Thành kính tặng vong linh NGUYỄN TRUNG THẮNG, Thầy dạy sử địa của tôi ở Mỹ Tho (1922 1926).
PHÙ LANG – TRƯƠNG BÁ PHÁT
Mùa hạ năm Kỷ Vị (1679).
THÁNG năm (ở Bắc nhằm đời Lê Hi Tôn năm thứ tư) có quan tổng binh chính tên là Dương Nhị hay là Dương Ngạn Địch vốn là giặc biển hùng cứ ở Long Môn (tỉnh Quảng Đông). Đến cuối đời Thuận Trị (Tân Sửu 1661) tới đầu Khương Hi (Nhâm Dần 1662) nhà Thanh bên Trung Hoa, Nhị hay là Địch hiệp với bọn thủy khấu là Đặng Diệm, Tây Bưu, Dương Tam cướp bốc ghe thuyền qua lại tỉnh Quảng Đông và Hải Nam. Khi Địch Trinh Trung cùng liên hiệp với Trịnh Kinh ở Đài Loan, họ Dương theo về ; Trịnh Kinh phong cho Dương chức tổng binh tại trấn Lễ Võ, chỉ huy một mặt bảo vệ thương thuyền đi lại Nam Dương và mặt khác hoạt động tại bốn huyện Lôi, Liêm, Cao, Quỳnh chờ chực để hưởng ứng với Ngô Tam Quế được Thượng Chỉ Tín con của Thượng Khả Hỷ quan trấn thủ Quảng Đông) ủng hộ ; bọn Quế hoạt động chánh trị ở Quảng Đông, Quảng Tây. Trịnh Kinh đau bịnh từ trần, thế lực Trịnh suy giảm, bọn Địch hay là Nhị như rắn mất đầu, bị nhà Thanh uy hiếp. Nhị và phó tướng Hoàng Tấn cùng tổng binh trấn thủ các địa phương Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài tức Trần Thượng Xuyên (có tên khác là Trần Thắng) và phó tướng Trần An Bình đem tất cả binh lực và gia quyến trên ba ngàn người chở trên năm chiếc thuyền nhập hai hải cảng Tư Dung (Tư Hiền) và Đà Nẵng đều ở Trung Việt.
Lúc ấy có thơ trần tình của quan Việt Nam đệ lên nhà Chúa (Nguyễn Phúc Tần, Mậu Tí 1648 – Đinh Mão 1687). Lời lẽ trong thơ rằng:
“Gặp dịp ở Bắc hà hay phiến động[1] mà quan binh nọ từ xa chạy đến, chưa rõ thật dối thế nào, huống chi chúng họ y phục khác tiếng nói khác, khó bề tính dụng dịch sử. Nhưng nay họ bị thế cùng bức, chạy qua đầu nhập, tỏ bày trung tiết, thì ta vì nghĩa không nên cự tuyệt. Vả lại, ở địa phương Giản phố (biệt danh đất Gia Định khi xưa) đất ruộng phì nhiêu đến nghìn dặm, Triều Đình chưa kinh lý đến, nay nên lấy sức lực của chúng ủy giao đất ấy chúng ở và khai khẩn, ấy là một việc mà có ba điều lợi vậy”.
Sau khi nghe trần tình chúa Hiền (tên tục của Nguyễn Phúc Tần) cho vào ở Thủy Chân Lạp.
Nhà Chúa cũng hạ dụ cho Vua Chân Lạp là Nặc Ông Non biết, để tiện bề đối đãi cho xứng ngôi bực.
Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên hết lòng tạ ơn, đem binh thuyền trực chỉ vô Nam. Họ Dương và Hoàng Tấn đến cửa biển Soi Rạp và Đại Tiểu hải môn (thuộc Cù Úc Mỹ Tho) rồi trú nơi Mỹ Tho[2]. Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình noi theo đường Cần Giờ, đồn trú ở Đồng Nai, chợ Băng Lăng (Bến Gỗ)[3], gần tỉnh lỵ Biên Hòa, lập chợ phố buôn bán thông thương với người Tàu, Tây Dương, Nhựt Bổn, người Chà Và.
Thế là, thình lình, chúa Hiền tìm được đồng minh để khai thác xứ Chân Lạp nơi người Trung Hoa.
Mỹ Tho là đất Cù Úc Mỹ Tho định danh của Chơn Lạp[4].
Lúc ấy, chắc chỉ có người Huê kiều theo Dương Nhị định cư ở đất Mỹ Tho mà thôi, hoặc giả có người Việt thì cũng rất thiểu số, vì từ Mỹ Tho lên đến Bến Lức là đất sở hữu của Cam Bốt (tới năm Tân Hợi 1731 hãy còn của vương quốc nầy)[5].
“Dương Nhị dựng nhà cửa, nhóm dân Hán Di, kết lập xóm làng, lập ra chín trường biệt nạp: Qui An, Qui Hóa[6], Cảnh Dương, Yên Mụ, Quản Tác, Hoàng Tích, Tam Lạch, Bả Canh, Tân Thạnh cho dân lập ấp khai khẩn, lại chia ra làm từng trang trại đều theo bản nghiệp làm ăn nạp thuế”.[7]
Xứ Tầm Đôn Xoài Lạp là địa danh của Chân Lạp dùng để chỉ “châu Định Viễn, dinh Long Hồ vẫn thuộc về phủ Gia Định”.[8]
Sau năm Kỷ Vị 1679 chín năm (Mậu thìn 1688) lại có cuộc làm phản của Hoàng Tấn phó Tướng của Địch. Địch bị giết, rồi tới Tấn cũng không còn.
Năm Giáp Tuất (1754) nhằm năm thứ 17 của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, bề tôi là Đạm Am Nguyễn Cư Trinh với Thống Suất (không biết tên) đem quân dẹp loạn Nặc Nguyên.
Binh Đại Am đến đâu quân Cam Bốt đầu hàng đến đó.
Nặc Nguyên chạy trốn gần Vĩnh Long.
Năm Ất Hợi (1755) Thống Suất (?) thua ở đất Vô Tà Ân (có lẽ vùng Đồng Tháp) bị Vua giáng chức cho Trương Phúc Du thay thế.
Đạm Am dâng sớ tâu với Vua xin hãy áp dụng chánh sách “tàm thực” (tằm ăn dâu). Chánh sách nầy ngoài mặt không thấy nguy hiểm nhưng bên sâu vô cùng độc hại vì nó lấn đất lần lần.
Trước dưng sớ nầy, nặc Nguyên xin hiến nạp hai phủ Tầm Bôn (Tân An bây giờ) và Lôi Lạp (Soi Rạp: Gò Công bây giờ). Chúa Võ Vương không ưng, nay được sớ có ý thức sự lợi của chánh sách ấy, Chúa chịu ngay.
Năm Kỷ Mão (1759) nhằm năm thứ 22 của Võ Vương, Vương lại được hiến đất Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc).
Mãi đến năm Nhâm Thìn (1772) là năm thứ 8 của Định Vương Nguyễn Phúc Thuấn, “vua sai quan trấn Gia Định đem đất Mỹ Tho lập thành Trưởng Đồn Đạo, đặt chức Cai Cơ, Thơ Ký để cai trị”.
Năm Tân Dậu (178I) cải làm Trấn Định (lúc nầy Nguyễn Vương là Ánh còn lận đận về Tây Sơn).
Năm Ất tị (1785), Chiêu Tăng và Chiêu Sương (Văn hóa Nguyệt san, số 62 gọi là Trương) vưng lịnh vua Xiêm đem binh ủng hộ Nguyễn Ánh hoàn về Việt Nam. Chúng đi từ Kiên giang lần lần đến Cần Thơ, Đông khẩu đạo (Sadec) theo giòng Cửu long rồi đóng ở Trà Tân. Binh Xiêm vô kỷ luật đến đâu cướp phá đến đó. Nguyễn Ánh can thiệp với Tăng và Sương không công hiệu, chỉ có lắc đầu than thở thôi.
Tướng Tây Sơn giữ đất Gia định là Trương văn Đa mật báo các sự ấy về Qui Nhơn.
Tháng tư năm Ất tị (1785)[9]Nguyễn Huệ cử 50.000 binh[10] gồm thủy, lục quân từ Qui Nhơn vào Gia Định, đem chiến thuyền thẳng xuống rạch Xoài Mút và Rạch gầm (cả thảy thuộc tỉnh Mỹ Tho) và cho sứ giả đi thương thuyết với Tăng và Sương. Binh Xiêm đóng ở đồn Trà Tân (nay còn Rạch Trà Tân, một chi lưu mé trái sông Cửu Long, lối cù lao Năm Thôn, đồn Trà Tân chắc ở chỗ hợp lưu Cửu Long và rạch Trà Tân).
Rồi sau, binh Nguyễn Huệ nhử Xiêm quân. Đánh đâu thắng đó, Xiêm binh sinh kiêu, giáp thủy chiến với quân Tây Sơn, và bị vây khốn do Tây sơn núp và chặn ở rạch Xoài Mút và Rạch Gầm. Thủy quân Tây Sơn tấn công ba mặt già quá, Xiêm quân kéo lên bộ, khoảng giữa hai rạch trên, lục quân Tây Sơn mai phục sẵn, đổ ra đánh vầy một trận thứ nhì, đầu Xiêm binh rơi rụng như sung chín. Lúc đi năm vạn, khi về chỉ hơn một vạn[11].
Nguyễn Ánh chạy ra đảo Thổ châu và trở lại bô bá ở Xiêm quốc.
Năm Minh Mạng thứ 12 (Tân Mão 1831) chia đất đai lại mới gọi là tỉnh Định tường, đặt Tuần Vũ và Bố Chánh Án Sát hai ty.
Trước kia huyện Kiến Hòa (Gò Công) thuộc Phiên An năm Tân Mão (1831) nay lại thuộc về tỉnh Định Tường.
Năm Minh Mạng thứ 14 (Quí Tị 1833) Lê văn Khôi khởi dấy chiếm thành Mỹ Tho, sau binh trào Nguyễn khôi phục đặt thêm huyện Kiến Đăng (nay là vùng Cái Bè, Cai Lậy).
Năm Minh Mạng thứ 19 (Mậu Tuất 1838) đặt phủ Kiến Tường, bãi bỏ huyện Kiến Đăng, lại đặt thêm huyện Kiến Phong (nay là vùng Cái Thìa, Mỹ Luông) thuộc phủ Kiến Tường.
Năm Thiệu Trị ngươn niên (Tân Sửu 184I) bỏ huyện. Tân Hòa (hay là vùng Gò Công). Huyện nầy lại trở về tỉnh Gia Định.
Từ năm Ất Sửu 1865, nghĩa là năm bắt đầu soạn thảo bộ Đại Nam Nhất Thống Chí (năm Tự Đức thứ 18) tỉnh Định Tường chia làm hai phủ: Kiến An và Kiến Tường.
Phủ Kiến An gồm có: huyện Kiến Hưng (có thành trì Mỹ tho) huyện Kiến Hòa (có chợ cũ Mỹ Tho, Bến Tranh).
Phủ Kiến Tường gồm có: huyện Kiến Phong (vùng Cái Thia, Mỹ Luông) huyện Kiến Đăng (vùng Cái Bè, Cai Lậy). Nói vậy cũng chưa biết rõ, vì không thấy địa đồ của Việt. Nhờ căn cứ theo tấm địa đồ đề, “Carte générale de la Basse Cochinchine d’après les travaux exécutés en 1859, 1860, 1861, 1862 et publiés par le Dépôt de la Marine” trong sách. “L’expédition de Cochinchine en 1861” của Léopold Pallu thì hồi Nhâm Tuất 1862 biên giới tỉnh Định Tường như sau đây:
Đông, từ ngả ba Bảo Định Hà (arroyo de la Poste) với sông Vũng Gù (vaico occidental cho mau hiểu) chạy giọc theo bờ bên mặt Bảo Định Hà tới lối nửa sông nầy (theo bề dài) chạy tách ra, gồm Chợ Gạo xuống tới sông Cửa Tiểu (lối Vàm Giồng gọi theo bây giờ) ra biển, Cửa Đại và Cửa Ba Lai;
Nam, từ cửa Ba Lai chạy lên theo sông Ba Lai (lấy bờ bên trái) tới đò Mỹ Thuận bây giờ ; Năm Gia Long thứ bảy (Mậu Thìn 1828) cải dinh Trấn Định làm trấn Định Tường thuộc thành Gia Định.
Tây và Tây Nam, từ bến đò Mỹ Thuận lên đến Hồng Ngự (bờ bên trái sông Tiền Giang), hồi năm 1862 gọi lối ấy là Bouthan.
Bắc và Đông Bắc, từ Hồng Ngự chạy dài theo địa giới vương quốc Cam Bốt đến nguồn sông Vũng Gù, từ đó chạy theo bờ bên mặt xuống ngả ba sông nầy với Bảo Định Hà.
Quí bạn hình dung thử thì thấy phần đất trên Bắc, Đông Bắc và Tây Nam thật rộng, chạy xuống Cửa Tiểu, Cửa Đại và Cửa Ba Lai hẹp hơn phần đất trên nhiều. Nếu các bạn cho phép thì tôi tưởng tượng lờ mờ một cái chai chỏng miệng ra Nam Hải.
Rồi cuộc đời tiến triển không ngừng. Dân Việt vì chậm chơn và vì rất nhiều nguyên nhơn li ti mà tôi không kể ra đây chi, nên phải đành nhường bước cho các quốc gia tân tiến ở Tây Dương. Thế là nước Pháp đến và lăm le nhảy lên ghế chủ nhơn ông.
Ngày 24 và 25 tháng hai 1861[12] một trận đánh quyết liệt và quyết định tương lai của vương quốc Việt ở Kỳ Hòa.
Quân Việt thất cơ rút lui, quân Pháp tiến tới.
Gia định bị chiếm, Pháp quân quây xuống Mỹ Tho.
Có ba đường đi Mỹ Tho.
Ngả thứ nhứt vô sông cửa Tiểu.
Ngả thứ nhì xuống Đại Vàm Cỏ rồi noi theo sông Vũng Gù (Vàm Cỏ Tây) tới hợp lưu Bảo Định Hà[13] và Vũng Gù, theo Bảo Định Hà (kinh Chợ Gạo) hết kinh nầy là tới thành Mỹ Tho.
Ngả thứ ba cũng vào sông Vũng Gù qua khỏi hợp lưu Bảo Định Hà và Vũng Gù đến ngã ba sông nầy và kinh Thương Mãi (không biết hồi 1861 gọi là kinh gì nhưng từng chặng tôi thấy sách Abrégé de l’Histoire d’Annam, tác giả: Schreiner, trang 184, gọi là Rạch Chanh, Kinh Bà Bèo, Rạch Cua và Rạch Ba Rài tới đây lại lòng sông cạn vì bùn lầy ; cỏ lác, chỉ có ghe nhỏ lưu thông được mà thôi). Vị trí chỗ hợp lưu Kinh nầy và sông Cửa Tiểu là ở trên thượng lưu Mỹ Tho.
Muốn tấn công Mỹ Tho, chiến pháp dạy rằng tàu chiến phải noi đường kinh nầy ắt thành công chắc chắn và mau lẹ hơn các lộ trình kia, nhưng vì nó cạn một đoạn khá dài nên không thể dùng cho tàu lưu thông được.
Còn lại hai đường, như ta đã thấy trên kia.
Hai chiếc pháo hạm la Mitraille, l’Alarme và tiểu pháo hạm số 18, 31 và 20 đều huy động.
Vì Pháp quân không dò dẫm trước, nên ngày 27, 28, 29, và 30 tháng ba năm 1861[14], hải quân Trung Tá Bourdais, chỉ huy trưởng cuộc xâm lăng Mỹ Tho tiến vào kinh Thương Mãi. Thấy không đến mục tiêu dự định, Bourdais quay mũi tàu thối lùi và tất cả đều trở ra sông Vũng Gù và vào Bảo Định Hà.
Ngày 01 tháng tư 1861[15] đoàn tàu tiến tới, hải quân Trung Úy Gardoni, chỉ huy chiếc La Mitraille phá hai chướng ngại vật dưới Bảo Định Hà.
Ngày 02, La Mitraille đi trước theo sau L’Alarme ; La Mitraille mắc cạn, nhưng chừa đủ đường qua cho pháo hạm 18, 31 và 20. Hai đồn hai bên bắn xuống, pháo hạm bắn trả lại, chốc lát 2 đồn nín im. Pháp quân chiếm phá chướng ngại thứ ba và thứ tư.
Ngày 03 tháng tư khi tiến tới, Pháp quân đụng phải một đồn thứ ba ở mé tả. Chỉ huy trưởng Việt binh bị đạn bứt mất một vai lúc mới khởi sự bắn. Chướng ngại vật thứ năm gồm có nọc, tre đóng lòng sông, thân cau, xa một chút một ghe chài nhận chìm đựng đầy đất. Khoảng từ chướng ngại vật thứ năm đến thứ sáu có hai mươi lăm chiếc bè đặt diêm sanh và đồ dẫn hỏa. Ở vị trí nầy hai ngọn nước sông Vũng Gù (sông Vàm Cỏ Tây) và Tiền Giang giao điểm nhau và sình lầy, làm cạn. Chính chiếc ghe chài bị Việt quân nhận chìm ở đây để làm chướng ngại.
Theo tấm lược đồ “carte pour servir à l’intelligence de l’Expédition contre My Tho” ở trang 116 của sách Léopold Pallu, Pháp quân phải ở đây suốt những ngày 03, 04 và 05 tháng tư. Bịnh dịch tả xuất hiện ngày 03, kèm theo dịch tả có bịnh sốt rét và kiết lỵ.
Ngày 04, quân tiến viện đến dưới thông báo hạm L’Echo do Đại Úy de Vautré chỉ huy. Cũng ngày ấy, Charner sai Du Quilio với năm trăm binh tiếp viện từ Saigon xuống Bảo Định Hà[16].
Ngày 05 có pháo hạm 16, chỉ huy trưởng Béhic đến tăng cường và pháo hạm số 22 kéo theo sau đệ nhị trung đội và một trung đội lục quân thủy chiến do nhiều tàu nhỏ (chaloupes) chở.
Ngày 06, lại có thêm viện quân do hải quân Trung Tá Desvaux điều động đến.
Hải quân trung tá Le Couriault du Quilio tới chỗ và Bourdais giao quyền chỉ huy lại cho người[17].
Đã biết trước có đường bộ đi được, người ta chỉ huy lục quân noi theo bờ tay trái của Bảo Định Hà, chừng đến gần Mỹ Tho sẽ sang bờ mặt.
Cũng ngày 06, phải phá chướng ngại vật thứ bảy chắn ngang sông (theo bản lược đồ đã nói trên).
Trên đồn (đồn thứ tư) Việt quân nhả đạn liên hồi. Tại vị trí nầy, Việt quân huy động tất cả phương tiện phòng thủ. Ở sông chướng ngại vật khổng lồ, trên đất mé tả kinh Bảo Định, lính giàn một mặt trận chắn ngang, từ Bảo Định Hà ra lối một ngàn thước, súng ống hẳn hoi. Pháp quân nghinh chiến, bọn khu trục ở giữa đi trước, bên mặt có thủy quân và quân Tây Ban Nha, bên trái có lục quân thủy chiến. Hai bên bắn nhau. Quân Tây Ban Nha, do Trung Úy Maolini bình tĩnh bắn trúng đích. Việt quân núng thế rút lui, bỏ lại những xác của đồng đội, thay vì đem đi như những lần trước. Phân đôi lục quân Pháp chiếm đồn. Còn kỳ dư quân binh đều trờ tới đóng trong làng ở trước đồn, bắt từ Mỹ Tho lên.
Chướng ngại vật thứ tám thật lớn lao: ba hàng ghe chài nhận chìm, mỗi một hàng gồm có chín chiếc đầy sình. Khoảng dài độ hơn một ngàn thước đầy dẫy những thân cây cau đứng nằm ngổn ngang. Hết khoảng nầy là đến đệ cửu chướng ngại vật.
Từ chướng ngại vật thứ tám, bịnh dịch tả lại lan qua đám lục quân khu trục. Người ta cho đem đi sau hậu tuyến một trăm năm mươi người mắc bịnh nầy.
Đọc thêm về văn hóa Việt Nam:
Tính cách Nam Bộ trong truyện dân gian của người Việt
Những lời thề của Lê Lợi (Văn Nôm đầu thế kỷ 15)
Nón lá – Một ký hiệu văn hóa của người Việt
Hình tượng Chó Đá trong văn hóa Việt Nam
Hải quân Trung Úy Vicaire, chỉ huy trưởng chiếc tàu La Loire, đậu trên sông Vũng Gù, thấy năm người hắt hơi cuối cùng trong vài giờ.
Ngày 08 vượt qua đệ cửu chướng ngại vật và chiều nầy những pháo hạm bằng sắt đậu được chỗ của lục quân đóng trên bờ.
Sau vị trí đệ cửu chướng ngại vật, Bảo Định Hà quanh một ngoặc chín mươi độ, rồi bẻ ngoặc thứ hai cũng gần ngần ấy độ, thành thử cũng y như cũ nghĩa là hướng Bắc Nam song có trịch đường thẳng.
Ngày 09 tháng tư 1861, lục quân đi một khoảng đường dài, còn pháo hạm tiến mau vì không gặp chướng ngại. Có lẽ là lính Việt ở làng Mỹ Tịnh An (gọi theo 1960) mới rút lui đó. Pháp quân vô chiếm không gặp cuộc kháng cự nào.
Cũng đêm ấy lối 11 giờ, người Việt dùng hỏa công đốt tàu của Pháp: hải quân Trung Úy Joucla chỉ huy tàu Echo, hải quân trung Úy Desnard, mỗi người bắt được một chiếc ghe chở đầy dầu và cháy sáng rực. Hai người cùng đoàn thủy thủ xô hai chiếc ghe ấy vào một chi lưu của Bảo Định Hà. Lửa trên hai chiếc ghe ấy mặc sức hoành hành cháy lan cả thảo mộc mọc lên lối đó.
Ngày 10 tháng tư 1861[18] lối ba giờ chiều, Bourdais được lịnh đi trước với pháo hạm 18. Một ít lâu sau đồn Việt (đồn thứ năm) xả súng bắn, Pháp quân bắn trả lại chớ chưa biết đích đồn ở chỗ nào.
Thình lình lối bốn trăm thước, trên khúc quanh, mặt đồn ngó ngay. Dưới pháo hạm nhả đạn lên. Trên đồn bắn ba phát lại: một đến be tàu, một làm một người bị thương, một trúng ngay Bourdais bức trái tim, rứt cánh tay trái của Boudais. Pháo hạm 18, 31, 16 và 22 thi nhau bắn. Trên đồn bắn trả, rồi im.
Thế quân Việt rút lui, quân Pháp chiếm đồn.
Desvaux thay thế Bourdais.
Sớm mai, 11 tháng tư, đại quân đến đồn ấy. Từ đây, người ta bỏ bờ tả, đi theo quan lộ mé bờ hữu. Pháp quân được thông báo là đồn thứ sáu, đồn Tam léon[19] bỏ trống rồi. Ngày nầy lo tống táng Bourdais.
Ngày 12 tháng tư tất cả đạo binh đều vô đóng ở làng Trung Lương.
Lối 11 giờ, quân tiền phong thấy một vừng khói lớn lên cao trước cửa thành Mỹ Tho.
Ngày 13 tháng tư, công binh với thang, bốn trung đội lục quân thủy chiến tiến mau với súng bắn tạc đạn, mào đạn, nhưng khi còn chừng một tầm súng thấy cờ Pháp trên thành.
Chuyện ấy như vầy:
Hồi 10 giờ ngày 10 tháng tư, hải quân Thiếu Tướng Page đang án ngữ ở Biên Hòa được lịnh di chuyển về Mỹ Tho.
Page đã chỉ huy pháo hạm Fusée, giờ đây có thêm chiếc Lily và Sham Rock và vô cửa Tiểu sẽ có pháo hạm La Dragonne làm tiền phong.
Nguyên là Charner luôn luôn được báo tin về lộ trình, về chướng ngại, về biến hóa v.v… của đạo quân viễn chinh đánh chiếm các đồn Bảo Định Hà. Charner toán biết là ngày 12 tháng tư đạo binh noi theo đường Bảo Định Hà sẽ tới Mỹ Tho, và đạo thứ nhì do Page chỉ huy cũng phải đến đó mục đích tăng cường đạo quân thứ nhứt và vây hãm có kiến hiệu hơn hầu chiếm thành trì mau lẹ.
Thế nên ngày tám tháng tư, Charner sai chiếc Lily và Sham Rock đem thơ cho Page trong đó người nói hai tàu trên mới đi thám hiểm sông Cửu Long về và bây giờ giao dưới quyền của Page, để Page chỉ huy hai tàu ấy xuống Mỹ Tho cho kịp để công hãm thành nầy.
Do đó mà 10 tháng tư, chiếc Fusée theo sau có Lily và Sham Rock, tới Cửa Tiểu, tại đây La Dragonne đi tiền phong.
Ngày 11 và 12, hạm đội ấy phải đi qua hai chỗ có đóng cừ và đồn ở vị trí ấy xả súng bắn nôn xuống như mưa đá, nhưng rồi… Pháp quân cũng qua được và hồi một giờ rưỡi trưa đến đậu cách hai trăm thước đồn Mỹ Tho.
Lính Việt đã rút êm hồi lối ba giờ trước. “Trước khi rút lui các quan Việt truyền cho đốt kho lúa và vài công thự khác ».
Lính Pháp do Trung Úy hạm đội Desaux (đạo quân do Page chỉ huy) vô thành, trong lúc ấy đạo binh Bảo Định Hà còn đóng ở làng Trung Lương, mãi đến 14 tháng tư đại quân mới vào thành.
Chiếm được thành trì Mỹ Tho, Pháp nhảy lên ghế chủ nhơn ông ba tỉnh miền Đông.
Hồi năm 1861, tỉnh Định Tường là “vựa lúa của vương quốc Việt Nam”.
Như chúng ta thấy ở trước, quân Việt chống cự hết lòng, nào hàn sông, nào chất chướng ngại vật, dụng hỏa công v.v… nhưng vì súng đã cũ, tầm súng bắn ngắn hơn súng Pháp, đại bác thì nạp ở họng, thay vì nạp hậu như của Pháp, tàu chạy bằng buồm và sức người chèo thay vì tàu Pháp chạy bằng hơi nước, quân giữ thế thủ mà không lối công. So sánh hai bên, chúng ta thấy Việt quân bại binh là đúng vậy.
Vị trí thành Mỹ Tho ở chỗ ngả ba Bảo Định Hà và Tiền Giang, bên bờ hữu Bảo Định Hà.
“Thành trì là một hình vuông, và có pháo đài. Những mươn chung quanh rộng rãi, đầy nước. Lũy nổi và có bề dày. Tại một vài điểm, có sình lầy làm tăng lực lượng bảo vệ nhơn tạo do thiên tạo phụ thêm. Súng ống trong thành Mỹ Tho gồm các súng đại bác nòng lớn. Thành trì ấy coi tất cả sông Tiền Giang và chi lưu của nó. Vậy nó là một chiến pháp điểm quan trọng”.
Theo Planche 11I, Carte pour servir à l’intelligence de l’Expédition contre Mỹ Tho, trong sách “Histoire de l’Expédition…” trên góc mặt có vẽ thành trì Mỹ Tho.
Đo theo tỷ lệ xích của địa đồ nhỏ nầy thì thành có lối 500 thước tây bề cạnh, bốn góc có bốn pháo đài (bastions).
Căn cứ theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì lúc bản triều “thành Mỹ Tho xây cất ở gò Kiến Định, thôn Tân Lý Tây (nay tên nầy hãy còn ở lối quận Bến Tranh) huyện Kiến Khương (tên cũ của huyện Kiến An) gọi là Trấn Định Đồn, niên hiệu Gia Long dời qua thôn Mỹ Chánh (phải nay là thôn Tân Mỹ Chánh ở Chợ Cũ Mỹ Tho?) huyện Kiến Hòa. Năm Minh Mạng thứ bảy (Bính Tuất 1826) dời đến chỗ đây, đắp thành đất, ở địa phận thôn Điều Hòa (tên nầy nay hãy còn) và thôn Bình Biên (tên nầy nay không thấy) huyện Kiến Hưng (huyện có tỉnh lỵ Mỹ Tho ngày nay)”.
Đứng về mặt trung thành thuần túy với sử học, tác giả thấy có bổn phận là lặp lại bài thất ngôn bát cú dưới đây. (Theo ý kiến của tác giả, đó là kết quả của sự chế nhạo không nhằm chỗ của thời nhơn, vì hồi 1861, dân tộc Việt ví như những hành khách trên con tàu sắp đắm, phải mỗi người mỗi phương tìm cách ngăn sự đắm tàu ấy. Nguy cho những ai không lo xa ! Nếu quan trấn thủ thành Mỹ Tho là Nguyễn Công Nhàn bại binh thì quốc gia Việt có thiết thật viễn ảnh mất tự chủ, mất tự do, cả dân tộc đều đau đớn, thế phải hoặc là khổ dịch, hoặc là moi gân óc để hiến kế, đầu nầy tác giả của bài thi sau đây bao biếm giễu cợt).
Bài bát cú như vầy:
Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn,
Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan.
Giặc tới Bến Tranh run lập cập,
Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng.
Mưu thần trước biết ngang sông chắn,
Kế quỷ sau toan đóng củi hàng.[20]
Thất thủ muốn liều cho rõ tiết,
Ngặt vì con, vợ bận chưa an.
Từ ngày 12 tháng 4 năm 1861 đến ngày 31 tháng 4 năm 1868 trong thời gian hơn bảy năm không thấy sử nói có cuộc đánh phá nào tại thành Mytho.
Tuy nhiên Pháp quân phải lo chống với nghĩa quân nổi dậy chung quanh Mytho.
Kịp đến ngày 01 tháng 5 năm 1868 có xảy ra vụ cướp thành, đốt phá trại lương thảo do ngươn soái Than chỉ huy.
Sách Les premières années de la Cochinchine của Paulin Vial không có dấu nên không biết tên như vầy có đúng với người ngoài thật tế chăng?
“Ngày 01 tháng 5, hồi ba giờ khuya, một lũ cướp lợi dụng tối, leo vào thành Mytho nơi phía Tây Bắc, và đánh phá những trại lương thảo vì những trại nầy gần chỗ xuống hơn. Chúng nó hạ sát người trưởng kho và làm bị thương ba người tùy thuộc. Chín mươi lăm người lính đồn hấp tấp chạy ra và bắn vào đám cướp, chúng trốn mau lẹ. Đến sáng, người ta gặp trong bụi lùm cách bờ mương hai trăm thước, một sát nhơn đã gần chết. Người ta tìm những tùng đảng tứ hướng và người ta giả định những người chủ động trong vụ ám sát nầy là bốn người bổn thổ phục vụ trong kho lương vừa bị đuổi ra.
“Vì vòng tường thành rộng quá mà quân số quá ít ỏi, nên bị cướp, còn châu thành ngoài, tòa bố và vài căn nhà của vài người Âu ở đều không bị hăm dọa. Người ta tưởng cuộc biến cố ấy là kết quả của sự tư thù, nhưng người ta tỉnh ngộ ngay”.
Vụ ấy đứt khoản và tưởng đâu đã chìm lắp dưới toáy thời gian rồi.
Văn Hóa Nhật:
Giới thiệu nhà thơ Ishikawa Takuboku – Thơ đời lưu lạc
Thi ca và vương giả Nhật Bản – Vai trò của hai thiên hoàng Saga và Go-Shirakawa
Nội dung nghệ thuật của kịch Nô (Noh) và những vở kịch Nô nổi tiếng
Đọc Cuồng Vân Tập 狂雲集của Thi tăng Nhất Hưu Tông Thuần
Đùng một cái năm Canh Ngọ 1870, đêm thứ bảy 24 tháng chạp nghĩa quân công hãm đồn Cai Lậy.
Đêm nầy, những người Công giáo hành lễ Sanh Nhựt. Vì cuộc lễ ấy, những Công chức theo công giáo cả Pháp lẫn Nam đều vắng mặt. Tương kế tựu kế, nghĩa quân khởi lên đánh phá và đốt nhà để trợ oai.
Hai mươi lăm ma tà, dưới quyền của đội Cơ rút vào đồn và bắn vào đám đông, nhờ vậy mà đẩy lui được cuộc tấn công. Còn bếp Hựu thì chết vì xa đồn về không kịp.
Nghĩa quân do ngươn soái Than điều khiển.
Hay được tin, Pháp quân huy động lính ở bốn địa điểm để bao vây: Tân An, My tho, Gò Công và Vĩnh Long, ngoài ra viên thanh tra ở Cai Lậy và Lộc ở Cái Bè đi lùng kiếm. Rồi Pháp quân lại bắt buộc một ngàn hai trăm người đi theo cuộc tầm kiếm ấy. Vòng vây siết chặt, đến tám ngày sau, nhằm ngày một tháng giêng năm 187I ngươn soái Than sa lưới với một trăm năm chục du kích quân.
Chắc ngươn soái Than bị xử tử?
Rất tiếc thay cho một tướng nghĩa dõng.
Tuy không làm nên việc cả nhưng cũng tỏ tấm can trường cho Pháp quân biết vậy.
PHÙ LANG
[1] Chúa Trịnh ở Bắc Hà cứ lăm le xâm phạm miền Nam của Chúa Nguyễn vì lẽ ở Bắc có vua Lê, thế thì Nam phải tùng phục Bắc, đầu nầy Nam ương ngạnh không đóng thuế cho Bắc.
Từ năm Đinh Mão (1627) đến năm Nhâm Tử (1672) chúa Trịnh và chúa Nguyễn bất đếm quyền lợi tối thượng của Vương quốc Việt Nam giao tranh chống nhau đến bảy lần.
Theo sách Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, quyển hạ, in lại lần thứ hai tại Hà nội, nhà in Vĩnh và Thành, 1928, trang 45.
[2] Cửa Đại và Cửa Tiểu.
[3] Chắc là Chúa Hiền đã chỉ định cho Dương ở Mỹ Tho, Xuyên ở Bến Gỗ (tên nầy nay còn gọi).
Chợ Tân Lân : ở thôn Tân Lân, huyện Phước Chính, tục gọi chợ Bàn Lân (hay Bàn Lăn) phố xá trù mật : xưa Trần Thượng Xuyên đồn trú ở Bàn Lăn tức là chỗ nầy.
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí Lục Tỉnh Nam Việt, trang 29.
[4] Theo Giteau : Từ thế kỷ thứ nhứt và thế kỷ thứ sáu sau Công Nguyên, xứ Thủy Chân Lạp gọi là Phù Nam (sử Tàu gọi như thế, Pháp âm là Founan).
Danh từ Chơn Lạp (Tchen La) cũng của người Trung Hoa đặt ra để gọi. Trong thế kỷ thứ tám (lối Canh Tuất 710 và Ất Mão 715) xứ Chân Lạp chia đôi : Lục Chân Lạp (Tchen La de Terre) và Thủy Chân Lạp (Tchen La d’Eau).
Lục Chân Lạp ở vào địa bàn Cổ Chơn Lạp (ancien Tchen La) chiếm giữ miền núi non Hạ Lào (Bas Laos) và Lào Xiêm La (Laos siamois) lối vùng Oubon, Kemmerat ngày nay.
Dường như Thủy Chân Lạp ở vào địa bàn xưa của xứ Phù Nam trước khi xứ nầy cường thạnh (Nữ học giả Giteau, tr.25).
[5] Theo quyển Sãi Vãi thì Định Tường (Mỹ Tho) và Long Hồ mãi đến năm Tân Hợi 1731 mới thuộc về Chúa Nguyễn Phúc Trú. Thế thì Tân Hợi lùi lại Kỷ Vị (1679) vua Chân Lạp còn trị vì.
[6] Qui An và Qui Hóa thành ra An Hóa ngày nay chăng?
Hồi năm Mậu Thìn 1688 lúc Hoàng Tấn phản giết Dương Nhị dời binh đóng ở xứ Rạch Nan (thuộc trấn Định Tường).
Phải chăng ở An Hóa thuộc hữu ngạn sông Tiền giang (bây giờ còn thấy trên địa đồ Hành Chánh Nam Phần 1960), Hoàng Tấn chuyển binh sang Rạch Nan (ngày nay không thấy Rạch Nan trên địa đồ, có lẽ là ở tả ngạn?).
[7] Theo Đại Nam Nhất Thống Chí Lục Tỉnh Nam Việt, tập Thượng, trang 99.
[8] Sách Đại Nam Nhất Thống Chí Lục Tỉnh Nam Việt, tập Hạ, trang 1.
[9] Theo Văn Hóa nguyệt San số 62 và báo Đại Chúng Xuân Kỷ Sửu 1949 tác giả Lê thọ Xuân, trận Nguyễn Huệ thắng Chiêu Tăng và Chiêu Sương ngày mồng chín tháng chạp năm Giáp Thìn trịch với Việt Nam sử lược trên bốn tháng. Chưa biết lẽ phải ở bên nào?
[10] Những con số trên đều căn cứ theo VHNS số 62.
[11] Những con số trên đều căn cứ theo VHNS số 62
[12] Chúa nhựt rằm tháng giêng năm Tân Dậu và thứ hai 16 tháng giêng năm Tân Dậu.
[13] Vốn là đời nhà Chúa Nguyễn Phúc Chu thứ 15 (Ất Dậu 1705), cai cơ là Nguyễn Cửu Vân khi đánh Cao Man có đắp lũy dài từ quán Thị Cai (?) đến chợ Lương Phú, tiếp giáp hai nguồn sông Cù Úc (bắt từ sông Vũng Gù xuống) và sông Mỹ Tho lên, dẫn nước về làm hào ở ngoài lũy để phòng ngừa, nhân sau đường nước lưu thông đào sâu thêm ghe thuyền đi được. Đến chỗ giao đầu thủy (thủy triều ở sông Vũng Gù và thủy triều sông Cửa Tiểu, gặp nhau vị trí nầy sau đóng cừ ở dưới nước hồi Pháp chiếm, làm thành chướng ngại vật thứ 5 đến chướng ngại vật thứ 6) bùn lầy hai sông tụ hội chỗ nầy. Lâu ngày cạn hẹp. Năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão 1819) vua khiến trấn thủ tỉnh Định Tường là Nguyễn văn Phong đem dân phu chín ngàn người đến đào. Khởi đầu tháng giêng đến tháng tư, từ Thang Trông (cái thang để ngắm hướng đào cho ngay gọi là Vọng Thê) đến Húc Động (không biết vị trí chắc ở đâu) Vua Gia Long ngự tư tên là Bảo Định Hà. Năm Minh Mạng thứ 6 (Ất Mùi 1835) đổi làm sông Trí Tường.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tập Thượng, trang 107.
[14] Nhằm thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy 17, 18, 19 và 20 tháng hai năm Tân Dậu.
[15] Thứ hai 22 tháng 02 năm Tân Dậu.
[16] Theo Bulletin des Amis du Vieux – Huế N01 Janv. – Mars 1935, trang 88, bài “Phúc trình của Charner” ấn hành trong “Le Moniteur Universal, numéro du 16 Juin 186I”.
[17] Theo Bulletin des Amis du Vieux – Huế N01 Janv. – Mars 1935, trang 88, bài “Phúc trình của Charner” ấn hành trong “Le Moniteur Universal, numéro du 16 Juin 1861”.
[18] Thứ tư mồng một tháng ba năm Tân Dậu.
[19] Trung Lương.
[20] Theo tôi thì “đóng củi hàn”, như vậy tiếng hàn mới vận với tiếng nhàn, gan, càn. Đóng củi hàn là đóng cừ để hàn, để bít lòng sông.