jochi – Tolui
Nhân cơ hội Chiến tranh kế vị Hốt Tất Liệt – A Lý Bất Ca, A Lỗ Hốt – người đứng đầu Chagatai ulus lúc này – cũng đã sát hại tất cả hậu vương thuộc Jochi ulus tại Trung Á để độc chiếm quyền lực tại đây. Về phía ngược lại, nhà Jochi cũng trục xuất các vương thuộc nhánh khác ra khỏi các lãnh địa mới mở rộng ở phía Tây, thành lập nên 1 nhà nước riêng cho nhánh gia tộc mình tức Kim Trướng Hãn quốc
Trái ngược với tình hình ở phía Tây, ngay cả khi nội chiến kết thúc, Hốt Tất Liệt đã không tịch thu ulus của các hoàng tộc chống đối, mà vẫn bảo tồn nguyên trạng như trước chiến tranh. Điều đó dẫn đến tình trạng các con cháu của Mông Ca và A Lý Bất Ca vẫn được kế thừa Möngke ulus và Ariq Böke ulus ở xung quanh dãy núi Khangai, hay chính là Tolui ulus được Thành Cát Tư Hãn phân cấp buổi đầu. Sau cuộc nổi loạn lớn do Tích Lý Cát (Shirigi – tứ tử Mông Ca) đứng đầu 1276 – 1282 nhằm tranh đoạt ngôi vị Khả hãn với Hốt Tất Liệt, con cháu của cả 2 gia tộc này vẫn không bị phế trừ lãnh địa, điều tương tự các vương phía Đông sau cuộc nổi loạn Nãi Nhan 1287. Bên cạnh tinh thần khoan dung, còn chứng tỏ nhà cai trị tối cao đã không hoàn toàn bước qua truyền thống tổ tông
Ở góc nhìn khác, thì các cơ chế như “đầu hạ” và “inju” đã khiến cho các nhà nước kế tục Đế quốc Mông Cổ – dù mâu thuẫn với nhau – vẫn không thể phân ly tách biệt hoàn toàn. Với nhãn quan chính trị sáng suốt khi bảo lưu hầu hết các quyền lợi thuộc về ulus và inju thuộc về các gia tộc khác bên trong Nhà nước Đại Nguyên của mình, Hốt Tất Liệt đã khiến cho gia tộc ông ta nhận được sự thần phục của các Hãn quốc phương Tây về sau, tức là duy trì sự thống nhất trên danh nghĩa của Đế chế. Chính điều đó, cùng với quan niệm về ulus, đã khiến cho người Mông Cổ giữ được mối tương quan kết nối khá lâu dài, dù vẫn xảy ra mâu thuẫn và chiến tranh
Sự trỗi dậy và suy tàn của chính quyền Hải Đô đã đặt ra nhiều vấn đề cho giới nghiên cứu sử học. Bởi một mặt, có thể xem nó là sự tiếp nối của Ögedei ulus bởi Hải Đô chính là cháu Oa Khoát Đài và thừa kế 1 ulus con của Ögedei ulus. Mặt khác thì quan điểm này không hoàn toàn đúng, bởi “Kaidu ulus” được Hải Đô lãnh đạo đã hình thành và phát triển như 1 quốc gia chỉ trong 1 thế hệ duy nhất và không giới hạn trong phạm vi của Ögedei ulus cũ. Trên thực tế nó được cấu thành từ 3 bộ phận : bên cạnh Ögedei ulus cũ; thì quốc gia này còn thống trị thực tế Chagatai ulus cánh phía Tây thông qua các hãn bù nhìn; và Tolui ulus – tức khu vực xung quanh Khangai thuộc cao nguyên Mông Cổ – bởi các vị vương thuộc dòng Mông Ca/A Lý Bất Ca cũng đem lãnh địa của mình quy phục Hải Đô, sau cuộc nổi dậy chống lại Hốt Tất Liệt bị thất bại. Ngược lại, nó cũng không hoàn toàn kiểm soát được Ögedei ulus cũ, khi 2 nhánh phía đông tức là Koden ulus (con cháu Khoát Đoan – nhị tử Oa Khoát Đài) và Köchü ulus (con cháu Khoát Xuất – tam tử) trước sau vẫn trung thành với chính quyền Hốt Tất Liệt
Từ khi thành lập cho đến đầu thế kỷ XIV, Chagatai ulus không những bị chia cắt thành 2 nhánh ulus Đông – Tây khác nhau, mà chúng còn bị phân biệt khống chế bởi Qa’an Ulus và Hải Đô. Do đó, phải đến thời đại của Đô Oa sau cái chết của Hải Đô, Chagatai ulus mới trở thành 1 Khanate độc lập đúng nghĩa. Tuy vậy, Chagatai khanate cũng không hẳn là sự tiếp nối đúng nghĩa từ Chagatai ulus, khi nó vừa đánh mất các phần ulus phía Đông của dòng Xích Bá đặt dưới sự kiểm soát của Nhà Nguyên, lại vừa là kẻ thừa kế đại bộ phận quốc gia Hải Đô của dòng Ögedei cũ. Như vậy, đi sâu nghiên cứu, mốc thời gian, tính chất cũng như bối cảnh của các nhà nước hậu thân của Đế quốc Mông Cổ là tương đối phức tạp mơ hồ, xuất phát từ bản chất nguồn gốc ulus của chúng
Có thể coi phần này là mở rộng và nâng cao về “ulus”