Thời gian: Trước lúc mặt trời lặn, kết thúc khi trời tối.
Vị trí: Bạn có thể đứng bất kỳ đâu, miễn là quang đãng.
Chúng ta muốn tìm hiểu về bầu trời đêm, còn gì tốt hơn nếu bắt đầu một cách tự nhiên nhất bằng khả năng của cơ thể chúng ta?
Ban ngày chúng ta đã quen với ánh nắng, trời xanh, mây trắng. Vậy để bắt đầu những quan sát đầu tiên lên bầu trời đêm, chúng ta hãy đi từ những phút cuối cùng của một ngày, khi hoàng hôn buông xuống và bóng đêm kỳ bí chuẩn bị bao phủ đất trời.
Nhìn lên bầu trời (Look up)
Hoàng hôn buông xuống, bầu trời quang mây. Ta đứng ở một nơi quang đãng không bị nhà cửa hay cây cối che khuất tầm nhìn về mọi hướng. Không phải để ngắm vầng dương sắp tắt, hay những đám mây buồn bã cuối trời, nhưng để nhìn lên một khoảng không mà ta tưởng rất đỗi quen thuộc: bầu trời.
Hãy nhìn lên bầu trời
Rồi bạn sẽ thấy đây như một câu thần chú diệu kỳ nếu bạn kiên nhẫn làm theo, dừng lại trong khoảnh khắc và nhìn lên bầu trời, bạn sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và sự kỳ bí của nó. Bạn sẽ có một cảm nhận rõ rệt: quan sát bầu trời khiến ta tràn đầy cảm hứng.
Trong tiếng Anh người ta dùng từ looking up (nhìn lên) để mô tả thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời, mà từ đó mọi thứ trở lên tốt đẹp hơn.
Bầu trời là gì và nó rộng lớn tới đâu?
Bầu trời không chỉ là khoảng không hư vô, và không chỉ ở trên đầu, mà còn là phía trước, phía sau, và hai bên chúng ta. Ta có cảm tưởng nó giống một cái bát úp chụp xuống đầu.
Trước mắt chúng ta, bầu trời (the bowl of the sky) chuyển động luôn luôn. Những đám mây mà ta biết ở rất cao trên kia bay đi không ngừng. Gió lùa từng cơn. Cả mặt trời cũng đều đặn di chuyển từ cách chúng ta vô cùng xa xôi. Ta biết rằng bầu trời không phải là một cái bát cứng nhắc với kích thước cụ thể nào đó, nhưng nó sâu vô tận.
Vậy thì, bầu trời là gì? Và nó lớn đến đâu?
Lớn dường như là một từ quá nhẹ để mô tả kích thước bầu trời! Bầu trời còn hơn cả lớn, nó lớn hơn bất cứ cái gì chúng ta thấy. Hay đúng hơn, nó lớn hơn bất cứ thứ gì con người từng biết tới. Tại sao? Vì bầu trời đơn giản là bao gồm toàn bộ những gì chúng ta có thể thấy từ Trái Đất mà chúng ta đang sống. Gần nhất là bầu khí quyển bao bọc mặt đất, càng lên cao càng mỏng lại cho tới khi biến mất, và bên ngoài là khoảng không bao la bất tận.
Hãy nhìn vầng dương đang lặn. Ban ngày chúng ta vẫn có thể trông thấy Mặt Trời, và đôi lúc cả Mặt Trăng, hai vầng nhật nguyệt dĩ nhiên nằm bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất, trong thẳm sâu không gian. Chúng nhắc chúng ta rằng vào buổi tối ta có thể nhìn thấy một bầu trời đêm thăm thẳm hơn nhiều, ở đó không chỉ có vầng trăng, mà còn các hành tinh và vô vàn các vì sao nằm cách trái đất rất xa, rất rất xa.
Nhưng bạn chưa cần phải nhớ những gì có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm. Vì lúc này mặt trời đang lặn dưới chân trời, và màn đêm đang chuẩn bị phủ xuống.
Chân trời và thiên đỉnh
Chúng ta nói Mặt Trời đang lặn xuống đường chân trời. Vậy thì đường chân trời chính là ranh giới giữa trời và đất. Ta có cảm giác đó là nơi mà mặt đất và mặt biển giao với bầu trời. Đường chân trời đánh dấu nơi bắt đầu của bầu trời xung quanh chung ta.
Bây giờ, hãy nhìn đường chân trời bao quanh bạn. Bạn có thực sự nhìn thấy “chân trời đích thực” ở bất kỳ hướng nào không? Hay chỉ là “chân trời tạm bợ”, có thể là một cánh rừng (treeline), hoặc một dãy nhà (city skyline)?
Thiên đỉnh (zenith) là vị trí chính giữa đầu bạn trên bầu trời. Nó nằm cách xa nhất đối với chân trời. Thiên đỉnh là điểm chính giữa vòm trời. Nếu muốn xem thấy thiên đỉnh thì bạn có thể nằm dài ra mặt đất rồi nhìn thẳng lên bầu trời, điểm thiên đỉnh sẽ nằm thẳng theo ánh mắt của bạn.
Còn nếu đứng mà vẫn muốn nhìn thấy thiên đỉnh thì bạn phải ngửa hết mặt nhìn lên trời.
Đường trung tâm của bầu trời
Bây giờ chúng ta hãy gọi tên một số đường chính yếu của bầu trời, cạnh và đường trung tâm, trong trường hợp ta muốn phân chia các vùng của bầu trời. Nếu ta chia bầu trời thành hai phần bằng nhau thì ta cần vạch một đường chính giữa bầu trời, đường đó sẽ đi qua thiên đỉnh, và sẽ được gọi tên là thiên kinh tuyến (meridian). Thiên kinh tuyến chạy từ điểm cực bắc của đường chân trời, qua thiên đỉnh, và kết thúc ở điểm cực nam. Nếu bạn muốn tìm cực bắc và cực nam từ vị trí đứng của mình thì chỉ cần nhìn quay lưng về phía mặt trời lặn. Trừ ngày đầu tiên của mùa xuân hoặc mùa thu (ngày xuân phân và thu phân), Mặt trời sẽ nằm đâu đó giữa hướng tây nam và tây bắc, đại khái là gần như là hướng tây. Vậy sau lưng bạn là hướng tây nơi mặt trời lặn, phía trước mặt bạn là hướng đông, phía bên phải và bên trái sẽ là hai hướng bắc nam.
Nhưng tại sao đường thiên kinh tuyến chia bầu trời thành hai phần đông tây lại quan trọng hơn đường thiên kinh tuyến chia bầu trời thành hai phần bắc nam? Để có câu trả lời, bạn chỉ cần quay lại nhìn về phía Mặt Trời lặn và tưởng tượng xem nó đã di chuyển thế nào trong một ngày. Câu trả lời đó là Mặt Trời và mọi thiên thể – bao gồm Mặt Trăng, các vì sao, các hành tinh – đều mọc ở phần trời hướng đông và lặn ở phần trời hướng tây. Vậy thì mỗi thiên thểe khi chạm vào đường thiên kinh tuyến thì nó đã đi hết một nửa hành trình qua bầu trời, và đang ở điểm cao nhất trên hành trình của nó. Tiếng Anh có động từ cultimate (đi qua thiên kinh tuyến) để nói một thiên thể vừa chạm vào thiên kinh tuyến.