Lê Xuân Mậu
Là một người dạy học, tôi thường nghĩ về việc dạy trẻ xưa kia. Ở một đất nước nghèo, gần trăm phần trăm mù chữ – bởi thứ chữ tượng hình “cao quý” ấy, với kiểu dạy xưa kia, mười năm đèn sách chưa chắc đã đủ được số chữ cần dùng – dân ta đã dạy trẻ bằng cách nào? Bằng cách nào, người ta có thể “xã hội hoá” – dù ở mức tối thiểu – những con người trẻ thơ để chúng có thể hòa đồng cùng xã hội của chúng? Tôi cũng nghĩ nhiều đến những chàng trai cô gái ở vùng Nghệ Tĩnh địa hay ở xứ sở quan họ, hát linh nhân kiệt đú nổi tiếng phong tình. Bằng cách nào họ có được cái năng lực ứng đối văn chương đến các nho sĩ tài hoa cũng tròn mắt kinh ngạc khi nghe họ “bẻ” những câu hát tài đến bất ngờ?
Sự liên kết hai hiện tượng giáo dục – đào tạo này gợi ra câu trả lời: Người ta có thể xã hội hoá đứa trẻ, đào tạo các nhân tài văn chương – ít ra là ở lĩnh vực đối đáp dân ca – bằng cách “nhúng” đối tượng vào “môi trường văn hoá” để các chất liệu văn hoá kia thấm vào đối tượng và biến đổi chúng. Cái môi trường văn chương truyền miệng chính là cái môi trường văn hoá được dùng. Ở các chàng trai cô gái nghệ nhân, là môi trường diễn xướng dân ca từng vùng. Ở trẻ nhỏ, là các bài đồng dao ông bà cha mẹ dạy, là những câu hát kèm với trò chơi chúng dạy lẫn nhau, (1) và cả các câu đố dân gian đầy hứng thú trong các sinh hoạt chơi đùa tối tối giữa những ổ rơm khi bố mẹ con cái quây quần. Câu trả lời đòi câu hỏi, câu trả lời tiếp.
Đọc thêm:
La Mã vào cuối thời Cộng Hòa, Caesar và một thời kỳ mới
Thiên văn học nhập môn và những kiến thức căn bản
Nữ hoàng Victoria – triều đại chuyển mình của nước Anh
Đồng dao dạy trẻ những gì? Thì ra cũng có rất nhiều thứ được dạy, lại cũng đúng các nguyên lý dạy văn. Khi dạy “văn” được hiểu trước hết là tạo năng lực sử dụng ngôn ngữ – thứ văn công cụ diễn đạt đủ mọi điều – và sau đó là năng lực văn với khả năng cảm nhận cuộc sống theo đặc trưng thẩm mỹ của nó, với khả năng biểu đạt cảm nhận ấy bằng phương pháp thẩm mỹ phù hợp. Tất nhiên như một hệ quả, ở cái thời nhà trường bác học cũng chỉ dạy Văn để rồi vì “văn – sử – triết… bất phân” người ta cũng dạy trẻ đủ mọi kiến thức tự nhiên, xã hội theo một mặt bằng nào đó, thì đồng dao cũng dạy nhiều thứ kiến thức.
Những bài đồng dao trước hết là những bài dạy trẻ nói năng. Nói như ngày nay, đồng dao giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Rất có thể, nói như một nhà nghiên cứu, người ta dạy những đứa trẻ còn bập bẹ phát âm chính xác các âm “N” khi bày trò chơi “Nu na nu nống – cái cống nằm trong – cái nong nằm ngoài… Chắc chắn hơn thì ai cũng công nhận rất nhiều bài vè về các loài cá, loài chim, loài cây, loài hoa là để “mở rộng vốn từ” cho trẻ. Non tay một tí thì chỉ đưa ra một danh mục kiểu bảng từ như:
Nghe vẻ nghe ve
Về các loại cá
Cá kình cá ngạc
Cá nác cá dưa…
Có bài bản hơn thì đưa ra cả các đặc điểm các loài cá:
Cá biển cá bầy
Ăn ngày hai bữa
Là con cá cơm…
Nấu ra đỏ chẹt
Là con cá khoai…
Già rụng hết răng
Là con cá móm
Bò đi lọm khọm
Là con cá bò…

Về mặt sư phạm, dạy từ như đúng cách hơn. Các từ ngữ được ( trong hoạt động, trong mối liên hệ với các từ khác gần chúng. Và như thế dạy ngôn ngữ trong giao tiếp và giao tiếp. Học như thế trẻ mới tiếp nhận được ngôn ngữ trong sự sống động của nó để rồi cũng sử dụng được một cách chính xác. Chưa nói đến chuyện làm như thế còn dạy được “kiến thức” về thế giới tự nhiên, chi nói về học từ thì cách học này làm trẻ dễ nhớ từ ngữ hơn. Đến với một bài đồng dao như bài “Mười hai tháng gió” trẻ sẽ được tắm mình trong các loại gió được gọi tên, được chỉ rõ hành động, tính chất:
Tháng giêng là gió hây hây
Tháng hai gió mát,
trăng bay vào đền
Tháng ba gió đưa nước lên
Tháng tư gió đánh cho mềm
ngọn cây
Tháng năm là tiết gió tây
Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
Tháng bảy gió lọt sông đào
Tháng tám là tháng (gió?)
tạt vào hôm mai
Tháng chín là tháng gió
Tháng mười là tháng heo may
rải đồng
Tháng một gió về mùa đông
Tháng chạp gió lạnh gió lùng,
ai ơi! (2)
Phân tích thêm một chút về yêu dạy môn ngôn ngữ thì có thể thấy nhiều kiến thức “ngôn ngữ học” cũng đồng dao dạy trẻ tuy chưa là kiến thức lý luận với các thuật ngữ chính xác Khi người ta dạy trẻ “Ăn ngày hai bữa – Là con cá cơm” hay “Già rụng hết răng – Là con cá móm” thì người ta dạy trẻ về đồng âm rồi. Bởi trẻ cũng biết từ cơm, từ móm đó đâu là tên con cá khi “giảng” ra cái nghĩa ấy, gán cho đặc điểm ấy. Cũng như vậy, trẻ sẽ bằng trực cảm, hiểu được các từ gần nghĩa khi nghe hát:
Ngó lên đám bắp trổ cờ
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông
Và dù nhỏ, trẻ cũng sẽ tiếp nhận và học được cách nói bóng gió, cách nói hàm ẩn trong những bài đồng dao như bài này:
Con quạ nó đậu chuồng heo
Nó kêu bố mẹ: – Bánh bèo
chín chưa?
– Bánh bèo đã chín hồi trưa
Vì chưa súc miệng
nên chưa cho bánh bèo
Cố nhiên đồng dao chưa thể giảng giải về các cơ sở giải mã hàm ngôn như ở các sách ngôn ngữ học hiện nay. Nhưng với người sử dụng ngôn ngữ thì các bài đồng dao kiểu này và các lời chỉ dẫn đơn giản của người lớn đủ để trẻ nhỏ có được năng lực nhận biết và năng lực tạo mã nữa khi có nhu cầu.
Như vậy, với rất nhiều hình thức văn bản từ kể vè đến miêu tả, từ vài câu khuyên răn đến những lời đối đáp, đồng dao đã dạy trẻ nói năng qua các mẫu câu sinh động. Cách dạy này rất phù hợp với phát triển năng lực ngôn ngữ – cũng như các kỹ năng lao động khác – rất tự nhiên, hợp với tâm lý lứa tuổi. Trong thực tế, hoạt động nói năng của người bình thường cũng như các nghệ nhân diễn xướng với năng lực sử dụng ngôn ngữ bậc cao, cách dạy, cách học qua thực hành ấy đã chứng tỏ có hiệu quả. Các mẫu mực, các vẻ đẹp ngôn từ cả về âm thanh, nhịp điệu lẫn khuôn hình thể loại nhập vào trẻ rất tự nhiên, rất ngọt ngào. Đó là con đường cần tham khảo để tránh sự lý tính hoá theo hướng trang bị kiến thức ngôn ngữ học quá khó, quá sớm(3).
Đồng dao với những bài vè, bài ru em, bài hát vui chơi cũng đem lại cho trẻ vốn hiểu biết nhiều mặt về thiên nhiên, xã hội, con người. Rất có thể các trí thức bình dân cũng ý thức được việc cung cấp vốn sống, vốn hiểu biết qua những bài hát trẻ con này. Cái cách làm mà sau này ta gọi là “lồng ghép” kiến thức sử địa vào bài tập đọc cho trẻ tiểu học có thể thấy rõ ở nhiều bài đồng dao.
Rất dễ thấy kiến thức về thiên nhiên ở các bài vè về chim, cá, hoa, rau… có nhiều bài nêu được đặc điểm của các loài như bài “Làng chim”:
Hay bay bổ nhào
Là con bói cá
Hay đi rồng ràng
Là ông cụ diệc
Hay đi thong thả
Là bác cò ngang
Hay như bài về các loài động vật:
Hay ăn thịt chết Là thằng quạ đen
Con cua mà có hai càng
Đầu tai không có bò ngang cả đời
Con cả mà có cái đuôi
Hai vị (vây) vu vẩy nó bơi rất dài….
Và kiến thức thời tiết mùa vụ:
Buồn về một nỗi tháng tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
Buồn về một nỗi tháng năm
Chưa đặt mình nằm
gà gáy chim kêu…
Phải nói thêm về những bài “nói ngược”. Đó là kiểu phổ biến kiến thức rất ấn tượng và hợp với đặc điểm trẻ thơ: thích vui đùa với cái nghịch dị, buồn cười:
– Con lợn thì kêu meo meo chuồng.
Con mèo ủn ỉn mà theo vô chuồng
Ban đêm oi bức mặt trời
Ban ngày mát mẻ
trăng cười trên cao.
Có thể chỉ nói ngược để gây ấn tượng, để đùa trẻ. Nhưng không phải không có những câu có hàm ý mà đến một lúc nào đó trẻ sẽ nhận ra:
– Trâu thì nhảy nhót đi chơi
Chích chòe cày ruộng
cho người lúa khoai
Trời mưa mang áo ra phơi
Đến khi trời nắng mang tơi đi cày.
Đồng dao còn dựng lên những bức sinh hoạt giúp trẻ biết được về các hoạt động trong đời sống quanh mình. Có thể chỉ là một cảnh lợp nh với các người tham gia:
Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt con gà quăng tranh
Chèo bẻo xắt bí nấu canh
Chìa vôi đi chợ mua hành mua tiêu
Cũng có những cảnh hoạt động mang tính phong tục hơn:
Con cò chết rũ trên cây

Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít chạy ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần vác mõ đi rao…
Bức tranh phong tục đó ít sắc thái tình cảm. Nhưng lại có thể có bài vẽ nên một cảnh thấm đẫm nỗi đau trần thế:
Cóc chết bỏ nhái mồ côi
Chẫu ngồi chẫu khóc:
– Chàng ơi là chàng
Ễnh Ương đánh lệnh đã vang
Tiền đâu mà trả nợ làng, ngoé ơi!
Từ những bài như thế, đồng dao đã dạy trẻ những cảm xúc nhân văn, tạo ra những con người giàu tính nhân ái và cả giàu năng lực văn chương như ta nói ngày nay. Đồng dao cũng dạy trẻ cách nhìn cuộc sống rất hài hoà. Có những bài nhuốm màu bị lụy đau thương. Nhưng cũng có bài khác đầy tính lạc quan hài hước:
Cá bống còn ở trong hang
Cái rau tập tàng còn ở nương
Ta về ta sắm cần câu
Câu lấy cá bống, nấu rau tập tàng. (4)
Học Tiếng Anh với Lightway:
Cách yêu cầu lịch sự khi viết Email tiếng Anh
Sự thú vị của từ attention và vài cách kết hợp
Cách nói về ngày sinh nhật của bạn trong tiếng Anh
Như vậy là, dù không được đến trường học, trẻ thơ xưa cũng đã được đọc cho nghe và thuộc những bài vần truyền khẩu để tiếp nhận các vốn ngôn ngữ, các mẫu nói năng giao tiếp để có thể giao tiếp và suy nghĩ. Cùng với ngôn ngữ là vốn sống, vốn hiểu biết về tự nhiên và xã hội được miêu tả, được kể lại qua nội dung các bài. Những con người – có thể dưới dạng con vật này hay con vật kia – cùng với cuộc sống của họ được đồng dao đưa ra là những mẫu ứng xử, mẫu cảm xúc, nhận thức góp phần hình thành nhân cách trẻ. Khi đồng dao được nhớ, được thuộc nó sẽ đồng hành suốt cuộc đời trẻ, để từng lúc trẻ chiêm nghiệm, rút ra những bài học, những triết lý cần thiết dù đơn giản, nôm na. Đó cũng là con đường tiếp nhận văn thơ dân gian để tạo nên bản lĩnh đáng nể ở người bình dân đủ cho họ vững vàng trước bao nghiệt ngã vì thiên tai, nhẫn hoạ. Cách dạy, cách học ở đồng dao có thể gợi cho ta những điều “tham chiếu” trong dạy và học văn hôm nay *
Bài viết được cung cấp bởi Dịch thuật Tiếng Anh Lightway. Chúng tôi chuyên dịch hợp đồng tiếng Anh tiếng Việt giá rẻ
Tháng 1.2007
Chú thích:
(1) Rất nên khoanh lại các bài đồng dao. Phải là những bài làm theo thi pháp dân gian như ca dao. Cô nhiên ban đầu đều có tác giả nhưng rồi “khuyết danh hoá” nhập vào đồng dao. Nhưng không thể coi là đồng dao những bài mang tính “gia huấn” như nhiều tác giả sưu tầm đưa vào. Các câu như: “Màn Đông Tử, gối Ôn Công – Lớn lên em phải ra công học hành” (Nguyễn Khuyến) hay “Cách ăn mặc không cần đẹp để – Quý hồ cho gọn ghẽ dễ coi” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc) v.v..không nên xếp vào đồng dao.
(2) Xem “Đồng dao Việt Nam dành cho học sinh tiểu học”, Trần Gia Linh sưu tầm, tuyển chọn, NXB Giáo dục xuất bản, 2002, trang 13. Không ghi rõ nguồn, bài này chắc không phải đồng dao cổ. Những dẫn chứng trong bài còn lấy ở “Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt”, NXB Văn hoá Thông tin, 1997.
(3) Rất nên tham khảo ý kiến nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Tình cờ tôi xem cuốn ngữ pháp dành cho học sinh tiểu học bây giờ, tôi thấy rắc rối quá (….) ngữ pháp ấy là để cho các nhà ngôn ngữ chứ không dành cho học sinh phổ thông. Theo tôi, dạy cho học sinh phổ thông càng giản dị càng tốt” (xem “Tiếp cận văn học” Nguyễn Trọng Hoàn, NXB Khoa học xã hội, 2002).
(4) Cũng như nhiều câu ca dao khác, bài này cũng có thể hiểu ra nhiều ý tuy ngữ cảnh giả định về nó.