Hình tượng Chó Đá trong văn hóa Việt Nam

hinh tuong cho da viet nam
hinh tuong cho da viet nam
101 views
14 phút đọc
Nội dung

Lần kể xuân thu biết mấy mươi
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi …
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng
Dấu nhân ai lay cũng chẳng dời.

Vịnh chó đá của vua Lê Thánh Tông
Từ trái qua phải: (1) Hình chó trên trống đồng. (2) Tượng chó đá. (3) Chó đá trong tranh Nguyễn Quân.
Chó đá trong văn hóa việt nam

Tại miền Bắc Việt Nam, đã tồn tại từ bao đời tục coi chó đá như linh vật đặt ngồi trước cổng nhà, cổng làng, cổng lăng như là linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà và đặt trên bệ thờ để cầu cúng, thờ phụng, cầu phúc như hình ảnh diễn tả dưới đây.

Theo người dân, tục này có từ lâu đời do cha ông truyền lại, nhưng nếu hỏi nét đặc thù văn hóa tín ngưỡng này của người Việt có từ bao giờ? Câu trả lời thì chưa có mà chỉ có một di tích lịch sử duy nhất đánh dấu thời gian xa xưa về sự thờ chó đá là thời vua Lý Công Uẩn cho dựng đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) đầu thế kỷ 11. Nếu hỏi về nguồn gốc tục thờ chó đá thì không có tài liệu lịch sử và nghiên cứu hoặc theo truyền thuyết để trả lời câu hỏi. Vậy bài này có mục đích đóng góp giải thích nguồn gốc tục thờ chó đá bằng dựa trên lý lẽ, quan sát và khảo cổ. Trước nhất chúng ta tìm hiểu ngoại hình của chó đá sau đó sẽ tìm hiểu tại sao chó đá linh.

Tương quan chó đá với hình chó trên trống đồng

Trước nhất chúng ta nhìn hình chó trên trống đồng, tượng hình chó đá trong dân gian rồi đối chiếu hình hai con chó với nhau.

– Quan sát họa tiết con chó trên trống đồng Ngọc Lũ, rìu Việt Trì và Quốc Oai

Hình chó trên di chỉ Đông Sơn.

– Nhìn tượng hình chó đá trong dân gian

– Rồi so sánh tượng hình chó đá trong dân gian và họa tiết chó trên trống đồng

Chó đá trong dân gian (hình giữa) và họa tiết chó trên trống đồng hai bên.

Sau 3 bước quan sát trên, chúng ta thấy rõ ràng họa tiết chó trên trống đồng và tượng hình con chó đá trong dân gian rất giống nhau về hình dáng: mình tròn, chân thấp, đuôi cộc, mõm nghếch về phía trước. Lý lẽ này làm chúng ta tin rằng về hình dáng, tượng chó đá bắt nguồn từ hình chó trên trống đồng Ngọc Lũ.

Tại sao chó đá linh?

Từ xa xưa, theo tập quán của dân Việt, lý lẽ thông thường của sự thờ kính một nhân vật hay động vật nào đó là vì lòng tin vật ấy linh thiêng có thể phù trợ cho con người. Với lý lẽ này thì người dân tin là chó đá linh vì chó đá đã thăng hoa sang lĩnh vực tâm linh nhờ các yếu tố sau tạo nên sự linh thiêng của chó đá trong dân gian:

  • Chó đá phát xuất từ chó linh (trên trống đong; đi theo ông Chaman[1] trừ tà, đi tìm hồn người bệnh.
  • Trên bình diện quốc gia, chó cũng được vua Lý công nhận là Thần Khuyển có nghĩa là linh nên cho xây đền để thờ (đền Cẩu Nhi tại Hà Nội).
  • Tại làng xã, tin rằng chó đá linh thiêng phù trợ cho dân làng nên các bô lão và chức sắc thờ chó đá tại nhiều đình làng ở Bắc Việt.
  • Sự linh ứng của chó đá được lưu truyền trong nhiều truyền thuyết dân gian.

Chó linh trên trống đồng

Nhằm giải mã các hình trên trống đồng, nhiều nhà khảo cổ đã đưa ra giả thuyết hình người mặc áo lông chim có con chó đi theo là hình Chaman đi trừ tà ma.

H.Q. Quaritch Wales cho rằng hình chạm trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ biểu tượng cho đạo Chaman của người Việt cổ xưa[2]. Hiện nay, đạo Chaman còn tồn tại ở vài nơi trong vùng Đông Nam Á như dân Torajas trên đảo Célèbes (Indonesia) hoặc còn để lại vết tích ở nhiều dân tộc khác. Dựa vào nhận xét đó, H.Q. Quaritch Wales giải thích như sau:

  • Đoàn người đội mũ lông chim không phải là đoàn vũ công biểu tượng vật tổ Chim Hồng như giả thuyết của Goloubew và Karlgren, mà đó là những Chaman cầm giáo xua đuổi ma quỉ và đi tìm hồn người bệnh. Giả dạng chim trong tín ngưỡng là việc thường gặp ở các giống dân Batak (Sumatra), Dayak (Bornéo);
  • Ngôi sao giữa mặt trống đồng không phải là mặt trời theo như giả thuyết của M. Colani, mà đó là sao bắc đẩu để vạn vật quay chung quanh như thường gặp trong tín ngưỡng Á Châu;
  • Hình thuyền chạm ở thân trống đồng là những thuyền của Chaman dùng để đi tìm hồn người bệnh hay dắt dẫn hồn người mới chết giống như các Chaman hiện nay ở Indonésia dùng cầu vồng, chim, nai để chuyên chở hồn.

Nhìn vào tín ngưỡng chamanisme còn hiện diện ngày nay tại Đông Nam Á thì giả thuyết của H.Q. Quaritch Wales giải thích rất hợp lý là họa tiết người mặc áo lông chim trên trống đồng Ngọc Lũ là Chaman[3] cầm giáo xua đuổi ma quỉ và đi tìm hồn người bệnh thì có Chó đi theo. Từ họa tiết đó, chúng ta có thể suy đoán là người Việt từ thời xa xưa có thể từ thời vua Hùng tin rằng chó trên trống đồng[4] của Chaman rất linh trừ được tà ma nên tạc chó đá theo hình dáng chó của Chaman đặt trước cổng làng, cổng nhà để canh giữ vì tin rằng chó nhìn thấy tà ma, “chó sủa ma“.

Giả thuyết của H.Q. Quaritch Wales rất đúng với tín ngưỡng của người Indonésien trong bối cảnh Đông Nam Á. Nếu tin như vậy thì tục thờ chó đá bắt nguồn từ trên trống đồng và giải thích tại sao họa tiết chó trên trống đồng và tượng hình con chó đá trong dân gian rất giống nhau về hình dáng: mình tròn, chân thấp, đuôi cộc, mõm nghếch về phía trước

Thuyền chở chó và Chaman cầm giáo xua đuổi ma quỉ và đi tìm hồn người bệnh (Trống đồng Ngọc Lũ) Chó đi theo Chaman trừ tà (Trống đồng Ngọc Lũ)

Vua cũng tin chó đá linh

Vua nhà Lý tin thần cẩu, vua nhà Trần và nhà Lê đặt tượng chó đá canh giữ lăng mộ. Xưa kia, hễ vua quan tin là dễ dàng dân tin theo.

Đời nhà Lý

Vua Lý Công Uẩn tin vào thần khuyển nên cho xây đền thờ thần chó Cẩu Nhi ^ % (đền Thủy Trung Tiên Từ[5]) được cất trên một hòn đảo nhỏ tại hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Sự tích đền Cẩu Nhi liên quan đến truyền thuyết ở chùa Ứng Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang có con chó mẹ đẻ ra một con chó trắng nhỏ mang lông đen hình chữ vươngtrên lưng. Thiên hạ tiên đoán: người sinh năm Tuất sẽ lên ngôi vua. Quả nhiên về sau, Lý Công Uẩn (sinh năm Giáp Tuất – 974) đã được trăm họ tôn lên ngôi hoàng đế.

Tại đền, sự tích đền Cẩu Nhi được ghi trên một văn bia soạn theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Tây Hồ Chí, ở cuối có đoạn: “.. đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mau, Cẩu Nhi đều hóa. Vua bảo đó là Chó Thần, bèn xuống chiếu cho dựng miếu thờ Cẩu Mâu trên núi, dựng miếu thờ Cẩu Nhi trong hồ này”. Đền thuộc địa phận làng Trúc Yên, ở trên bến Châu Chử tại góc hồ (Đời Trần gọi đây là bến Thần Cẩu).

Đền Cẩu Nhi (đền Thủy Trung Tiên Từ); Bia kể sự tích Cẩu Nhi

Chó đá canh đền
kẻ vào người ra
đối diện vô cảm

LC, Haijin

Đời nhà Trần

Tại lăng vua Trần Hiến Tông (1329 – 1341), còn gọi là lăng Ngải Sơn6, thuộc xã An Sinh (thị xã Đông Triều) phủ Kinh Môn, tỉnh Quảng Ninh có đặt tượng chó đá gác cổng hàm ý để gác cửa, trừ tà ma nhưng đã bị đập vỡ bởi cách mạng vô sản[6] [7] [8]

Lăng Ngải Sơn. Tượng Chó Đá. Thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.

Đời nhà Lê

Về chính điện Lam Kinh của vua Lê Thái Tổ tại Thanh Hóa, quyển Hoàng Việt Dư Địa Chí của Phan Huy Chú viết: “Điện chi cực cao, lưỡng dịch khai hoằng đình. Hạ thiếp thủy tượng thị triều tiền điện. Hậu môn ngoại, nhỉ thach ngao cực linh. Điệp tam liên vi vương tự, mồi dạng tượng kinh sư miếu chế” s.

Câu nói về chó đá là: ‘“Hậu môn ngoại, nhị thạch ngao cực linh”. Câu này nên dịch là ngoài cửa phía sau được trấn giữ bởi hai chó đá cao lớn rất linh[9].

Đình làng và các bô lão cũng tin là chó đá linh

Đình làng thờ chó đá thì dân làng cũng noi theo thờ chó đá là lẽ tự nhiên. Là vì, trong thời quân chủ, tự trị xã thôn về nhiều mặt khiến cho làng trở thành một tiểu Nhà Nước, đình làng là trung tâm quyền lực, Thần Thành Hoàng là vua, chức sắc quan viên là quan lại, có lệ làng mà phép vua thua lệ làng… Với tổ chức như thế, đình làng và quan viên là tấm gương ứng xử giữa người với người để dân làng noi theo có nghĩa đình làng thờ chó, coi chó đá linh hiển thì dân làng cứ thế noi theo. Xin đơn cử sau đây vài đình làng tiêu biểu thờ chó đá.

Đình làng Thượng Mỗ

Trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) có một bệ thờ chó đá được gọi là Thần Cẩu, Hoàng Thạch Cẩu, Quan Hoàng hoặc Quan Hoàng Ba.

Chó đá canh đình Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội).
Chó đá canh đình Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội).

Ông Hà Văn Gia (82 tuổi), Trưởng ban di tích làng Phù Trung cho biết: “Mỗi khi làng có việc, các chủ tế xướng tên vị Thành Hoàng làng rồi sau đó là xướng đến Thần Cẩu. Nhiều đời nay, vị thân cẩu này cùng với các vị thành hoàng làng được dân thờ cúng cẩn thận, không dám lơ là “.

Đình làng Địch Vĩ

Ngay cạnh đình và sau chùa, người dân làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) lập một bệ thờ chó đá gọi là Quan lớn Hoàng Thạch, Chó đá ở đây là cả một nhóm, ngồi giữa là chó lớn, cao 1,4m, quây quần hai bên là đàn chó nhỏ kích cỡ khác nhau được đẽo bằng đá xanh. Nhóm chó đá này “ngồi” trên một bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao, ở giữa trang trí khá đẹp. Trước mặt chó lớn đặt một bát hương rất to.

Bàn thờ quan Hoàng Thạch được xây dựng khang trang.
Bàn thờ quan Hoàng Thạch được xây dựng khang trang.

Cách thờ cúng chó đá tại đình: Hương khói vào ngày rằm, mùng một, cầu xin thần phù hộ nếu gặp trắc trở, nỗi oan khuất, biện lễ ra trình Ngài để được che chở, may mắn, đám tang hễ đi qua chỗ Ngài ngự, đều nghiêng mình kính cẩn, tạm ngưng lễ nghi, khóc lóc thổi kèn, đánh trống cho đến khi đi khuất hẳn.

(1) Bàn thờ chó đá; (2) Chó đá coi giữ đình Phù Trung, xã Thượng Mỗ (Đan Phượng); (3) Tượng chó đá trong khuôn viên đình Trung Hiền.

Chó đá linh trong truyền thuyết dân gian

Trong xã hội xưa, rất nhiều cuộc đời của vua chúa, thánh thần… và cả chó đá được truyền tụng bằng truyền thuyết qua dân gian. Xin kể vài truyền thuyết nổi bật của chó đá.

Trong truyện xây kinh đô

An Dương Vương chọn vùng Uy Nỗ làm nơi xây dựng kinh đô, nhưng đàn chó của vua lại kéo nhau sang vùng đất chạ Chủ (Cổ Loa) lót ổ đẻ con, trong đó có cả Kim Ngân Cẩu – con chó được vua yêu thích nhất. Vua sang thăm chạ Chủ thì thấy phong cảnh kỳ thú có dòng Hoàng Giang uốn lượn, mạch đất cao ráo như rồng uốn khúc nên đàn chó đã lót ổ đẻ con mách cho vua biết. Với quan niệm từ xưa: “đất chó đẻ là đất quy” nên An Dương Vương mới quyết định xây dựng thành trì cho mình tại vị trí này và lấy tên là Cổ Loa Thành.

Sự tích đền Cẩu Nhi

Theo Ngọc Phả Cổ Lục cũng có ghi, bà Phạm Trị Trinh là mẹ của Lý Công Uẩn, khi đến làm việc tại chùa Tiêu Sơn, đêm đến nằm mơ thấy thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra vua Lý Công Uẩn. Khi ngài sinh thành thì con chó đồng trước cổng chùa Tiêu Sơn tự dưng mở mõm sủa inh ỏi, không những thế ngài còn sinh vào năm Tuất. Chính vì cuộc đời huyền thoại của vị vua này mà khi định đô tại Thăng Long, thì cho lập miếu thờ chó thần Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch, Hà Nội để canh giữ, bảo vệ kinh thành.

Chó đá biết nói

Một cậu học trò đi qua con chó đá thấy nó vẫy đuôi và nói lần này đi thi cậu sẽ đỗ. Cha mẹ nghe tin trở nên hống hách, đe dọa dân làng nên qua kỳ thi cậu học trò rớt và chó đá cho biết lý do là vì cha mẹ của cậu. Nghe thấy vậy cha mẹ cậu học trò hối hận đi xin lỗi dân làng. Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: “Nhà thầy tu nhân tích đức đã ba năm nay, đủ chuộc lại những loi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ”.

Thần Cẩu làng Địch Vĩ

Đây là điển tích lưu truyền về anh em Ngọc Trì và Hoàng Thạch sống ở làng Hát Môn (Đan Phượng). Vì nghi ngờ người em tư tình với vợ mình nên Ngọc Trì giết oan người em Hoàng Thạch. Hoàng Thạch biến thành hòn đá trôi sông không làng nào vớt lên được. Trôi đến làng Địch Vĩ thì dân làng mới vớt lên được, tạc thành tượng Thần Cẩu, lập hương án thờ cúng rất là linh thiêng cho đến ngày nay.

Văn hóa Việt Nam:
Truyền thống lễ Tết của đồng bào Tây Nguyên
Lễ Tết Nguyên Đán Chol Chnam Thmay của đồng bào Miên (Khmer)
Lễ Tết của người Quảng Đông tại Trung Hoa và Việt Nam

Lòng tin của dân gian

Tất cả các yếu tố trên đã nung đúc tục thờ chó đá bằng:

  • Chôn hay đặt chó đá trước cửa nhà, cổng làng, đình, miếu, lăng.
  • Đặt lên bệ thờ mà hương khói cầu xin che chở.
Trái qua phải: (1) – (2) Chó đá canh giữ trước cửa nhà; (3) Bệ thờ; (4) Thôn Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), nằm sát con đường lớn trải nhựa. Ở ngay lối vào làng là một cặp chó đá án ngữ sừng sững hai bên, hướng nhìn thẳng ra đường. Dân làng kể rất nhiều câu chuyện linh thiêng của cặp chó đá này.

Cổng làng xưa
ai còn nhớ
chó đá canh làng
LC, Haijin

(1) Chó đá canh giữ lăng.
(2) Tượng chó đá lăng Quận Nghi, thế kỷ 17, Đông Sơn, Thanh Hóa.
(3) Đôi chó đá ở Từ chỉ Quận công Ngô Đạt Dụng, xã Hoàng Ninh (Việt Yên).
(4) Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội).

Chó đá giữ lăng
vong hồn qua lại
tĩnh lặng
LC, Haijin

Chó đá ngày nay có “khóc đứng khóc ngồi” không?

Sau năm 1955 là thời kỳ “Nam nhân Bắc hướng”, Nhà Nước cộng sản miền Bắc đi theo con đường cách mạng văn hóa của Trung Hoa hủy bỏ văn hóa cổ truyền của tổ tiên để lại. Với phong trào phá hủy tàn tích xưa như đình, miếu và bài trừ mê tín dị đoan như Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng[10], ca trù… người dân mê muội đã thẳng tay vứt bỏ chó đá xuống giếng, xuống sông. Tệ hại hơn nữa là nhiều di vật cổ bằng đá tại Ngải Sơn lăng nhà Trần (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) gồm tượng chó đá, ngựa đá, voi đá, trâu đá … không còn nguyên vẹn[11]. Các tượng đá này đều được chạm bằng khối đá nguyên, thể hiện trong tư thế nằm, mình to, dáng khoẻ, đều là những tác phẩm nghệ thuật tài hoa của các nghệ nhân xưa với những nét rất đặc trưng thời Trần còn tồn tại khá ít trên cả nước.

Lăng nhà Trần tại Đông Triều; Tượng chó đá bị đập bể tại lăng vua Trần Hiến Tông (xã An Sinh, TX Đông Triều).)

Từ năm 1986 của thời kỳ đổi mới, là thời kỳ “Nam nhân Tây hướng”” có nghĩa trên bình diện kinh tế giáo dục thì theo kinh tế thị trường, con cái của cán bộ sang Mỹ du học, còn trên bình diện văn hóa thì phục hồi văn hóa cổ truyền của tổ tiên để lại, thí dụ như Nhà Nước cộng sản đã phục hồi chó đá qua hai chuyện:

  • Cho tân tạo đền chó đá Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch Hà Nội; trước cổng đền dựng đôi chó đá; trong phương đình có văn bia bằng đá giải thích vì sao có đền thờ Cẩu Nhi và đền thờ này do ai lập nên. Trên văn bia cũng ghi rõ, việc trùng tu tôn tạo phương đình này được Trung tâm Bảo quản và Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa; ở mặt sau của văn bia là tượng thờ Ngọc Hoàng và một chú chó đá nho nhỏ. Bên phải phương đình có thờ cô Chín và Quan Ngũ Hổ. Đền đã được khánh thành vào ngày 20/8/2017.
  • Tu bổ lăng vua Trần Hiến Tông, chính quyền đã phục hồi một số tượng linh thú nhưng tính nghệ thuật, thẩm mỹ rất yếu.

Ngày nay, tục thờ chó đá còn tồn tại ở một số đình làng và người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà hoặc mua chó theo lời khuyên của phong thủy để xua đuổi tà ma, ếm bùa hướng nhà xấu.

Lạp Chúc Nguyễn Huy


[1] Chaman là một tu sĩ, thầy pháp và thầy thuốc chuyên chữa bệnh về linh hồn. Khi hành lễ, Chaman có phép xuất hồn khỏi xác phàm, hồn bay lên trời, chui xuống địa ngục, tiếp xúc với các thần, vượt qua các nẻo đi tìm hồn người bệnh đang sống ở trần thế để chữa trị cho người này.

[2] H.Q. Quaritch Wales, Prehistory and religion in South East Asia, London, Bernard Quaritch Ltd, 1957, chap. 3, tr.48-56.

[3] Nguyễn Huy, Le Thờ Mẫu, un chamanisme vietnamien? Anthropologie et Société, Université Laval, Québec, 1998 *Chaman là một tu sĩ, thầy pháp và thầy thuốc chuyên chữa bệnh về linh hồn. Khi hành lễ, Chaman có phép xuất hồn khỏi xác phàm, hồn bay lên trời, chui xuống địa ngục, tiếp xúc với các thần, vượt qua các nẻo đi tìm hồn người bệnh đang sống ở trần thế để chữa trị cho người này.

[4] Trống đồng vừa là nhạc khí vừa là biểu tượng quyền lực, tín ngưỡng, đời sống kinh tế, văn hóa… của người Việt cổ.

[5] Gọi là Đền Thủy Trung Tiên Từ nghĩa đền Bà Chúa Nước là vì đền Cẩu Nhi đã được tân tạo trên nền đền Bà Chúa Nước (Mẫu Thoải) và khánh thành ngày 20/8/2017.

[6] Ngải Sơn lăng còn có tên gọi là An Lăng, hiện nay tọa lạc tại chân đồi khu Ao Bèo, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nằm trong Khu di tích nhà Trần, ở Đông Triều có một tượng chó đá dài khoảng 60cm, nằm khoanh tròn chân, thu vào trong lòng, đầu gục xuống, đuôi cong kéo dài xuống dưới.

[7] Vào thời cách mạng xã hội chủ nghĩa “bài phong”, vì nhận thức mê muội của cách mạng mà toàn bộ những tượng đá ở lăng Trần Hiến Tông đã bị đập vỡ, trong đó, tượng chó đá bị đập vỡ làm nhiều mảnh.

[8] “Hoàng Việt Dư Địa Chí”, Phan Huy Chú, NXB Thuận Hóa ấn hành năm 1997. Bản dịch do Phan Đăng thực hiện.

[9] Phan Đăng dịch, ngoài cửa có tạc hai con chó đá dáng rất linh hoạt (nên dịch là hai chó đá lớn rất linh).

Trong Tuấn Công Thư Phòng, Hoàng Tuấn Công dịch: Ngoài cửa phía sau có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng. (Dịch là chó ngao không chỉnh vì ngao là một danh từ chung chỉ con chó cao lớn chứ không chỉ một loại chó đặc biệt).

[10] Trước năm 1985, Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng (đừng nhầm lẫn lên đồng là một tín ngưỡng riêng của dân gian) bị nhà cầm quyền cộng sản cấm đoán và được phục hồi sau khi đạo Mẫu được UNESCO công nhận là tín ngưỡng cổ truyền bản địa Việt Nam có từ thời tiền sử của người Việt.

[11] Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại: “Lăng Ngải Sơn: lăng Trần Hiến Tông, ở dưới núi xã An Sinh, người đá và voi đá, ngựa đá, hổ đá, dê đá, trâu đá nay vẫn còn”.

5/5 - (5 votes)
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Văn hóa Việt Nam

Bài viết trong chuyên trang này được sưu tầm từ các nguồn uy tín và hay để chia sẻ với mọi người, vì văn hóa Việt Nam là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT