Tính cách Nam Bộ trong truyện dân gian của người Việt

Tính cách người nam bộ thể hiện nhiều qua truyện dân gian
Tính cách người nam bộ thể hiện nhiều qua truyện dân gian
134 views
15 phút đọc
Nội dung

Nguyễn Văn Hiếu

1. Trọng nghĩa khinh tài

Có thể coi hình ảnh của những Lục Vân Tiên, Hớn Minh… là tiêu biểu cho tính cách con người Nam bộ. Gặp chuyện bất bình không thể khoanh tay, chẳng thể cầm lòng trước lòng người dối gian đen bạc. Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, không cần đến sự đền đáp nghĩa ơn; Hớn Minh đèn chửi rủa thậm tệ Võ Loan chính vì sự phản trắc của nàng. Đối với người dân Nam bộ, “giá trị con người không ở tiền bạc, huyết thống, nhưng là ở thái độ tích cực “lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (đối với đồng loại), “bần tiện chi giao mạc khả vong” (đối với bạn bè). Vân Tiên, Hớn Minh, ở hai con người này, bộc lộ gần như trọn vẹn những nét phẩm chất đó.

Người dẫn Nam bộ hâm mộ Lục Vân Tiên, Hớn Minh của Nguyễn Đình Chiểu bởi lẽ những con người này sống ở trên đời biết đặt nhân nghĩa làm đầu, biết giữ lòng mình không để bẩn nhơ. Thật vậy, dường như sống giữa vùng đất thoáng rộng, ít người lai vãng và mới khai phá này, vàng bạc đã không dễ lung lạc ý chí của họ. Lại nữa, các tổ chức tương đối ẩn tàng của làng xã ở Nam bộ không đầy đủ, trọn vẹn như ở Bắc bộ, tính cố định của làng cũng không bền vững bằng. Con người gắn bó, quan hệ với nhau thành một cộng đồng chẳng qua vì nghĩa. Do đó, một người có thể vượt hàng trăm cây số đến thăm người khác chẳng qua vì nghĩa cố tri. Đây có thể là nguyên nhân lý giải vì sao từ “nghĩa” xuất hiện khá đậm đặc trong ca dao dân ca người Việt ở Nam bộ. Và chính đặc điểm trên đã tác động rất lớn đến tính cách nổi bật đầu tiên của người dân Nam bộ: Trọng nghĩa khinh tài.

Nói như nhà nghiên cứu Sơn Nam: “Nghĩa là nghĩa khí, tiêu biểu cho nghĩa khí là ông Quan Vân Trường, không lợi dụng quyền thế để lấn hiếp kẻ yếu, không giết kẻ té ngựa, ăn ở thủy chung, dám liều thân vì nghĩa lớn, không nói xấu kẻ vắng mặt”. Còn tài, có thể hiểu là tiền, nghĩa là chẳng màng lợi lộc, công danh. Nguyễn Đình Chiểu đã quyết định rời Cần Giuộc về Ba Tri để tỏ thái độ bất hợp tác với giặc, sau khi triều đình kí hòa ước Nhâm Tuất (1862), nhường bạ tỉnh Miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Về Ba Tri, nhưng Nguyễn Đình Chiểu không sao quên “nghĩa tình Cần Giuộc”. Ông mang nặng nghĩa tình với nhân dân Cần Giuộc, một phần vì ông hiểu được tình yêu nước lớn lao của nhân dân, một phần vì họ đối đãi với ông bằng cả tình thâm nghĩa nặng.

Rõ ràng, trong cả cuộc đời, Nguyễn Đình Chiểu ngoài đời thực, cũng như các nhân vật Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Ngư Tiều,… trong tác phẩm văn học của ông, đều coi trọng chữ “nghĩa”. Nó tựa như một lẽ sống thiêng liêng mà con người cần vươn tới. Hình như Nguyễn Đình Chiểu đã sống trọn mình vì chữ “nghĩa”. Tôn Thọ Tường vốn là chỗ cố giao của cụ Đỗ Chiểu, một lần giả vờ gửi đến cụ một hũ mắm, bảo chính tay vợ mình làm tặng. Sau khi ăn gần hết mắm, nghe người nhà nói dưới đáy hũ có mấy nén vàng, Cụ Đồ vô cùng tức giận, sai người nhà đem trả và đau xót trách móc Thọ Tường đã làm nhục mình. Một lần khác, tên tỉnh trưởng Bến Tre, người Pháp, lấy cớ nhờ nhuận chính bản Lục Vân Tiên, đến thăm cụ, cùng đi còn có thông ngôn Lê Quang Hiền. Chúng biết là đã từ lâu, cụ Đồ đã chẳng ưa gì bọn thực dân, còn ghét cay, ghét đắng nữa là đằng khác. Người ta kể có lần phải ra chợ, cụ đã băng vườn lội ruộng hằng mấy cây số, chứ chẳng đếm xỉa gì đến con đường rất gần dẫn ra chợ của bọn thực dân.

Trong cuộc hội kiến bất đắc dĩ giữa cụ và Michell, mặc dù Quang Hiền cố cų gắng dịch thật chậm rãi, rõ ràng từng câu, từng chữ, nhưng cụ Đồ vẫn chặp chặp lắc đầu, đưa tay ra hiệu giả vờ mình điếc đặc, không nghe, không hiểu gì cả. Với thực dân, tay sai, cụ có thái độ chống đối ra mặt, Song với đất nước, nhân dân, cụ một lòng tỏ rõ dạ mình luôn hướng về cuộc sống nhân dân và đặt nợ nước lên đầu. Tiền tài, danh vọng bọn thực dân muốn tạo cho cụ đã không thể mua chuộc được cụ. Nợ nước lo chưa xong, cuộc sống nhân dân túng thiếu mọi điều, thì có xá gì thân cụ.

Do vậy, lần Ponson đến thông báo về việc chính quyền Pháp xét trả lại ruộng đất cho cụ ở Tân Thới (Gia Định), cụ thản nhiên trả lời: “Đất vua còn bỏ, đất tôi sá gì”. Rồi khi Ponson tỏ vẻ lo lắng về cảnh già nua bệnh tật của cụ, và đặt vấn đề cấp tiền dưỡng lão, cụ đã từ chối thẳng thừng, mà rằng: “Tôi đang sống đầy đủ trong sự tồn kinh của môn đệ và sự quý mến của đồng bào”. Cụ chỉ có điều mong ước sau cùng là, lập bàn hương án tế lễ vong hồn những người dân đã chết trận. Bên cạnh đó, trong dân gian lưu truyền truyện “Nguyễn Đình Chiểu ở Cần Giuộc và Ba Tri”, “Tài ứng đối của Phan Văn Trị” còn thuật lại những mối tình tri kỷ. Ở đó, xét cho cùng, họ mến nhau vì nghĩa, trọng nhau vì tài. Tình nghĩa giữa Nguyễn Đình Chiểu và Đoàn Ngọc Thơ sâu nặng đến nỗi chúng ta phải xúc động. Trong khi tình bạn giữa Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị giúp ta hiểu rõ hơn về tài của hai người, và lòng căm thù giặc sâu sắc của hai người bạn tâm giao. Có lần, trong bữa cơm của hai người, Phan Văn Trị bĩu môi nói với cụ Đồ:

  • Thằng Tường làm quan lớn cho Tây, vì vậy thiên hạ nói nó khôn; còn tôi vậy, họ nói tôi khùng. Mà anh nghĩ coi, khùng thì khùng chứ “Di, Tề nào khứng giúp Châu – Một mình một núi ai hầu hơn ai”

Sau đó, dựa vào món ăn dân tộc mắm sống – cụ Đồ và ông Phan đã khẳng định tinh thần dân tộc của mình “Hễ còn biết ăn mắm sống thì chẳng phải là Tây!”.

Đọc thêm về Văn hóa Việt Nam:
Tại sao lại là “cãi chày cãi cối”?
Đờn ca tài tử của vùng sông nước phương Nam
36 câu nói của người xưa trong bộ tranh Oger
Bòng bong che nắng, mã-tà tiên phong

Xét theo từng nhóm truyện, tính cách trọng nghĩa khinh tài thể hiện rõ ở các nhân vật trong nhóm truyện liên quan đến lịch sử và văn hóa. Những Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Đốc Binh Kiều, Thống Linh, Phòng Biểu… đứng lên chống thực dân Pháp, tay sai, giành lại cuộc sống an bình cho người dân, chính là làm việc nghĩa. Họ đã xem lợi danh, quyền thế là việc bỏ ngoài tai. Dốc lòng vì nước, vì dân, họ chính là tấm gương nhân nghĩa ngời sáng. Những Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Thành (Cử Thanh) từ chối dẫn thân quan lộ, trở về vui nếp sống thanh bần: dạy học, bốc thuốc, bất hợp tác với kẻ thù, là cũng vì nghĩa. Bởi một lẽ, đất nước đang giẫy đầy dấu chân xâm lược, triều đình gần như buông xuôi trước thời cuộc, việc không nhận lãnh và xem khinh lợi danh, chức quyền, là phẩm cách mà cũng phần nào là tính cách của anh hùng thời đó.

Truyện dân gian Hảo nghĩa khả phong, khắc đậm hình ảnh của một người phụ nữ thuần hậu, có lòng thương người – Lê Thị Mẫn. Bà người làng Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, là vợ thứ của hương sư Bùi Văn Liệu. Ba người con trai của bà đều thi đỗ cử nhân, nhưng người con trưởng không ra làm quan, xin vua ở lại nhà nuôi dưỡng mẹ già, hai người con kế thì người làm đến chức Ăn Sát Nam Định, người làm đốc học Biên Hòa. Lần kia, hai người con làm quan đem về tặng bà một cây lụa tốt, bà không nhận, đưa trả lại và nói: “Làm quan thanh liêm làm sao có tiền dư để mua lụa”. Năm nọ làng xóm mất mùa, bà xuất tiền và mua gạo giúp kẻ nghèo đói, không tiếc thứ gì. Chính vì tấm lòng nhân hậu của bà, vua Tự Đức nghe tiếng, ban khen bà một tấm biển khắc bốn chữ “Hảo nghĩa khả phong”.

Những người dân ở vùng đất Nam bộ này thường thì sống rất xa nhau, vì làng Nam bộ được kéo dài theo tia cặp các con kinh rạch hoặc mốc lộ giới. Nhưng dù ở cách xa, khi có việc cần là họ ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ lẫn nhau. Hoặc là người làng này có chuyện gì đó vô tình đi ngang làng kia, thấy việc bất bình gây hại dân lành, thì quyết ra tay cứu giúp. Ông thầy trong Ông thầy thuốc gia truyền và Mãng xà vương ở Tân Bằng cũng cho ta thấy được tính cách trọng nghĩa khinh tài của người dân Nam bộ. Ông thầy giúp người không cần đến sự trả ơn, nếu có chỉ một ly rượu, một con khô, một trái xoài còn xanh, bày vẽ món gì khác là ông không bằng lòng và xin khước từ. Nhiều lúc người ta chê ông dại. Nhưng dân làng thì ai nấy đều khen ông trọng nghĩa khinh tiền, quý mạng người chứ không màng danh lợi.

Ông thầy giúp dân làng đuổi được loài rắn dữ. Truyện kết thúc, không kể rõ ông thầy thuốc đã được dân làng đền đáp công ơn như thế nào, song chúng ta có thể hiểu rằng, lúc dân làng đang theo dõi mãng xà đuổi nhau chạy thì đó cũng là lúc ông thầy thuốc lẳng lặng xuống xuồng bơi đi tự khi nào. Vậy, người dân Nam bộ xem trọng cái nghĩa cái tình là thế, nên tiền tài, danh lợi đối với họ chỉ là “áng phù vân”.

2. Thẳng thắn, bộc trực

Xuất phát từ tính cách trọng nghĩa khinh tài, người dân Nam bộ đôi lúc mạnh dạn bày tỏ quan niệm của mình. Bạc vàng đã không lung lạc được họ, uy quyền cũng chẳng sợ chi, điều họ muốn nói là cứ thẳng thắn nói, không gì ngăn cản nổi. Vả lại, cuộc sống, hoàn cảnh nơi vùng đất mới còn bộn bề, họ đâu có thời giờ mà dẫn chuyện vòng vo, hoặc nói lý luận quanh co. Đối với người dân Nam bộ, muốn nói chuyện gì thì “cứ nói thẳng để xem chuyện đó ra sao… Muốn nói gì thì nói phức ra, giống như lời dân gian: hãy nói thẳng tuốt tuồn tuột, nói thẳng ruột ngựa ra. Nhiều trường hợp, có thành kiến cho rằng kẻ dùng quá nhiều lý luận là “lẻo mép”, gian xảo, xã giao quanh co là kém thành thật. Nét tính cách này của người dân Nam bộ có thể xem là nét tính cách riêng tiêu biểu. Họ thẳng thắn từ lời nói cho đến hành động:

Người phương Nam đi là cứ đi!
Một chiếc ghe con có sá gì
Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn
Không cần danh vị bỏ vinh quy.
Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu.

(Người phương Nam – Vũ Hồng).

Trong ca dao – dân ca của người Việt ở Nam bộ, xét về chủ đề tình yêu, chàng trai cô gái ở đây thật thẳng thắn khi bộc lộ tình cảm mình. Người con gái mạnh dạn:

Anh về, em túm áo em la làng
Bỏ chữ thương, chữ nhớ lại giữa đàng cho em.

Người con trai còn mạnh bạo, quyết liệt hơn:

Dao phay kề cổ, máu chảy không màng
Chết thời chịu chết, buông nàng không buông.

Nói về tình yêu đôi lứa, người Nam bộ thẳng thắn tỏ tình:

Bớ cô má lúm đồng tiền
Cho hun một chút đỡ ghiền khi xa.

Đi vào từng truyện dân gian, tính bộc trực của người Nam bộ thể hiện khá rõ, nhất là những truyện thuộc nhóm truyện địa danh, hoặc nhóm truyện liên quan đến lịch sử. Trước áp lực to lớn mà bọn thực dân và tay sai gây ra cho Nguyễn Trung Trực, ông đã tự trói đi thẳng vào đồn giặc, đổi mạng cho mẹ và cả dân làng. Giặc rắp tâm dụ hàng ông, sẽ cử ông làm Thống sứ miền Tây nếu ông quy thuận. Nhưng cuối cùng, bọn giặc đã nhận được câu trả lời thế nào, dù trước đó chúng đã cho ông bốn ngày tự do để suy tính? Đến ngày hẹn, ông không trốn chạy, mặc dù ông có thừa khả năng trốn chạy. Nghĩa là ông không bôi nhọ danh dự của một võ tướng. Cái chết biết là đang chực chờ trước mặt, nhưng chẳng phải vì thế mà ông đánh mất khí tiết mình. Đối mặt với kẻ thù, Nguyễn Trung Trực quả quyết rút kiếm chém xuống đất, thà chịu chết, không chịu đầu hàng.

Hành động ấy đã thay cho câu trả lời của Nguyễn Trung Trực đối với giặc thù tàn bạo. Không chấp nhận lời chiều dụ, ông Nguyễn nai nịt quần áo võ tướng chỉnh tề, đeo kiếm đến trước mặt kẻ thù như thẳng thắn nói rằng: Đầu hàng ư! Đó là điều vọng tưởng! Thái độ rút kiếm chém xuống đất cho thấy ông Nguyễn quyết định rất rõ ràng, một một, hai hai. Đến ngày bị hành quyết, trước đông đảo đồng bào, Nguyễn Trung Trực dõng dạc thét vào mặt giặc mà rằng “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người chống Tây”.

Nét tính cách bộc trực ấy, dám nói dám làm ấy, thật khiến giặc Pháp phải kinh ngạc, đến nỗi không một đao phủ nào dám đứng ra chém đầu ông. Phải chăng chính sự thẳng thắn, cương nghị ấy đã làm cho kẻ thù khiếp sợ? Hơn thế nữa, lúc tên tay sai vâng lệnh quan thầy ra chém đầu ông, ông trùng mắt, chỉ tay vào mặt tên phản dân hại nước, khẳng khái nói: “Ngươi chém đầu ta thì chém cho ngọt, nếu không ta sẽ giết người”. Và ngay trong buổi tối hành quyết, bọn tay sai và thực dân nhiều phen hốt hoảng, chạy cuồng; Bên cạnh truyện Truyền thuyết về Nguyễn Trung Trực, những truyện như : Truyền thuyết về Thiên Hộ Dương, Sự tích đền thờ ông Duôn, Ông Phòng Biểu trị tội Phạm Công Khánh,… các nhân vật lịch sử đều bộc rõ nét tính cách bộc trực.

Người khuất mặt ở U Minh – một câu chuyện kể mang dáng vẻ huyền bí, lung linh, nhưng lại là câu chuyện làm nổi bật rõ nhất nét tính cách thẳng thắn ở người nông dân Nam bộ. Truyện kể rằng, thuở miệt rừng U Minh còn hoang dã, thỉnh thoảng bà con ở ngoài bìa rừng thấy dưới sông rạch từ trong rừng chảy ra có những bó rơm, bó rạ, vỏ trái cây,… trôi theo dòng nước. Ban đêm, khi trời thanh vắng, nghe văng vẳng tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng giã gạo,… Mọi người đều cho trong rừng sâu chắc có người ở.

Một số người gan dạ, cố thử một vài lần vào sâu trong rừng dò xét rồi không thấy trở về. Bỗng một hôm, có cậu thiếu niên từ lâu thổ lạc, nay trở về vì bị dân làng trong rừng đuổi khỏi xóm do tội nói láo. Vài tháng sau đó, lúc nửa đêm, mọi người đang an giấc, bỗng ai nấy đều hoảng sợ vì tiếng rẽ nước ồ ồ của mấy chục chiếc xuống từ trong rừng đổ ra. Những người trên những chiếc xuồng đó, xưa nay họ sống giữa rừng sâu, hôm nay phải tản cư đi vì không muốn sống chung với bọn người không ngay thẳng. Truyện nghe qua như có gì hoang đường, nhưng chính cách dẫn dắt truyện trên càng tô đậm nét tính cách thẳng thắn ở người dân Nam bộ.

Nét tính cách bộc trực của người Nam bộ, xét ở khía cạnh nào đó, còn thể hiện ở việc đặt tên cho một vùng đất. Chẳng hạn, vàm nơi trước kia người ta chài được vàng gọi là vàm Bảy Vàng, cù lao có hình dáng con trâu gọi là cù lao Trâu, v.v.

Kiến thức tổng hợp:
Bên trong câu chuyện “Kim Cương Máu” của Charles Taylor và siêu mẫu Naomi Campbell
Kafiristan… vương quốc huyền thoại của những người châu Á da trắng
Công nghệ ám sát tuyệt mật của Mỹ
Eskimo, tộc “người thực sự” trên vùng cực bắc

3. Phóng khoáng, thiệt thà, hiếu khách

Làng Việt Nam bộ, như ta đã biết, không có các tổ chức tương đối ẩn tàng, qua đó, từ hành động đến cảm nghĩ, ứng xử của con người không bị trói buộc. Trong khung cảnh đó, con người sống hết sức phóng khoáng, thậm chí ngang tàng. Làng Việt ở đây không có lệ làng. Thêm vào đó, cách đây chưa quá lâu, Nam bộ còn là một vùng thiên nhiên hoang dã, lắm của chìm của nổi. Trong hoàn cảnh như thế, tính phóng khoáng, thậm chí ngang tàng kia càng có điều kiện trỗi lên. Hơn nữa, miệt vườn Nam bộ là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều luồng văn hóa của nhiều tộc người chung sống. Chính tính cách phóng khoáng là nhờ người miệt vườn đã khéo dung hòa lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

Ai thích chùa chiền, thích đi nhà thờ, thích lên đồng bóng, chưng diện theo Tây… thì cứ thỏa thích làm, song cần chú ý điều cốt yếu là phải đảm bảo được bản sắc dân tộc. Tôn giáo nào cũng tốt, miễn là cổ xúy cho tình nhân loại, lòng từ bi bác ái, làm lành lánh dữ, không dùng võ lực và quyền thế lấn hiếp kẻ nghèo hèn. Vả lại, người có trong nhà năm bảy bàn thờ không ghét kẻ không có bàn thờ nào. Đấy chính là nét tính cách phóng khoáng ở con người Nam bộ. Thường, nhà cửa của người dân Nam bộ dư chỗ cho bạn bè đến ăn ở, dư chiếu, dư gối, dư chén bát, dư giường; thức ăn dễ kiếm – cây nhà lá vườn. Do đó, người Nam bộ chẳng những phóng khoáng, mà còn rất hiếu khách, trọng khách. Truyện Sự tích ông Hóm ở xóm Gò Dăm có thể coi là một trong những truyện dân gian tiêu biểu cho tính cách này của người Việt ở Nam bộ.

Người ta kể cho nhau nghe rằng, trước khi Pháp chiếm Nam kỳ, có một ông lão, không biết quê quán ở đâu, đến xóm Gò Dăm lập nghiệp, ông sắm nhiều thuyền để mua củi, rào cây, chà là trở về Gò Công bán cho các nhà vựa. Chính do công việc kinh doanh này mà bạn bè, người làm công nhà ông rất đông, họ chặt đẽo, cưa bổ cây quanh năm suốt tháng, làm cho nơi đây đầy những dăm gỗ. Do vậy, người ta gọi đấy là Gò Dăm. Ngoài việc mua bán củi, ông lại phá rừng làm ruộng, lập vườn. Con cháu của ông, rồi những người dân khác, dần dần đến gò đất này khai khẩn rất đông. Về sau, trở thành một xóm sung túc. Tính cách nổi bật của ông là rất thiệt thà và rất hào phóng. Ông rộng rãi với bạn bè, hàng xóm. Ông sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc, thóc lúa, và chỉ vẽ công ăn việc làm cho bất cứ ai biết chí thú làm ăn.

Con người ông quả thật có nhiều nết tính tốt. Từ trong cách suy nghĩ, cho đến việc làm, mọi thứ đều chẳng phải nghĩ riêng, làm riêng cho bản thân ông, mà là cho tất cả mọi người. Dường như sống giữa khung cảnh rộng rãi và thoáng đạt của một vùng đất còn nhiều nơi chưa được khai phá, lòng con người hét cởi mở và chân tình. Nét tính cách Nam bộ đáng trân trọng này còn thể hiện nhiều trong các truyện kể dân gian của người Việt nơi đây; chẳng hạn như: Lai lịch địa danh Thủ Thừa, Sự tích đồng Ông Cộ, Địa danh Cao Lãnh, vàm Bảy Vàng..

Ông Lễ trong truyện Cầu Hương Lễ, do tính hay làm phước làm thiện, đã bỏ tiền ra cho xây cầu, đắp đá con đường, cho bà con thuận tiện trong việc đi lại và tránh được con đường trơn trượt vào mùa mưa. Đến lúc sắp chết, ông còn căn dặn rằng đừng làm ma chay linh đình, mà hãy tiết kiệm tiền cho làng, cho xóm. Tính cách phóng khoáng, thi ân bố đức của ông Lễ thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời ông.

Nhân vật bà Bầy trong truyện Vàm bà Bầy cũng thế. “Hi sinh” mấy cái mương cau, bà Bầy đã góp phần nuôi giấu, giúp đỡ nghĩa quân thoát khỏi sự kiểm soát của giặc Pháp. Dù bà chết đau đớn dưới tay quân thù, nhưng nết tính đó, tấm lòng đó, không thể nào nguôi ngoai trong lòng các thế hệ sau.

Tha chết cho cọp, giúp người không cần trả ơn, ông Tăng chủ trong “Ông Tăng chủ trị cọp”, ông thầy trong “Thấy thím ở núi Sập”, tiêu biểu cho tính cách những con người phương Nam.

Mấy khi khách đến chơi nhà, tiếp đãi ra sao để người đi còn luyến lưu mong ngày trở lại, người dân Nam bộ dường như lo lắng nhiều trong việc đón khách. Niềm nở, cởi mở thật lòng, cho thấy người dân Nam bộ hết mức trọng khách. Tú tài Văn Bình nghe tiếng tác giả của “Kim Thạch là duyên” là người tài cao học rộng, thì cho đó là lời nói ngoa. Một ngày kia, nhân lúc nhàn rỗi, Văn Bình lặn lội xuống Cần Thơ tìm. Hỏi thăm đường đến Long Tuyền, vào làng, Văn Bình gặp một ông già ngồi bên đường. Sau một vài câu hỏi thăm xã giao, ông già chân thành mời khách tạm vào nhà nghỉ chân dùng nước. Ông già còn nói thêm “rồi tôi sẽ bảo cháu ở nhà nó đưa ông đi”. Điều đó cũng đủ cho thấy người Nam bộ mến khách, hiếu khách đến độ nào. Qua trò chuyện, đối đáp, Văn Bình ngỡ ngàng nhận chân người đang đối diện với chính mình là người tài cao học rộng mà mình đang tìm – Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Người dân Nam bộ chẳng những phóng khoáng, hiếu khách đối với nhân dân mình mà còn đối với cả kẻ thù. Hai tướng Vôi và Bướm trong “Sự tích về ông Bướm”, chỉ huy một đạo quân Chân Lạp sang cướp phá vùng Láng Cháy (An Giang) vào năm 1843. Quân triều đình, dưới sự chỉ huy của quản cơ Trần Văn Thành, đã bình tĩnh bày mưu dẹp giặc, khiến hai tướng Vôi và Bướm phải ra hàng. Lần bại trận ấy, Vôi và Bướm được Trần Văn Thành tha, và còn được cho ở lại, để lui về tu ẩn trên núi Cấm. Như vậy là từ ngày đầu của cuộc khai hoang, mở đất, đuổi giặc thù xâm lấn của người dân Nam bộ, tính cách phóng khoáng, hiếu khách đã được hình thành.

Những lưu dân người Việt cùng các tộc người chung sống đã lao động tạo dựng nên vùng đất Nam bộ, đến lượt mình, chính mảnh đất này với cuộc sống không ngừng đi lên, lại tạo ra những tính cách cao quý cho con người đã tạo dựng ra nó. Đối diện với muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt của hoàn cảnh thiên nhiên nơi vùng đất mới, ngay từ thuở ban đầu, những lưu dân thoát ra ngoài sợi dây ràng rịt của chế độ phong kiến áp đặt và cộng đồng làng xã.

Họ như cảm thấy ung dung tự tại giữa một thiên nhiên thoáng rộng, bao la. Cởi lòng ra trút mọi ưu phiền, họ đã chán ngấy bạc tiền, danh vị. Nương tựa vào nhau để sống, cưu mang lẫn nhau. Quên mình vì nhau để sinh cơ lập nghiệp, bảo vệ giống nòi, phải chăng đó chính là lẽ sống của những lưu dân nơi cuối trời Tổ quốc? Như vậy, trong cái chung của giá trị truyền thống Việt Nam, đã hình thành những nét riêng của người Nam bộ. Làng Việt Nam bộ, với những đặc điểm riêng của mình, đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức những người đi mở đất, tạo nên những nét tích cách riêng – tính cách Nam bộ đặc thù của người Việt nơi đây *

5/5 - (2 votes)
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Văn hóa Việt Nam

Bài viết trong chuyên trang này được sưu tầm từ các nguồn uy tín và hay để chia sẻ với mọi người, vì văn hóa Việt Nam là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT