Chiến trường thời kỳ cổ đại tại phương Tây bị thống trị bởi các lực lượng bộ binh hạng nặng. Từ Đội hình Phanlax truyền thống của Hy Lạp tới lực lượng Legionary của La Mã, quân đội của các cường quốc phương Tây luôn sử dụng lực lượng bộ binh hạng nặng làm nòng cốt cho lực lượng quân sự của mình.
Nhưng thực tế chiến trường cho thấy, để đảm bảo chiến thắng, chỉ sử dụng duy nhất một lực lượng là không đủ, chiến tranh càng phát triển yêu cầu xây dựng và triển khai các đội quân combine arm trên chiến trường châu Âu càng lớn, và lịch sử ghi nhận các đội quân combine arm luôn dành chiến thắng trước các đội quân ít đa dạng hơn.
Trong suốt thời kỳ Cổ đại, một số lực lượng bao gồm cả khinh binh và trọng binh với thành tích chiến đấu nổi bật đã trở nên nổi tiếng và đi vào lịch sử như những lực lượng tinh nhuệ thiện chiến bậc nhất thời Cổ đại. Sau đây là một số lực lượng nổi bật nhất:
1. Thebes Sacred Band

Đội thần binh Thebes (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἱερός Λόχος, Hierós Lókhos) là một đội quân gồm những người lính được tuyển chọn, bao gồm 150 cặp đồng tính nam đã thành lập lực lượng tinh nhuệ của quân đội thành bang Thebes vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Bản ghi chép sớm nhất còn sót lại về đội Thần Binh Thebes là vào năm 324 trước Công nguyên, trong bài diễn văn Chống Demosthenes của Dinarchus. Ông đề cập đến Sacred Band do tướng Pelopidas lãnh đạo và cùng với Epaminondas chỉ huy quân đội Thebes (Boeotia), là lực lượng góp công lớn cho sự thất bại của người Sparta trong Trận Leuctra quyết định (371 TCN).
Quá trình huấn luyện thường xuyên của họ bao gồm đấu vật và khiêu vũ, có thể bao gồm cả cưỡi ngựa. Độ tuổi chính xác của những chiến binh này không được đề cập cụ thể, nhưng DeVoto ước tính rằng các học viên được giới thiệu là thành viên chính thức của Sacred Band ở độ tuổi từ 20 đến 21. Trang bị của họ thì giống với các Hoplite bình thường, với giáp trụ, khiên tròn, giáo dài 2,4m… Nhiều khả năng một chiến binh sẽ giải ngũ ở tuổi 30.
Sacred Band tham gia vào các cuộc chiến của Thebes chống lại Sparta và Macedonia. Lần đầu tiên họ tham chiến là trong chiến tranh Boeotian năm 378 TCN. Chiến thắng đầu tiên được ghi nhận của Sacred Band là tại trận đánh Tegyra năm 375 TCN dưới quyền chỉ huy của Pelopidas. Trong trận này, quân Thebes bị áp đảo quân số 1 vs 2, nhưng Sacred Band đã đứng lại và đối mặt với kẻ thù đông hơn. Ngay trong đợt giáp chiến đầu tiên, chỉ huy của Sparta bị giết hại, điều này khiến lực lượng Sparta bối rối và lùi lại, đội thần binh Thebes nhân cơ hội này tiến lên và đánh tan hàng ngũ của đối phương. Nhưng chiến thắng nổi bật nhất của Sacred Band là tại trận Leuctra năm 371 TCN.
Trong trận đánh này, Epaminondas thực hiện đội hình nghiêng nổi tiếng, sử dụng lực lượng Thần binh Thebes như lực lượng chính tại cánh trái của Thebes đối đầu với lực lượng mạnh nhất của Sparta. Kết quả, cánh trái của Thebes đập tan cánh phải của Sparta, Cleombrotus – vua Sparta tử trận cùng với toàn bộ lực lượng vệ binh của mình. Theo Pausanias (khoảng thế kỷ thứ II sau Công nguyên), Trận Leuctra là trận chiến mang tính quyết định nhất từng diễn ra giữa 2 thành bang Hy Lạp. Trận đánh đã đánh dấu sự độc lập cho Thebes khỏi sự cai trị của người Spartan và đặt nền móng cho việc mở rộng quyền lực của Thebes.
Thất bại trong Trận Chaeronea (338 TCN), trận quyết chiến trong đó Philip II của Macedon, cùng với con trai Alexander, đã dập tắt quyền bá chủ của Thebes. Bộ binh hoplite truyền thống không phải là đối thủ của lực lượng mới được cải cách của Macedonia: quân đội Theban và các đồng minh của họ tan vỡ và bỏ chạy, nhưng Sacred Band, mặc dù bị bao vây và áp đảo, vẫn không chịu đầu hàng. Các chiến binh của đội đã giữ vững vị trí của họ và Plutarch ghi lại rằng tất cả 300 người đã ngã xuống khi bên cạnh chỉ huy cuối cùng của lực lượng, Theagenes. Thất bại của đội thần binh Thebes trong trận chiến là một chiến thắng quan trọng đối với Philip, vì cho đến lúc đó, Sacred Band được coi là bất khả chiến bại trên toàn bộ Hy Lạp cổ đại.
2. Thracians Peltas
Quân đội Hy Lạp cổ đại từng triển khai các lực lượng bộ binh hạng nhẹ bên cạch Hoplite truyền thống, những chiến binh này được gọi là Peltas. Trang phục của các chiến binh Peltas khá nhẹ, thường không mặc giáp, vũ trang với 1 chiếc khiên nhỏ Pelte, vài mũi lao và có thể là 1 thanh đoản kiếm. Từ thế kỷ thứ IV TCN, Peltas đã là lực lượng đánh thuê thường thấy trong quân đội Hy Lạp, một số chiến đấu trong lực lượng của Ba Tư, trong cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư.
Các Peltas được dùng để chiến đấu chống lại cả Hoplite và Kỵ binh. Chiến thuật thông thường của họ khi đối mặt với Hoplite là ném lao ở cự ly gần sau đó rút lui khi đối phương tấn công. Nhờ tốc độ nhanh hơn, các Peltas dễ dàng tránh đụng độ với Hoplite nhất là trên địa hình gồ ghề, sau đó khi Hoplite đối phương đã hết đà, họ có thể quay lại tấn công tiếp hoặc tản ra 2 bên cánh của đối phương.
Iphicrates của Athen đã đánh bại quân Sparta trong trận Lechaeum năm 390 TCN sử dụng chủ yếu là Peltas. Khi đối mặt với kỵ binh, Xenophon mô tả rằng những peltast này được trang bị kiếm, cũng như lao, nhưng không phải giáo. Khi đối mặt với một cuộc tấn công từ kỵ binh Ba Tư, họ đã mở hàng ngũ của mình và cho phép kỵ binh đi qua trong khi tấn công đối phương bằng kiếm và phóng lao vào họ.
Nổi bật trong số các Peltas phải nói đến những chiến binh đến từ Thracia. Alexander Đại đế đã sử dụng những chiến binh Peltas tuyển mộ từ các bộ lạc Thracian ở phía bắc Macedonia, đặc biệt là vùng Agrianoi. Những chiến binh này được cho là những Peltas tốt nhất vào thời kỳ đó. Alexander đại đế thường triển khai họ ở cánh phải của đội hình cùng với những đơn vị tinh nhuệ nhất của mình. Trong trận Gaugamela, ông đã sử dụng lính Peltas từ Thracia di chuyển cùng kỵ binh Companion về phía cánh phải kéo theo lực lượng kỵ binh cánh trái của Ba Tư, sau đó khi kỵ binh Companion thực hiện một cú xoay đầu đột ngột quay trở lại trận địa, chính lực lượng Peltas cùng 1 số đơn vị kỵ binh khác đã ở lại cầm chân lực lượng kỵ binh Ba Tư để tạo khoảng trống cho Alexander thực hiện cú đột kích thẳng vào trung quân đối phương, đem lại chiến thắng.
Từ thế kỷ thứ III TCN, trang bị của Peltas thay đổi, trở nên nặng hơn, được trang bị giáp và khiên lớn hơn, sử dụng giáo thay cùng với lao. Tên gọi của họ cũng dần dần được thay đổi, trở thành Thureophoroi, lực lượng này trở thành những đơn vị đa nhiệm, vừa là khinh binh, vừa chiến đấu như Hoplite. Vai trò của các đơn vị khinh binh bị giảm nhẹ dần trong thời kỳ Diadochi, và trang bị của họ bị thay đổi 1 vài lần trước khi biến mất hoàn toàn sau khi các Diadochi Hy Lạp bị tiêu diệt bởi người La Mã.
3. Cung thủ Cretan

Một trong những lực lượng nổi bật tiếp theo mà Alexander Đại Đế mang theo trong chuyến viễn chinh về phía Đông là các cung thủ đảo Crete. Từ thời cổ đại, trong khi các thành bang Hy Lạp phát triển các lực lượng bộ binh hạng nặng Hoplite, thì địa hình đồi núi của đảo Crete khiến cư dân vùng này không thể phát triển lực lượng Hoplite của mình. Địa hình khó khăn, cộng với việc người dân trên đảo có truyền thống sử dụng cung tên đã khiến các cung thủ đảo Crete trở nên nổi tiếng trong Thế giới Cổ đại
Việc sử dụng cung tên của những người thợ săn Cretan đã được chỉ ra sớm nhất là vào năm 2200 trước Công nguyên, trong một con dấu của người Minoan. Một bức tranh khảm được phát hiện ở Knossos và có niên đại khoảng năm 1700 trước Công nguyên, miêu tả các chiến binh được trang bị cung tên có thiết kế đơn giản. Trong thời kỳ Hy Lạp cổ điển, các cung thủ người Cretan mang theo những cây cung phức hợp, bao gồm một lõi gỗ với nhiều lớp gân và sừng. Những vũ khí này, mặc dù khó sử dụng, nhưng đã mang lại cho các cung thủ Cretan tầm bắn xa hơn so với những cây cung bằng gỗ đơn giản của dân Hy Lạp.
Mặc dù về mặt lý thuyết, các cung thủ người Crete có thể bị lính lăng đá người Rhodian vượt vượt qua về tầm xa, nhưng họ được công nhận rộng rãi là một trong những lực lượng khinh binh tốt nhất trong thế giới cổ đại, và như vậy đã chiêu mộ trong nhiều quân đội, bao gồm cả quân đội của Alexander Đại đế. Trong trận Gaugamela, Alexander đặt các cung thủ người Cretan ở cánh phải bên cạnh hàng Phalanx. Sau giai đoạn này, cung thủ đảo Crete tiếp tục chiến đấu trong quân đội của các Diadochi và quân đội La Mã như lính trợ chiến.
Cung thủ Địa trung Hải phục vụ trong quân đội La Mã đến tận thế kỷ thứ V SCN. Một đơn vị lính trợ chiến gồm các cung thủ người Cretan cưỡi ngựa: Cohors I Cretum Sagittariorum Equitata; đã chiến đấu trong Chiến tranh Dacia năm 102–105 sau Công nguyên và tiếp tục phục vụ tại tỉnh đó cho đến ít nhất là năm 161 sau Công nguyên. Crete vẫn là một phần của Đế chế Byzantine cho đến khi bị Venice chiếm giữ sau cuộc Thập tự chinh lần thứ tư, Năm 1452, Venice cấp phép cụ thể cho Byzantium tiếp tục tuyển dụng người Crete. Trận đánh cuối cùng của các cung thủ đảo Crete được biết đến là trận đánh bảo vệ Constantinope năm 1453 trước Mehmet II của Ottoman.
4. Kỵ binh Thessalian

Địa hình Hy Lạp cổ đại phần lớn không phù hợp cho việc sử dụng và phát triển kỵ binh. Vì vậy phần lớn các thành bang Hy Lạp cổ đại không có lực lượng kỵ binh mạnh. Nhưng vùng Thessaly là ngoại lệ, vùng đất nằm ở phía bắc Hy Lạp này có địa hình bằng phẳng, lý tưởng cho việc chăn thả ngựa , dân cư khu vực này nhanh chóng sử dụng lợi thế này và vươn lên trở thành những lính kỵ binh nổi tiếng trong thế giới Hy Lạp cổ đại.
Ban đầu kỵ binh Thessalian được trang bị như những kỵ binh nhẹ, không mặc giáp sử dụng 2 mũi lao và 1 thanh đoản kiếm, các kỵ binh Thessalian được biết đến như những lính kỵ binh mạnh nhất trong khu vực, mỗi lính kỵ binh mặc 1 chiếc áo choàng tím đặc trưng cho lực lượng của mình. Sau khi bị chinh phục bởi Phillip II của Macedonia, kỵ binh Thessalian nhanh chóng trở thành 1 lực lượng quan trọng trong quân đội mới cải cách của Phillip II.
Dưới thời Alexander Đại Đế, trang bị và chiến thuật của kỵ binh Thessalian có nhiều phần thay đổi, họ được trang bị nặng giống như kỵ binh Companion với giáp, mũ trụ, thương dài thay cho lao, dù kỵ binh Thessalian vẫn giữ lại chiếc áo choàng tím đặc trưng. Khi xung trận, kỵ binh Thessalian có thể thiết lập đội hình kỵ binh hình con thoi tạo khả năng công kích mạnh mẽ trong khi vẫn có thể điều hướng tốt với mức độ cơ động cao.
Nhận xét về thể thức bầu cử Tổng thống Mỹ theo Đại Cử tri Đoàn
Hành trình của Marco Polo
Vũ trang thời Trung Cổ
Vấn đề về tranh cãi giữa Galileo và Giáo Hội Công Giáo La Mã
Trong đội hình của Alexander Đại đế, kỵ binh Thessalian thường được xếp ở bên cánh trái, với nhiệm vụ bảo vệ phần yếu nhất của Phalanx, ngăn chặn đối phương bao vây và bọc hậu lực lượng chính của Macedonian. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, trong cuộc chiến với Ba Tư, kỵ binh Thessalian thường chiến đấu rất quyết liệt để đảm bảo an toàn cho cánh trái của Macedonia trong bối cảnh thường xuyên bị áp đảo quân số.
Năm 330 TCN, trong chuyến viễn chinh của mình, Alexander Đại Đế giải tán phần lớn các lực lượng trợ chiến Hy Lạp và cho họ quay trở về quê nhà, 130 kỵ binh Thessalian tiếp tục ở lại và chiến đấu như lính đánh thuê, họ đi theo Alexander qua Khorasan vào Bactria. Năm 329 TCN, những kỵ binh Thessalian cuối cùng bị giải tán khi lực lượng viễn chinh của Alexander Đại Đế đến được sông Oxus.
Trong cuộc chiến giữa Macedonian và Rome, băn đầu Thessaly cung cấp kỵ binh cho Macedonia, nhưng sau thất bại tại Cynoscephalae. Thessaly trở thành đồng minh trung thành của Rome, và trong cuộc chiến tranh Macedonia lần III, kỵ binh Thessalian đã chiến đấu bên cạnh Legionary La Mã. Thessalian tiếp tục đóng vai trò là đồng minh quan trọng của Rome cho tới khi chính thức sát nhập và trở thành 1 tỉnh của Đế chế.
5. Argyraspides

Trong lực lượng bộ binh hạng nặng của Alexander Đại Đế, không thể nghi ngờ rằng Argyraspides là lực lượng nổi bật hơn cả. Được biết đến trong lực lượng với tên gọi Hypaspists, đây là những chiến binh có kinh nghiệm và kỹ năng chiến đấu vượt trội hơn cả trong hàng ngũ phalanx, đơn vị có số lượng là 3000 chiến binh đươc tuyển chọn trực tiếp bởi Nicanor, con trai của Parmenion.
Tại Ấn Độ, đơn vị của họ được đổi tên thành Argyraspides. Trang bị của Hypaspists hay Argyraspides giống như trang bị của 1 Hoplite truyền thống, thay vì Phalagites. Trên chiến trường, họ được triển khai ở phía ngoài cùng cánh phải, vị trí dành cho những lực lượng tinh nhuệ nhất của Phalanx, đồng thời cũng gần vị trí của Alexander để bảo vệ cho ông. Argyraspides mang những tấm khiên mạ bạc rất nổi bật trên chiến trường. Sau cái chết của Alexandros (323 TCN) họ nằm dưới quyền của Eumenes. Họ là các cựu chiến binh, và mặc dù hầu hết trong số họ đều đã ở tuổi 60, họ rất đáng sợ và được kính trọng vì kỹ năng chiến đấu và kinh nghiệm vượt trội.
Trong trận Gabiene năm 315 TCN, giữa Antigonus Monophthalmus và Eumenes, 2 danh tướng của Alexander đại đế, lực lượng Argyraspides dưới quyền điều khiển của Eumenes đã có dịp thể hiện sức mạnh của mình, được triển khai bên cánh trái, Argyraspides là lực lượng chủ chốt dẫn đầu cuộc tấn công của Eumenes, và đã đẩy lui phalanx của đối phương. Nhưng kỵ binh của Eumenes đã thua trận và bỏ chạy khỏi chiến trường, Antigonus ra lệnh cho Pheiton (chỉ huy kỵ binh cánh phải) bọc hậu và tấn công vào lưng Phanlax của Eumenes.
Việc này khiến Phanlax của Eumenes rối loạn, cánh phải bị đánh tan hoàn toàn, Argyraspides là lực lượng duy nhất giữ nguyên vị trí và tạo đội hình khối vuông để phòng thủ, giúp cho quân đội của Eumenes không bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng Antigonus đã kịp tấn công vào doanh trại của Eumenes và cướp đi mọi thứ bao gồm cả gia đình của lực lượng Argyraspides, việc này khiến quân đội của Eumenes giao động, đặc biệt là các Argyraspides.
Họ đã bí mật đàm phán với Antigonus, sau đó các Argyraspides bắt giữ Eumenes, giao nộp ông ta cho Antigonus và đầu hàng. Antigonus, ngay sau đó đã giải tán đội quân này vì nhận thấy quá khó để quản lý. Ông đã gửi 1000 Argyraspides tới phục vụ dưới quyền của Sibyrtius theo từng nhóm nhỏ và giao cho họ những nhiệm vụ nguy hiểm để giảm bớt quân số của lực lượng này. Trong khi những người khác bị cô lập và cử đi đóng quân ở các vùng đất xa xôi, hoang sơ, cuối cùng Antigonus đã xoay sở để loại bỏ họ bằng mọi cách.
6. Balearic slingers

Loại vũ khí tầm xa cổ xưa nhất đối với con người có lẽ là ná lăng đá (slinger). Ná lăng đá là 1 thiết bị đơn giản, chỉ là 1 sợi dây được tết lại thật chặt với đoạn giữa sợi dây được làm rộng hơn vừa đủ để đặt 1 viên đá. Động tác và kỹ thuật lăng đá cũng khá đơn giản, một người chỉ cần đặt viên đạn vào dây, quay tròn sợi dây để nó đạt đến gia tốc cần thiết và lăng viên đạn về phía mục tiêu. Người ta có thể dùng nhiều chất liệu khác nhau làm đạn, như gốm, đá, sỏi, đạn chì…..
Trong thời cổ đại, những chiếc ná bắn đá vẫn được sử dụng trong cả hoạt động săn bắn và chiến tranh. Và khi nhắc đến những chiến binh sử dụng thứ vũ khí đơn giản này, thì những người dân ở đảo Balearic, một hòn đảo nhỏ ở Tây Ban Nha, được biết đến là những lính lăng đá nguy hiểm nhất vùng Địa Trung Hải.
Những đứa trẻ Balearic tập làm quen với những chiếc ná bắn đá từ khi chúng mới biết đi, vì đối với người dân trên đảo, đây gần như là dụng cụ săn bắn duy nhất. Sau nhiều năm luyện tập, lăng đá gần như trở thành một kỹ năng tự nhiên, khiến người dân đảo Balearic trở thành thành những chiến binh lăng đá rất nguy hiểm. Theo những ghi chép, một người Balearic có kinh nghiệm có thể lăng một viên đá bay với vận tốc 160km/h vs cự ly sát thương lên đến 120m.
Trong chiến tranh Punic, Carthage đã tuyển mộ số lượng lớn những lính lăng đá từ Balearic, số lượng lên đến 2000 người trong cuộc chiến tranh Punic lần 1. Hannibal tiếp tục tuyển mộ lính lăng đá Balearic trong chiến tranh Punic lần 2, và sử dụng họ như một trong những lực lượng nguy hiểm nhất của ông. Sau khi đánh bật Carthage khỏi Tây Ban Nha, La Mã ngay lập tức tuyển mộ lính lăng đá từ Balearic vào lực lượng trợ chiến của mình. Trong cuộc viễn chinh đến Gaul, Julius Ceasar tuyển mộ những lính lăng đá Balearic và triển khai họ trong lực lượng bộ binh nhẹ.
Theo thời gian, lính lăng đá Balearic dần trở nên mờ nhạt do sự xuất hiện của những vũ khí tầm xa mới với hiệu quả tốt hơn như cung phức hợp, nỏ….. Nhưng trong thời đại của mình, lính lăng đá Balearic vẫn nổi lên như một trong những lực lượng tầm xa nguy hiểm nhất, đe dọa cả những lực lượng bộ binh hạng nặng nổi tiếng vào thời điểm đó.
7. Kỵ binh Numidian

Kị binh Numidian là một loại kỵ binh hạng nhẹ của người Numidian. Sau khi lực lượng kỵ binh này được sử dụng bởi Hannibal trong Chiến tranh Punic lần 2, họ được nhà sử học La Mã Livy mô tả là “cho đến nay là những kỵ binh giỏi nhất ở Châu Phi”. Ngựa của kỵ binh Numidian, tổ tiên của ngựa Berber, nhỏ bé so với những con ngựa khác cùng thời, nhưng thích nghi tốt để di chuyển nhanh hơn trên quãng đường dài. Các kỵ sĩ Numidian cưỡi ngựa không có yên hoặc dây cương, điều khiển thú cưỡi của họ bằng một sợi dây đơn giản quanh cổ ngựa và một cây gậy cưỡi ngựa nhỏ. Họ không có hình thức bảo vệ cơ thể nào ngoại trừ một chiếc khiên tròn bằng da, vũ khí chính của họ là lao và một thanh kiếm ngắn.
Kỵ binh Numidian rất nguy hiểm với chiến thuật quấy rối, trong trận đánh, họ có thể xông lên, ném lao vào đối thủ rồi rút lui trước khi đối phương kịp phản công. Kiểu chiến thuật này cực kỳ khó chịu đối với những lực lượng ít cơ động vì họ không có mấy hy vọng bắt kịp với sự cơ động của kỵ binh Numidian. Hanibal sử dụng họ vào nhiều nhiệm vụ khác nhau bao gồm do thám, nghi binh, đột kích….
Trong trận Trebia, kỵ binh Numidian được sử dụng như mồi nhử, dụ quân La Mã vào bẫy. Trong trận Canae, kỵ binh Numidian chiến đấu bên cánh phải của quân Carthage, bao vệ cánh phải của quân mình không bị bao vây bởi kỵ binh đối phương, và cầm chân kỵ binh nhẹ La Mã đủ lâu để kỵ binh Gaul và Ibelian đánh bại kỵ binh La Mã ở cánh trái sau đó vòng sang tập hậu kỵ binh nhẹ La Mã, buộc những đơn vị này phải rút lui khỏi chiến trường, việc này khiến cho bộ binh La Mã mất sự bảo vệ ở 2 cánh và không còn cách nào khác ngoài bó tay chịu chết.
Sau khi đổ bộ lên Bắc Phi, Scipio nhanh chóng đưa 1 vị vua thân La Mã lên ngôi ở Numidia và tuyển mộ kỵ binh Numidia vào lực lượng của mình. Trong trận Zama, kỵ binh Numidian chiến đấu trong hàng ngũ cả 2 phe.
Trong nhiều thế kỷ sau đó, người La Mã tiếp tục tuyển mộ và biên chế kỵ binh nhẹ Numidian trong các lực lượng riêng, mang tên Equites Numidarum hoặc Maurorum.