Biến Đổi Khí Hậu có đang thực sự xảy ra?

song bang bien doi khi hau
song bang bien doi khi hau
11 views
5 phút đọc
Nội dung

Biến Đổi Khí Hậu đang xảy ra một cách hiển hiện. Có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trái Đất đang ấm lên với tốc độ chưa từng có. Nguyên nhân chính là tác động của con người.

Những điểm chính trong bài này

  • Tuy trong quá khứ Trái Đất từng thời kỳ vẫn xảy ra biến đổi khí hậu, nhưng hiện tượng ấm lên hiện nay đang xảy ra với tốc độ chưa từng thấy trong vòng 10,000 năm trở lại.
  • Theo Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thì “Kể từ khi có các đánh giá khoa học có hệ thống từ những năm 1970, tác động của con người đối với sự ấm lên của khí hậu toàn cầu đã không còn là lý thuyết, nhưng đang xảy ra trên thực tế.
  • Dữ liệu khoa học thu thập từ các nguồn tự nhiên (như lõi băng, đá, vòng cây) và từ các thiết bị hiện đại (như vệ tinh và các dụng cụ kỹ thuật), tất cả đều chỉ ra rằng khí hậu đang biến đổi.
  • Nhiệt độ toàn cầu gia tăng, băng đại dương tan chảy, chúng ta có đầy đủ bằng chứng cho thấy hành tinh đang ấm lên.

Tốc độ biến đổi kể từ giữa thế kỷ 20 nhanh chưa từng thấy trong thiên niên kỷ này

Xuyên suất lịch sử của mình, Khí hậu trái đất vẫn biến đổi từng thời kỳ. Chỉ trong 800,000 năm trở lại đây đã xảy ra tám chu kỳ băng hà rồi tan băng, kỷ băng hà cuối cùng là khoảng 11,700 năm trước, đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên khí hậu hiện đại mà từ đó văn minh loài người xuất hiện. Hầu hết các biến đổi khí hậu trước giờ xảy ra đều là do quỹ đạo Trái Đất dịch chuyển đôi chút, làm thay đổi lượng nhiệt năng mà Trái Đất hấp thụ từ Mặt Trời.

biến đổi khí hậu thực sự xảy ra

Xu hướng ấm lên hiện này thì khác, không liên quan gì tới Mặt Trời, nhưng rõ ràng là hậu quả của các hoạt động con người kể từ giữa những năm 1800, và đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy trong 1000 năm trở lại đây. Không thể chối cãi rằng con người đã thải vào bầu khí quyển những loại khí khiến gia tăng nhiệt năng mà Trái Đất giữ lại từ Mặt Trời. Lượng nhiệt năng thừa này đã làm khí quyển, đại dương, đất đai, ấm lên gây ra những biến đổi mau chóng và toàn diện trong khí quyển, đại dương, môi sinh, lượng băng trên hành tinh.

Các vệ tinh xoay quanh quỹ đạo, cùng những công nghệ tân tiến, đã giúp giới khoa học thấy được bức tranh toàn diện, thu thập đủ loại dữ liệu về hành tinh và khí hậu. Qua nhiều năm thu thập và phân tích, họ đã thấy những dấu hiệu và kiểu mẫu của biến đổi khí hậu.

Trong thế kỷ 19, các khoa học gia đã chứng minh được tính chất hấp nhiệt (heat-trapping) của khí Cacbon dioxit (CO­2) và một số loại khí khác. Hầu hết các thiết bị khoa học mà NASA sử dụng để nghiên cứu khí hậu đều tập trung vào tác động của những loại khí này đối với chuyển động của bức xạ hồng ngoại đi xuyên qua khí quyển. Với những tác động đã đo đạc được khi dung lượng các loại khí ấy gia tăng, không còn nghi ngờ gì nữa rằng khí nhà kính làm cho Trái Đất ấm lên.

Lõi băng rút từ vùng Greenland, Nam Cực, và các sông băng trên đỉnh núi vùng nhiệt đới cho ta biết khí hậu Trái Đất đã thay đổi theo lượng khí nhà kính. Người ta cũng thu thập được những bằng chứng từ thời cổ đại nhờ vòng cây (tree-rings), trầm tích đại dương (ocean sediment), đá san hô ngầm (coral reef), và tầng đá trầm tích. Những bằng chứng ấy cho ta biết sự ấm lên hiện nay đang diễn ra nhanh gấp 10 lần tốc độ ấm lên trung bình kể từ sau kỷ băng hà. Khí CO2 nhân tạo cao gấp 250 lần so với các nguồn thải tự nhiên kể từ sau Kỷ Băng Hà.

Bằng chứng về biến đổi khí hậu là không thể chối cãi

Nhiệt độ toàn cầu đang gia tăng

Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng khoảng 1OC kể từ cuối thế kỷ 19, chủ yếu do phát thải CO2 của con người cùng một số hoạt động khác. Hiện tượng ấm lên xảy ra mau chóng trong 40 năm trở lại đây, những năm gần đây là khốc liệt nhất. Từ 2016-2020 là giai đoạn kỷ lục.

Nước biển đang ấm hơn

Đại dương hấp thụ phần lớn nhiệt lượng gia tăng. 100m nước bề mặt đại dương đã tăng lên khoảng 0.33OC kể từ 1969. Trái Đất lưu trữ khoảng 90% nhiệt lượng trong đại dương.

Băng đại dương đang tan vỡ

Các tảng băng vùng Greenland và Nam Cực đang suy giảm cục bộ. Dữ liệu từ Phòng Thí nghiệm Khí hậu và Khôi phục Trọng lực của NASA cho thấy Greenland thất thoát trung bình khoảng 279 tỉ tấn băng mỗi năm, từ 1993-2019, con số đó ở Nam Cực là 148 tỉ tấn.

Sông băng đang tan chảy

Sông băng trên khắp thế giới đang tan chảy, như ở dãy Alps, Hy Mã Lạp Sơn, dãy Andes, dãy Rockies, Alaska, và châu Phi.

Độ phủ tuyết đang giảm

Quan sát vệ tinh cho thấy lượng tuyết phủ mùa xuân tại Bắc Bán Cầu đang giảm mạnh trong 5 thập kỷ trở lại đây, và tuyết tan sớm hơn.

Mực nước biển gia tăng

Mực nước biển đã tăng khoảng 8 inch (20cm) trong một thế kỷ nay. Tốc độ nhanh nhất là 2 thập kỷ gần đây, gấp đôi một thế kỷ trước, và mỗi năm đang tăng mỗi ít.

Băng Bắc Cực sụt giảm

Cả về độ phủ lẫn độ dày của băng Bắc Cực đều đang sụt giảm nhanh chóng trong mấy thập kỷ gần đây.

Thảm họa thiên nhiên gia tăng mức độ

Khắp nơi trên thế giới, trong vài năm qua, đang xảy ra những thảm họa kỷ lục, từ sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, hạn hạn v.v. với cường độ hiếm thấy, và thường xuyên hơn.

Axít hóa đại dương đang gia tăng

Kể từ thời Cách Mạng Công Nghiệp, lượng axít trên bề mặt đại dương đã tăng khoảng 30%. Lượng tăng này là do con người thải cacbon dioxit vào khí quyển, lượng phát thải này ngấm vào nước biển.

Kim Lưu dịch từ NASA Climate

5/5 - (3 votes)

Về Chuyên trang Thiên Văn & Môi Trường

Thiên Văn Học là mảng kiến thức ad rất say mê và mong muốn chia sẻ với mọi người. Tất cả bài viết trong chuyên mục này do ad biên soạn hoặc biên dịch. Chuyên mục còn cung cấp kiến thức về Biến Đổi Khí Hậu, một vấn đề đang ngày càng nghiêm trọng và hiển hiện với nhân loại chúng ta.

Bài viết có hữu ích cho bạn?

Support trang bằng cách kích quảng cáo bên dưới. Mỗi lượt kích Lightway nhận được 300đ

Trang bạn đang xem có đặt quảng cáo của Google. Ủng hộ ad vài giọt cà phê bằng cách kích vào quảng cáo bất kỳ nhé!