Truyền thuyết Lý Công Uẩn (Vua Lý Thái Tổ 974-1028)

tuong vua ly cong uan ly thai to
tuong vua ly cong uan ly thai to
498 views
6 phút đọc
Nội dung

Nguyên Đăng

Một trong những truyền thuyết xưa kể rằng thân phụ Lý Công Uẩn là người nhà nghèo đi làm ruộng thuê ở Tiều Sơn (An Phong, Bắc Ninh) phải lòng một thôn nữ, nàng có mang và cả hai bị đuổi đi nơi khác. Hai vợ chồng dẫn nhau đến khu rừng Báng thì mệt mỏi dừng lại nghỉ.

Chồng khát nước đến giếng nước giữa rừng uống, chẳng may sẩy chân chết đuối. Vợ chờ lâu không thấy, đến xem thì thấy đất đã đùn lên lấp giếng. Người phụ nữ bất hạnh than khóc một hồi rồi xin vào ngủ nhờ ở chùa Thiện Tâm gần đấy. Sư trụ trì chùa đêm trước đã nằm mơ thấy Long thần báo mộng rằng: “Ngày mai dọn chùa sạch sẽ, có hoàng đế đến”. Tỉnh dậy, nhà sư sai chú tiểu quét dọn sạch sẽ, túc trực từ sáng đến chiều chỉ thấy một người đàn bà có mang đến xin trú nhờ. Được vài tháng bỗng có chuyện lạ. Một đêm, khu tam quan của chùa rực sáng hẳn lên, hương thơm ngào ngạt lan tỏa. Nhà sư cùng bà hộ ra chùa xem thì thấy người đàn bà ấy đã sinh một con trai, trên hai bàn tay có bốn chữ “Sơn hà xã tắc”. Sau đó trời bỗng nổi trận mưa to gió lớn. Mẹ chú bé đã chết ngay sau khi sinh con và chú bé được nhà chùa nuôi nấng. Khi chín tuổi, chú bé được nhà sư cho theo học thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn. Chú bé đó là Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ, trị vì từ năm 1010 đến 1028). So với truyền thuyết nói trên, chính sử hé lộ mẹ Lý Công Uẩn họ Phạm còn tên tuổi quê quán không ghi rõ mà châu Cổ Pháp xưa thì rất rộng, gồm nhiều làng xã.

May thay, gần đây người ta tìm được bia “Lý Gia Linh Thạch”(*) cỡ 40x60cm đặt ở chùa Tiêu (Tương Giang, Tiên Sơn, Bắc Ninh) đã làm sáng tỏ: “Chùa Thiện Tâm, trụ trì tăng viện là sư Vạn Hạnh, người Cổ Pháp. Đặc biệt, phía đông bên tả ngạn có bà Phạm Thị Ngà, quê Hoa Lâm, khi lên chùa đèn nhang thường thấy một vị thần luôn đứng cạnh cột chùa. Người dậy đi theo vào giữa hang núi lấy củi. Từ đó bà ngẫm sự việc hiện trên mặt đá, thường ngồi trên núi buổi đầu rất linh thiêng, ngẫu nhiên thành người có thai sinh ra người con họ Lý”.

Tiểu sử Lý Công Uẩn

Họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa. Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974) thời Đinh, còn bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Khi ông mới 3 tuổi, mẹ  ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Lớn lên, không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, tính khảng khái, có chí lớn. Lớn lên làm quan nhà Lê trong đời Ứng Thiên, xuất thân thờ Lê Trung Tông. Vua Lê Đại Hành băng hà , Trung Tông bị giết, ông ôm xác mà khóc, Lê Ngọa Triều khen là người trung, cho làm Tứ sương quân phó Chỉ huy sứ, thăng đến chức Tả thân vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Đến khi vua Lê Ngọa Triều băng hà, được triều thần tôn xưng làm hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô ở thành Thăng Long, đại xá thiên hạ, ở ngôi 18 năm (1010 1028), thọ 55 tuổi (974-1028), băng hà ở điện Long An, táng ở Thọ Lăng. Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế hòa nhã, có lượng đế vương.

Đọc thêm:
Quy định về tội giết người trong Bộ luật Gia Long (BLGL)
Cái yếm của cô gái Việt
Băm Lăm con dê – Con dê trong văn hóa và ẩm thực người Việt
Bồ đào mỹ tửu… là rượu gì?

Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh đã vận động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thiền Uyển Tập Anh (**) nói những loại sấm truyền và tiên tri Vạn Hạnh đã vận dụng rất nhiều thứ. Có lần sét đánh lên cây gạo do thiền sư La Quý An trồng ngày xưa, in thành chữ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (* * *) nói rằng dân làng đọc được những chữ sau đây trên thân cây gạo:

“Thụ căn điểu điều

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành

Đông a nhập địa

Dị mộc tái sinh

Chấn cung kiến nhật

Đoài cung ẩn tinh

Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình”

(Gốc cây thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Cây hòa đao rụng

Mười tám hạt thành

Cành đông xuống đất

Cây khác lại sinh

Đông mặt trời mọc

Tây sao ẩn hình

Sáu bảy năm nữa

Thiên hạ thái bình)

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói tiếp: “Nhà sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: Trong câu: “Thụ căn diểu diểu” chữ căn là gốc, gốc tức chỉ là vua, chữ diểu đồng âm với chữ yểu, thế là nhà vua chết yểu; trong cấu: “Mộc biểu thanh thanh”, chữ biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ thanh là xanh, đồng âm với chữ thanh là thịnh, thế là một người trong số quần thần sẽ lên nắm chính quyền; ba chữ hòa đao mộc hợp lại là Lê (*), lạc là rụng, tức là nhà Lê mất. Ba chữ thập bát tử hợp lại là chữ Lý(*), “Thập bát tử thành” là nhà Lý lên. Trong câu “Đông a nhập địa”, chữ Đông và chữ a hợp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương Bắc vào cướp; câu “Dị mộc tái sinh” tức là họ Lê khác lại nổi lên. Trong câu “Chấn cung kiến nhật” thì chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật là thiên tử, thiên tử xuất hiện ở phương Đông. Trong câu “Đoài cung ẩn tinh” thì đoài là phương Tây, ẩn là lặn, tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây. Mấy câu này có ý nói vua thì non yếu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình”.

Ngày Lý Công Uẩn được suy tôn hoàng đế trong cung thì Vạn Hạnh đé đang ở chùa Lục Tổ. Ông biết trước về việc này và nói cho mọi người xung quanh nghe. Họ hoảng hốt chạy về kinh sư nghe tin thì quả nhiên đó là sự thật *

Học tiếng Anh:
Monkeys around và những thành ngữ về khỉ
Hotdog, Firework và cách ghép danh từ trong tiếng Anh
Crazy và insane khác nhau thế nào?
Tìm hiểu về đại từ trong tiếng Anh

………………..

(*) Ông Nguyễn Ngọc Thạch là người đã dịch tâm bia Lý Gia Linh Thạch (Hòn đá thiêng của nhà Lý) tại chùa Tiêu Sơn (nơi tu hành của nhà sư Lý Vạn Hạnh) ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Bia được khắc vào triều Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793).Văn tự của bia có đoạn viết: Bà mẹ họ Phạm là người ở huyện Đông Ngàn, Hoa Lâm đi vãng cảnh chùa, thường thấy một thần hầu đến mách bảo và đưa bà vào hang núi Ba Tiêu huyễn hóa, trong hang có mùi thơm lừng và khí hơi mù mịt. Vì đã để lại sự tích bà mẹ họ Phạm có thai đẻ ra vua Lý (Lý Thái Tổ) trong la cuộc đi chơi vãng cảnh chùa cô, Tăng (Lý Vạn Hạnh) thấy sự việc trên rất là bèn lấy hòn đá to ở trong hang làm bia ghi lại sự tích.

(**)Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, là một tập sách nói về các vị thiên sư Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XIII. Đây là tài liệu lịch sử cổ nhất của đạo Phật Việt Nam mà chúng ta hiện có. Sách này bắt đầu được biên tập vào khoảng trước năm 1134 cho đến đầu thế kỷ XIII thì hoàn tất. Năm 1134 là năm qua đời của thiền sư Thông Biện, thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông, một người có nhiều sở trường về sử học.

Tác giả Thiền Uyển Tập Anh là ai? Lê Quý Đôn (Đại Việt Thông Sử) cũng như Phan Huy Chú (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí) nói là do một tác giả đời Trần. Trần Văn Giáp cũng nói là sách do một tác giả đời Trần, sống vào thượng bán thế kỷ XIII đồng thời với thiền sư Hiện Quang, vị thiền sư cuối cùng của phái Vô Ngôn Thông “cho đến nay, vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Khai Hựu”, ông kết luận là năm Đinh Sửu (1337) là năm soạn thảo sách Thiền Uyển Tập Anh.

Xét kỹ nội dung Thiền Uyển Tập Anh, ta thấy rằng sách này không phải do một người biên tập mà do nhiều người biên tập. Có nhiều dữ liệu cho ta nghĩ rằng chính thiền sư Thông Biện (mất năm 1134) là người bắt đầu việc ghi chép biên tập. Ông thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, và những người nối tiếp theo công việc của ông cũng là những thiền sư thuộc cùng thiền phái.

(***) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo (1272 – 1697).

5/5 - (2 votes)
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Văn hóa Việt Nam

Bài viết trong chuyên trang này được sưu tầm từ các nguồn uy tín và hay để chia sẻ với mọi người, vì văn hóa Việt Nam là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT