Nữ Trạng Nguyên duy nhất nước Nam

Nữ trạng nguyên Nguyễn Thị Duê
Nữ trạng nguyên Nguyễn Thị Duê
3 views
4 phút đọc
Nội dung

Tạ Xuân Quan

Do quan niệm hẹp hòi, trọng nam khinh nữ (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), nên thời phong kiến không nhiều phụ nữ được học hành. Thế nhưng, không vì thế mà thỉnh thoảng không xuất hiện những bậc nữ lưu tài hoa với những áng văn chương thi phú xuất sắc mà các đấng mày râu phải nghiêng mình kính phục. Thế kỷ XVIII, XIX xuất hiện một chùm hoa đẹp với 4 cây bút nổi tiếng: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và Ngọc Hân công chúa.

Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc đã không màng phú quý vinh hoa để miệt mài hoàn thành bộ từ điển Hán – Việt cổ nhất của Việt Nam: “Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa”. Dù đó đang là thời nhiễu nhương Trịnh Nguyễn phân tranh.

Độc đáo hơn cả là vị nữ Trạng nguyên duy nhất của nước ta dưới thời nhà Mạc. Bà là Nguyễn Thị Du (có tài liệu ghi tên bà là Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Niên), tên chữ là Ngọc Toàn. Người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Đây là lúc mà vua Lê được chúa Trịnh phù trợ đã đánh thắng nhà Mạc, lập nên nhà Lê trung hưng. Vương triều nhà Mạc rút về trấn thủ ở Cao Bằng. Tuy nhiên, lòng người vẫn còn hướng về nhà Mạc, nhiều sĩ phu, dân chúng bỏ quê lên Cao Bằng theo nhà Mạc.

Bà Ngọc Toàn theo cha lên Cao Bằng năm 10 tuổi (hoặc 20 tuổi – theo Nguyễn Trọng Thuật). Rất xinh đẹp và rất thông minh, lên 10 tuổi bà đã biết làm văn bài. Tiếc tài của con gái nên cha bà cho bà cải nam trang để theo đòi việc bút nghiên.

Tại Cao Bằng, dù thế lực đã suy yếu, đất đai cai quản không còn được bao nhiêu, nhưng nhà Mạc vẫn còn được nhà Minh bên Tàu ủng hộ. Vì vậy vua nhà Mạc (có lẽ là Mạc Kính Cung) cho mở khoa thi để tuyển chọn hiền tài. Bà dự thi và đoạt thủ khoa trong khi thầy dạy học cho bà chỉ đứng ở vị trí thứ hai. Nghe tin học trò đỗ Trạng nguyên mà thầy là Bảng nhãn nên vua nhà Mạc chú tâm tìm hiểu. Lúc đãi yến các tân khoa, vua Mạc thấy tân Trạng nguyên dung nhan thanh tú, cử chỉ yếu điệu nên sinh lòng ngờ vực, tra hỏi, biết ra là gái giả trai tên Nguyễn Thị Du.

Đúng ra phải khép tội “phạm thượng, khi quân”, nhưng nhà vua vì mến phục tài sắc của bà nên đã nạp cung, phong làm Tinh Phi.

Nhà Mạc mất, bà lẩn tránh vào rừng, bị quân Trịnh bắt, bà yêu cầu đưa về gặp chúa, nếu vô lễ bà sẵn sàng tự vẫn chứ không chịu nhục. Chúa Nghị Vương gặp bà cũng tỏ lòng mến mộ.

Tính cách Nam Bộ trong truyện dân gian của người Việt
Trần Trọng Kim (Lệ Thần) và di sản của một học giả tiên phong
Bồ đào mỹ tửu… là rượu gì?

Nghị Vương mất, con là Dương Vương lên nổi ngôi mời bà giữ chức Lễ sự chuyên dạy dỗ các cung nhân, phi tần và con cháu vương tộc trong nội phủ, nên người ta còn gọi bà là Lễ Phi (tước hiệu là Chiêu Nghi, đứng đầu trong 9 bậc cung tần).

Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch, vua Lê (có thể là Kính Tông Huệ hoàng đế) và chúa Trịnh đều khen ngợi, trọng vọng. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại. Khoa Tân Mùi (1631) em | họ ngoại bà là Nguyễn Thọ Xuân, img ché xong bảo với bạn hữu: “Bài của tôi viết, cả triều chưa dễ mấy ai hiểu, có chăng chỉ bà chị tôi là bà Lễ Phi hiểu được mà thôi”. Quả nhiên, bài đưa ra nhiều điển lạ, quan trường không hiểu hết, chúa Trịnh hỏi thì bà lý giải cặn kẽ, chúa cho Xuân đỗ đầu. (Năm 1647, Xuân làm đến chức Tả Thị lang bộ Hộ, sau thăng đến chức Thượng thư, tước Thiếu bảo Cẩn quận công, thọ hơn 90 tuổi).

Bà giỏi cả Hán văn lẫn quốc âm, sáng tác nhiều, tiếc rằng ngay từ thế kỷ XVIII đã bị thất lạc gần hết (theo Vũ Phương Đề). Bà còn lập cho học trò ở Chí Linh, Hải Dương một Văn hội, ngày rằm, mùng một hàng tháng họp tại nhà thờ họ bà ở làng Kiệt Đặc, đợi đầu bài của bà ở kinh đô cho chạy ngựa trạm đem về. Riêng sự kiện này cũng chứng tỏ chúa Trịnh quý trọng bà lắm mới cho dùng ngựa trạm là của công để phục vụ riêng cho học trò của bà ở huyện Chí Linh. Bài làm xong đóng hòm gửi về kinh, bà chấm rồi gửi trả. Bà lại xuất tiền cho người trưởng họ lo việc cơm nước cho sĩ tử hôm làm bài. Văn học Chí Linh thịnh là nhờ công không nhỏ của bà.

Tương truyền nhà bà có ngôi tiên phần ở núi Trì Ngư, thuộc kiểu đất Nhất kính chiếu tam vương (một gương soi ba vương), bà thờ ba đời chúa ứng với điều này.

Năm 70 tuổi bà xin về làng, dựng am Đàm Hoa để ở, được chúa Trịnh cho phép thu thuế tại địa phương làm ngụ lộc.

Bà mất năm 80 tuổi, táng ở núi Trì Ngôi (Ngư?) làng Kiệt Đặc. Ngọn tháp xây trên mộ gọi là Tinh Phi cổ tháp, được liệt vào hạng Chi Linh Bát Cổ, có khắc mười chữ trên bia: “Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương”

4/5 - (1 vote)
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Văn hóa Việt Nam

Bài viết trong chuyên trang này được sưu tầm từ các nguồn uy tín và hay để chia sẻ với mọi người, vì văn hóa Việt Nam là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT