NGÀY NAY người ta chỉ biết Trần Trọng Kim là tác giả bộ “Việt Nam Sử Lược”, bộ “Nho giáo”, quyển “Phật lục” và quyển “Việt Nam văn phạm”, không ai biết cách đây hai mươi bẩy năm (1914), ông đã xuất bản một quyển sách giáo khoa rất được hoan nghênh trong các trường Pháp Việt, nhan đề là “Sơ học luân lý”.
Trong “Đông Dương Tạp chí” (số 55, trang 2656), một nữ giáo viên đã ngỏ ý kiến về quyển ấy như sau này :
“Tôi chắc rằng sách này sẽ chiếm một phần to ở trong thư viện các trường con gái nước ta ngày nay. Các chị em đồng sự tôi ai đã đọc đến sách này thì có lẽ cũng đều một ý như tôi cả”.
Hai năm sau (năm 1916), ông lại soạn một quyển nhan đề là “Sự phạm khoa yếu lược”. Về quyển này, trong “Đông Dương Tạp Chí” (số 91, trang 4096), Phạm Quỳnh đã phê bình những dòng như sau này :
“Sách trước của ông anh là sách Tiểu học luân lý, nay đã được cái “danh dự tái bản”, thế cũng đủ biết rằng sách ấy thực là đối với một sự yêu cầu rất khẩn của bọn thiếu niên đi học trong nước ta. Sách mới của ông anh là sách “Sư phạm yếu lược” này, thiết tưởng cũng là đối với một sự yêu cầu không khẩn kém gì của bọn làm thày dạy trẻ nước nhà. Ông anh đã dạy cho trẻ biết đường ăn ở, ông anh lại khuyên cho người nhớn biết đường dạy trẻ. Ông anh thật là có công với học giới nước ta lắm…”
Năm 1917, Trần Trọng Kim lại xuất bản một quyển giáo khoa nữa về lịch sử, nhan đề là “Sơ học An Nam sử lược”. Trong “Đông Dương Tạp Chí” (số 112, trang 352) cũng có một bài phê bình về quyển này, tôi trích ra đây đoạn chính :
“Ông Trần Trọng Kim mới soạn ra bộ “An Nam sơ học sử lược”, chia ra làm năm thời đại, công khảo cổ đã tiêm tất, mà văn ký sự lại tường minh ; mỗi đời có những chính trị, phong hóa, giáo dục, công nghệ và nhân tài, đều kê cứu mà ghi chép cả. Nhà làm sách lại tùy việc mà thêm lời bình luận, có tân lý tưởng, khiến cho nhà đọc sách ai cũng biết công đức tổ tiên, gây dựng là nhường nào ; thực là một kho sử rất mới, rất hay, ích lợi cho bọn thiếu niên ta nhiều lắm”.
Trong hồi đầu ấy, ngoài những sách trên này, ông còn đăng một số ít bài về luân lý và về Nam sử trong “Đông Dương Tạp Chí” và về mấy bài về Khổng Tử và Lão Tử đăng trong tạp chí “Nam Phong”. Như vậy, ta thấy rằng ngay từ lúc đầu, Trần Trọng Kim đã có cái khuynh hướng soạn những sách giáo khoa, những sách về học thuyết, về lịch sử.
Nhưng những sách thật có giá trị của ông là những sách mới xuất bản trong vòng hơn mười năm nay :
– 47 điều giáo hóa triều Lê dịch ra chữ Pháp (Les 47 Articles du Catéchisme moral de l’Annam d’autrefois, Imprimerie du Trung Bắc Tân Văn 1928).
– Việt Nam sử lược (quyển I và II, 1928 ; in lần thứ hai, Imprimerie Vĩnh et Thành, Hànội).
– Nho giáo (quyển I, in lần thứ hai và có sửa lại cẩn thận, 1932 ; quyển II 1932 và quyển III 1933, Editions Trung Bắc Tân Văn, 61 Rue du Coton, Hà Nội).
– Phật lục (Lê Thăng, Hà Nội 1940).
– Việt Nam văn phạm (Lê Thăng, Hà Nội, 1941. Có hội Khai Trí Tiến Đức ủng hộ và Ban Văn Học chuẩn y).

Quyển “Việt Nam sử lược” ông viết năm 1919 tuy gọi là “lược” nhưng cũng đủ được mọi việc trọng yếu trong thời kỳ đã qua của nước nhà và đáng coi là một bộ sách giá trị. Sử vốn là sách chép những việc của nhân loại trong thời kỳ đã qua, mà những việc ấy bao giờ cũng do những người phong lưu chép, nên không mấy khi họ chép đến sự sống của nhân dân, sự tiến hóa về đường học hành, về đường công nghệ hay về phong tục tập quán của nhân dân biến đổi theo các trào lưu.
Đó là nói chung tất cả các nước, không riêng gì nước ta, cho nên sử của nhân loại đều là sử chép các đời vua, chép những việc giao thiệp, cai trị và chinh chiến của các vua chúa. Đọc những quyển sử như thế, tuy cũng có biết qua được những cuộc thay đổi lớn của một nước theo sự hành vi của người làm chúa tể, vì thuở xưa những việc của vua tức là những việc của nước, nhưng không thể nào biết được bước đường tiến hóa của một dân tộc qua các thời đại. Không những sử do những người phong lưu viết mà thôi, nhiều khi sử của nhà vua lại do chính nhà vua chọn người viết nữa. Đọc sử Pháp, người ta thấy vua Louis XIV đã chọn Boileau và Racine là hai nhà văn có tiếng ở thế kỷ XVII chép các việc về thời ấy cho mình và cấp lương cho hai người rất hậu. Như vậy, ai còn có thể tin rằng những việc do hai nhà văn ấy chép hoàn toàn là sự thật nữa ?
Nước ta bắt đầu có sử từ đời nhà Trần (thế kỷ XIII). Năm 1273, niên hiệu Thiệu Long thứ XV, vua mới sai quan Hàn Lâm Học Sĩ là ông Lê Văn Hưu làm sử nước ta, chép từ Triệu Đà tới đời Lý Chiêu Hoàng, cả thẩy ba mươi quyển. Đó là là đầu nước ta có sử ký. Cách làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là tháng nào, năm nào có việc gì quan trọng thì nhà làm sử ghi chép vào sách, mà phần nhiều chép rất lược, chỉ cốt ghi cho đủ việc, ít khi nói đến nguyên nhân và kết quả, cho nên các việc thường không liên lạc với nhau. Nhà làm sử tức sử thần là người làm quan, nên quyển sử là quyển nói đến vua nhiều nhất. Dưới những ngọn bút như thế, lẽ tự nhiên là không thể thấy sự tự do được. Tuy cũng có sử thần xét nhận vua Lê Thái Tổ trong “Lê Hoàng triều kỷ” ở sách “Đại Việt Sử Ký toàn thư” như sau này, nhưng cũng chỉ là sự đặc biệt :
“Có thể coi ngài là một vị có mưu lớn sáng nghiệp, nhưng lại có chỗ kém là hay ghen ghét và hay chém giết”.
Đó là nói về những sử gia hay những sử thần nước ta thủa xưa. Gần đây, những bộ sử của Cao Xuân Dục, Hoàng Cao Khải, Đổ Văn Tâm cũng sơ lược lắm. Như tập “Việt Nam Sử Yếu” của Hoàng Cao Khải chỉ là một tập bổ quốc sử, mọi việc chép rất sơ lược, phần nhiều là những việc của mỗi triều đại, phụ thêm những chương nói về danh tướng, danh nho, quan chế, binh chế, khoa cử, còn vẫn không làm sao biết rõ được những việc trong dân gian. Chép lối như thế là xếp việc nọ vào gần việc kia và nối bằng những lời nghị luận rất sơ sài, chứ không phải cái lối vừa chép vừa đứng vào địa vị khách quan mà đặt lấy những dây liên lạc theo nhân quả thuyết.
Đến tập “Đại Nam điển lệ toát yếu” của Đỗ Văn Tâm, như tên gọi, thì lại là một quyển bổ quốc sử chuyên riêng về điển lệ, chép rặt những việc như : ấm thụ, cáo sắc, văn bằng, thuế má, việc sách phong, việc thưởng phạt, v.v…
Như vậy, bộ “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim là một bộ sử ký đầu tiên của nước ta viết bằng quốc văn có thể tạm gọi là đầy đủ. Trong bài tựa, soạn giả đã viết những lời khiêm tốn sau này :
“Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ sử lược, chỉ cốt ghi chép những chuyện yếu trọng để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là thích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử”. (Việt Nam sử lược, trang VI)
“Việt Nam sử lược”
Có hai quyển : thượng và hạ.
– Quyển thượng chép về thượng cổ thời đại, Bắc thuộc thời đại và tự chủ thời đại cho đến hết thời kỳ nhất thống nhà Lê. Thiên “Thượng cổ thời đại” gồm có những chương : họ Hồng Bàng, nhà Thục, xã hội nước Tàu và nhà Triệu. Thiên “Bắc thuộc thời đại” gồm có những chương : Bắc thuộc lần thứ nhất, Trưng thị khởi binh, Bắc thuộc lần thứ hai, nhà Tiền Lý. Bắc thuộc lần thứ ba và kết quả của thời đại Bắc thuộc. Đến Thiên “Tự chủ thời đại” gồm có những chương nói về nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần và giặc Nguyên, nhà Hồ, nhà Lê thời kỳ nhất thống.
– Quyển hạ chia làm hai thiên : Nam Bắc phân tranh thời đại và cận kim thời đại. Thiên “Nam Bắc phân tranh thời đại” gồm có những chương : Nam, Bắc triều, Trịnh Nguyễn phân tranh, người Âu Châu đến nước Nam, nhà Tây Sơn, Nguyễn Vương nhất thống nước Nam. Thiên “Cận kim thời đại” gồm có những chương nói về các triều của vua nhà Nguyễn, cho đến những việc nước Pháp lấy đất Nam Kỳ, lập bảo hộ ở Trung, Bắc Kỳ và các việc đánh dẹp.
Về mỗi triều đại, ngoài việc chính trị, chinh chiến của nhà vua, soạn giả có biên cả việc quan chế, việc đinh điền, việc học hành và về những việc gì hoài nghi, ông có để lời phê bình sơ lược để chỉ dẫn người đọc sử. Nhiều đoạn phê bình của ông rất xác đáng ; như đoạn bàn về nhà Tây Sơn ông viết :
“Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường cứ chia những nhà làm vua ra là chính thống và ngụy triều. Nhà nào mà một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục ; ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào mà một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành ; hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa ; ba là những người ngoại chủng vào, chiếm nước làm vua, thì cho là ngụy triều. Vậy nay lấy những lý lẽ ấy mà xét xem cho nhà Nguyễn Tây Sơn làm chính thống hay là ngụy triều, để cho hợp lẽ công bằng và cho xứng cái danh hiệu của những người anh hùng đã qua”. (Việt Nam sử lược, quyển II trang 109)
Rồi ông lấy cái lẽ đời Lê mạt là một đời đại loạn : có vua lại có chúa, chúa Nguyễn ở phương Nam, chúa Trịnh ở phương Bắc, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ dấy lên không phải là chống nhà vua mà chỉ chống với những người tiếm quyền của vua ; sở dĩ nhà Lê mất là vì nhà Lê nhu nhược, chứ chính thực Nguyễn Huệ đã diệt Trịnh và tôn vua Lê rồi, đến khi quan Tàu lấy cớ giúp Lê để định chiếm nước Nam, thì lẽ tự nhiên là một khi đã đánh đuổi được quân Tàu, Nguyễn Huệ phải lên ngôi hoàng đế ; như vậy :
“Đánh đuổi người Tàu đi, lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì là trái đạo ? Há lại chẳng hơn nhà Lý, nhà Trần, nhân lúc ấu quân, nữ chúa, mà làm sự thoán đoạt hay sao ?”
Hiện nay có được một bộ sử như bộ “Việt Nam Sử Lược”, ta cũng nên coi là một bộ sách rất quý rồi, vì nếu theo đúng phương pháp viết sử như người Âu Tây ngày nay thì phải có nhiều nhà bác học cùng soạn trong vài ba mươi năm, và phải có sự giúp đỡ của nhà nước ; chúng ta mới có thể có được một bộ sử to tát như bộ sử nước Pháp mà Ernest Lavisse đã đứng giám đốc.
Vì sao ? Muốn cho có được sự xác thực về lịch sử, chúng ta phải xét lại tất cả các việc do các sử gia chép từ đời Trần đến nay. Thí dụ như phải tra cứu xem khi vua nhà Trần sai Lê Văn Hưu soạn một bộ sử nước ta từ đời nhà Triệu trở lại, thì những sử liệu mà họ Lê dùng là những sử liệu như thế nào ? Theo phương pháp chép sử của người Âu Tây, công việc trước nhất của người sử là sự tra xét các tài liệu, các nguồn của những việc mà mình định viết
; mà những nguồn ấy rất là phức tạp ; nó có thể là những đền đài, cung điện xưa, những tấm bia, những đồ mỹ thuật, những đồng tiền cổ ; nó lại có thể là những lời truyền tụng hay những giấy tờ, những sách vở. Sự xem xét chia ra hai cách : xét về phần ngoài và xét về phần trong. Về phần ngoài, trước hết phải xét xem có được xác thực và có được hoàn bị hay không. Những sử gia Âu Mỹ thường có các nhà chuyên môn giúp việc, vì cần phải căn cứ vào các khoa phụ để xem xét, như : cổ vật học, cổ tiền học, khảo minh học, cổ tự học. Còn phần trong, phải xét về giá trị những tài liệu đã thu thập được. Như phải đề xướng lên những câu hỏi : những bằng chứng ấy có thể tin được không ? Tác giả có viết sai sự thật không ? Tác giả đã theo những phương pháp gì để biên chép ? v.v… Công việc thứ hai là, sau khi đã thu thập được đủ tài liệu và định được giá trị, phải diễn giải ra từng việc cho rõ và nghị luận thế nào cho việc nọ liên lạc với việc kia.
Không nói ai cũng biết là hiện nay trình độ viết sử ở nước ta chỉ mới tới việc biên chép theo những sử sách đã sẵn có. Trần Trọng Kim cũng chỉ có thể biên chép và lựa chọn theo những sách của tiền nhân : ông chưa có thể theo một cách triệt để những phương pháp Âu Tây trên này được. Vì nếu theo hẳn phương pháp trên này, cần phải có hẳn một “xưởng” để làm sử và cần phải có nhiều nhà bác học, nhiều nhà văn giúp việc cho sử gia. Quyết nhiên một người chỉ có thể làm được một phần nhỏ của một bộ sử, mà cũng không thể tránh được sự khuyết điểm.
“Nho giáo”
Trần Trọng Kim là người viết một bộ sử Việt Nam bằng quốc văn trước nhất, ông cũng lại là người soạn trước nhất một bộ sách quốc văn về những học thuyết đã truyền bá ở nước ta hằng mấy nghìn năm. Đó là bộ “Nho giáo”, bộ sách làm cho người khen cũng lắm mà người chê cũng nhiều. Nhưng tựu chung viết ra mực đen giấy trắng để khen chê và đáng chú ý hơn cả, thì có Phan Khôi ở trong Nam và Ngô Tất Tố ở ngoài Bắc.
Trước hết, “Nho giáo” là một bộ sách như thế nào ? Một bộ sách nói về Nho giáo, “vẽ lấy cái bản đồ của Nho giáo”, nên ở trong thường trích lục nguyên văn của thánh hiền và các đấng tiên nho ; trong bài tựa soạn giả lại có nói soạn giả “có nhờ hai ông phó bảng Bùi Kỷ và cử nhân Trần Lê Nhân giúp cho trong công việc khảo cứu”. “Nho giáo” gồm ba quyển :
– Quyển nhất có sáu thiên :
I. Thượng cổ thời đại
II. Xuân thu thời đại : Khổng Tử
III. và IV. Học thuyết của Khổng Tử : a) Hình nhi thượng học. b) Hình nhi hạ học
V. Những sách của Khổng Tử
VI. Môn đệ Khổng Tử.
– Quyển hai có bốn thiên :
I. Các học phái của Nho giáo
II. Mạnh Tử
III. Tuân Tử
IV. Thời kỳ trung suy của Nho giáo.
– Quyển ba có mười thiên nói về Nho giáo trong các thời đại sau :
I. Nho giáo đời Lưỡng Hán
II. Danh nho đời Lưỡng Hán
III. Nho giáo đời Tam Quốc và Lục Triều
IV. Nho giáo đời Tùy và đời Đường
V. Nho giáo đời Tống
VI. Lý học, Tượng số học, Đạo học, Tâm học
VII. Nho giáo đời Nguyên
VIII. Nho giáo đời Minh
IX. Nho giáo đời Thanh
X. Nho giáo ở Việt Nam.
Chỉ xem cách xếp đặt và phương pháp khoa học mà soạn giả dùng để nghiên cứu, cũng đã thấy “Nho giáo” là một bộ sách to tát, một bộ sách mà có lẽ sau Trần Trọng Kim sẽ không còn ai đủ tư cách để soạn nữa. Mà chỉ vì hai lẽ này : một là những nhà Hán học mỗi ngày một ít dần đi, và ngay vào thời số họ còn đông, họ cũng đã không nghĩ đến việc soạn những sách như thế ; hai là những nhà Tây học phần nhiều không có Hán học, hay nếu có thì cũng không vững vàng, không đủ sức để bàn đến cái học này.
Khi quyển đầu Nho giáo mới ra đời lần thứ nhất (năm 1930), trong “Phụ Nữ Tân Văn”, xuất bản ở Saigon (số 54, ngày 29 Mai 1930), Phan Khôi đã phải khen ngợi như sau này :
“…Một cuốn sách nói về Nho giáo tường tận tinh tế như vầy thiệt là trong cõi Việt Nam ta, từ xưa đến nay chưa hề có mà cũng chỉ có người nào đã chịu phép “bóp tem” của khoa học như Trần quân thì mới nói được ra. Cho nên, công việc này, nói thì mích lòng, đâu có thể trông mong được ở những nhà nho cổ hủ”. (P.N.T.V., số 54, trang 12)
Gần đây, trong quyển “Phê bình nho giáo Trần Trọng Kim” mà nhiều đoạn giọng thật là gắt gao, Ngô Tất Tố cũng viết :
“Nho giáo tuy có nhiều chỗ sai lầm, nhưng mà những chỗ sai lầm ấy phần nhiều ở cuốn thứ nhất. Từ cuốn thứ hai trở đi, hầu hết dịch theo sách Tàu, không bị sai lầm mấy nỗi. Nếu đem công mà trừ với tội, thì nó vẫn là có công với nền văn học nước nhà. Có lẽ thứ sách ghi lại học thuật tư tưởng đời cổ của mình ngoài bộ này, cũng khó mà mong có bộ thứ hai”. (Phê Bình Nho Giáo, trang 12)
Trong quyển “Nho giáo” (quyển nhất, in lần thứ nhất 1930), Trần Trọng Kim có viết :
“Đối với cuộc tạo hóa thì Khổng Phu Tử cho rằng lúc đầu ở trong vũ trụ chỉ có cái lý vô cực tức là đời hỗn mang mờ mịt không rõ là gì cả. Lý Vô cực ấy là lý Thái cực…”
Phan Khôi liền bẻ rằng :
“Ấy là cái thuyết vô cực nhi thái cực của Chu Đôn Hi nhà Tống, chớ Khổng Tử không hề nói như vậy. Trong Kinh Dịch, Khổng Tử chỉ nói : “Dịch hữu thái cực, thị sanh lưỡng nghi…” 易有太極,是生兩儀” (Phụ Nữ Tân Văn, số 54, ngày 29 Mai 1930, trang 12).
Trần Trọng Kim hồi đó có trả lời lại Phan Khôi về điều trên này :
“Nói rằng Khổng Tử chỉ nói Thái cực, chứ không nói đến Vô cực thì quả thật như vậy. Cái tôn chỉ của Khổng giáo là chỉ nói cái động thể, không nói cái tĩnh thể của vũ trụ. Song biết đâu Khổng Tử đã đi học Lão Tử lại không nghĩ đến vô cực ? Vì trước khi có cái có, tất phải có cái không”. (Phụ Nữ Tân Văn, số 60, 10 Juillet 1930, trang 12)
Đó là những lời cãi gượng, vì trong quyển “Nho Giáo” (quyển nhất in lần thứ hai năm 1932 và có đề mấy chữ : “Có sửa đổi nhiều chỗ và chữa lại rất cẩn thận”, Trần Trọng Kim không còn nói đến lý Vô cực nữa. Ở mục “Quan niệm về Trời và Người” trong thiên“Hình nhi thượng học”, ông viết :
“Thoạt đầu tiên vũ trụ ra thế nào ? Cứ như những ý tưởng của người đời xưa, thì lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối mờ mịt hỗn độn, tức là hỗn mang. Trong cuộc hỗn mang ấy có cái lý vô hình, rất linh diệu, rất cường kiện, gọi là Thái cực. Song Thái cực huyền bí vô cùng, không thể biết được cái bản thể của lý ấy là thế nào. Ta tuy không thể biết được rõ cái chân tính và cái chân tướng của lý ấy, song ta có thể xem sự biến hóa của vạn vật mà biết được cái động thể của lý ấy. Cái động thể của lý ấy phát hiện ra bởi hai cái thể khác nhau là động và tĩnh. Động là dương tĩnh là âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương, hai thể ấy cứ theo liền nhau, rồi tương đối, tương điều hòa với nhau để biến hóa mà sinh ra trời đất và vạn vật.
“Vậy cái khởi điểm của tạo hóa là do hai cái tương đối âm và dương, mà đạo trời đất cũng khởi đầu bởi sự biến hóa của hai cái tương đối ấy. Trước hai cái tương đối ấy thì dẫu có gì cũng như không, vì không sao mà biết được. Khi hai cái tương đối ấy đã phát hiện ra, thì cái gì cũng hiển nhiên, không thể nói là không có được”.
Đó là cái lý tưởng cốt yếu ở trong kinh Dịch, cho nên mới nói rằng : “Dịch hữu Thái Cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái” 易有太極,是生兩儀, 兩儀生四象, 四象生八卦 (Dịch Hệ từ thượng) : Khổng Tử tin có lý. Thái cực độc nhất tuyệt đối, nhưng vì lý ấy cao diệu quá, không thể biết được cho nên cái học thuyết của Ngài để cái bản thế của lý Thái Cực ra ngoài cái phạm vi trí thức của người ta mà chủ lấy cái động thể của lý ấy làm tôn chỉ…(Nho giáo, in lần thứ hai, năm 1932, trang 101 và 102).
Như vậy, về vấn đề vô cực và thái cực, trong “Nho giáo” (quyển nhất, in lần thứ hai, năm 1932), họ Trần đã đồng ý với họ Phan rồi : Trần Trọng Kim đã đem cái “vô cực” trả lại cho Tống nho theo lời khuyên của Phan Khôi. Sự phục thiện ấy thực là đáng quý trong một cuộc tranh luận về học thuyết.
Một khi người ta đã sửa đổi rồi thì không ai có quyền nói đến nữa ; nhưng có lẽ vì vô tình chỉ đọc có quyển in lần thứ nhất, nên tám năm sau, năm 1940, Ngô Tất Tố vẫn còn viết trong quyển “Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim” :
“Trong cuốn “Nho giáo” số 1, tác giả đã nói rất nhiều những chữ lý vô cực và lý thái cực. Đó là theo ý Tống nho…”
Rồi ở một đoạn sau, họ Ngô lại trích cái câu trong quyển “Nho giáo” in lần thứ nhất, câu mà Phan Khôi đã trích một phần trong “Phụ Nữ Tân Văn” năm 1930, nhưng nó đã không còn có trong quyển “Nho giáo” in lần thứ hai năm 1932 nữa. Ngoài việc ấy ra, Ngô Tất Tố còn cho Trần Trọng Kim dùng chữ “lý” là không đúng, là “trái với khoa học”, ông muốn soạn giả “Nho giáo” thay chữ lý trên này bằng chữ “khối” hay chữ “thể” theo ý kiến Ngô Trĩ Huy trong bài “Ngã đích tín ngưỡng”. Nhưng trong đoạn trên này, Trần Trọng Kim đã nói đến “động thể” của Thái cực và gọi âm dương là hai thể, vậy còn dùng được chữ “thể” để chỉ vào Thái Cực không ? Ngô Tất Tố bẻ rằng :
“Lý đâu lại có thứ lý biết muốn, có thể sinh hóa và có thể tự động…” (Phê bình Nho giáo, trang 56).
Song nếu đứng vào phương diện triết học, thì nói như thế cũng khí quá. Nếu Ngô Tất Tố theo Ngô Trĩ Huy mà gọi là “khối” hay “thể”, thì người ta cũng có thể hỏi ông : “Khối gì lại là thứ khối biết muốn và có thể sinh hóa được ?”
Ở Âu Châu, các nhà triết học thường hay dùng những chữ rất tầm thường mà cho những nghĩa riêng, có khi cùng một chữ mà mỗi nhà triết học cho một nghĩa khác nhau, cho nên nhiều khi muốn hiểu học thuyết của một nhà triết học, trước hết người đọc phải học cho biết những danh từ riêng của nhà ấy đã. Vậy về triết học mà bắt bẻ chữ dùng thì thật vô cùng.
Chúng ta đã thấy Trần Trọng Kim nói trong bài tựa rằng : “Làm quyển sách nói về Nho giáo tức là vẽ lấy cái bản đồ của Nho giáo”. Vậy chỉ cần xét xem ông vẽ cái bản đồ ấy có đúng hay không. Đó mới là điều quan hệ.
Trong “Lời phát đoan”, Trần Trọng Kim có đem so sánh học thuyết của Khổng Tử với học thuyết các nhà triết học Âu Tây, như Pythagore, Socrate, Auguste Comte, Henri Bergson. Việc này là một việc rất chính đáng, vì nhờ những sự so sánh mà sáng lẽ ra. Trong quyển “Nho giáo” (quyển nhất in lần thứ nhất 1930), ông có nói : chữ “trí” trong Nho giáo tức là chữ “lý trí” (raison) mà các nhà triết học Âu Tây thường dùng.
Phan Khôi liền phê bình rằng :
“Chữ “trí” mà Khổng Tử dùng không phải là “lý trí”. Khổng Tử khi nào nói trí là chỉ về cái đức của người quân tử dùng để ứng sự tiếp vật, chớ không phải cái cách dùng để nhận thức mọi sự” (Phụ Nữ Tân Văn, số 54, ngày 29 Mai 1930, trang 13).
Trong “Nho giáo” (quyển nhất, in lần thứ hai 1932), người ta thấy không còn đoạn nào soạn giả bảo “trí” là “lý trí” nữa. Về một vấn đề nữa, người ta thấy hai họ Phan, Trần đã đồng ý với nhau.
Phan Khôi còn nói : Không thể nào bảo “lương tri” là “trực giác” (intuition) được. Ông viết :
“Theo ý Mạnh Tử thì lương tri là cái sự biết mà Trời phó cho mình, hay là tự nhiên mà biết. Bởi vì tiếp sau câu đó, ngài có nói thêm rằng : “Con nít mới đẻ ra, đều biết yêu cha mẹ mình : đến lớn đều biết kính anh mình. Yêu cha mẹ là nhân ; kính anh ấy là nghĩa”. Coi như vậy thì cái lương tri, hàm nghĩa của nó rộng lắm, chẳng những bao nhân và nghĩa, mà luôn cả lễ, trí, tín nữa. cho đến cái trực giác hay là cái lý trí, nó cũng nuốt vào ở trong” (Phụ Nữ Tân Văn, số 54, trang 13).
Trong “Nho giáo” (quyển nhất, in lần thứ hai). Trần Trọng Kim vẫn còn viết câu này :
“Nho giáo sở dĩ còn biết rõ đạo Trời cùng cái lẽ chí thiện trong đạo luân lý, mà biết một cách rất rõ ràng chắc chắn là vì chú trọng ở cái khiếu biết tự nhiên của Trời phú cho. Cái khiếu biết ấy gọi là lương tri, theo lối nói ngày nay, gọi là trực giác, tức là sự biết rất nhanh, rất rõ, suốt đến cái tinh thần cả một toàn thể”.
Ông sở dĩ biết thế mà không sửa đổi trong khi in lần thứ hai, vì ông cho lời ông nói là phải. Mà phải, bởi những lẽ sau này : chữ trực giác là chữ do người Nhật đặt ra để dịch chữ intuition của người Âu Tây và có cái nghĩa là cái năng lực biết rất nhanh, rất rõ, hoặc về sự vật, hoặc về những điều quan hệ đến trí tuệ, đến đạo lý. Bởi thế cho nên chữ intuition có ba nghĩa : Về trực giác đối với sự vật thì gọi là intuition sensible ; về trực giác đối với trí tuệ thì gọi là intuition intellectuelle ; về trực giác đối với đạo lý thì gọi là intuition morale. Như vậy thì lấy chữ trực giác mà chỉ nghĩa chữ lương tri cũng không sai ; vì Mạnh Tử giải nghĩa chữ lương tri là “bất lự nhi tri”. Không suy nghĩ mà nhận biết, thì muốn gọi là lương tri hay trực giác cũng vậy mà thôi.
Đến những điều này mới là những điều quan hệ trong quyển “Nho giáo” mà Phan, Trần, hai họ đã không đồng ý với nhau ; vậy ta nên đứng vào địa vị khách quan mà đối chiếu, để xét nhận cho thật tinh tường.
Trong “Nho giáo” (ở cả quyển in lần thứ nhất lẫn quyển in lần thứ hai) đều có câu này :
“Nói rút lại đạo của Khổng tử là đạo trung dung của người quân tử, tuy không huyền diệu, siêu việt như đạo Lão, đạo Phật, nhưng cũng cao minh lắm, mà lại rất thích hợp với chân lý, thật là cái đạo xử thế rất hay, rất phải, ai cũng có thể theo được và có thể thi hành ra đời nào cũng được”. (Nho giáo, quyển nhất, in lần thứ hai 1932, trang 275)
Trong “Phụ Nữ Tân Văn”, Phan Khôi nói rằng theo ý Khổng Tử, thì đạo trung dung rất khó theo ; ngay trong sách “Trung dung”, Khổng Tử cũng đã tỏ cái lý ấy nhiều lần. Ông viết :
“Ngài nói rằng : “Lẽ trung dung thật là tột vậy thay, đã lâu rồi, người ta ít làm theo được !” Lại rằng : “Thiên hạ, quốc gia, có thể quân bình được ; tước lộc có thể từ đi được ; gươm dao có thể xông vào được ; chớ trung dung không có thể làm theo được”. Lại nói rằng : “Quân tử nương theo lẽ trung dung, trốn đời, đời chẳng biết mình, mà mình chẳng ăn năn, duy có bực thánh mới làm được như vậy”. Đó, coi mấy lời Ngài đó thì cái lẽ trung dung nó khó là đến bực nào !” (P.N.T.V., số 54, trang 13).
Như vậy, người lập ra đạo trung dung còn cho là rất khó theo, mà người cắt nghĩa đạo ấy sau hơn hai nghìn năm lại có thể cho là “ai cũng có thể theo được” ru ? Xét ra, về vấn đề này, Trần Trọng Kim đã tỏ bày những ý kiến mâu thuẫn với nhau. Ở mấy dòng trên, ông đã viết :
“…Khổng Tử nói rằng : Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung. Quân từ chi trung dung giã, quân tử, nhi thời trung ; tiểu nhân chi trung dung giã, tiểu nhân, nhi vô kỵ đạn giã” 君子中庸,小人反中庸。君子之中庸也,君子,而時中 ; 小人之中庸也,小人,而無忌憚也。 (Quân tử thì trung dung, tiểu nhân thì trái trung dung. Trung dung của quân tử là quân tử mà thời trung ; trung dung của tiểu nhân là tiểu nhân mà không kiêng sợ gì cả).
Vậy Ngài cho là có cái trung dung của quân tử và có cái trung dung của tiểu nhân :
“Trung dung của quân tử mới thật là trung dung, mà trung dung của tiểu nhân không phải là trung dung”. (Nho giáo, quyển nhất, in lần thứ hai 1932, trang 273)
Như vậy thì không phải ai cũng có thể theo được đạo trung dung như Trần Trọng Kim nói, vì ở đời hạng quân tử là rất hiếm, chỉ hạng tiểu nhân là hạng nhiều. Chính ông cũng đã trích câu này của Khổng Tử :
“Trung dung kỳ chí hĩ hồ, dân tiển năng cửu hĩ !” 中庸其至矣乎,民鮮能久矣。 (Đạo trung dung rất khó lắm vậy ôi, đã lâu nay ít người theo được vậy !) (Nho giáo, quyển nhất, trang 273).
Đó là câu Phan Khôi đã nhắc đến và tôi đã trích ở trên.
Rồi soạn giả lại viết cả câu này nữa :
“Trung dung là đạo rất khó theo, vì người tài giỏi thì thường hay quá mất cái vừa phải, mà người ngu hèn thì lại bất cập” (Nho giáo, quyển nhất trang 274).
Đã trích những câu của Khổng Tử để chứng rằng đạo trung dung không phải cái đạo mà ai cũng có thể theo được, mà dưới lại kết luận rằng đạo trung dung “ai cũng có thể theo được và có thể thi hành ra đời nào cũng được” thì thật là mâu thuẫn.
Trong “Nho giáo”, Trần Trọng Kim nói : “Khổng Tử đã tin có Trời, có thiên mạng, tất là tin có quỷ thần” (quyển nhất, in lần thứ hai, trang 130), nghĩa là soạn giả cho Khổng Tử là “hữu thần luận giả”.
Nhưng theo ý Phan Khôi trong “Phụ Nữ Tân Văn” (số 54) thì Khổng Tử là một nhà “vô thần luận giả”.
Vì (vẫn theo ý Phan Khôi), trong “Luận Ngữ”, có nói : “Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần”. Lại khi Tử Lộ hỏi sự thờ quỷ thần Ngài cũng không trả lời. Rồi muốn cho có chứng cớ chắc chắn hơn nữa, Phan Khôi viện câu này trong “Luận Ngữ” : “Tế như tại, tế thần như thần tại” 祭如在,祭神如神在 và câu này trong “Trung Dung” : “Dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu” 洋洋乎如在其上,如在其左右 và ông kết luận :
“Hãy ngẫm nghĩ bốn chữ như đó cho kỹ, có phải Ngài nhìn là không có quỷ thần, song trong khi tế tự, mình phải coi như là có không ? Đã thế, trong sách Mặc Tử có một thiên gọi là “Minh quỉ” chứng minh rằng quỷ thần là thật có, để phản đối lại cái vô thần chủ nghĩa của đạo Nho ; vậy nếu nói Khổng Tử tin có quỉ thần, thì Mạc Tử còn phải phản đối làm gì ?”
Nhưng Trần Trọng Kim quả quyết rằng Khổng Tử là một nhà “hữu thần luận giả”, ông đáp lại Phan Khôi như sau này :
“…Trước hết xin nói rằng câu : Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần là câu của các môn đệ Khổng Tử chép ra. Nguyên cái cách lập giáo của Khổng Tử có hai lối. Một lối tâm truyền và một lối công truyền. Lối tâm truyền quan hệ đến những điều huyền bí, còn lối công truyền thì dạy những điều thiết thực ở đời. Ngài dạy học trò thì chỉ dạy miệng, chớ không viết ra. Bởi vậy sau ai nhớ được điều gì, thì chép ra thành sách Luận Ngữ. Thường những lời của các môn đệ chép ra ở sách ấy là thuộc về cái học công truyền. Trong khi Ngài nói với nhiều học trò, thì Ngài không nói đến những điều huyền bí, cho nên các môn đệ mới chép câu ấy. Vậy lấy câu ấy mà làm bằng chứng thì không đủ.
“Câu : Tế như tại, tế thần như thần tại và câu Dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu, đều là câu nói rằng ta phải kính trọng quỉ thần. Nhưng vì quỉ thần u ẩn, tai không nghe được, mắt không trông thấy được, mà nói cho người ta hiểu được, nếu không dùng chữ như thì không biết nói thế nào được… Vậy nên chữ như ấy không đủ lấy làm bằng chứng là Khổng Tử không tin có quỉ thần. Khổng Tử lại rất chú ý về việc tế tự, không lẽ ngài không tin là có, mà lại bảo người ta phải hết lòng thành kính mà tế tự, và lại nói : “Quỉ thần vô thường hưởng, hưởng vu khắc thành”, hay là : Kính quỉ thần nhi viễn chi. Đã không tin quỉ thần thì kính cái gì, mà viễn cái gì ? Cứ như ý Phan quân thì đó là cái thuật khiến người ta phải in đạo đức chứ không phải là Khổng Tử thực tin có quỉ thần. Nếu vậy ra Khổng Tử lại dùng trí thuật như người đời à ?” (Phụ Nữ Tân Văn, số 60, trang 14).
Về việc Mặc Tử công kích Khổng Tử, ý kiến Trần Trọng Kim đại lược như sau này : Họ Mặc nhận có Trời và quỉ thần, mà Trời và quỉ thần có ý chí và thưởng điều thiện phạt điều ác. Sự tín ngưỡng của họ Mặc tựa hồ sự tín ngưỡng của các tôn giáo bên Tây. Họ Khổng cũng nhận có Trời và có quỉ thần, nhưng cho Trời là cái lý, quỉ thần là cái linh khí, cái lý và cái khí ấy có thể cảm ứng với người ta được là vì người cùng một lý một khí với Trời và quỉ thần. Cái học của họ Khổng giống cái học “thiên địa vạn vật nhất thể” – cái học “panthéiste” ở Âu Châu. Họ Khổng và họ Mặc đã không cùng một ý kiến thì lẽ tất nhiên là phải công kích nhau.
Đó là những điều quan hệ hơn cả trong cuộc bút chiến về nho giáo của hai học Phan, Trần, một cuộc bút chiến rất trang nhã mà cả hai bên đều biết phục thiện, đều chỉ căn cứ vào sự học và sự suy xét của mình. Rõ là một cuộc tranh luận của người học giả, cốt cho sáng lẽ, chứ không ganh ở sự hơn thua.
Còn một đoạn nữa trong “Nho giáo” mà năm 1930, Phan Khôi đã bẻ Trần Trọng Kim trong “Phụ Nữ Tân Văn” (số 54) và 10 năm sau (năm 1940) Ngô Tất Tố cũng lại chỉ trích trong quyển “Phê bình Nho giáo”. Đó là đoạn nói về “quân quyền”. Trần Trọng Kim viết :
“Ngày nay có những chính thể như cộng hòa, cộng sản, v.v… đem bỏ cái lối chuyên chế của một người đi, lập ra lối dân chủ, nhưng xét cho kỹ. chẳng qua là chỉ đổi có cái danh mà thôi, chứ cái thực vẫn không sao bỏ được, vì rằng chính thể nào cũng cần phải có cái quân quyền. Cái quân quyền do một người giữ thì gọi là đế, là vương, mà do một bọn người của công dân đã thừa nhận cho được giữ, thì gọi là thống lĩnh ; đế vương hay thống lĩnh đều thuộc về cái nghĩa chữ quân cả”. (Nho giáo, quyển nhất, trang 248)
Phan Khôi cho rằng một ông vua chuyên chế đời xưa với một ông tổng thống của một dân quốc đời nay quyền hạn khác hẳn nhau, mà cũng vì thế, có nhiều dân tộc văn minh đã trải qua biết bao nhiêu sự khó khăn, sự hy sinh, mới lập được một chế độ dân chủ. Nếu quả thực hai chế độ cũng như nhau, chỉ khác có cái danh mà cái thực cũng như cũ thì những dân tộc ấy thật là những dân tộc điên cuồng. Hơn thế nữa, Trần Trọng Kim đã cho mấy chữ chủ quyền và quân quyền cùng một nghĩa. Phải nói là “chính thể nào cũng cần phải có chủ quyền”mới đúng.
Còn theo ý Ngô Tất Tố, chữ quân của Khổng Tử không có nghĩa là quân quyền như Trần Trọng Kim đã nói. Sự thực thì cái lối trung quân của Khổng Tử là “trung với bản thân những người làm đế, làm vương”. Rồi ông cử những việc sau này làm bằng chứng : trong kinh “Xuân thu”, Khổng Tử không bỏ sót một ông vua nào mà không chép công tức vị, cho đến Hoàn Công là kẻ giết anh để cướp ngôi, Khổng Tử cũng chép công tức vị như thường :
“Lại khi Ai Công say đắm nữ nhạc, biếng nhác chính sự, ngài đã định bỏ ngôi quan, nhưng lại chờ cho đến lúc tế giao không chia phần thịt cho các đại phu, mới đi, để khỏi lộ cái tội mê gái của vua”
Rồi Khổng Tử đã biết Chiêu Công là người không biết lễ, nhưng khi viên thái tể hỏi thì ngài lại đáp là có biết, chỉ vì Chiêu Công là vua của ngài, nên ngài không dám nói xấu.
Nhưng lý trên này của Phan Khôi và Ngô Tất Tố đều là những lý vững vàng và có căn cứ, vậy không thể bảo ông vua cũng như ông thống lĩnh, chế độ quân chủ cũng như chế độ dân chủ, chỉ khác có cái danh chứ cái thực vẫn không khác, và không thể bảo quân nghĩa là quân quyền được.
Tuy có những lời phê bình trên này, nhưng Phan Khôi và Ngô Tất Tố đều phải nhận rằng bộ “Nho giáo” của Trần Trọng Kim là một bộ sách giá trị.
Quyển nhất, như người ta đã thấy, gồm có những thiên cốt yếu nhất là những thiên nói về học thuyết của Khổng Tử mà “hình nhi thượng học” là cái học về phần huyền diệu và “hình nhi hạ học” là cái học về phần đời. Đó chính là cái thống hệ của Khổng học.
Đến quyển hai và quyển ba thì nhiều người trong phái Nho học đã thấy rõ công phu biên tập của Trần Trọng Kim.
Quyển hai nói về Nho giáo trong đời Chiến quốc, từ các học phái do môn đệ Khổng Tử lập ra, trải qua Mạnh Tử, Tuân Tử, cho đến đời nhà Tần, thời kỳ này tức là thời kỳ biến đổi của Nho giáo, bắt đầu chia ra mấy phái khác nhau. Như Mạnh Tử xướng lên thuyết “tính thiện” lấy lương tri, lương năng làm căn bản, lập thành tâm học, thiên trọng về nhân, nghĩa, lễ, trí ; còn Tuân Tử xướng lên thuyết “tính ác”, chủ lấy tư trí mà biện luận, thiên trọng về dùng lễ nghi, hình pháp, gây thành mối chuyên chế của những người giữ quyền chủ tể. Trong hai học thuyết ấy, học thuyết của Mạnh Tử gần với học thuyết của Khổng Tử hơn, nhưng vào thời Chiến quốc thì lại không có ảnh hưởng gì mấy. Còn học thuyết của Tuân Tử tuy xa hơn, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn, mà kết quả là cái chính sách bạo ngược của nhà Tần.
Quyển ba nói về các học thuyết của chư nho, kể từ đời Tây Hán đến hiện thời. Trong khoảng hơn hai nghìn năm, các học giả đều lấy Tứ Thư Ngũ Kinh làm căn bản. Song mỗi thời có một lối học thuật và mỗi học giả theo riêng một tôn chỉ. Từ đời Lưỡng Hán đến hết đời Lục Triều, các học giả chú trọng vào việc tìm cho rõ nghĩa từng chữ, từng câu trong các Kinh Truyện, tức là cái học chương cú, không có tư tưởng gì cao. Sang đời Tùy, đời Đường, các học giả cũng không phát huy được học thuyết nào khác, chỉ chăm chú theo những lời chú thích của Hán nho. Trong thời này văn chương rất thịnh, nhưng về đường học thuyết thì rất kém. Đến đời Tống, nhờ có nhiều tay danh nho, như Chu, Thiệu, Trương, Trình, nên cái học của Nho giáo mới cao lên. Cái học về tâm và tính tuy do Mạnh Tử khởi xướng từ thời Chiến Quốc, nhưng mãi đến Lục Tượng Sơn đời Tống mới thành một học thuyết, rồi đến đời nhà Minh, nhờ có Vương Dương Minh mới thật thịnh hành. Kế đến đời Thanh, Nho giáo chia ra hai phái : Hán học và Tống học, rồi đến cuối đời Thanh, ảnh hưởng Tây học tràn vào nước Tàu và gây thành phái Tân học.
Nho giáo tuy biến đổi nhiều lần theo các thời đại, các học phái như thế, và đối với Nho giáo ngày nay nước ta có nhiều người lãnh đạm, nhưng cái phần cốt yếu trong Nho giáo vẫn là cái phần rất cần thiết cho chúng ta. Đó là cái phần mà người ta tóm tắt vào hai chữ “tu thân”, nghĩa là sửa cho con người nên một con người. Cái sự huấn luyện về đường tinh thần ấy, ta có thể tìm thấy trong các học thuyết khác, nhưng học thuyết của Khổng Tử là thứ học thuyết đã có ảnh hưởng sâu ở nước ta, đã lập thành nền nếp trong nhiều việc, vậy nếu chúng ta biết noi theo cho phải đường thì không những giữ được cái đặc biệt của Đông phương mà lại còn tiện lợi về đường thực tế nữa, vì như người ta đã thấy, học thuyết của Khổng Tử có hai phần : phần huyền diệu và phần đời. Bộ “Nho giáo” của Trần Trọng Kim thật đáng là một bộ sách học thuyết rất quí cho nhựng người hiếu học muốn biết cái học căn bản của nước nhà.
“Phật lục”
Quyển “Phật lục”, theo lời soạn giả :
“Không phải là sách bàn về lý thuyết cao siêu của đạo Phật mà cũng không phải là sách nói về lịch sử rất phức tạp của đạo Phật”.
Trước hết soạn giả nói cho chúng ta biết về Phật Thích Ca Mầu Ni, từ lúc đi tu cho đến lúc thành Phật và những lúc thuyết pháp ; đến mười vị đệ tử lớn nhất ; rồi đến chư Phật, như A Di Đà Phật, Dược Sư Lưu Ly Quang Phật ; sau hết, đến các vị Bồ tát.
Chương IV là chương nói về thế gian và thế giới theo kinh Phật. Rồi đến chương V là chương nói về sự thờ phụng và cách bài trí các tượng trong chùa. Chương này là chương gợi cái tính tò mò của độc giả hơn cả, vì người Việt Nam ta còn ai là người không bước chân vào chùa dăm bẩy bận. Đọc chương V trong “Phật lục”, ta sẽ hiểu những tượng nào là tượng tam thế, những tượng nào là tượng Di Đà tam tôn, những tượng nào là tượng tứ Bồ tát, bát bộ kim cương, v.v… Đến phần phụ là phần nói về mấy cảnh chùa lớn ở Bắc Kỳ.
Tác giả viết quyển “Phật lục” với một lối văn khảo cứu thật sáng suốt và rất có phương pháp, làm cho ai đọc cũng có thể hiểu và nhớ đại lược những chuyện nhà Phật một cách dễ dàng.
Thật là một quyển sách không những bổ ích cho các tín đồ nhà Phật, mà còn rất tiện lợi cho những người muốn biết Phật giáo ngoài vòng lý thuyết nữa.
“Việt Nam văn phạm”
Trong “Nhà Văn Hiện Đại”, quyển nhất, tôi đã nói đến quyển “Việt văn tinh nghĩa” của Nguyễn Trọng Thuật. Quyển văn phạm của Đồ Nam Tử nương tựa vào văn phạm Pháp nhiều quá, làm cho có nhiều sự gò bó, tạo nên một thứ văn phạm rất phiền phức và khó hiểu cho tiếng Việt Nam là một thứ tiếng giản dị hơn tiếng Pháp nhiều.
Quyển “Việt Nam văn phạm” của Trần Trọng Kim (cùng làm với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ) là một quyển văn phạm kỹ càng hơn quyển “Việt văn tinh nghĩa” của Nguyễn Trọng Thuật, nhưng cũng chưa phải một quyển văn phạm có thể đem dùng ngay được.
Cái điều sai lầm mà tác giả muốn tránh là sự nương tựa hẳn vào văn phạm Pháp để làm văn phạm cho tiếng Việt Nam, nên trong bài tựa (trang III và IV), tác giả có nói :
“Tiếng Việt Nam xưa kia tuy không có sách dạy về văn phạm, nhưng các qui tắc để nói thế nào là phải, thế nào là sai, thì bản nhiên vẫn có. Nay đem những qui tắc ấy mà phát biểu ra cho minh bạch, tức là định ra văn phạm của tiếng Việt Nam. Ít lâu nay đã có người Pháp biết tiếng Việt Nam và người Nam cũng đã nghĩ đến sự làm sách văn phạm, nhưng vì hoặc làm sơ lược quá, hoặc quá thiên về cách làm văn phạm tiếng Pháp, thành thử những sách ấy vẫn còn có nhiều chỗ khuyết điểm”.
Đọc cả quyển văn phạm, người ta thấy tác giả đã cố gắng để khỏi sa vào sự sai lầm trên này, nhưng vẫn không thể sao tránh khỏi. Thí dụ như về mục túc từ (complément), trang 14, tác giả viết :
“Một tiếng túc từ có thể đi với tiếng danh tự, tiếng tỉnh tự, hay động tự. Bởi thế có danh tự túc từ, tĩnh tự túc từ, động tự túc từ”.
Rồi tác giả cử mấy thí dụ sau này :
“Danh tự túc từ có thể là : Danh tự (Cái mũ anh Giáp), Đại danh tự (Cái vườn nó), Động tự (Cái nhà ở), Trạng tự (Phong tục ngày nay)”. (Trong quyển Grammaire Annamite, bản dịch Việt Nam văn phạm ra tiếng Pháp).
“Cái nhà ở” tác giả dịch là : La maison d’habitation, để ghép chữ ở là tiếng động tự (verbe) đóng cái vai danh tự túc từ (complément de nom). Thật ra hai chữ nhà ở (dịch ra tiếng Pháp là những chữ demeure, habitation hay domicile) có thể coi là tiếng danh tự kép, chẳng cần gì gò bó vào tiếng Pháp cho thêm khó hiểu. Nhà ở là danh tự kép gồm có một danh tự (nhà) và một động tự (ở), cũng như những chữ rạp hát, tiệm ăn, v.v…
Đến sự chia ra trực tiếp túc từ (complément direct) và gián tiếp túc từ (complément indirect) thì thật rất là phiền phức. Thí dụ như tác giả kể : Complément direct de nom (Quyển sách anh Sửu : Le livre (de) Sửu) và Complément indirect de nom (Những sách của tôi : mes livres)”.
Nếu như vậy thì câu : “Quyển sách của anh Sửu” đặt vào ngữ ngạch nào ? Chắc tác giả cho nó thuộc vào hạng complément indirect de nom, vì có chữ của (giới tự) đứng gián cách. Thành ra câu : “Quyển sách anh Sửu” và câu : “Quyển sách của anh Sửu” là hai câu khác nhau ru ? Thật ra thì câu trên tuy không có chữ của nhưng vẫn “lẩn” chữ của ở trong, nên mới có nghĩa, vậy không thể phân ra hai thứ túc từ được. Tôi nói như thế này thì ai cũng hiểu ngay : Thí dụ có một người tên là Văn Phạm. Nếu đọc“Quyển sách Văn Phạm” và bảo người ta dịch miệng thì có khi người ta lầm mà dịch là : Le livre de grammaire. Trừ khi bảo cho người ta biết Văn Phạm là tên người thì người ta mới biết dịch là : Le livre de Văn Phạm, và đã dịch như thế tức là cho có chữ của lẩn ở trong. Phân ra lắm thứ theo văn phạm Pháp, chỉ thêm phiền phức cho một thứ tiếng vốn là giản dị.
Văn phạm đặt ra là cốt giữ cho câu văn được đúng mẹo luật, được sáng suốt, được hay, chứ không phải văn phạm đặt ra để làm cho câu văn hóa lôi thôi, rườm rà. Trong “Việt Nam văn phạm”, có đoạn này ở mục Tương hỗ túc từ (complément réciproque) trang 99 :
“Khi tiếng động tự là một tiếng chữ nho, thì người ta đặt thêm tiếng đại danh tự tương trước tiếng động tự và lại có tiếng nhau đứng sau nữa ; Hai người tương phản nhau ; Chúng nó tương tư nhau”.
Hai câu thí dụ trên này cần phải có chữ nhau đã đành, nhưng như câu sau này thì cần gì phải thêm tiếng nhau : “Ý kiến hai người thật là tương phản”. Nếu để thêm chữ nhau vào cuối câu thì chỉ có thể làm cho câu văn non nớt đi thôi, chứ không hơn gì cả. Như vậy thì có chữ tương, nhiều khi cũng không cần có chữ nhau.
Sở dĩ có những sự phiền phức, khó hiểu trên này là vì tác giả vẫn còn theo văn phạm Pháp nhiều quá. Những chương không cần phải nương tựa vào văn phạm Tây, như chương Liên tự (trang 140) là những chương rõ ràng hơn cả.
Quyển “Việt Nam văn phạm” của Trần Trọng Kim tuy vậy cũng là một quyển biên tập công phu hơn hết cả những quyển văn phạm Việt Nam có từ trước đến giờ. Ta cũng nên biết trong buổi đầu, làm văn phạm cũng như làm tự điển, không ai có thể tới ngay sự hoàn toàn được.
Kết
Đọc tất cả các văn phẩm của Trần Trọng Kim, người ta thấy tuy không nhiều, nhưng quyển nào cũng vững vàng chắc chắn, không bao giờ có sự cẩu thả.
Ông có cái khuynh hướng rõ rệt về loại biên khảo : chỉ đọc qua nhan đề các sách của ông, người ta cũng có thể thấy ngay : hết lịch sự, đến đạo Nho, đến đạo Phật, rồi lại đến mẹo luật tiếng Việt Nam. Ông là một nhà giáo dục, nên những sách của ông toàn là sách học cả.
Văn ông là một thứ văn rất hay, tuy rất giản dị mà không bao giờ xuống cái mực tầm thường ; lời sáng suốt, giọng lại thiết tha như người đang giảng dạy. Lối văn ấy là lối văn của một nhà văn có nhiệt tâm, có lòng thành thật.
Ông lại là một nhà văn dùng chữ rất xác đáng và viết quốc ngữ rất đúng nữa. Trong “Phụ Nữ Tân Văn” (số 56, ngày 12 Juin 1930) Phan Khôi đã phải viết một bài khen ngợi ông về điều đó với cái nhan đề dài lượt thượt sau này :
“Cuốn sách “Nho giáo” gợi ý cho chúng tôi, nó bảo rằng : người Việt Nam phải viết quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng !”
Trong bài ấy của Phan Khôi, còn câu này đáng làm châm ngôn cho những nhà văn có tính cẩu thả trong sự dùng danh từ và viết quốc ngữ :
“Về phương diện này (tức là viết quốc ngữ và dùng danh từ) mà kém thì thật cuốn sách cũng không thành ra cuốn sách”.
Vũ Ngọc Phan – Trong “Các nhà văn hiện đại“