Lịch Sử và Văn Minh

Sự hình thành các nền tảng Kitô giáo và châu Âu đầu thời Trung Cổ

Chúa Jesus khai sinh ra tôn giáo mới có sức ảnh hưởng sâu xa đến văn minh loài người, bắt đầu bằng giai đoạn gọi là Trung Cổ, khi Kitô giáo đạt cực thịnh.

chua giesu vao thanh gierusalem
Đăng ngày:

Trong giai đoạn từ năm 284 đến 476, nền văn minh La Mã chủ yếu chịu ảnh hưởng của sự phục hồi các quan niệm chính thể chuyên chế của phương Đông, một thế giới khác, thái độ bi quan và thuyết định mệnh. Giữa cơn túng quẫn kinh tế và sa sút văn hóa, con người không còn quan tâm đến những thành tựu trần thế nữa, và bắt đầu khao khát sự chúc phúc tinh thần trong kiếp sống ở thế giới bên kia.

Sự thay đổi trong thái độ này chủ yếu là do sự phát triển các tôn giáo phương Đông, nhất là đạo Cơ Đốc. Khi Đế chế La Mã cuối cùng bị sụp đổ, thì thắng lợi của Phong cách phương Đông hầu như là thắng lợi triệt để. Kết quả là sự phát triển một nền văn minh mới, một phần kết hợp các thành phần lấy từ Hy Lạp và từ La Mã nhưng kết hợp với tôn giáo như một yếu tố chi phối phía sau hầu hết các thành tựu của họ.

Ba nền văn hóa sau cùng xuất hiện cùng lúc: văn minh Tây Âu vào đầu Thời trung cổ, văn minh Byzantine, và văn minh Saracen. Các giai đoạn lịch sử của ba nền văn minh này chồng chéo nhau. Văn minh Tây Âu vào đầu thời Trung cổ kéo dài từ khoảng 400 đến 800.

Mặc dù Constantine xây dựng kinh đô ở vị trí thành Byzantium thời cổ đại trong thế kỷ 4, nhưng văn minh Byzantine chỉ bắt đầu phát triển độc lập sau năm 500. Văn minh này tồn tại cho đến khi người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành Constantinople năm 1453. Văn minh Saracen phát triển cực thịnh từ thế kỷ 7 đến cuối thế kỷ 13.

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Moses hoặc lời các thiên sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.

Chúa Jésus người làng Nazareth, Bài giảng

Mặc dù có sự kiểm tra đúng lúc, nhưng mê tín độc hại này [đạo Cơ Đốc] lại bùng phát trở lại… tập trung khắp Thành phố, trong đó hành động tàn bạo và sự hổ thẹn từ khắp thế giới ùa vào, sinh sôi nẩy nở. Vì thế những ai thú nhận mình bị bắt lần đầu tiên, thì sau đó dựa trên thông tin của họ nhiều người cũng bị kết án như họ, không nhiều như tội cố ý đốt nhà, như người đáng thù ghét của nhân loại.

Tacitus nhận xét về sự ngược đãi tín đồ Kitô giáo của Nero

Hiểu lầm từ “thời Trung cổ”

Đôi khi trong Thời kỳ Phục hưng, thường phát sinh thông lệ chia lịch sử thế giới ra thành ba giai đoạn chính: cổ đại, trung đại và hiện đại. Sự phân loại này được chấp nhận gần như là sự chấp nhận dứt khoát mang tính giáo điều, ràng buộc với suy nghĩ của người bình thường rằng hành tinh của chúng ta chỉ chứng kiến hai giai đoạn phát triển quan trọng: thời đại của những người Hy Lạp – La Mã và thời đại phát minh hiện đại. Giữa hai giai đoạn này là thời Trung cổ, thường được xem là thời gian giữa hai thời đại với sự ngu dốt thăm thẳm và mê tín khi con người sống với mũ trùm đầu che kín, mù tịt về những điều phi thường của kiến thức, và chỉ quan tâm đến việc thoát khỏi những khổ ải, bất hạnh trên thế gian này và sự tra tấn, đọa đày dưới địa ngục.

Ngay cả từ “thời Trung cổ” cũng mang nghĩa ghê tởm, đáng ghét đối với suy nghĩ bình thường như hiện nay. Nó đồng nghĩa với phản động hay không tiến bộ. Vì thế khi một nhà cải cách thời hiện đại muốn đưa ra lời nhận xét về quan điểm của những người đối lập bảo thủ, thì tất cả những gì ông ta phải làm là gán cho họ bằng tính từ “thời trung cổ”. Chắc chắn ông ta cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng các học thuyết xã hội, và kinh tế của một số nhà tư tưởng thời Trung cổ thật ra hoàn toàn giống hệt với tư tưởng của chúng ta.

Chỉ có giai đoạn từ năm 400 đến 800 mới là giai đoạn thật sự đen tối. Lý do dẫn đến những đánh giá sai lầm như thế nằm trong khái niệm quy ước cho rằng giai đoạn Trung cổ từ sự sụp đổ của La Mã cho đến khi bắt đầu Thời kỳ Phục hưng là một đơn vị văn hóa, quan điểm và thể chế của thế kỷ 16, chẳng hạn, cùng giống như quan điểm và thể chế trong thế kỷ 13. Không gì khác hơn sự thật.

Thời Trung cổ, ở Tây Âu, thật ra xoay quanh hai nền văn minh, khác nhau như văn minh Hy Lạp khác văn minh La Mã hay Thời kỳ Phục hưng khác với thế kỷ 19 và 20. Nền văn minh đầu tiên trong số những nền văn minh này, bắt đầu vào khoảng năm 400, khi sự sụp đổ của đế chế La Mã gần như hoàn toàn, và kéo dài đến năm 800, là những gì thuộc về đầu thời Trung cổ. Chỉ riêng trong giai đoạn này mới thật sự nổi bật với hầu hết những thuộc tính thường được ám chỉ là “thời Trung cổ”.

Văn hóa vào đầu thời Trung cổ trong một số khía cạnh chắc chắn tượng trưng cho sự trở lại tình trạng man rợ. Tri thức không chỉ đơn thuần ngưng trệ mà còn chìm đắm xuống độ sâu vô cùng của sự ngu dốt và cả tin. Hoạt động kinh tế giảm sút xuống mức nguyên thủy chỉ trao đổi hàng hóa và phong thái thôn dã, trong khi chủ nghĩa khổ hạnh không lành mạnh và thái độ xem thường thế gian này thay cho thái độ bình thường đối với xã hội.

Tuy nhiên, cùng với Thời kỳ Phục hưng của Carolingian trong thế kỷ 9, một cuộc sống mới đang bắt đầu ở châu Âu. Tinh thần con người được nâng lên mức tuyệt đỉnh trong văn học, triết học, và nghệ thuật. Kết quả là một nền văn hóa trong số các nền văn hóa vĩ đại trên thế giới, nổi bật với sự tiến bộ tri thức và mức độ thịnh vượng, tự do cao. Thật ra, văn minh cuối thời Trung cổ, kéo dài cho đến thế kỷ 13, giống với thời hiện đại nhiều hơn người ta nghĩ.

Những tác nhân gây ảnh hưởng đến văn hóa thời Trung cổ

Ba yếu tố chính kết hợp để tạo ra văn minh châu Âu đầu thời Trung cổ: tôn giáo Cơ Đốc, ảnh hưởng của những người German, và di sản kế thừa từ các nền văn hóa Hy-La cổ điển. Tác động của yếu tố thứ ba có lẽ không bằng tác động của hai yếu tố đầu tiên. Ngoài lĩnh vực triết học ra, ảnh hưởng của các nền văn minh Hy Lạp và La Mã tương đối nhỏ.

Trong khi di sản kế thừa từ người La Mã vẫn còn đậm nét, thì con người đầu thời Trung cổ phủ nhận một số thành phần trong di sản này, cho rằng chúng không phù hợp với đạo Cơ Đốc và man rợ hóa các thành phần còn lại.

Sự nghiệp của chúa Jésus người vùng Nazareth

Nền tảng chính của nền văn hóa mới là tôn giáo Cơ Đốc, với người sáng lập, chúa Jésus người vùng Nazareth, người sinh ra ở một thị trấn nhỏ Judea vào thời gian gần đầu Công nguyên.

Nazareth năm 1925. Ảnh chụp hiện nay thị trấn Judea nhỏ bé nơi chúa Jésus sống
Nazareth năm 1925. Ảnh chụp hiện nay thị trấn Judea nhỏ bé nơi chúa Jésus sống trong những năm tháng đầu đời, có một thời gian người làm thợ mộc ở đây và bắt đầu sự nghiệp rao giảng.

Lúc ấy Judea trong sự cai trị của người La Mã, mặc dù bản thân người Do Thái chỉ công nhận vua của mình, Herod I, như vị quốc chủ hợp pháp. Bầu không khí trong nước nặng trĩu thuyết duy cảm tôn giáo và thái độ bất mãn chính trị.

Một số người, nhất là người Pharisee, khát khao mong đợi sự quang lâm của một đấng cứu thế chính trị, con vua David, và giải thoát đất nước khỏi ách cai trị của ngoại bang.

Một số khác, như những người Essene chẳng hạn, mặc dù giải thoát tinh thần thông qua chủ nghĩa khổ hạnh, sự ăn năn, và sự kết hợp huyền bí cùng Chúa. Chính giáo phái này chuẩn bị cho chức vụ rao giảng của chúa Jésus.

Khi Người 28 tuổi, theo một người rao giảng Phúc âm, John Tẩy giả, khẳng định, như một “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”1. Từ đó về sau khoảng 3 năm, trong sự nghiệp của chúa Jésus, theo mô tả trong kinh Tân ước, Người liên tục rao giảng và chữa bệnh, “xua đuổi quỷ dữ”, làm cho người mù được sáng, và làm cho người chết sống lại.

Không những Người lên án điều ô danh, lòng hám lợi và cuộc sống dâm đãng mà còn tự mình làm gương bằng cuộc sống khiêm nhường, hy sinh. Mặc dù quan điểm Người nghĩ về bản thân mình có phần nào khó hiểu, nhưng chắc chắn Người tin rằng mình đang có một sứ mệnh thần thánh phải cứu nhân loại thoát khỏi sai lầm và tội lỗi.

Lời dạy của Người cùng nhiều hành động khác sau cùng dấy lên làn sóng phản đối của một số trưởng tế và giáo sĩ Do Thái giáo bảo thủ. Họ không thích ám chỉ cay độc của Người về sự tuân thủ pháp luật một cách tuyệt đối của người Pharisee, thái độ xem thường hình thức và nghi lễ, và thái độ khinh miệt phù hoa, xa xỉ của Người. Họ cũng sợ rằng những lời Người khẳng định mình là Đấng cứu thế sẽ gây nhiều rắc rối với người La Mã.

Do đó, họ đưa Người ra xử trước tòa án tối cao ở Jerusalem, nơi đây Người bị chính thức buộc tội báng bổ thần thánh và tự xưng mình là “Vua Do Thái”, rồi chuyển Người đến cho Pontius Pilate, thống đốc La Mã, hành quyết. Sau nhiều giờ thống khổ, Người chết trên thập giá trên ngọn đồi Golgotha ngoại ô thành Jerusalem.

Chúa Jésus bị đóng đinh trên thập giá

Chúa Jésus bị đóng đinh trên thập giá đánh dấu đỉnh điểm trong Lịch sử Cơ Đốc. Lúc đầu, cái chết của Người làm các tín đồ nghĩ hy vọng của mình đã chấm hết. Tuy nhiên, ít lâu sau họ không còn thái độ tuyệt vọng ấy nữa, vì có nhiều tin đồn lan truyền rằng Thầy sẽ phục sinh, một số tín đồ mộ đạo đã nhìn thấy Người.

Số tín đồ còn lại nhanh chóng hiểu rằng Người sống lại từ cái chết, và Người thật sự là một hữu thể thần thánh. Lấy lại dũng khí, họ tập hợp trở lại thành một nhóm nhỏ, bắt đầu rao giảng và làm chứng nhân danh người lãnh đạo tử đạo của mình. Theo cách đơn giản như thế, một trong những tôn giáo lớn trên thế giới ra đời sau cùng rung chuyển cả nền móng đế chế La Mã hùng mạnh.

Lời dạy của chúa Jésus

Chưa hề có sự nhất trí nào giữa các tín đồ Ki tô giáo về các lời dạy đích thực của chính chúa Jésus người Nazareth. Nguồn tài liệu đáng tin duy nhất là bốn sách Phúc âm, nhưng lâu đời nhất trong số bốn sách này được biên soạn sau khi chúa Jésus chết ít nhất một thế hệ.

Theo suy nghĩ của tín đồ Chính Thống, người sáng lập đạo Cơ Đốc tự xưng mình là Đức Ki tô, Con Thiên Chúa, được phái xuống thế gian để chịu khổ rồi chết để chuộc tội cho nhân loại. Họ cũng tin rằng sau khi nằm trong mộ được ba ngày, Người sống lại từ cái chết rồi thăng thiên, từ trời Người sẽ quang lâm để phán xét thế giới.

Các sách Phúc âm ít ra cũng làm sáng tỏ rằng Người có những lời dạy cơ bản như sau: 1) Tư cách làm cha của Thiên Chúa và tình huynh đệ của con người; 2) Khuôn vàng thước ngọc; 3) Tha thứ và thương yêu kẻ thù; 4) Trả điều ác bằng điều thiện; 5) Hy sinh; 6) Lên án thói đạo đức giả và hám lợi; 7) Phản đối chủ nghĩa nghi lễ hình thức như bản chất tôn giáo; 8) Ngày tận thế sắp xảy ra; 9) Sự sống lại của người chết và thành lập Nước Trời.

Ảnh hưởng của Thánh Paul

Đạo Cơ Đốc được một số người kế vị chúa Jésus mở rộng và bổ sung thần học tinh vi hơn, chủ yếu trong số này là Thánh tông đồ Paul, lúc đầu người ta thường gọi là Saul thành Tarsus.

Mặc dù mang quốc tịch Do Thái, Paul không phải là cư dân bản địa Palestine mà là một người Do Thái Phân tán, sinh ở thành phố Tarsus đông nam Tiểu Á. Ở đây ông có dịp tiếp xúc với triết học theo Chủ nghĩa khắc kỷ, nhưng có thể ông chịu ảnh hưởng của Thuyết Ngộ đạo nhiều hơn. Sau cùng, ông cải sang đạo Cơ Đốc, dành hết sức lực vô hạn của mình để truyền bá niềm tin trong khắp vùng Cận Đông.

Cũng không thể đánh giá quá cao ý nghĩa quan trọng tác phẩm của ông. Phủ nhận rằng chúa Jésus được cử xuống như một người chuộc lỗi cho dân Do Thái, ông còn khẳng định đạo Cơ Đốc là một tôn giáo thế giới. Nhưng thật ra không phải thế. Ông nhấn mạnh quan điểm chúa Jésus như Đức Ki tô, như Chúa Con Người đã tồn tại từ nền tảng thế giới và cái chết của Người trên thập giá là sự làm giảm bớt tội lỗi của nhân loại.

Ông không những phủ nhận các tác phẩm viết về Luật pháp (như nghi lễ Do Thái chẳng hạn) là tác phẩm có tầm quan trọng cơ bản trong tôn giáo, mà ông còn thẳng thừng tuyên bố chúng không có giá trị gì cả trong việc được cứu rỗi. Con người bản chất vốn là người phạm lỗi, vì thế con người chỉ có thể được cứu rỗi bằng niềm tin và bằng ân sủng của Chúa “thông qua sự chuộc lỗi nghĩa là trong Đức Ki tô Jésus”.

Theo Paul, tiếp đến số phận của con người trong kiếp sau hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào ý Chúa, vì “Phải chăng thợ gốm không có quyền dùng đất sét theo ý mình: từ cùng một nắm đất mà nặn ra đồ vật khác nhau, cái đáy dùng vào việc cao quý thì dùng vào việc thấp hèn?”2 Vậy Thiên Chúa “thương xót ai là tùy ý Người, và làm cho ai ra cứng cổ cũng tùy ý Người”3.

Lý do đạo Cơ Đốc giành thắng lợi

Vào đầu thời Trung cổ, thắng lợi của đạo Cơ Đốc so với các tôn giáo kình địch khác hầu như là thắng lợi hoàn toàn. Sắc lệnh của Hoàng đế Galerius về khoan dung trong năm 311 là sự thú nhận rằng tôn giáo này quá mạnh đến mức không thể dập tắt bằng hành động ngược đãi. Bằng một loạt sắc lệnh từ năm 380 đến 392, đạo Cơ Đốc được công nhận là niềm tin hợp pháp duy nhất của Đế chế La Mã.

Thắng lợi này được giải thích như thế nào? Có lẽ cũng như bất kỳ vấn đề nào khác, thắng lợi này là do tính chất tổng hợp trong đạo Cơ Đốc. Đây là tôn giáo sau cùng là hiện thân của các thành phần đến từ nhiều nguồn da dạng.

Phần lớn thành phần này được lấy từ Do Thái giáo: tên gọi thần thánh, thuyết nguồn gốc vũ trụ, lịch sử thế giới, Mười Điều Răn, và nhiều học thuyết chẳng hạn như tội tổ tông, và ý Chúa. Ngoài ra, một số giáo điều đạo đức thật ra có nguồn gốc Do Thái. Mặc dù phần lớn các thành phần này được chúa Jésus cùng môn đồ bổ sung sửa đổi, nhưng chắc chắn phần đóng góp của người Hy Lạp trong đạo Cơ Đốc cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thành phần Ba Tư và cổ Hy Lạp

Nhưng rõ ràng đạo Cơ Đốc phần lớn cũng vay mượn từ các nguồn khác ngoài nguồn Do Thái. Một số quan niệm vay mượn từ các tôn giáo khác có nguồn gốc Ba Tư đã được đề cập trong chương trước4. Bái hỏa giáo đã làm cho thế giới cổ đại quen thuộc với những khái niệm chẳng hạn như tính chất thế giới khác, và sự xung đột vĩnh hằng giữa điều thiện và điều ác. Thuyết Ngộ đạo cũng phát triển niềm tin vào sự khải huyền huyền bí và dạy rằng khái niệm về con người nguyên thủy hay Chúa-Con Người sẽ hóa thân trong hình dạng con người. Tục thờ thần Mithras giúp con người chú ý vào các hình thức nghi lễ, chẳng hạn như phép bí tích và sử dụng nước thánh, và xem ngày Chủ nhật và ngày 25/12 như những ngày thiêng liêng. Bổ sung vào những ảnh hưởng này là ảnh hưởng của triết học theo Chủ nghĩa khắc kỷ làm cho các tầng lớp có học thức quen với khái niệm về chủ nghĩa toàn thế giới và tình huynh đệ giữa con người.

Tóm lại, các tôn giáo huyền bí và triết học cổ Hy Lạp tạo ra nhiều học thuyết và thông lệ để đạo Cơ Đốc có thể tiếp thu, đồng thời cũng bảo tồn những điểm đặc trưng của mình. Giáo hội ban đầu là một cơ thể sống được toàn bộ thế giới ngoại giáo nuôi dưỡng, rồi sau đó chọn lọc và kết hợp một dải rộng các quan điểm và thông lệ nào thích hợp với tính chất của riêng mình. Sức hấp dẫn của đạo Cơ Đốc vì thế gần như mang tính phổ biến hơn bất kỳ tôn giáo nào khác trong thế giới cổ đại.

Đọc thêm:
Đế Chế Thời Kỳ Cuối và sự sụp đổ của La Mã
Thời đại khai sáng ở châu Âu, những bước ban đầu
Nguồn cơn chiến tranh Nga-Ukraine, xung đột từ đâu mà ra
Nước Anh thời Elizabeth – Phục hưng, khám phá, và tri thức

Lý do khác giải thích thắng lợi của đạo Cơ Đốc

Các lý do chính khác giải thích thắng lợi của đạo Cơ Đốc có thể tóm tắt như sau. Đạo Cơ Đốc cho phụ nữ có toàn quyền tham gia thờ phụng, trong khi tục thờ thần Mithras, đối thủ mạnh nhất trong số các đối thủ của đạo Cơ Đốc thời kỳ đầu, không cho phụ nữ tham gia. Đạo Cơ Đốc hưởng được lợi thế của 50 năm chính quyền La Mã ngược đãi tín đồ Ki tô giáo có hệ thống – một yếu tố củng cố tính cố kết phong trào vô cùng quan trọng, vì những ai còn giữ niềm tin đều sẵn sàng chết vì sự thú nhận của mình.

Trong khi hầu hết các tôn giáo khác phát triển quanh các nhân vật tưởng tượng, sinh vật trong truyền thuyết kỳ cục, thì đạo Cơ Đốc có người sáng lập là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử có nhân cách được xác định rõ ràng.

Sau cùng, thắng lợi của đạo Cơ Đốc một phần được giải thích bằng thực tế rằng nó có sức hấp dẫn đối với người nghèo và người bị áp bức mạnh hơn các tôn giáo huyền bí khác.

Mặc dù đạo Cơ Đốc bao gồm quan niệm về sự bình đẳng của mọi người trong cách nhìn của Chúa, người sáng lập và một số tín đồ của Người lên án kẻ giàu và tôn vinh người nghèo. Đạo Cơ Đốc truyền bá một hệ thống đạo đức mới, rất dân chủ, với sự nhu mì, dễ bảo, khiêm tốn và thương yêu kẻ thù như những đức hạnh cơ bản.

Có lẽ chính những đức hạnh này đã được quần chúng bất lực chấp nhận, vì từ lâu họ đã từ bỏ mọi hy vọng điều kiện vật chất của mình sẽ khấm khá lên.

Sự phân chia Ki tô giáo thành nhiều giáo phái kình địch; người Arian, Athanasian và Nestorian

Thắng lợi của đạo Cơ Đốc đối với kình địch hầu như không bằng sự bất bình phát triển trong các hàng ngũ nội bộ. Điều này một phần là do các thành phần không đồng nhất khi hình thành tôn giáo, một phần cũng vì thái độ của những người lãnh đạo khi sự thành công của phong trào ngày càng tăng.

Một lý do cơ bản hơn có vẻ là mâu thuẫn giữa các khuynh hướng tri thức và duy cảm trong tôn giáo. Đại diện cho khuynh hướng tri thức là hai giáo phái quan trọng nhất gồm số tín đồ Ki tô giáo hạ phục thuyết5 – người Arian và người Nestorian. Cả hai từ chối không chấp nhận những gì được gọi là học thuyết chính thống về Chúa Ba Ngôi. Chịu ảnh hưởng của triết học Hy Lạp, họ phản đối quan điểm cho rằng Đức Ki tô có thể sánh ngang hàng với Chúa.

Người Arian cho rằng Đức Chúa Con do Đức Chúa Cha tạo ra, do đó không cùng tính vĩnh hằng với người hay được hình thành từ cùng một thực thể. Những người đối lập chính với họ là những người Athanasian, cho rằng Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần tất cả đều ngang nhau, được hình thành từ một thực thể giống hệt nhau.

Người Nestorian tách rời với phần còn lại trong giáo hội với quan niệm cho rằng Đức Mẹ Maria nên được xem là mẹ Đức Ki tô chứ không phải là mẹ của Chúa, lẽ đương nhiên họ ngụ ý rằng họ xem Đức Ki tô có phần nào kém tính chất thần thánh hơn.

Những người theo thuyết Ngộ đạo và Mani giáo Ba Tư

Quan trọng nhất trong các giáo phái nhấn mạnh tính chất duy cảm trong đạo Cơ Đốc là những người theo thuyết Ngộ đạo và Mani giáo Ba Tư. Cả hai đều là những người theo con đường khổ hạnh và theo thuyết huyền bí cực đoan. Nghĩ rằng chân lý tôn giáo đích thực là kết quả của sự khải huyền, họ có thiên hướng hoài nghi về mọi cố gắng nhằm duy lý hóa niềm tin Cơ Đốc. Họ cũng phản đối khuynh hướng hướng về tính trần tục thể hiện rõ nét trong số nhiều giáo sĩ.

Những người theo thuyết Ngộ đạo và Mani giáo Ba Tư nói chung không phải là các tín đồ của đạo Cơ Đốc lúc đầu, nhưng sau cùng phần lớn trong số họ đã cải sang đạo Cơ Đốc.

Những người trở thành tín đồ Ki tô giáo vẫn giữ học thuyết lâu đời của mình về thuyết duy linh cường điệu và thái độ coi thường vật chất, xem vật chất là điều xấu. Lẽ đương nhiên cùng với những người này là thái độ lúc nào cũng hoài nghi về tất cả sự đa dạng trong kiến thức con người.

Học thuyết của tất cả những giáo phái này, ngoại trừ người Athanasian, sau cùng bị cộng đồng Giáo hội lên án như dị giáo.

Sự dai dẳng trong tranh cãi giáo điều

Cho dù có sự lên án nhiều điều là dị giáo, thì tập hợp giáo điều Cơ Đốc chưa hề ổn định vững chắc vào đầu thời Trung cổ. Lẽ đương nhiên, tất cả niềm tin Cơ Đốc đều tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, đấng tạo thành và cùng là người cai quản vũ trụ, tin vào sự cứu rỗi khỏi tội lỗi và thưởng phạt sau khi chết. Nhưng cũng như đối với nhiều vấn đề giáo điều khác, cũng có sự nhầm lẫn và không chắc chắn.

Ngay cả khái niệm về Chúa Ba Ngôi tiếp tục là vấn đề gây nhiều tranh luận trong nhiều thế kỷ. Phần lớn quan điểm của các tín đồ Ki tô giáo phương Đông không hề chấp nhận quan điểm cực đoan của người Athanasian về mối quan hệ giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con theo sự tán thành của Công đồng Nicaea (325).

Ngoài ra, vào lúc này chưa có thuyết nào được phát biểu rõ ràng về số lượng và tính chính xác của các phép bí tích, cũng như chưa có thuyết nào nêu rõ quyền hạn của chức giáo sĩ một cách rạch ròi. Nói chung, có hai điểm bất đồng chính ảnh hưởng đến toàn bộ các vấn đề này.

Một số tín đồ sùng đạo rất thành tâm trung thành với lý tưởng Cơ Đốc cũng giống hệt như lý tưởng trong thời các Thánh Tông đồ, khi Giáo hội là cộng đồng của những người huyền bí, mỗi người được dẫn dắt bằng Ánh sáng nội tâm trong các vấn đề niềm tin và đạo đức. Những người khác hình dung Giáo hội Cơ Đốc như một xã hội có tổ chức quy định nguyên tắc cai trị thành viên theo những yêu cầu thực tế của thời đại.

Ý nghĩa quan trọng của tổ chức Cơ Đốc

Sự phát triển tổ chức Cơ Đốc là một trong những sự phát triển quan trọng nhất trong toàn bộ thời Trung cổ. Thậm chí trong một vài thế kỷ đầu tiên thuộc giai đoạn này, Giáo hội và những thể chế liên quan của Giáo hội phát triển thành một cấu trúc tinh vi sau cùng trở thành khuôn khổ xã hội chính.

Khi Đế chế La Mã ở phương Tây sa sút, thì Giáo hội đảm nhận phần lớn chức năng của đế chế và giúp duy trì trật tự tránh xáo trộn gia tăng. Nói chung bất kỳ những gì được cứu tránh khỏi sự đổ nát một phần lớn là do ảnh hưởng ổn định hóa của Giáo hội có tổ chức. Giáo hội giúp khai hóa những người man rợ, truyền bá quan điểm công bằng xã hội, và bảo tồn cũng như chuyển giao kiến thức từ thời cổ đại.

Sự phát triển tổ chức Giáo hội

Tổ chức Giáo hội lúc đầu rất đơn giản. Các phiên họp Giáo hội nhóm họp ở nhà các thành viên và lắng nghe lời chứng tinh thần của nhiều đồng đạo khác, những người tin rằng mình đang có sự hiệp thông trực tiếp với Đức Chúa Thánh Thần. Không có sự đối xử phân biệt giữa thường dân và giáo sĩ. Mỗi Giáo hội độc lập có một số quan chức, thường được gọi chung là giám mục và niên trưởng, với nhiệm vụ là chủ trì các buổi lễ phụng vụ, kỷ luật thành viên, và phân phát hàng cứu trợ từ thiện.

Dần dần, do ảnh hưởng của các tôn giáo huyền bí ngoại giáo, nghi lễ trong đạo Cơ Đốc gia tăng phức tạp đến nỗi phải có chức giáo sĩ chuyên nghiệp. Nhu cầu phòng thủ chống lại hành động khủng bố, ngược đãi và khát vọng muốn đạt đến sự thống nhất niềm tin cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tổ chức Giáo hội. Kết quả là khoảng đầu thế kỷ 2 một giám mục trong mỗi thành phố quan trọng đều được công nhận là có quyền cao nhất so với tất cả giáo sĩ trong vùng phụ cận. Phạm vi tài phán xét xử của giám mục tương ứng với civita, đơn vị hành chính nhỏ nhất của nhà nước La Mã.

Khi số lượng giáo đoàn gia tăng, và khi ảnh hưởng của Giáo hội tăng dần do sự chấp nhận đạo Cơ Đốc làm tôn giáo chính thức của La Mã, thì sự phân biệt đối xử phẩm cấp giữa các giáo sĩ bắt đầu xuất hiện. Những ai có tổng hành dinh của mình trong các thành phố lớn hơn đều được gọi là tổng giám mục, có quyền hành đối với giáo sĩ trong cả một tỉnh.

Trong thế kỷ 4, chân giá trị của thượng phụ vẫn còn cao được xác lập để bổ nhiệm những giám mục ấy cai quản các cộng đồng Cơ Đốc lâu đời nhất và lớn nhất – những thành phố chẳng hạn như Rome, Constantinople, Antioch và Alexandria cùng với các quận xung quanh. Vì thế giáo sĩ Cơ Đốc vào năm 400 bao gồm một hệ thống thứ bậc rõ ràng gồm thượng phụ, tổng giám mục, giám mục và giáo sĩ.

Sự ra đời chức giáo hoàng

Đỉnh điểm của tất cả những phát triển này là sự phát triển tối thượng quyền giám mục của Rome, hay nói cách khác, là sự ra đời chức giáo hoàng. Vì một số lý do, giám mục ở Rome có sự vượt trội hơn các thượng phụ Giáo hội khác.

Thành phố trong đó người cai trị được tín đồ sùng đạo kính trọng như nơi diễn ra các hoạt động truyền giáo của các Thánh Tông đồ Paul và Peter. Truyền thông được nhiều người chấp nhận, người ta đồng ý rằng Peter đã hình thành chức giám mục ở Rome, vì thế tất cả những người kế vị ông đều là những người thừa kế uy quyền và uy tín của ông. Truyền thống này được bổ sung bằng giả thuyết cho rằng Peter được Thầy giao phó làm cha đại diện trên trái đất, được trao chìa khóa Nước Trời có quyền trừng phạt con người phạm tội và thậm chí cũng có quyền tháo cởi tội lỗi của họ.

Thuyết này, được gọi là thuyết Sự kế vị Peter, được các đức giáo hoàng áp dụng sau đó như cơ sở để khẳng định quyền hành của mình đối với Giáo hội. Các giám mục ở Rome cũng có lợi thế vì sau khi chuyển kinh đô của đế chế đến Constantinople hầu như không có vị hoàng đế nào có quyền quốc chủ hiệu quả ở phương Tây. Sau cùng, vào năm 455, Hoàng đế Valentinian III ra sắc lệnh buộc tất cả giám mục ở phương Tây phải phục tùng quyền xét xử của Đức giáo hoàng. Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ rằng, Giáo hội có một hình thức cai trị theo chế độ quân chủ.

Các thượng phụ trong Giáo hội phương Đông xem những quyết đoán cực đoan trong lời khẳng định của giáo hoàng là một hành động vô liêm sỉ, trơ tráo, và thậm chí nhiều giám mục trong Giáo hội phương Đông vẫn tiếp tục phớt lờ một thời gian.

Lý do chủ nghĩa khổ hạnh thịnh hành

Tổ chức Giáo hội tuyệt nhiên không hề bị gò bó trong hệ thống thứ bậc Giáo hội. Trong một nghiên cứu các thể chế Cơ Đốc, người ta thường dành vị trí đáng kể cho đời sống tu viện. Vì chế độ tu viện lúc đầu là kết quả tự nhiên của chủ nghĩa khổ hạnh, nên điều cần thiết, thứ nhất, là phải tìm hiểu mối quan hệ giữa lý tưởng ấy và đạo Cơ Đốc. Đạo Cơ Đốc ban đầu chỉ mang tính chất khổ hạnh vừa phải.

Chúa Jesus cũng như môn đệ của người không hề có những hành động hành xác cực đoan. Thật ra, chúa Jesus không lập gia đình, người cho biết mình không có chỗ nào để tựa đầu, người ta cho rằng người ăn chay 40 ngày ở nơi hoang vu, nhưng những minh họa này gần như không thể khuyến khích những hành động hành xác cực đoan giống như người mắc bệnh, vốn rất thường gặp ở các thầy tu ẩn dật trong thế kỷ 3 và.

Vì thế chúng ta phải tìm các nguyên nhân phụ cho sự phát triển chủ nghĩa khổ hạnh sau này. Có lẽ là những nguyên nhân cơ bản sau:

1) Khát vọng của nhiều tín đồ Ki tô hữu mộ đạo muốn bảo vệ chống lại tính chất trần tục ngày càng tăng trong Giáo hội. Họ đi đến những mặt đối lập với cuộc sống xa hoa của một số giáo sĩ càng cực đoan thì họ sẽ bảo vệ Giáo hội càng hiệu quả.

2) Việc chọn hành động hành xác không lành mạnh như một cách thay cho sự tử đạo. Với việc bãi bỏ hành động khủng bố, ngược đãi của người La Mã, tất cả cơ hội có được vương miện vinh quang trên thiên đàng bằng cách trải qua cái chết vì niềm tin đều bị xóa bỏ. Nhưng khát vọng muốn chứng minh lòng nhiệt thành tôn giáo bằng cách tự hạ mình và chịu khổ vẫn còn tồn tại và cần phải tìm lối ra.

3) Khát vọng của một số tín đồ Ki tô giáo thành tâm mộ đạo làm gương bằng lòng mộ đạo đáng tôn vinh và sự hy sinh như một hành động truyền cảm hứng cho số đạo hữu yếu đuối hơn. Cho dù hầu hết mọi người đều không đạt đến mức lý tưởng, nhưng mức độ đạo đức và mộ đạo nói chung cũng được nâng lên.

4) Ảnh hưởng của các tôn giáo phương Đông khác, nhất là Thuyết Ngộ đạo và Mani giáo Ba Tư, với thuyết duy linh cường điệu của họ, xem thường thế gian này, và hạ thấp giá trị của thể xác.

Chủ nghĩa khổ hạnh của các ẩn sĩ Cơ Đốc

Số tín đồ Ki tô giáo khổ hạnh đầu tiên là ẩn sĩ, lánh xa trần tục để sống ẩn dật ở một vùng xa xôi, hẻo lánh hay hoang mạc nào đó. Hình thức chủ nghĩa khổ hạnh này có vẻ xuất xứ từ Ai Cập trong thế kỷ 3.

Từ Ai Cập, chủ nghĩa khổ hạnh phát triển sang các tỉnh khác thuộc phần phía đông Đế chế và tiếp tục thịnh hành trong hơn 100 năm sau, phát triển thành một loại cuồng loạn tôn giáo mang đặc điểm thái quá không lành mạnh.

Chúng ta biết được có nhiều thầy ẩn dật hay ẩn sĩ ăn cỏ ngoài đồng theo kiểu động vật, khỏa thân lăn mình trong các bụi gai, hay sống trong đầm lầy ăn rắn. Thánh Simeon Stylites nổi tiếng trong suốt mùa hè “như loại thực vật mọc rễ trong vườn”, rồi sau đó bắt đầu dựng cột nổi tiếng, cao đến 60 feet (khoảng 20 mét), suốt 30 năm còn lại trong đời ông sống trên đỉnh cột này.

Những điều vô lý như thế, trong khi chắc chắn không phải là điển hình cho quan điểm của đa số tín đồ Ki tô giáo trong thời gian này, nhưng có lẽ là kết quả tự nhiên của sự quá chú trọng đến cách sống tinh thần.

Sự xuất hiện đời sống tu viện

Có lúc tác động của chứng cuồng loạn ẩn sỹ có giảm. Một số giáo sĩ Ki tô khổ hạnh có suy nghĩ thực tế hơn đi đến kết luận rằng cuộc sống cô độc của ẩn sĩ không tốt cho tinh thần, vì đôi khi nó làm cho người ta phát điên. Kết quả của kết luận này là sự xuất hiện đời sống tu viện.

Người ta thường cho là Pachomius là người sáng lập đời sống tu viện, ông sống ở Ai Cập vào giữa thế kỷ 4. Phong trào do ông khởi xướng, sau này được Thánh Basil kế tục, ông là giám mục xứ Cappadocia, người đầu tiên đặt ra một loạt quy định quản lý một dòng tu.

Phản dối cách hành xác cực đoan, Thánh Basil yêu cầu các giáo sĩ phải tự rèn luyện bằng lao động hữu ích. Họ không phải chay trường hay hành xác, nhưng họ buộc phải tuân phục nguyên tắc sống nghèo khó và khiêm nhường, mỗi ngày dành nhiều tiếng để thiền định tôn giáo.

Kiểu đời sống tu viện của thánh Basil được các Giáo hội phương Đông chấp nhận, phần lớn các giáo sĩ vẫn còn tìm chỗ tu hành trên vách đá cheo leo, chỉ leo lên được bằng thang dây hay ngồi trong giỏ tre để được kéo lên.

Lịch sử đời sống tu viện ở Tây Âu cũng bắt đầu trong thế kỷ 4, khi các cộng đồng khổ hạnh theo mẫu Ai Cập cũng được thành lập ở La Mã. Tuy nhiên, thật ra không có đời sống tu viện nào quan trọng ở phương Tây, cho đến thế kỷ 6, khi Thánh Benedict soạn thảo quy định nổi tiếng sau cùng trở thành tiêu chuẩn cho hầu như tất cả giáo sĩ trong các nước Latin theo đạo Cơ Đốc.

Quy định của Thánh Benedict áp đặt nghĩa vụ giống như nghĩa vụ theo quy định của Thánh Basil – sống nghèo khó, tuân thủ, lao động, và tận hiến. Nếu có sự khác nhau về cơ bản, thì có lẽ là hệ thống Benedict chú trọng đến sự kiểm soát có tổ chức hơn.

Kết quả của đời sống tu viện

Ảnh hưởng của đời sống tu viện đối với xã hội đầu thời Trung cổ không phải là cường điệu. Giáo sĩ nói chung là những nông dân chăm chỉ nhất ở châu Âu, họ khẩn hoang, tháo nước ra khỏi đầm lầy, và có rất nhiều khám phá liên quan đến việc cải tạo đất. Họ bảo tồn một số kỹ năng xây dựng từ thời La Mã và có sự tiến bộ đáng kể trong nhiều ngành nghệ thuật công nghiệp, nhất là chạm khắc gỗ, chế tác kim loại, dệt vải, làm thủy tinh, và nấu bia.

Thật ra, một số tác gia hiện đại cho rằng nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp thật ra nằm trong các tu viện thời Trung cổ. Chính các giáo sĩ, là những người biên soạn hầu hết các quyển sách, chép tay các bản thảo từ thời cổ đại, và quản lý đa số trường học, thư viện và gần như tất cả bệnh viện hiện có vào đầu thời Trung cổ.

Sự phát triển đời sống tu viện cũng có ảnh hưởng sâu sắc đối với lịch sử Giáo hội, dẫn đến sự phân chia thành nhiều phẩm cấp giáo sĩ. Sống theo quy định rạch ròi hay regula các giáo sĩ thường được gọi là giáo sĩ dòng trong khi linh mục, giám mục và tổng giám mục, đảm nhiệm các hoạt động ngoài đời (saeculum), do đó người ta thường gọi là giáo sĩ triều.

Giữa hai nhóm phát triển thái độ kình địch căng thẳng, giáo sĩ đôi khi tổ chức nhiều phong trào cải cách chống lại tính thế tục của các linh mục. Các giáo sĩ dòng Benedict được đặc ân của Đức giáo hoàng, một phần do liên minh giữa giáo hoàng với đời sống tu viện, qua đó giáo hoàng mới có thể mở rộng quyền lực của mình trong khắp Giáo hội.

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN