Thái A
Bình Định – cái tên này gợi lên trong tâm trí người Việt Nam về một miền địa linh nhân kiệt, quê hương của Tây Sơn Tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Trong cả nước, hình như chỉ duy có nơi đây mới là đất mang danh của một dòng võ – võ cổ truyền Bình Định. Song đâu phải chỉ có vậy. Những ngày trú tại đây, trong căn nhà của võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo giữa thành phố Quy Nhơn, với sự tận tình chỉ bảo của ông, tôi đã khám phá ra khá nhiều điều gắn liền cùng miền đất nóng bỏng dưới ánh nắng này.
Trong kiến thức của những người mà công việc có liên quan – dù chỉ một chút, với văn hoá, sử học, kiến trúc cổ… thì cái tên Vijaya không phải xa lạ, bởi đây là tên của vương quốc Chămpa từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV chính tại vùng đất Bình Định ngày nay. Trước đó, khi vương quốc Chămpa đặt kinh đô tại Indrapura thuộc Trà Kiệu – Quảng Nam, thì Bình Định và kéo dài xuống phía Nam đều rải rác có người Chămpa sinh sống, song chỉ sau khi kinh đô lùi xuống phương Nam và kinh thành Trà Bàn được kiến tạo tại đây, thì những công trình vĩ đại của họ mới chính thức được khởi sinh. Cho dù gần 1000 năm đã trôi qua, song cho tới nay ta vẫn phải thán phục năng lực phi thường trong việc tạo nên các kiệt tác kiến trúc của người Chămpa, đồng thời cho tới nay còn khá nhiều dấu ấn trong văn hoá, thói quen, lối sống của chủ nhân xưa cũ tại miền đất này ảnh hưởng tới con người về sau.
Trải qua biết bao biến động lịch sử, vương quốc Vijaya đã tan biến vào dĩ vãng, chỉ còn lại các di tích và chứng ấn. Thế kỷ XV nhập chung vào Đại Việt. Kinh đô Trà Bàn sau này được Trung ương Hoàng Nguyễn Nhạc kiến tạo nên thành Hoàng đế vào năm 1778, và sau khi phong trào Tây Sơn bị nhà Nguyễn dập tắt, kinh thành này đã bị phá huỷ gần như toàn bộ vào năm 1814. Tại huyện An Nhơn ngày nay, những di tích hiếm hoi còn sót lại không đủ để du khách hình dung về sự huy hoàng tráng lệ của kinh đô cổ Vijaya. Song chúng vẫn khiến ta sửng sốt về khả năng của người thợ vô danh xưa về mặt kỹ thuật trang trí mỹ thuật và điều khắc, bởi chỉ với 2 tượng voi đá còn lại trên con đường đất đỏ lắm bụi chạy giữa xóm làng, những ai ít am hiểu về mỹ thuật cũng đều phải công nhận đây là các tuyệt tác về nghệ thuật chạm khắc đá.
Bởi nếu so sánh hai tượng voi đá này – một còn nguyên vẹn và một đã bị gãy ngà, cụt vòi, với tượng voi, ngựa đá trong lăng tẩm của các vua Gia Long, Minh Mạng… ở cố đô Huế, thì đường nét tinh xảo hơn hẳn. Không dám võ đoán về những gì đã đi vào dĩ vãng, song chúng tôi vẫn có thể dễ dàng nhận thấy tượng đá tại Bình Định mang thần thái sinh động, nét chạm tinh tế và đầy sức sống. Chạm tay vào thân voi lạnh ngắt, ngắm nhìn đôi mắt như bốc lửa, bước chân như đang tung bay trên đường chinh chiến, khách lãng du có thể tưởng tượng tới những ngày kinh đô cổ Vijaya chìm trong khúc hoan ca và lấp lánh sắc vàng. Tại đây, theo truyền thuyết, vua quan Chămpa vẫn thường vui say trong hơi men nồng cùng các vũ công nước da bánh mật, cánh tay tròn lẳn và ánh mắt sâu thẳm. Song tất cả đều đã lùi vào quá khứ. Những vũ khúc Chămpa chỉ còn lại trong dân gian, và một vài hiện vật thuộc dòng dõi vương triều Chămpa chỉ còn lại trong dân gian, và một vài hiện vật thuộc dòng dõi vương triều Chămpa chỉ còn lưu giữ lại tại Bình Thuận, trong căn nhà của người công chúa cuối cùng của dòng họ.
Song những gì trường tồn thì vẫn còn đây. Ba ngọn Dương Long hùng vĩ nằm kề nhau thuộc địa phận huyện Tây Sơn, trên đỉnh tháp được xếp bằng những tảng đá nguyên khối chạm trổ tinh xảo; ba ngọn tháp Bánh Ít nằm chót vót trên đỉnh đồi ven con đường cửa ngõ thành phố, hai ngọn Tháp Đôi hình dáng lạ lùng với những rễ cây cổ thụ mộc trăng len lỏi vào từng mạch đá… Kỹ thuật xây dựng đền tháp của người Chămpa quả đã vượt ra khỏi sự hiểu biết về kiến trúc đương thời, bởi cho tới nay, vẫn còn biết bao bí ẩn chưa từng được khám phá về chất tạo gạch, phương thức nung, cách thức xây dựng và kỹ năng trang trí trên chất liệu đá, gạch, đất nung của người xưa.
Mặc dù khi di chuyển vương quốc từ miền Trà Kiệu vào đây, tài lực của vương quốc Chămpa cổ đã suy yếu đi khá nhiều, song không phải vì thế mà họ từ bỏ những niềm say mê đối với nghệ thuật và tôn giáo. Thay vì thuần túy chỉ tạc tượng đá, mà đa phần sử dụng sa thạch để trang hoàng trong đền tháp – như chúng ta vẫn chiếm ngưỡng tại Thánh địa Mỹ Sơn và Cổ viện Chămpa Đà Nẵng, tại Vijaya Bình Định, bên cạnh đã nguyên khối thì đất nung cũng đã được sử dụng như chất liệu chính nhằm tạo nên phẩm vật dâng tặng thần linh. Một bước lùi về mặt nguyên liệu, song lại là một chương mới, rực rỡ và không kém phần đặc biệt, trong trang sử của miền đất này.
Cũng tương tự như vậy, cuộc sống trong tòa thành đã không còn thuần sắc vàng vương giả như xưa. Các vua chúa Chămpa thời kỳ này đã chấp nhận một số đồ sử dụng trong hoàng cung được chế tác từ sành sứ bên cạnh việc dùng vàng bạc. Việc suy giảm tài lực đã khiến sự xa hoa tráng lệ giảm đi một bước, song từ đó đã khởi sinh ra một dòng chảy rực rỡ về kỹ thuật chế tác đồ gốm của người Chămpa. Điều này đối với thế giới vẫn còn là một bí ẩn trong hệ thống phát triển nghề gốm vùng Đông Nam Á.
Đọc thêm:
Bức chân dung đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh (1533-1788)
Bồ đào mỹ tửu… là rượu gì?
Thành phố của những thảm họa
Một vài tiếng gọi trẻ con của người Việt
Khi nhắc tới điều này, võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo đã tỏ ra vô cùng tâm huyết. Năm ngày đi lang thang tới khắp các di tích cố, và cũng từng đó đêm nằm trong căn nhà bừa bộn chính giữa thành phố Quy Nhơn để nghe giảng về lịch sử gốm và dòng chảy của các dòng men, tôi đã nắm bắt được những thông tin vô cùng giá trị liên quan tới quá khứ của Bình Định nói riêng và cả miền Nam Trung bộ nói chung. Và không chỉ là lời phán đoán, bởi trong căn nhà này, hơn 1000 hiện vật của nền văn hóa Chămpa xưa đã được lưu giữ một cách hệ thống – việc sưu tập này đã được khởi đầu từ rất lâu, từ đời ông Nguyễn Hượt, phụ thân của võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo ngày nay.
Với căn cơ của người thuộc võ giới, với sự cẩn trọng của một nhà nghiên cứu và với một sự đam mê của người sưu tập cổ vật, ông đã từng khiến giới nghiên cứu cả nước sửng sốt khi đưa ra triển lãm chiếc đầu bò thần Nadin của người Chămpa – hiện vật gần như là độc nhất vô nhị hiện nay còn lại, để từ đó, một chương trình lịch sử gốm Chămpa đã dần hé mở với những người đam mê cổ vật và nhất là với những người chuyên sâu về nghệ thuật của Đất và Lửa này. Theo phân tích của ông Nguyễn Vĩnh Hảo, thì sự xuất hiện của dòng gốm Gò Sành (tên chỉ dòng gốm của người Chămpa gắn liền cùng di chỉ Gò Sành cách thành phố Quy Nhơn 10km về hướng Tây Bắc) cần được xem xét trong sự gắn liền với quá trình hình thành kinh đô cổ Vijaya từ thế kỷ thứ 10, và đương nhiên, sự biến mất đột ngột của gốm Gò Sành cũng là hệ quả của việc vương quốc này tàn lụi vào thế kỷ 15. Để cho tới nay, đây là một dòng gốm chỉ còn được biết tới một cách bí ẩn, không còn lưu truyền và vì vậy, các hiện vật cổ đã trở nên vô cùng quý hiếm.
Chúng độc đáo bởi sự pha trộn hài hoà giữa nhiều dòng văn hoá. Các hiện vật được vớt ở lòng biển Nam Thái Lan trong con thuyền đắm từ khoảng thế kỷ 14, những chiếc đĩa, bát cổ được tìm thấy tại Philippine và Indonesia được xác định là thuộc Việt Nam, song không ai trước đó có thể xác định xuất xứ chính xác… Với nước men celadon tuyệt đẹp mang phong cách đời Tống, Nguyên – Trung Quốc, song dáng vuốt cao và bầu tròn thuần Chăm kết hợp cùng hoạ tiết hoa sen chủ đạo của Ấn Độ giáo, tất cả các chi tiết đó được bao phủ quanh xương gốm thô, nung tới mức trở thành sành xốp… đã khiến giới nghiên cứu lúng túng. Chỉ tới khi những hiện vật được tìm thấy tại di chỉ Gò Sành vào năm 1974 bởi ông Nguyễn Hượt, và sau này, với sự nghiên cứu của nhiều đoàn khảo sát và đặc biệt sự tìm tòi, khám phá của tiến sĩ khảo cổ Mỹ Rosana Brown, thì bí ẩn về kỹ thuật tạo tác đồ gốm của người Chămpa trên miền này mới dần được hé mở.
Theo phân tích của ông Vĩnh Hảo, người Chămpa xưa đã thành công trong việc tạo nên ngọn lửa trên 1000 độ. Đây là điều tối quan trọng để có thể chuyển các sản phẩm chất lượng kém trước kia thành các đồ dùng chất lượng cao. Với những chiếc lò bầu và men được tiếp nhận từ Trung Quốc, với chất đất sét xám pha trộn nhiều Si2,04, người thợ thủ công Chămpa xưa đã tạo nên một cuộc cách mạng lửa, để từ đó, các sản phẩm gốm Chămpa đã có thể hoà vào dòng gốm thương mại đi khắp nơi trên thế giới. Nếu như có thể phân chia một cách tương đối, chúng ta sẽ thấy ở đây 2 dòng gốm: đất nung và đất tráng men. Các sản phẩm đất nung được dùng trong thờ tự, trang trí, kiến trúc và gia dụng. Các sản phẩm tráng men, dĩ nhiên có giá trị cao hơn, trước tiên dành cho hoàng gia và phục vụ tế tự, sau đó mới dành cho xuất khẩu. Ngay từ khoảng thế kỷ thứ 10, người Chămpa đã có thể tạo nên một dòng men celadon đơn sắc, bao bọc quanh thân gồm một chiều sâu thị giác và rất mỹ thuật. Chiếc đầu bò thần Nadin cao 80cm tráng men được dùng cho trạng trí tháp, chiếc đầu hươu lốm đốm oxit sắt bên ngoài thân gốm, bộ mặt quỷ Kala đất nung và hàng trăm bình cổ, hàng chục mảng phù điêu cùng các loại sản phẩm đất nung khác được ông Nguyễn Vĩnh Hảo lưu giữ là minh chứng rõ rệt cho trình độ tạo tác gốm của vương quốc Vijaya xưa kia. Đây là một bộ sưu tập vô giá, độc nhất vô nhị và là những trang sách giúp người đời sau hình dung về rất nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, tôn giáo… của người Chămpa.
Học tiếng Anh với Lightway:
Phân biệt up to, until, và till
Cẩn thận lời nói với thành ngữ the genie is out of the bottle
Sự khác nhau giữa thereby và therefore
Bạn có bao giờ find a pot of gold at the end of a rainbow
Bởi nếu như trước đây, các pho tượng Visnu, Siva… tất thảy đều được tạc từ đá, do đó đòi hỏi thời gian rất lâu và nếu chạm khắc thường chú trọng những mảng miếng, ít chi tiết nhỏ… thì với đất nung, những hoạ tiết đã trở nên bay lượn và sinh động hơn gấp bội phần. Bằng bàn tay khéo léo và niềm hoan lạc khi tiếp cận cùng thế giới tâm linh, những người thợ vô danh xưa đã thể hiện một cách điêu luyện kỹ thuật chạm trổ trước khi nung. Điều này được áp dụng cho các pho tượng, cho phù điêu gắn lên tháp và cả những đồ gia dụng. Rất đáng tiếc là cũng bởi với chất liệu kém bền vững hơn đá, nên cho tới nay việc sưu tầm và bảo quản hiện vật đất nung Chămpa còn có nhiều khăn, đồng thời thời gian cũng đã hủy hoại rất nhiều mẫu vật lưu truyền trong dân gian. Từ thế kỷ thứ 11 cho tới thế kỷ 15, kỹ thuật chế tác đồ đất nung của vương quốc Vijaya đã tiến được những bước rất xa, để cho tới nay, giới nghiên cứu và cả giới sưu tầm cổ vật đều khao khát tìm kiếm những món quà mà người xưa để lại cho lịch sử.
Và cũng như những gì độc đáo nhất, huyền hoặc nhất của thế gian, dòng gốm Gò Sành đã đột ngột biến mất, mang theo ánh hào quang của nó đi khỏi lịch sử gốm nhân loại. Để cho tới nay, những nhà nghiên cứu khi chạm tay và nếu may mắn được sở hữu một vài hiện vật của dòng văn hoá này đều cảm thấy rất may mắn bởi món quà của lịch sử để lại. Và khi rời đất võ Bình Định, tôi đã được chính tay võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo trao tặng một món quà mơ ước như vậy, Chiếc bình Gò Sành – một vật phẩm hoàn hảo với màu men lấp lánh sắc da chu – chiếc bình đã đi qua hàng trăm năm thăng trầm với thời gian. Chiếc bình dường như còn lưu giữ hơi ấm của ngọn lửa hoàn nguyên đã mãi mãi đi vào dĩ vãng cùng vương quốc Vijaya. *