Thục Miên
Trong các tỉnh xa xôi hẻo lánh của Afghanistan, nơi một bé gái có “giá” tương đương 100 con cừu hoặc 10 con bò, những cuộc hôn nhân giữa những bé gái còn trinh tiết và ông già vốn đã có gốc rễ trong những tập tục của bộ lạc. Bị kết hôn trong độ tuổi chỉ mới biết chơi đùa với búp bê, nhiều người – đàn – bà – măng – sữa này thật sự phải sống trong cảnh địa ngục trần gian…
Hai cô bé Ghulam và Roshan chưa từng quen biết nhau mặc dù họ sống trong hai ngôi làng chỉ cách nhau vài kilômét, cách Tchaghtcharan, thủ phủ của tỉnh Ghôr, chừng 3 giờ đường ô tô. Hai người không biết mặt nhau, song mùa xuân sắp tới sẽ là thời điểm chấm dứt tuổi thơ ấu của họ. Hai cô bé đều cùng 11 tuổi và phải chịu chung một tai hoạ: sinh ra là con gái ở Afghanistan. Khoác vào người chiếc khăn choàng vai màu trắng, và sau khi cùng với mấy cô bạn nhỏ cùng làng đùa nghịch đủ mệt với con mèo, bé gái Roshan đi gặp cha – ông Abdul Qasem – gần cánh đồng thuốc phiện bao quanh ngôi làng Chavosh của họ. Một nhóm đàn ông đang tụ tập quanh mollah (trong đạo Hồi phái Shiite, mollah là tiếng dùng để tôn xưng những thầy giảng giáo luật Coran) để cầu kinh. Độ 10 phút sau, ông Qasem cắt cổ họng một con cừu trước căn nhà bằng đất nén của mình. Nghi thức được tôn trọng: Roshan từ nay là vợ của Said Mohammed. Tối nay, cô bé Roshan sẽ phải rời bỏ gia đình và bạn bè của mình để đến sống trong một căn nhà khác, nơi mà người vợ đầu tiên của “chồng” cô bé, 3 con trai và một con gái của họ cùng tuổi với “cô dâu” đang chờ đợi!
Ai có thể tưởng tượng nổi một ông già ngồi cạnh thằng nhóc tì đang nô đùa vô tư kia là “chú rể”. Người đàn ông đã 55 tuổi nhưng nom già sọm do cuộc sống vất vả và thói quen hút thuốc phiện. Với những người ngoại quốc khó chịu trước “liên minh ma quỷ” này, người Afghanistan thường trả lời rằng đó là điều hợp pháp theo luật charia. Nhưng ông Qasem không tìm cách bào chữa cho cuộc hôn nhân kỳ quái này bằng “luật lệ tôn giáo”. Nếu ông “bán” cô con gái Roshan để đổi lấy của hồi môn gồm 10 con bò hay 100 con cừu thì đó là vấn đề sống còn. Ông nói: “Anh tưởng tôi thèm cưới chồng cho con gái tôi lắm sao? Tôi nghèo quá, nên rất cần tiền. Tôi hãy còn 3 đứa con gái ở nhà nữa”. Cách thủ phủ Ghôr 60km, một trong những tỉnh nghèo nhất Afghanistan, 1.500 dân làng Chavosh sống trong sự cùng quẫn tột độ, không điện, không giếng nước. Số nông dân chân lấm tay bùn này mỗi năm chôn cất 40 bà vợ của họ bị chết khi sinh nở, và khoảng 50 đứa con sớm lìa đời vì bệnh hô hấp và đường ruột. Bệnh viện gần nhất cũng cách làng đến 15 giờ đường nhấp nhô trên lưng lừa, nếu như ngôi làng không bị cô lập bởi những trận bão tuyết hoành hành đến 5 tháng trong năm.
Cô bé Ghulam, 11 tuổi, ở làng Damarda cũng cùng chung số phận như Roshan. Ông Mahmoud Haider, 32 tuổi, cha cô bé, nét mặt không có vẻ gì xúc động, chúc mừng con gái đã tìm được vị hôn phu cho mình – Faiz Mohammed, người đàn ông tuổi đã tứ tuần với gương mặt khắc khổ! Cô bé Ghulam phải bỏ trường học từ khi được báo tin về lễ đính hôn của mình. Với cái nhìn xa xăm và gương mặt thản nhiên, Ghulam không nói một lời nào với người chồng sắp cưới của mình trong suốt buổi lễ. Khi đã ở riêng cách xa những vị khách mời ồn ào và khi được hỏi về cảm xúc của mình trước cuộc hôn nhân kỳ quặc này, Ghulam trả lời: “Chẳng ra gì cả! Con không biết ông già này. Con cảm thấy gì à? Buồn lắm!”
Cô gái nhỏ mang cái nhìn áo não này biết rất rõ rằng người ta không chỉ giẫm đạp lên tuổi thơ vô tư lự mà cũng huỷ hoại cả tương lai trong sáng của mình. Ngoan và học hành chăm chỉ, giỏi tiếng Dari (một trong những ngôn ngữ chính thức của Afghanistan), ước mơ sau này của Ghulam là được trở thành cô giáo. Nhưng bây giờ đối với em thì trường học đã không còn nữa! 11 tuổi, sau đêm động phòng khác nào như một cuộc cưỡng dẫm, nếu may mắn Ghulam sẽ là một người vợ ngoan ngoãn, còn tồi tệ hơn thì cô bé trở thành một nô lệ tình dục và con ở trong gia đình nhà “chồng”! Bởi vì tại xứ sở Afghanistan tan nát bởi những cuộc chiến tranh liên miên, nơi mà các luật lệ bộ tộc được tôn trọng hơn cả luật dân sự, thì các bé gái tuổi còn ngây thơ chỉ là một loại hàng hoá đổi chác để trả nợ cờ bạc, hút thuốc phiện hay danh dự.
Khái quát văn minh và lịch sử Do Thái
Tìm hiểu về người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) – Họ là ai?
50 cuốn sách tiếng Anh nên đọc để thông hiểu mọi thứ
Tìm hiểu về quân đội Chăm Pa xưa
Chính vì thế mà cách đây 6 tháng, Majabin, chỉ mới 12 tuổi, đã phải làm vợ ông Mohammed Fazal 45 tuổi vì cha cô nợ ngập đầu do đánh bạc. Chồng của Majabin giải thích:
“Người ta bày cho tôi chuyện cưới cô con gái còn nhỏ tuổi để cấn no, và tôi đã làm theo”. Thấy người ta kinh ngạc trước sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, Fazal cười rộ lên: “Người Ba Tư có câu ngạn ngữ như thế này: “Nếu như bé gái không té ngã khi bị ném mũ vào người, thì nó đã đủ tuổi để lấy chồng”. Ở Afghanistan, do không có giấy tờ hộ tịch nên người ta khó mà thống kê chính xác con số những cuộc hôn nhân quá sớm như thế này. Nhưng theo các tổ chức phi chính phủ (ONG) và Bộ quyền phụ nữ, khoảng 57% phụ nữ Afghanistan kết hôn trước tuổi luật pháp quy định là 16 tuổi. Hàng ngàn phụ nữ trẻ con bị lôi ra trước bàn thờ hôn lễ trong khi thật sự các em chưa đến độ tuổi trưởng thành đầy đủ về giới tính và tâm lý. Kết hôn lúc 11 tuổi – thậm chí đôi khi chỉ mới… 8 tuổi! – và trở thành mẹ lúc 12 tuổi, nhiều em phải trải qua thời kỳ mang thai và ở cữ như những sự kiện gây chấn thương tâm thần, theo báo cáo “Nghiên cứu về hôn nhân trẻ con ở Afghanistan” do ONG Đức Medica
Mondiale thực hiện. Qua khảo sát các bệnh viện, nơi ở và nhà tù phụ nữ, hai tác giả của cuộc điều tra Sejia Bahgam và Wahida Mukhatari ghi nhận: “Các em chưa sẵn sàng về mặt tâm lý, và thường bị thương tổn trong giao hợp. Hơn nữa, ở vị trí người vợ, các em sớm kiệt sức vì phải cáng đáng những công việc nặng nhọc trong gia đình nhà chồng. Do không sinh nở đúng kỳ hạn, nên các em thường bị sẩy thai hoặc đẻ non. Và cũng do không được chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống làm mẹ, nên các em thường không gắn bó tình cảm mấy với đứa con. Một sự thật không đáng ngạc nhiên: hành vi giao hợp không cho phép người ta công nhận sự chào đời của đứa bé, nên trước mắt họ nó chỉ là đứa trẻ hậu quả của sự cưỡng dâm mà thôi”. Thêm nữa, việc sinh nở giống như chuyện hên xui may rủi, vì tại Afghanistan mỗi ngày có từ 50 đến 70 phụ nữ chết khi ở cữ. “Một trận sóng thần ngấm ngầm”, Mohammed Amin, Bộ trưởng y tế, cảnh báo.
Hôn nhân trẻ con không chỉ xảy ra trên đất nước Afghanistan. Theo một nghiên cứu của ONG Population Council, trong số 7 bé gái thì có 1 em bị đưa vào con đường hôn nhân lúc 15 tuổi tại các quốc gia đang phát triển – ngoại trừ Trung Quốc. Hôn nhân trẻ em, một tập tục cổ xưa, bưng bít trong bóng tối, và chỉ phơi bày ra ánh sáng sau khi Liên hiệp quốc tố cáo nó như là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người vào năm 2001. Và cũng trong năm này, tổ chức Unesco đã tiến hành một chiến dịch đòi hỏi chấm dứt hiện tượng kết hôn sớm. Unesco cho biết, những “bà vợ” nhỏ tuổi rất dễ trở thành nạn nhân của bạo hành trong gia đình: 29% trong Số đó bị đánh đập ở Ai Cập, 26% ở Jordanie. Nếu không thì cũng bị giết chết bởi “luật danh dự” ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay Liban.
Abebe Kebede, nhà hoạt động xã hội hàng đầu của Ethiopie, nhận định: “Đây là vấn đề mang tính thế giới và vô cùng phức tạp. Nó tồn tại trong nhiều quốc gia. Nên nhớ rằng những hậu quả do hôn nhân sớm gây ra cho trẻ em – và toàn bộ quốc gia – phải được coi là thảm hoạ”. Theo Liên hiệp quốc, mang thai sớm ở trẻ em là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết cho trẻ em gái trong độ tuổi từ 15 đến 19 trong các quốc gia đang phát triển. Thống kê cho biết, có ít nhất 2 triệu phụ nữ trên toàn thế giới hiện đang sống với những thương tổn trầm trọng ở âm đạo và hậu môn, gọi là bệnh rò (fistula), do việc mang thai khi tuổi còn quá nhỏ. Không chỉ có vấn đề về sức khoẻ, mà cả cuộc sống của trẻ em kết hôn sớm cũng bị rối loạn. Hàng ngàn trẻ em còn bị rơi vào bẫy kinh doanh nô lệ tình dục. Theo tổ chức Population Fund của Liên hiệp quốc (hay UNFPA), ít nhất 49 quốc gia trên thế giới đối mặt với vấn nạn trẻ em kết hôn sớm, tức là ít nhất 15% trẻ em gái kết hôn khi chưa đầy 18 tuổi. Ethiopie là một trong những điểm nóng như thế. Dưới sức ép của các tổ chức nhân đạo, chính phủ nước này đã bắt đầu ngăn cấm tập tục hôn nhân trẻ em. Tuy nhiên truyền thống của quốc gia châu Phi này khó bị dập tắt. Trong cộng đồng tộc người Amhara của Ethiopie, gần 90% cô dâu chưa đến tuổi thành niên. Tiếng trống dồn theo điệu múa bộ tộc phát ra từ những đám cưới trẻ con vang dội khắp núi rừng! Sắc tộc Amhara có tỷ lệ trẻ em kết hôn sớm cao nhất thế giới, theo số liệu thống kê của Liên hiệp quốc và Ethiopie. HIV và hôn nhân trẻ em cũng thường song hành với nhau trong các quốc gia đang phát triển. Ngay đến những cô dâu non tuổi nếu không bị cưỡng ép làm gái mại dâm thì cũng thường bị lây nhiễm HIV với tỷ lệ rất cao do những ông chồng già từng trải về tình dục mang sẵn virus trong người truyền sang!
Học tiếng Anh với Dịch Thuật Lightway:
Every dog has its day và thành ngữ tiếng Anh về chó
To catch a crab nghĩa là gì
Câu nói spilling the beans, và Blabber mouth nghĩa là gì?
Chỉ dẫn cách viết thư tình tiếng Anh
Ở Afghanistan, nếu như không một gã đàn ông nào bị truy tố trước pháp luật vì tội danh kết hôn với trẻ vị thành niên, thì ngược lại phụ nữ phải sống mòn trong nhà tù Kabul vì bị kết tội chạy trốn hay mưu toan giết chết người chồng vũ phu! Trong số 32 nữ phạm nhân, thì có đến 19 người chịu đựng cảnh lấy chồng quá sớm. Như cô gái Jamila, 16 tuổi, mang án 3 năm tù. Vì tội gì? Bị ép gả cho một ông già 85 tuổi khi chỉ mới 9 tuổi, và sau đó Jamila đã bỏ trốn cùng với người tình. Còn Zeinab tốt số hơn. Cô bị bán cho ông già tuổi ngũ tuần bị câm và điếc với giá 60.000 tiền Afghanistan (khoảng 930 euro), và sau đó đã nhiều lần bỏ trốn cảnh địa ngục trong gia đình nhà “chồng”. Mỗi lần bị bắt lại, Zeinab đều bị cha ruột trói lại đánh đập khi người chồng đến tìm. Cuối cùng Zeinab bỏ trốn đến Kabul và được một phụ nữ độ lượng cưu mang. Vài tháng sau, Zeinab thành hôn với người yêu là cháu trai của người phụ nữ tốt bụng này. Khi mang thai được 6 tháng, Zeinab can đảm kể lại hết mọi sự tình cho người chồng thứ hai này nghe, và anh ta báo tin cho cha mẹ vợ để cùng vui chung. Nhưng cha mẹ của Zeinab lại không thấy vui mừng, mà ngược lại đã tố cáo hai vợ chồng trẻ với cảnh sát và họ bị kết án tù vì “hôn nhân bất hợp pháp”. Được các luật sư của ONG Medica Mondiale biện hộ, Zeinab và chồng cuối cùng được trả tự do và cuộc hôn nhân của họ được hợp pháp hoá. Một kết thúc có hậu, nhưng còn đổi với biết bao cuộc sống đau đớn khác thì sao?
Để dập tắt vòng tròn nghiệt ngã của bạo lực đối với phụ nữ, cần thiết phải giáo dục họ. Để làm điều đó, UNICEF đã khởi động chương trình giáo dục toàn cầu dành cho bé gái trong hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đưa thiếu nữ đến với giáo dục một cách bình đẳng chính là vấn đề chính của báo cáo về hôn nhân và phát triển toàn diện cho thiếu nữ của UNICEF. Một nguyện vọng chính đáng, nhưng trong 6 tháng gần đây ở Afghanistan, bọn Taliban đe doạ sẽ “cắt mũi xẻo tai cô giáo và học trò nữ nào dám trở lại trường học” và bọn chúng đã tấn công, đốt cháy và đóng cửa hơn 300 trường học nữ trong số 1.350 trường trên khắp Afghanistan. Ở thành phố Herat, trong khu tiếp nhận phụ nữ do tổ chức Wassa của Afghanistan và Medica Mondiale thành lập, những phụ nữ chạy trốn bạo lực gia đình đang được học hành trở lại. Vào giờ nghỉ trưa, cô bé Mejgon 16 tuổi nằm ngủ mà tay vẫn ôm chặt đứa bé của một trong những bạn gái không may mắn của mình. Một giờ trước đó Mejgon đã thú nhận mà nước mắt đầm đìa: “Con chưa bao giờ biết “được yêu thương” là như thế nào.”
(Theo Chicago Tribune, 28.9.06 & Marie Claire, 10.06)