Lạp Chúc Nguyên Huy
Mát mặt anh hùng khi nắng hạ
Che đầu thôn nữ lúc mưa sa.
Theo quan niệm UNESCO, nón lá là di sản văn hóa hữu thể (tangible) còn những câu ca dao, bài thơ, câu vè, tục ngữ mang tính dân tộc liên quan đến nón lá là di sản văn hóa vô hình hay vô thể (intangible).
Nón lá có tự bao giờ? Không có câu trả lời vì thiếu di tích lịch sử, thiếu huyền tích. Nhưng từ xa xưa đến nay, nón lá hiện diện khắp nơi trên đất Việt, từ che mưa nắng trên đồng ruộng đến mát đầu cô nữ sinh thành thị. Nón lá là một trong những ký hiệu văn hóa của người Việt nên hễ người ngoại quốc nào đã thăm viếng Việt Nam, thì sẽ kêu ngay nên rằng: À, cô gái Việt! khi nhìn thấy hình ảnh nón lá cứng cáp che chiếc áo dài mỏng manh, vờn chơi với gió trên người thiếu nữ. “À” là tiếng kêu của người ngoài nhận diện được ký hiệu của nón lá trong văn hóa Việt. Vậy, nón lá với áo dài là di sản văn hóa hữu thể để giúp nhận diện được bản sắc người Việt.
Nhìn em nhớ một thời áo trắng,
Nón lá nghiêng che tóc dài bay.
Chiếc nón lá Việt Nam được tạo ra như thế nào?
Nón được làm bằng các loại lá khác nhau[1] được chằm lại vừa để che mưa nắng vừa là một đồ trang sức tao nhã gợi hứng cho bao nhiêu vần thơ trữ tình.
Cách chằm nón
Các giai đoạn chằm (khâu) nón: chuốt tre thành 16 vành, nức vành, ủi lá, khâu (chằm) từ trên xuống, đính vào chóp nón một cái “xoài” bằng chỉ bóng láng, phủ dậu nhiều lần, phơi đủ nắng
Sao anh không về thăm quê em,
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên.
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón,
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên.
Nguyễn Khoa Điền

Công dụng
Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng ca tụng công dụng của nón như sau:
Mỏng manh chiếc nón ấy mà.
Che mưa che nắng đường xa mẹ về.
Từ phố thị đến làng quê.
Ở đâu nón cũng nghiêng che mái đầu.
Nón che cái nắng qua cầu,
Chị đi đến lớp mặc dầu nắng oi.
Nón che từng hạt mưa rơi.
Chiều đông cha vẫn ra nơi ruộng đồng.
Giúp người nón mãi ước mong.
Dẫu bao mưa nắng nón không ngại ngần.
Nón lá che nắng, che mưa
Các loại nón
Nón lá Việt có nhiều loại, lắm tên[2], nhưng có ba loại nón để lại nhiều dấu ấn văn hóa qua thi ca, đó là:
– Nón quai thao ngồi trên chiếc khăn mỏ quạ, tỏa mát xuống tấm áo tứ thân là nguồn cảm hứng từ bao đời cho các thi nhân miền Bắc. Nay thì hinh ảnh nón quai thao chỉ còn tìm thấy qua các màn trình diễn văn nghệ nhất là trong dịp hát quan họ Bắc Ninh.
Nón ngựa gò găng Bình Định nổi tiếng vì kiểu nón độc đáo lại gắn liền với chiến sử oai hùng của Tây Sơn.
– Nón bài thơ xứ Huế che mát cả một kho tàng thi ca của Việt Nam,
Nón ba tầm và nón quai thao
Theo tương truyền thì nón ba tầm xuất hiện vào đời Trần do sáng tạo của cung nữ gọi là nón thượng[3]. Qua đời Lê, nón ba tầm được tô điểm thêm cái quai thao nên thường được gọi là nón quai thao[4].
Nón ba tầm
Nón ba tầm chia ra thành ba loại nón theo vành rộng: nón Đấu là loại nhỏ nhất, sườn thành thấp nhất; Nón Nhỡ, còn gọi là nón Ngang, lớn hơn nón Đấu, giản dị hơn nón Mười và nón Mười, còn gọi là nón ba tầm, có vành rộng, sườn nón cao hơn hết.
Nón ba tầm còn gọi là nón dẹt, nón thúng, nón chủng, nón Nghệ … Nón thúng đơn sơ dành cho người nghèo hay làm công việc lao động, đồng áng.
Chẻ tre đan nón, kìa nón í a ba tầm
Rằng tôi lý ối a ba tầm
Rằng tôi lới ối a ba tầm,
Ai đem ôi à tính tang tình rằng,
Cho cô mình đội
Xem hội cái đêm trăng rằm

Nón ba tầm[5]
Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Hà Nội hiện nay) có tiếng làm nón ba tầm hay nón quai thao nhưng vẫn có làng chuyên làm khua, quai tua (cái khua[6] là một vành tròn bên trong giữa nón như nắp tráp vừa đầu đội cao khoảng 8 cm)
Nón này chính ở làng Chuông.
Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khua
Hà Nội thì kết quai tua
Có hai con bướm đậu vừa chung quanh.
Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông
Nón quai thao[7]
Nón quai thao là nón ba tầm có chiếc quai thao tạo nên một hình ảnh tuyệt vời nên thơ của miền Kinh Bắc, là hình ảnh các làn chị quan họ Bắc Ninh đội cái nón ba tầm quai thao, chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân.
Hội đã tan rồi, chia tay bên dòng sông
Chiếc nón quai thao xôn xao câu quan họ Đến hẹn lại lên người ơi đừng quên nhé Con đò bồng bềnh nhớ nhau em gọi câu:
Mình ơi!
Nguyễn Tiến
Hình ảnh chiếc nón ba tầm được nổi bật lên nhờ cái quai thao do những người thợ ở làng Đơ Thao, Triều Khúc (Hà Nội) dệt nên.
Làng tôi công nghệ đâu bằng
Là làng Triều Khúc ở gần Thanh Xuân
Quai thao dệt khéo vô ngần
Là nghề của Vũ sứ thần truyền cho
Chiếc quai thao được tết bện hai hay ba sợi dài 1,5-2m lại với nhau thì thành quai kép, giống như tim đèn, ngoài bọc tơ dệt, thả lỏng đến thắt lưng. Nhiều đoạn quai được thắt lại, tết nút vừa làm chắc quai vừa đẹp mắt. Có khi hai trái cù (quả găng), to bằng ngón tay cái, được đan thắt công phu ở hai đầu quai thao. Quai rủ xuống bờ vai thành tua dài từ 20 – 25 cm và có chừng chục túm tua nho nhỏ, trông rất ngoạn mục. Khi đội nón, các bà các cô phải đi từ từ, tạo nên vẻ chậm rãi, dịu dàng, lấy tay giữ quai truớc ngực để tránh nón đong đưa, đồng thời giữ vững nón nhất là khi có gió hay khi nghiêng nón che nắng.
Cái quai thao trở thành một đồ trang sức đặc biệt và cầu kỳ, nổi bật hơn cả ở chiếc nón khiến cho nón ba tầm được gọi “nón quai thao” và chỉ được các bà, các cô đội hoặc mang theo trong những dịp lễ, tết, hội hè chùa đình gây nhiều cảm hứng cho thi nhân.

Ai làm chiếc nón quai thao ?
Để anh thương nhớ ra vào không nguôi.
Dây lưng dãi lụa thân thon thả,
Chiếc nón quai thao dáng thướt tha.
Quan Họ trao duyên ôi mướt quá,
Gái quê Kinh Bắc thật mượt mà.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao, em đeo dải yếm đào,
Quần lĩnh áo the mới, tay cầm nón quai thao.
Thơ Nguyễn Nhược Pháp
Nón ngựa gò găng
Xưa kia, nhất là vào thời Tây Sơn, nón ngựa gò găng của làng Phú Gia Bình Định nổi tiếng là công phu, kiểu cách với hai điểm đặc biệt:
– Đỉnh nón được bịt bạc chạm trổ hình hoa văn rồng phụng,
– Nón dành cho quan lại, chức sắc như chánh tổng, lý trưởng, chú rể giàu có đi đón dâu thì cỡi ngựa đội nón gò găng.
Cưới nàng đội nón gò găng
Xấp lãnh An Thái, một khay trầu nguồn[8]
Gò Găng có nón chung tình
Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi ”
“Em về mua vải chợ Gồm
Gò Găng mua nón, phiên Chàm anh vô ”
(Ca dao Bình Định)

Nón bài thơ xứ Huế
Thuở xưa, nón Nghệ rất nổi tiếng và được xếp vào hàng vật phẩm tiến vua để cho cung tần mỹ nữ dùng. Dần dần nón Nghệ trở thành phổ biến và sản xuất ở Huế[9], rồi được gọi là nón Huế. Dáng nón Huế thanh tao, mềm mại, màu trắng sáng xanh mát dịu của lá và những hình hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối giữa hai lớp lá.
Vào khoảng năm 1959, Thừa Thiên có nón bài thơ (Huế) của làng Tây hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang), sáng kiến của ông Dương Đức Bặt (hay Bùi Quang Bặc) ở xã Tây Hồ ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá như hai câu thơ đầu tiên:
Ai ra xứ Huế mộng mơ,
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.
Bài thơ nho nhỏ in màu trắng,
Dọi xuống hồn ai những khoảng xanh.
Thơ Nguyễn Khoa Điềm
Nón bài thơ được chằm bên trong lớp lá non trắng ngần như lụa của cây cọ đem phơi khô, là phẳng với hình ảnh con đò, bến nước sông Hương, chùa Thiên Mụ và vần thơ quen thuộc lồng bên trong lá. Cái nón bài thơ xứ Huế đi vào trong thơ, đi vào trong mộng của thi nhân, thu hút nhiếp ảnh gia, làm tăng vẻ đẹp thanh khiết của thiếu nữ Việt.
Sông Hương hoa rượu ta đến uống,
Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say.
(Thơ Nguyễn Trọng Tạo)
- Cao Văn Lầu và cảm hứng khúc Dạ Cổ Hoài Lang
- Nguồn gốc Quan Họ và hát Ả Đào
- Thằng Bù Nhìn và Thằng Phỗng là ai?
Bóng mát văn hóa của nón
Từ bao đời nay, hình ảnh chiếc nón lá mộc mạc, duyên dáng không chỉ là vật dụng che nắng, che mưa mà còn thấm sâu vào nền văn hóa Việt thông qua thơ ca dân gian.
Nón lá che mưa
Nón này che nắng che mưa,
Nón này để đội cho vừa đôi ta.
Trời mưa thì mặc trời mưa,
Chồng tôi đi bừa đã có nón che.
Chung nhau chiếc nón che mưa,
Chung đường sớm sớm trưa trưa cùng về.
Nón che từng giọt mưa rơi
Chiều đông cha vẫn ra nơi ruộng đồng.
Giúp người nón mãi ước mong
Dau bao mưa nắng nón không ngại ngần.
Nón lá làm duyên
Nghiêng nón để che giấu gương mặt, nụ cười hay tạo thêm nét duyên dáng cho người phụ nữ.
Ra đường nghiêng nón cười cười,
Như hoa mới nở, như người trong tranh.
Nón mua một đồng mốt, tốt tựa như rồng,
Sao em không mua mà đội để má hồng nắng ăn.
Nón tình khi mới bén duyên
“…Sung sướng cầm chiếc nón
Đội nghiêng nghiêng lên đầu
Thướt tha hơi làm dáng
Thèn thẹn… em bước mau…
Nguyễn thị Thiếu Anh
Chén tình là chén say sưa,
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu.
Ra về đã tới giữa đồng
Nón che tay ngoắc động lòng bước lui!
Nón này là nón u mê,
Nón này là nón đi về che chung
Nón lá hết duyên, hết tình
Trời mưa thì mặc trời mưa,
Em không có nón thì chừa em ra.
Chưa chồng nón thúng, quai thao,
Chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai.
Còn duyên nón cụ[10] quai tơ,
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong.
Nón bài thơ
Từ khi xuất hiện, nón bài thơ tạo nên một kho tàng thi văn.
Nghiêng vành chiếc nón bài thơ,
Nụ cười chum chím ngẩn ngơ bao người.
Ai nghiêng chiếc nón bài thơ,
Để ai ngơ ngẩn làm thơ yêu người.
Hỏi thăm chiếc nón bài thơ,
Mỗi là tan học, ai chờ đợi ai.
Anh về tương tư tóc,
Che dưới nón bài thơ.
Anh mơ làm chiếc nón,
Che bước đời O qua.
Nón bài thơ e lệ trong tay,
Thầm bước lặng những khi trời dịu nắng.
Bích Lan nữ sĩ
Thương sao chiếc nón bài thơ
Nhớ sao tà áo thẫn thờ gió bay
Dáng yêu kiều say lòng người cô lữ,
Nón bài thơ nghiêng dưới nắng hanh vàng.
Bích Lan nữ sĩ

Ôi thật là tuyệt! Cái nón cứng cáp che trên tà áo dài thướt tha tạo nên hình ảnh quyến rũ của văn hóa cung đình trong vùng non xanh thủy tú.
Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vương áo nàng tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ.
Đông Hồ
Thương sao chiếc nón bài thơ.
Nhớ sao tà áo thẫn thờ gió bay
Cái đẹp của tích xưa “chim sa, cá lặn[11]” được ví với cái đẹp thi vị của cái nón bài thơ duyên dáng.
Tôi có người em sông Hương núi Ngự,
Có lũy tre thôn Vỹ hiền từ,
Của kinh thành cổ xưa thật xưa
Buổi trưa em che nón lá,
Cá sông hương liếc nhìn ngẩn ngơ,
Lũ chim quyên ngất ngây từ xa.
Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu.
Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay,
Nón bài thơ e lệ nép trong tay.
Bích Lan
Quai nón
Ngay cả cái quai nón lụa trắng hay tím cũng góp phần thi vị hóa cái nón như trong câu thơ “Chiếc Nón Bài Thơ Chưa Có Bài Thơ”.
… Quai nón lụa thõm lừng anh khẽ níu,
Chứ ai đi níu vạt áo bao giờ.
Ôi chiếc nón bài thơ mà chưa có bài thơ,
Xui anh nhẩm trong lòng câu hát mãi.
O quai nón tím
O con gái tóc dài – quai nón tím,
Chiều ni về – O có nhớ ai không?
Phan Thị Ngôn Ngữ
Sau thơ thì nón đi vào nhạc thí dụ như bản nhạc “Gửi Em Chiếc Nón Bài Thơ” của Lê Viêt Hòa.
Nón bài thơ, em đội nón bài thơ
Đi đón ngày hội mới
Nước non ta nay giải
Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ.
Và bản nhạc của Trương Quang Tuấn
Chiếc nón bài thơ từ khi có bài thơ,
Dấu trong mình cả lòng ai nho nhỏ.
Dòng Hương Giang vẫn canh cánh nỗi nhớ,
Quai nón xưa anh biết đã bạc màu.
Vào đến đồng bằng Cửu Long, nón lá, khăn rằn, áo bà ba tạo nên hình ảnh quê hương tuyệt đẹp của cô gái quê đong đưa trên chiếc cầu khỉ hay thướt tha chèo tam bản.

[1] Lá gồi, lá cọ, lá nón, lá buông, lá cồi (Livistona saribus (Lour.) thuộc họ Cau- Arecaceae), lá Bồ Qui Diệp mọc trên núi hoặc được trồng…
[2] Tại miền Bắc có nón quai thao, nón ba tầm, nón chóp, nón thúng, nón gù, nón sơn (nếu quét sơn trên lá gồi để chống mưa), nón dứa ( chằm bằng lá dứa mỏng, quai lụa bạch), nón nhị thôn (mặt trên bằng, thành nón thấp, giữa lòng có cái khua), nón vỏ bứa (trông giống quả bứa cắt đôi), Nón thúng (nón lá tròn bầu giống cái thúng), nón lông (quan liêu hay đội, lông cánh chim lợp hai đợt, trên đỉnh có chóp bằng bạc hay đồi mồi), tăng ni đội nón tu-lờ, binh lính đội nón dấu.
[3] Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
[4] Dựa vào việc thờ ông quan Vũ Đức Úy tại Đình Lớn cùng với vị Thành hoàng, và tại Đến thờ Tổ ba gian trông ra hồ nước, cạnh chùa Hương Vân Dân nên dân truyền miệng nhau là ông Vũ Đức Úy, trong khi được cử làm phó sứ sang Trung Quốc, đã học được nghề thủ công, dệt thao rồi về nước truyền nghề : nghề dệt, nghề dùng sợi tơ làm dây đàn, quai thao cho nón, …
[5] Tầm là đơn vị đo chiều dài mà người Pháp dịch là Le chapeau de trois tầm (3 fois 8 pouces: 1m20)
[6] Khua là những sợi tre nhỏ chuốt bóng khâu lại với nhau bằng chỉ tơ nhiều màu sắc. Những sợi chỉ đan chéo nhau thành hình hoa lá, chim muông thật đẹp mắt.
[7] Theo tương truyền nón xuất hiện ở Hải Dương vào đời Trần (thế kỷ XVIII) sáng tạo cho cung nữ gọi là nón thượng. Qua đời Lê, nón được thêm quai thao
[8] Trầu nguồn là loại trầu ở trên miền núi cao (Tây Sơn Thượng) có vị cay nồng và thơm ngon quí hơn trầu đồng
[9] Nghề chằm nón truyền thống nổi tiếng vẫn tồn tại thí dụ như tại làng Đồng Di (Phú Vang), Dạ Lê (Hương Thủy), làng nón Phú Cam (Huế)
[10] Cụ là đồ che mưa nắng
[11] Lấy ý sắc đẹp của Tây Thi (trầm ngư) và Vương Chiêu Quân (lạc nhạn)