Y miếu Thăng Long – chứng tích của nền văn hiến Đại Việt

y miếu thăng long
17 views
5 phút đọc
Nội dung

Tôn Thất Thọ

Y Miếu Thăng Long được xây dựng từ thế kỷ XVIII, là nơi thờ phụng hai vị danh y của dân tộc là Tuệ Tĩnh thiền sư (ở thế kỷ XIV) và Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác (1720-1791), đồng thời cũng để tôn vinh những giá trị sâu sắc của nền Nho Y Đại Việt.

Ngay những năm đầu mới lên ngôi, vua Lê Hiển Tông (1740-1786) đã cho tiến hành xây dựng Y Miếu ở phía tây kinh thành Thăng Long, thuộc huyện Quãng Đức, để thờ tiền thánh và các vị danh y lớn. Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công bắt đầu xây dựng Y Miếu, nhưng đầu còn rất sơ sài. Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), Chưởng viện Thái y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng Y Miếu với quy mô khá rộng lớn. Tấm bia của Viện Thái y hiện còn tại chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên (gần Y Miếu), khắc vào năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng 35 có ghi lại việc chọn đất xây dựng Y Miếu.

Nội dung văn bia nói rõ việc vua lệnh cho Viện Thái y chọn đất, nhận lĩnh tiền xây dựng Y Miếu. Công việc đã có lần lữa chậm trễ, rồi bị bỏ lơi đi một thời gian. Mãi sau có Trịnh Hầu, người xã Định Công, huyện Thanh Trì, tinh thông kinh sử nhiều đời làm thuốc, ông nghiên cứu đến nơi đến chốn nhiều bài thuốc tâm đắc của mọi nhà, từ đó đã hăng hái đứng ra xây dựng đền miếu. Nhận thấy khoảnh đất công giáp phía tây Phượng Thành, bên trái Văn Miếu, lại có dòng nước bao quanh, cách biệt nơi bụi bặm ồn ào có thể xây dựng được. Ông đã mạnh dạn tâu trình, liền được Chúa Trịnh khen ngợi chuẩn y, ban cho 10 mẫu tự điền để dùng vào việc đèn hương. Lại được mẹ của Chúa ban cho hai hốt bạc. Noi theo thịnh tình của bà, nhiều vị trong nội cung đều góp bạc, góp tiền để giúp vào việc xây dựng Y Miếu. Vậy nên chỉ “vài tháng đã xong, thẳng thắn, bay bướm, cung tường lộng lẫy, dãy dọc tòa ngang, cột rường đồ sộ…”.

Thời kỳ ban đầu, Y Miếu còn được gọi là Viện Thái y, sau thì được gọi là Y Miếu Thăng Long.

Sang thời nhà Nguyễn, dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840), năm 1834, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn, mở rộng thêm nhiều. Miếu được xây gần như hình vuông, hai lớp nhà ba gian kiểu tường hồi bít đốc, hướng đông nam. Nhà được làm hai tầng mái để tạo sự thông thoáng, mái trên các đầu đao cong mềm mại; chính giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời. Bên trong, có khám thờ Tuệ Tĩnh cùng Lê Hữu Trác. Các gian bên thờ Thần Nông và những danh Nho. Hiện trong Y Miếu vẫn còn các hoành câu đối ca ngợi sự nghiệp cao đẹp hai vị danh y Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, cùng những giá trị sâu sắc của nền Nho y.

Danh y Tuệ Tĩnh sinh vào thế kỷ XIV, Tuệ Tĩnh là pháp hiệu của thiền sư Nguyễn Bá Tĩnh, một bậc cao tang. Ông sinh tại làng Nghĩa Phú, phủ Thượng Hồng, đỗ Hoàng giáp năm 1375 đời Trần Nghệ Tông. Nổi tiếng là một người giỏi thuốc Nam, ông có biệt tài tìm ra các loại dược liệu từ các loại cây cỏ chung quanh nơi nhân dân cư trú để làm thuốc chữa trị các bệnh của người mình, chứ không chuộng các vị thuốc Bắc, vừa đắt tiền vừa không hợp phong thổ, thời khí.

Tuệ Tĩnh – một danh y nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà tiếng còn đồn sang cả phương Bắc. Vì thế, Minh Hồng Võ có chỉ triệu ông sang Trung Hoa trị bệnh và giảng kinh từ năm 1385. Sự thật đây là âm mưu triệt hạ nhân tài nước Nam mà nhà Minh chỉ trương. Mưu đồ đó đã được phơi bày một cách đầy đủ nhất trong cuộc xâm lăng nước ta dưới triều Minh Thành Tổ.

Thiền sư Tuệ Tĩnh có soạn bộ Nam dược thần hiệu rất lớn, là pho sách khởi đầu cho việc nghiên cứu y dược của nước ta. Vì vậy ông được tôn vinh tổ sư nghề Y của dân tộc.

Khi Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) qua đời (1791) ông lại được rước thêm vào thờ phối với Tuệ Tĩnh tại Y Miếu Thăng Long.

Đọc thêm:
Cuộc sống ở đất nước Thụy Điển
Bức chân dung đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh (1533-1788)
Những nguy hiểm tiềm ẩn của TikTok

Lê Hữu Trác sinh năm 1724, hiệu là Hải Thượng Lãn ông, là con thứ của Công bộ Tả thị lang Lê Hữu Mưu nên còn được gọi là cậu Chiêu Bảy. Quê quán tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, ông học hành thông tuệ nhưng không thích ra làm quan, bởi vào thời cuối Lê – Trịnh xã hội rối ren, mà chỉ chuyên chú về nghề thuốc. Là một danh y nổi tiếng, ông được chúa Trịnh Sâm (1767-1782) mời vào Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Ngót một tháng trời (1781) ở Thăng Long, những chuyện tai nghe mắt thấy, vừa nghịch mắt vừa đau lòng, ông đã ghi lại thành tập Thượng kinh ký sự nổi tiếng còn lưu tới ngày nay.

Về y thuật, ông có trước tác bộ Y tông tâm lĩnh rất đồ sộ, trong đó có sự phân khoa rạch ròi từ y lý, bệnh lý đến dược lý. Bộ sách có 28 tập, chia làm 66 quyển, sinh thời tác giả chưa in được. Mãi cuối đời Tự Đức (1847-1883), có ông Vũ Xuân Hiên người Lãm làng Mỹ Thủ, huyện Đường An, Hải Dương đã bỏ công sức chỉnh lý, sau đó nhờ nhà sư Thanh Cao, trụ trì chùa Đồng Nhâm, xã Đại Tràng huyện Võ Giàng bỏ tiền công đức của thập phương, thuê khắc ván in trọn bộ (1866), nhờ đó bộ sách còn được lưu truyền tới ngày nay.

Khuôn viên Y Miếu Thăng Long xưa rộng rãi, cây cối um tùm, cảnh quan u nhã. Hằng năm cứ vào rằm tháng giêng, dân làng mở hội, Viện Thái y của triều đình cử người về làm y chủ tế, dân chúng quanh kinh thành và khách thập phương về chiêm bái các bậc thánh y rất sùng kính.

Các triều đại từ Lý-Trần-Lê-Nguyễn đã tạo dựng ra Văn Miếu – Võ Miếu – Y Miếu là cố gắng hoàn thiện nền văn hiến Đại Việt. Ba tòa cổ miếu cách nhau không xa, Văn Miếu nằm ở khu vực trung tâm. Cả ba miếu thờ đều nhằm tôn vinh các bậc tiên hiền, có công với nước. Đặc biệt Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông là hai bậc đại danh y công lao to lớn đối với y học và toàn thể dân tộc.

Văn Miếu, Võ Miếu và Y Miếu cho ta một khái niệm đầy đủ về một nền văn hiến đã phát triển tới mức hoàn thiện trên đất Thăng Long ngàn năm văn vật…*

5/5 - (3 votes)
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Kiến Thức

Chuyên trang Kiến Thức sưu tầm và chia sẻ các bài viết giúp ta hiểu hơn về nhiều lĩnh vực mà ad cảm thấy chúng hữu ích và giá trị.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT