(Đền thờ tả quân Lê Văn Duyệt trong Lăng Ông Bà Chiểu trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. HCM)
Nguyên quán tại Mỹ Tho (Nam Kỳ), Lê xuất thân từ yêm hoạn ngay lúc thiếu thời, đã theo chúa nguyễn ánh tị nạn, giữa chức thái giám, dự các cuộc chiến đấu. Sự thắng bại với nỗi hiểm ách đã giúp Lê một bài học kinh nghiệm về chiến lược vốn sẵn thiên tài, lại thêm khối óc thông minh, chẳng bao lâu Lê được cử cầm quyền Đại tướng đánh nhau với Tây Sơn. Rồi từ đấy cho đến khi cuộc chiến tranh kết liễu, luôn luôn Lê đi tiên phong, xông pha tên đạn, treo gương dũng mãnh cho quận đội soi chung. Ngoài ra, Lê lại lấy điều nhân xử dân nên được lòng quần chúng. Nhờ thế mà số dân theo về với Nguyễn không phải là ít.
Xông pha trận mạc
Chúa nguyễn ánh khởi binh từ Gia Định, xưng vương, sau nhiều cuộc thất bại, nhờ đức cha Bá Đa Lộc đem các tướng sĩ Pháp và khí giới sang giúp, nên thế lực mỗi ngày một mạnh.
Tháng giêng năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Vương sai Lê Văn Duyệt cùng Võ Di Nguy đem thủy quân vào đánh cửa Thị Nại. Võ trúng đạn chết, còn Lê ra sức xung đột, đốt được cả tàu và thuyền của Tây Sơn, chiếm được cửa Thị Nại. Sau lại hạ được thành Bình Định.
Tháng Năm (1801) Nguyễn vương đem binh ra đánh Phú Xuân. Tiền quân đánh không lợi, vương phải sai Lê Văn Duyệt và Lê Chất đem thủy binh đánh tập hậu, mới chiếm được đồn Quí Sơn, rồi thẳng đường tiến đánh thành Phú Xuân.
Quân Tây Sơn tan vỡ. Nguyễn triều thu phục được đô thành. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đương vây thành Quy Nhơn, được tin Phú Xuân thất thủ liền sai tướng đem quân ra cứu. Nhưng ra đến Quảng Nam, gặp quân Lê Văn Duyệt kéo vào đánh chặn đường, quân Tây Sơn phải lùi trở lại.
Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802), quân Tây Sơn bỏ thành Quy Nhơn.
Tháng 5 (1802) Nguyễn vương sau khi thu phục được từ sông Linh Giang vào đến Gia Định, bèn lên ngôi đặt niên hiệu là Gia Long.
Vua Gia Long định ngự giá đi đánh Bắc Hà, bèn sai Lê Văn Duyệt và Lê Chất lĩnh bộ binh cùng thủy binh hai mặt cùng tiến.
Đi đến đâu, quân Tây Sơn chưa đánh đã tan. Chỉ trong một tháng đã lấy được Thăng Long và toàn hạt Bắc Hà.
Vì có nhiều chiến công rực rỡ như thế nên Lê Văn Duyệt được thưởng tước Quận công, chức Tả quân.
Vua Gia Long lại phong Lê Văn Duyệt làm tổng trấn gia đình thành, thống trị cả năm trấn Phiên Can (địa hạt Gia Định) Biên Hòa, Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang, Vĩnh Tường và Hà Tiên).
Kiến thiết thành Gia Định và bình định Tiêm La
Trong mấy năm làm Tổng trấn Gia Định, Lê có quyền tuyển bổ các quan lại, có quyền tiền trảm hậu tấu. Thực là một cái đặc ân của vua Gia Long ban cho một vị công thần đã bao phen vào sinh ra tử! Để giúp việc Tổng trấn, có một vị phó Tổng trấn đôi khi quyền nhiếp sự vụ và tại các trấn lại chia ra phủ, huyện, châu, có các quan tri phủ, tri huyện, tri châu coi việc cai trị.
Bao nhiều quyền chính ủy thác cho một vị võ tướng, chắc vua Gia Long đã từng biết tài thao lược của Lê Văn Duyệt, một cái tài không những chỉ đủ điều binh khiển tướng mà còn có nhiều đặc sắc về chính trị nữa.
Vì vậy, trong khi cầm vận mệnh thành Gia Định, Lê vẫn luôn nghĩ đến tình dân vừa qua cơn binh lửa, nên hết sức mở mang trong xứ. Lòng người ai cũng kính phục. Uy chấn tứ phương.
Trước, vua Chân Lạp vẫn thần phục vua Tiêm La.
Đến năm Đinh Mão (1807), Nặc Ông Chân bỏ Tiêm La về thần phục Việt Nam.
Em Nặc Ông Chân là Nặc Ông Nguyên, Ông Lam, Ông Đông muốn tranh quyền anh, mới sang cầu cứu Tiêm La. Nặc Ông Chân chạy sang Tân Châu, dâng biểu cầu vua ta cứu viện.
Năm Quý Dậu (1813), vua Gia Long sai quan tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt đem hơn một van quân đưa Nặc Ông Chân về nước.
Quân Tiêm La không dám kháng cự. Lê bắt phải rút hết quân khỏi thành Nam Vang, trả lại Nặc Ông Chân các kho tàng cung điện trước khi về nước.
Nước Tiêm La lưu quan giữ tỉnh Battanbang lấy cớ để đất ấy phong cho các em Nặc Ông Chân. Lê đưa thư sang trách, quân Tiêm mới chịu rút về.
Lê dâng sớ xin xây thành Nam Vang và La Lâm. Xây xong, Nguyễn Văn Thụy cùng 1000 quân ở lại bảo hộ Chân Lạp, còn Lê thì lên đường về Gia Định.
Năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long băng hà, thọ 59 tuổi, trị vì 18 năm. Vua Minh Mạng nối ngôi.
Năm 1830, Lê Văn Duyệt xây xong thành Phan An. Xây toàn bằng đá ong, thành cao và rộng, chung quanh có hào sâu.
Hàm oan
Vua Minh Mạng sùng đạo Khổng Mạnh, nên không ưa đạo mới, mới nghiêm cấm và trừng trị những người theo đạo Gia Tô.
Sắc lệnh ban hành năm 1825. Lê vốn là người cương trực, xét đạo Gia Tô không có hại gì cho dân mà những người theo đạo Gia Tô không có gì đáng trách. Vả, cha Bá Đa Lộc là người có công giúp Nguyễn triều khôi phục giang sơn, nên Lê không chicụ thi hành lệnh cấm truyền đạo Gia Tô tại Nam Kỳ.
Lê vốn là quan võ, tính khí nóng nảy, lắm khi giữa triều đình, tấu đối không được hợp thể, nên vua Minh Mạng vẫn không hài lòng. Chỉ vì Lê là một vị khai quốc công thần nên nhà vua cũng phải làm ngơ, không quở trách.
Tới khi lvd mất, vua Minh Mạng bãi chức Tổng trấn Gia Định và đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh như các tỉnh ngoài bắc.
Nguyên trước Nguyễn Văn Khôi, người ở Cao Bằng, khởi binh làm loạn, bị quan quân đánh đuổi, bèn xin ra thú. Lvd tin dùng, nuôi làm con nuôi, cho lấy theo họ Lê mà gọi là Lẹ Văn Khôi, đem về Gia Định, phong làm phó vệ úy.
Bấy giờ Bạch Xuân Nguyên là một người tham lam tàn ác, làm Bố chánh Phan An, muốn trị bòn đầy tớ Lê Văn Duyệt. Lê Văn Khôi bèn tự xưng làm Đại nguyên soái, họp đáng Thái Công Triều để chống nhau với triều đình. Quan quân vất vả non 3 năm trời mới hạ được thành Gia Định, bắt giết 1831 quân giặc, đem chôn một chỗ gọi là “Mả Ngụy”, còn thủ phạm thì đóng cũi đem về kinh trị tội.
Bình xong giặc Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng sai phá thành Phan An, xây lại chỗ khác và xuống chiếu truy tôi Lê Văn Duyệt.
Vua Minh Mạng sai quan Tổng đốc Gia Định đến mộ địa lvd san phẳng làm bình địa và khắc bia đá: “Chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp” để chính tội danh kẻ đã khuất và tỏ phép nước răn kẻ quyền gian muôn đời.
Còn người thân thuộc của Lê bị khép tội trảm giam hậu.
Du khách qua thành Gia Định chắc không quên tới viếng hương hồn một vị khai quốc công thần của triều Nguyễn: Lê Văn Duyệt.