Robert Reich
Phạm Vũ Thịnh dịch
Nguồn: Exryuct
Lời người dịch:
Robert B. Reich là Giáo sư về Chính sách Công tại Đại học California ở Berkeley và là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Blum về Các nền kinh tế đang phát triển. Ông từng là Secretary of Labor – Bộ trưởng Bộ Lao động trong chính quyền Clinton, được Tạp chí Time xếp hạng là một trong mười Bộ trưởng có hiệu quả nhất thế kỷ 20. Ông đã viết 15 cuốn sách, bao gồm các cuốn bán chạy nhất “Aftershock”, “The Work of Nations”, “Beyond Outrage”, “The Common Good” và gần đây nhất là “The System: Who Rigged It, How We Fix It“. Ông còn là biên tập viên sáng lập của tạp chí American Prospect, chủ tịch của Common Cause, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, và là người đồng sáng tạo bộ phim tài liệu đoạt giải thưởng “Inequality For All” và bộ phim tài liệu trên Netflix “Saving Capitalism“.
Dưới đây là bản dịch phần giải thuyết của Robert B. Reich cho video “The Real Reason the Economy Might Collapse”, September 30, 2021:
Bất bình đẳng giàu nghèo tăng vọt lên không chỉ là sai trái. Nó còn đang làm suy yếu nền kinh tế của chúng ta.
70% nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng Mỹ cần chi đủ tiền để mua hầu hết các hàng hóa và dịch vụ mà người Mỹ có khả năng sản xuất ra.
Điều này có nghĩa là về lâu về dài, thu nhập của họ cần phải theo kịp năng suất lao động của họ.
Nhưng thực tế thì thu nhập của họ không theo kịp. Trong 40 năm qua, tiền lương của hầu hết mọi người về cơ bản đã bị trì trệ, trong khi năng suất của công nhân lại tăng vọt.
Thế thì lợi ích kinh tế đã đi đâu rồi? Chủ yếu là đã vào túi thành phần giàu nhất. Giới người giàu nhất ngày nay hiện chiếm phần sở hữu nền kinh tế lớn hơn bất cứ ở thời điểm nào kể từ thập niên 1920.
Đây là vấn đề kinh tế: Người giàu chỉ chi tiêu một phần nhỏ trong thu nhập và tư sản của họ. Chi tiêu của họ không đủ để đáp ứng mức nhu cầu của người tiêu dùng cần thiết để nền kinh tế vận hành và tăng tiến.
Mặt khác, những người có thu nhập thấp hơn thì buộc phải chi tiêu hầu hết tất cả những gì họ có, mà vốn liếng của họ càng ngày càng giảm đi. Hiện thời, hầu hết người lao động không kiếm được đủ tiền để mua dùng những gì nền kinh tế có khả năng sản xuất ra.
Kết quả là tạo ra khoảng cách giữa sản lượng tiềm năng và tiêu thụ tiềm năng.
Để lấp đầy khoảng trống ấy, nền kinh tế phụ thuộc vào việc mọi người càng ngày càng lún sâu vào nợ nần để họ có thể mua sắm. Ngay cả trong năm 2018, khi nền kinh tế tỏ ra mạnh mẽ, đã có đến 40% người Mỹ có thu nhập ròng âm (negative net income) nên phải vay tiền để chi trả các nhu cầu cơ bản của gia đình họ.
Ngân hàng Quốc gia đã phải kềm giữ lãi suất ngắn hạn ngày càng thấp để đáp ứng tạo điều kiện cho việc vay để sống ấy. Và chính phủ càng ngày càng phải chi ra nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống còn lại.
Nhưng tất cả những biện pháp này không thể kéo dài mãi được. Đến lúc nào đó, bất bình đẳng gia tăng sẽ khiến nền kinh tế sụp đổ.
Chúng ta đã thấy hậu quả này trước đây rồi. Nhiều năm trước đây, Marriner Eccles, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Ngân hàng Quốc gia) từ năm 1934 đến 1948, giải thích rằng cuộc Đại Suy thoái đã xảy ra do sức mua của hầu hết người dân Mỹ sút giảm quá nhiều so với những gì nền kinh tế đang sản xuất ra.
Ông đổ lỗi cho sự tập trung ngày càng tăng của cải tài sản ở giới giàu có hàng đầu trong nước: “Cho đến khoảng năm 1929-1930, một chiếc máy bơm hút khổng lồ đã hút vào tay chỉ một vài người, một phần lớn ngày càng tăng những của cải được sản xuất hiện nay. Giống như trong một trò chơi poker – xì tố, số tiền chip vốn liếng cứ càng ngày càng tập trung vào tay một số ít tay chơi, những người khác chỉ còn có thể bám lại cuộc chơi bằng cách đi vay nợ. Đến khi tín dụng của họ hết ráo thì cuộc chơi chấm dứt”.
Trong khi những người giàu có của thập niên 1920 ấy không biết phải làm gì với tất cả số tiền của họ, thì hầu hết người dân Mỹ đã chỉ có thể duy trì mức sống của mình bằng cách lâm vào cảnh nợ nần. Rồi khi bong bóng nợ đó bùng vỡ thì nền kinh tế đã sụp đổ.
Cùng chuyên mục:
Tổng thống George Washington, vị tổng thống bất đắc dĩ
Thuật giả kim của người Ả Rập
Nguyên Đán là gì? Lịch Pháp Và Các Loại Lịch Đông Phương
Rồi 100 năm sau, ngày nay, chúng ta đang thấy lại cũng một mô hình đó. Trong khi mức lương tiêu biểu của người Mỹ hầu như chẳng nhúc nhích gì trong nhiều thập niên, tính toán điều chỉnh theo lạm phát, thì hầu hết các lợi nhuận kinh tế đều vào tay những người giàu nhất, giống hệt như thời trước, cái gọi là “máy bơm hút khổng lồ” của Marriner Eccles đã hút một phần lớn ngày càng tăng những của cải của quốc gia vào tay chỉ một vài người ngay trước Đại Khủng hoảng (1929-1930).
Hậu quả là một nền kinh tế có cấu trúc cơ bản mỏng manh hơn nhiều so với vẻ ngoài của nó.
Còn nhớ chuyện bong bóng tài chính và nhà đất đã bùng vỡ vào năm 2008 chứ? Lần đó chúng ta đã tránh được một cuộc Đại Khủng hoảng khác, chỉ vì chính phủ đã bơm đủ tiền vào nền kinh tế để duy trì nhu cầu, và Ngân hàng Quốc gia đã kềm giữ lãi suất gần bằng không.
Thế rồi sau đó đến đại dịch (covid-19 ngày nay).
Học tiếng Anh:
The birds and the bees – chuyện bướm ong
Câu nói spilling the beans, và Blabber mouth nghĩa là gì?
Ngân hàng Quốc gia đã phải kềm giữ lãi suất gần bằng không. Và chính phủ đã phải bơm nhiều tiền hơn nữa vào nền kinh tế. Mặc dù các biện pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra, nhưng chúng chỉ là tạm thời.
Về dài hạn, nỗi lo âu thực sự tiếp tục nằm ở phía nhu cầu. Bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng lớn đồng nghĩa với việc cung nhiều mà không đủ cầu.
Khoảng cách giàu nghèo của nước Mỹ hiện nay còn gay gắt cùng cực hơn so với thời một thế kỷ trước. Cho đến khi vấn đề cơ cấu này được khắc phục, thì nền kinh tế Mỹ vẫn còn mong manh đến mức nguy hiểm.
Và nền kinh tế cũng sẽ dễ bị tổn thương bởi những kẻ mị-dân tiếp theo (Trump) lợi dụng lòng tức giận, kỳ thị chủng tộc và oán hận, như những thứ thay thế cho việc cải cách thực sự.
Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo kinh khủng của chúng ta hiện nay là điều tất-yếu đối với sự tồn vong của nền kinh tế và cả nền dân chủ của chúng ta.