Tìm hiểu về Bài Chòi ở Bình Định

tim hieu bai choi nam dinh
tim hieu bai choi nam dinh
53 views
25 phút đọc
Nội dung

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG

1 – Đánh bài chòi

Hằng năm, vào dịp Tết thời thanh bình, người ta thường tổ chức một lối giải trí gọi là đánh bài chòi.

Trên một khoảng đất trống, thường là ở trong chợ, người ta dựng lên những cái chòi cao lêu nghêu, thành hai dãy mỗi bên 4 cái đối mặt nhau. Một chòi dựng ở giữa, đằng cuối dãy, gọi là chòi trung ương. Trên mỗi chòi có để mõ và cây dùi. Đối diện với chòi trung ương là một cái rạp, chỗ ngồi của các bực tai mắt trong làng (ngày trước là thủ chỉ, hương xã). Một cái bàn kê trước rạp trên cắm các cây cờ nhỏ và ống thẻ dành để sẽ phát cho nhà con. Bên trái bàn là một cái trống chầu; bên phải, một trống chiêng (trống nhỏ).

Trò chơi này là một lối đánh bài. Các con bài thuộc thứ bài riêng gọi là bài trùng, bài tới, được bình dân hóa bằng những tên dị kỳ, vừa Hán vừa Việt: ẩm ầm, cổ điều, chín cu, chín gối, tám miểng, tám giây, bảy thưa, bảy hột, sáu miểng, sáu thưa, năm dụm, ngũ dít, tứ vượng, cháng ba, cháng hai, nhất trò, nhì bí, tam quăn, tứ cẳng, ngũ trợt, lục chạng, thất dung, bát bồng… Ví dụ chúng ta có 23 tên như ở đây. Với mỗi tên dùng cho hai con bài, chúng ta có bộ bài 46 con. Mỗi con bài được dán trên I thẻ.

Bắt đầu, người ta bán chòi cho các tay chơi. Ví dụ mỗi chòi được định là I00$, tất cả tiền thu sẽ là 900$. Chòi trung ương không vì cái tên đặc-biệt của nó mà được đối xử khác với các chòi kia. Mỗi chòi được lãnh 5 thẻ. Rốt lại, ở nơi bàn phát thẻ, người ta giữ lại một con (9×5=45 ; 46-45=I). Con bài còn lại nơi tấm thẻ kia làm lẻ đôi. Thành ra, ở một trong 9 chòi trên kia tất có một chòi giữ tấm thẻ đồng tên với con bài dưới rạp này.

Một người cầm cái thẻ ra đứng giữa sân hô lên. Chòi nào giữ con bài ghép đôi với con bài còn lại, sẽ đánh 3 tiếng mõ báo hiệu mình có, để người kia đem thẻ trao cho. Trong khi phát thẻ, mỗi chòi hiếm khi giữ được các thẻ có con bài đồng tên. Nếu đủ cặp, họ giữ lại ; nếu không đủ cặp, có con lẻ, nhân dịp nhận con bài dưới sân, chòi vừa đánh mõ, đưa ra một con lẻ, gọi là con rác. Người chạy thẻ lại ra sân hô lớn tên con bài để có chòi nhận ra thẻ đồng loại, đánh 3 tiếng mõ gọi tới. Và cứ như thế chuyến bài tiếp tục một cách chậm-chạp.

Giữa sân lúc bấy giờ cũng đang trình diễn một vở tuồng của ban hát Bầu X đảm nhận giúp vui. Thường người ta hát bội hay hô bài chòi. Trống chiếng, kèn cũng nổi lên phụ giúp cho tiếng hát ; trống chầu được nện thùng thùng để khen tài tử. Ngồi trên chòi, không phải chỉ một người mà có thể vài ba người hoặc một lũ trẻ, miễn là đừng quá sức chịu đựng của cái chòi. Họ bỏ thòng chân xuống giữa khoảng không, theo dõi tiếng hô tên thẻ, điệu bộ tài tử đóng tuồng, đám khán giả tụ tập qua lại. Trống chầu, trống chiếng, tiếng hát, tiếng hô thẻ, mõ đánh, tiếng ồn ào của người xem, họp thành một âm thanh nhộn nhịp trong một quang cảnh rộn ràng vui mắt.

Vì chòi nào, với 5 thẻ được phát, chỉ có thể có tối đa là hai đôi, nên luôn luôn có một con bài lẻ để chờ. Con bài đánh từ rạp ra làm nhiệm vụ của con thứ 6 chờ đợi đó. Khi nó dừng lại ở một chòi, thì một con bài khác từ chòi đó kế tục làm nhiệm vụ của nó. Chòi nào được 3 đôi đầy đủ thì đánh lên một hồi mõ dài. Họ đã thắng cuộc. Người ta trao cho chủ chòi một cây cờ cán tre, lá giấy hồng điều được cắm trước chòi. Một cây cờ được trị giá bằng một lần góp tiền (I00$ trong ví dụ trên). Trong hội 9 phần hùn trên, người ta phải chia cho người cầm trống I cờ, ban hát I cờ. Bảy cờ còn lại do các chủ chòi tranh nhau. Cứ thế mà người ta chơi hết ngày, hết mấy ngày Tết.

2 – Các yếu tố của trò chơi bài Chòi

Trong trò chơi này, ta ghi nhận những vật liệu : Cái chòi, bộ bài, một ý nghĩa hơn thua may rủi ở lối đánh bạc, một sự chung góp của một hoạt động có tính cách văn học thượng lưu và bình dân: hát bội và hô bài chòi.

Tổ Tôm điếm (Connaissance du Việt-nam trang 245).
Tổ Tôm điếm (Connaissance du Việt-nam trang 245).
Hai thứ chòi thường thấy trong vùng quê Bình-Định.
Hai thứ chòi thường thấy trong vùng quê Bình-Định.
Sơ đồ tổ chức bổ túc một đám đánh bài chòi.
Sơ đồ tổ chức bổ túc một đám đánh bài chòi.

Trong ý nghĩa địa lý nhân văn, chòi cũng là một hình thức nhà cửa. Nhà ở vùng này, trong kiểu mẫu lớn của nó, được P. Gourou xét đến kỹ càng ở I tập nghiên cứu[1]. Trong mấy năm chiến tranh dưới thời VM (1945-1954), những ngôi nhà được gọi là lá mái đó đã bị triệt hạ gần hết vì chính sách đấu tố, cải cách điền địa của họ, hoặc vì bom đạn của người Pháp. Ông Gourou bây giờ có đến vùng này chắc cũng khó tìm được những mái nhà to lớn, xuôi dốc thẳng xuống đất đã gây cho ông một ấn tượng về ảnh hưởng indonésien trong sinh hoạt địa phương.

Nhưng có là nhà lớn hay nhà nhỏ, nhà ngói vách gạch hay nhà tranh vách đất, chúng đều được xây trên một cái nền để cao hơn mặt đất vườn từ vài tấc đến gần một thước để tránh ngập lụt. Được gọi là chòi, dưới đồng bằng, là những chỗ tạm trú giữa đồng, quây bằng chiếu, bằng những tấm tranh, trên chụp một ngù rơm cho nước mưa chảy xuôi khỏi lọt vào trong. Những chòi này dành cho các người giữ lúa, giữ đẹp, đó bắt cá, và nhất là những người chăn vịt. Cũng được gọi là chòi, những điểm canh của tuần đinh ngày trước, dân vệ ngày nay (chòi mòng), gồm có một sạp tre đan (hoặc đập dập nguyên ống cho bằng thẳng) kê cách mặt đất độ ½ thước để tránh ẩm thấp. Các chòi trên vùng núi, sát bìa rừng thì thường nằm trên ngọn của bốn cây tre nguyên chụm lại, cũng thường có mái che mưa nắng, bốn bên quây những tấm tranh hay tấm cót che gió. Người ta lên chòi theo những mắt tre cố ý để lại dọc cây cột. Thôn dân ngủ đêm trên đó để canh chừng heo rừng ra phá hoại hoa màu. Trên một chòi cao cô lập như vậy, an ninh chống đối thú dữ được đảm bảo hơn cho người chủ.

Tại sao người ta lựa chọn cho các chòi trong trò chơi ở đồng bằng này cái hình thức vật-chất giống như chòi gác ở miền rừng rẫy ? Có lẽ trong khi bình dân hóa trò chơi tổ tôm điếm[2], người ta đã nâng cao chân chòi để kích thích sự ưa lạ để vui chơi chăng ? Trong hình thức mới của cái chòi cao lêu nghêu, dản dị, người ta thấy thoải mái hơn trong cung cách bệ vệ, đài các của nơi đình tạ mang các tên Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh trong tổ tôm điếm của giới trưởng giả.

Bộ bài chính là bộ bài tổ tôm. Nhưng có lẽ trò chơi tổ tôm gút mắc quá người ta nghĩ lối chơi giản dị hơn. Bộ bài tổ tôm thành bộ bài tới mà lối đánh tả rõ ở trên cũng giảng được ý nghĩa tên dùng. Người ta chơi như ở trò tam cúc. Rồi lại có lẽ cũng vì những chữ bát sách, cửu vạn… xa xôi quá, người ta bình dân hóa tên gọi thành ẩm ầm, tứ cẳng… Cách chơi giản dị khiến sự phổ thông hóa được dễ dàng hơn. Trò chơi không đóng kín vào một giới, không dấu diếm trong một vòng thành nào đó mà lan tràn giữa phố chợ, cho tất cả mọi người. Tính chất phổ thông hóa, bình dân hóa của trò chơi khiến nó kết nạp được thêm một yếu tố, một lối ca hát có nguồn gốc sâu vào trong sinh hoạt tâm linh của dân chúng (xem phần 3). Chính vì các hình thức tổ chức trang bị, nội dung cách chơi bài biến đổi mà chữ “bài chòi” tuy có vẻ như dịch nghĩa của “tổ tôm điếm”, nhưng trò chơi thực đã biến dạng, khiến cho người dự khán không thấy được hình dáng nguyên thủy.

Đám hát phụ giúp không trang bị mũ mảng đai hia gì hết, tuy thường khi họ diễn tuồng Tiết Nhơn Quý, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Tam Hạ Nam Đường… Kép mặc bà ba đen, đào mặc áo dài mốc thếch, hay có khi cũng chỉ bà ba là đủ.

Tên thông thường gọi lối hát này là hô bài chòi, kỳ thực tên xưa cũ của nó là thai. Chúng ta thường nghe đến chữ đố thai. Đó là những câu lục bát ngầm chỉ một vật gì mà người ta phải tìm ra. Thường ví dụ là nhưng câu ca dao có sẵn mà người đổ gán cho nó một chủ ý, chỉ định bằng cách nói rõ vật đố thuộc loại gì.

Chuột kêu rúc rích trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.

Khi được chỉ định xuất chim thì người lanh trí lấy ý từ “đi cho khéo”. Nghĩa là đi nhẹ nhẹ, khẻ khẻ, se sẻ, để mà đoán là chim se sẻ. Ví dụ nữa với câu

Rung rinh nước chảy qua đèo,
Bà già lật đật mua heo kén chồng.

(Xuất quả)

Vì việc nước chảy qua đèo và hành động của bà già kia là trái với lẽ thông thường, nên người ta đoán người đố muốn chỉ (quả) trái lý, trái (của hoa) (?).

Không phải như bây giờ người ta đem các câu thai này lên báo chương ở đô thị. Ở nhà quê, và trước kia, vào dịp lễ tết lớn, người ta đem ra đố giữa chợ có giật thưởng. Một người xướng câu thai theo điệu hò ngân nga rồi trai gái làng hô theo để nhớ đoán tại chỗ hay về nhà tìm câu trả lời.

Trong trò chơi bài chòi lúc đầu, người chuyền thẻ khi thấy một con bài gì đưa ra, cũng hô lên một câu lục bát có ý nghĩa để người ngồi chòi nhận đoán tên con bài qua câu thai. Công việc có ý nghĩa vừa kéo dài trò chơi vừa làm vui người dự cuộc. Những câu hát phần đông không văn hoa gì hết và có khi lại vụng về, thô tục. Chúng tôi trích dẫn sau đây một số câu thai đó :

I–Đi đâu quảy chiếu đi hoài,
Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không.

(con bài tên : thằng trò)

2–Đầu hôm ăn thịt, khuya lại ăn chè,
Hai cái không nghe, cứt, bí đái.

(không nghe : chống đối nhau ; thịt và chè “không nghe” sinh bệnh).

3–Đầu quăn(g) chải lược đồi mồi,
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hườn quăn.

4–Ngó lên hòn núi Chóp Vung (Dung),
Ai cưới chị đó, tôi chung hai tiền.

(Chóp Vung : tên núi theo tượng hình, một hòn ở Qui Nhơn, xem Giã Từ của Võ Phiến).

5–Chàu rày (ngày rày) đã có trăng non,
Để anh lên xuống có con em bồng.

6–Đêm nằm gối ấm không êm,
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.

7–Tiếc công bỏ mẳn cho cu,
Cu ăn cu lớn, cucu đi.

8–Vai mang bị bạc kè kè,
Nói quấy nói quá, nẫu nghe ầm ầm.

9–Đi đàng phải bịt khăn đen,
Ở nhà vợ sắm vóc (hàng) sen nhuộm điều.

Đại khái là như vậy. Mỗi một tên con bài tổ tôm được Việt hóa đi đều có một câu thai. Khác với lối đố thai mà lời giải đáp thường ẩn trong nghĩa, ở đây câu hô có ngay tên của con bài vì chủ đích là người ta muốn nhà con nghe cho vui chứ không phải thử sự lanh trí. Trong số những câu thu thập dược trên, ta thấy có những câu lấy từ ca dao (câu 8), những ý thô tục bên cạnh những ý tình tứ (câu 6). Ý tưởng dùng câu ca ngân nga làm vui cũng gặp ở lô tô :

Anh tướng La Thành lòng trung với chúa, lỗi đạo đệ huynh, em nỡ lòng nào, giết Đơn Hùng Tín (là con Ba Mươi Chín).

Nhưng lối hô này xưa lắm. Khoảng trước chiến tranh, người ta đã bỏ đi để thay vào lối hô tên trống không, trong lúc Ban… vẫn đóng tuồng hát bội, hay hô bài chòi. Trừ những ông già 70, 80, rất ít người trẻ 30, 40 nhớ các câu thai trên.

Văn hóa Việt Nam:
Tục thưởng xuân của đồng bào Chàm Hồi giáo miền Trung và miền Tây
Giai thoại về câu đối Tết của người Việt xưa
Lễ Tiến Xuân – Nghênh Xuân dưới triều Nguyễn
Các nghi lễ hoàng gia của triều đình nhà Nguyễn

3 – Hô bài Chòi trong sinh hoạt cổ truyền

Chỉ có người nhà nghề mới phân biệt hô thai là lốt hát những câu lục bát theo nhịp ngân nga và hô bài chòi là hô thai trong trò chơi bài chòi, trong khi ở ngoài dân chúng vẫn gọi hô thai là hô bài chòi lẫn lộn. Khác với hát hò (giã gạo, tát nước…) ở thôn quê với những lời đệm “hò hê” của một đám đông chen vào làm nhịp cho một người xướng, có tính cách giải lao, hô bài chòi là một lề lối làm việc kiếm ăn hẳn hòi.

Chúng tôi còn giữ lại trong trí nhớ hình ảnh những buổi tối ồn ào sau ngày 9-3-45. Người lớn, kẻ trí thức chắc có những tin tức xác thực hơn về đêm biến cố này. Chúng tôi, lũ con nít và những người đàn bà, dân chài, đám buôn gánh bán bưng nơi chợ nhỏ cứ xẩm tối đến là kéo quây quanh những đám bài chòi nghe hát. Thường đó là một cặp vợ chồng ; gia đình kẻ mù tối, kẻ lành lặn, những đứa trẻ trên dưới I0 tuổi, ốm tong teo, trang bị bằng cả cái nghèo nàn với cặp phách bằng tre dùng lâu đến lên nước, họa hoằn mới có cây đờn cò, đờn bầu.

Họ kể cho chúng tôi nghe đêm đảo chánh đã xảy ra như thế nào ở Qui nhơn, ở ngoài Bắc, trong Nam (không hẳn là ở đâu một cách mù mờ). Riêng tại địa phương, họ tỏ ra thông thuộc rõ ràng sự kiện như một phóng viên lành nghề. Nếu các phóng viên ngày nay xếp đặt sự kiện lại để gây tác động mạnh vào độc giả với những tình tiết lôi cuốn thì họ cũng biết điểm thêm vào bài ca những câu dí dỏm, những nhận xét tâm lý về phản ứng, thái độ nhân vật như vậy. Họ thuật chuyện bên Nhật đã bố trí như thế nào (có cả giờ giấc nữa), sự thờ ơ của quân binh Tây trong đồn ra làm sao và sau khi đồn bị chiếm, tên quan ba Tây (có cả tên) lạy van, viên chỉ huy quân đội Thiên hoàng kiêu hãnh… nhất nhất hình như không sót một chi tiết cỏn con nào cả. Chúng tôi say mê theo dõi tình tiết câu chuyện cũng như một vài người khác thích thú trong những đoạn Nguyệt Nga than khóc Vân Tiên, hồi hộp với đoạn Thạch Sanh chém chằng, hay thương cảm dùm Cô Thông Tằm bạc mệnh.

Những người hát dạo này giống như những người troubadour thời Trung cổ ở Âu châu, được sản sinh và nôi dưỡng cùng bởi nhu cầu muốn thấu hiểu tin tức, bởi dư vang của những hộ hè ngoài trời. Có khác chăng là điều kiện sinh sống thuộc địa khiến những tin tức thầm lén ngoài vòng kiểm soát của chính quyền phải đi qua những người hát dạo của chúng ta ; đằng khác, lối sống thành phố xa lạ, rời rạc, không đủ lấp mối khắc khoải thiếu-thốn sinh hoạt tập thể của đồng quê, khiến chị bán tôm cá, anh thợ mộc, cô bán hàng… phải tụ tập lê la nghe ca hát, tất cả nuôi dưỡng một lề lối sinh hoạt vỉa hè đang dần dà tàn rụi, nên gượng gạo, tang thương như thân xác của người diễn trò.

Cho nên, khích động của bài chòi trong thời gần đây không phải ở những vần điệu văn chương mà là phản ứng của một thứ tinh thần quê hương, xứ sở, địa phương thân thuộc[3], chống đối lại đời sống máy móc tàn nhẫn của đời ngoại trị, mang ý nghĩa ái quốc và bảo thủ lẫn lộn. Vần điệu lục bát và biến thể của các bài ca thật là vụng dại và non nớt. Những chữ đệm có công làm cho đủ chữ, đủ nghĩa trong câu, có khi thêm cho câu nhịp đủ thì giờ đánh lên, giữ gìn hơi thở người hô. Tiếng nhịp tạo thành một âm thanh ngân mà gọn sắc, trổi lên trong đêm tịch mịch.

Hình như không có một quy luật nào để định nhịp phách trên các chữ, nhưng có một giới hạn nào đó trên âm thanh như trong một bản nhạc. Bởi vì, thường cứ 2 chữ người ta gõ một nhịp, nhưng nếu phải 3, 4 chữ thì người ta hô mau hơn để thúc lại, và một chữ thì kéo dài hơi ra.

Dương Lễ xưa / kết bạn / (với) Lưu Bình/,
Ưu đồng / cộng lạc / tử sinh / một lòng /.
Dương Lễ / chiếm đặng / bảng rồng /,
Ra làm / quan trước / chạnh lòng / cố / tri
Lưu Bình / đương lúc / hàn vi /,

Đề tài như ta đã nói ở trên, là những câu chuyện thời sự địa phương, thời sự nước nhà, thế giới, hay đề tài cổ điển… Tất nhiên, các tác giả vô danh đó cũng đem lại không khí thương cảm đối với người đàn bà bạc mệnh, chút hào hùng của tên cướp, cũng tỏ lộ mối băn khoăn bất lực trước đổi thay, biến động… So sánh với những bản văn khác của các đề tài cổ điển, ta thấy thoáng một chút khác biệt về nhân sinh quan. Hãy xem trong bản văn hát chèo, Dương Lễ đỉnh đạc, quyết đoán bao nhiêu thì Châu Long khép nép ngoan ngoãn đối với chồng, dè dặt, thận trọng đối mình bấy nhiêu :

DƯƠNG LỄ :… Nàng phải đi nuôi bạn thay anh ; công đức ấy xem bằng non Thái.

CHÂU LONG : Dạ dám thưa : chàng dạy đi dặm liễu đường cù, thiếp chẳng quản công phu khó nhọc. Vâng lời chàng đi nuôi bạn học ; đi làm sao, về lại làm sao ? Sợ lòng chàng quân tử trí cao, dạ như bể, dò sao cho xiết ?[4]

Còn các nhân vật bài chòi tuy vẫn ép mình trong khuôn khổ, nhưng tình cảm có chiều hướng vượt ra, hành động không che dấu được tính tình phóng khoáng, ý muốn cởi bỏ ràng buộc :

Ra về nghĩ tới khóc than :
“– Không ai thay mặt (để) nuôi chàng một khi”.
Châu Long nghe nói vân vi :
“– Lạy xin phu tướng cho (em) đi nuôi chàng.
Cuối đầu em lạy phu lang,
Đem vàng tới đó nuôi chàng hiển vinh”.

Nhưng một sinh hoạt được ưa thích như vậy tất có lúc phải rời bỏ tình trạng lẻ tẻ để tập họp lại thành những tổ chức lớn lao hơn. Bên cạnh hát bội và cải lương, bài chòi cũng lập thành ban, có bầu bì, đào kép, bài bản hẳn hòi. Ban “Thằng Sính[5] ở An Thái, trước khi hát, cũng phải làm gà vịt, đốt vàng bạc cúng tổ. Những tay hát bài chòi cũ, bây giờ mỗi khi nhắc lại, còn hãnh diện khoe rằng trước 1945, các ban “Bình định mình” vô “miệt trong” (Khánh, Thuận) hát hò rất được nhiều người coi, một ngày một đêm có thể được “công đứt” (bao giàn) từ 20-22$ (độ 20.000$ bây giờ).

Sự phát triển đó có lẽ là do khích động của hát bội. Ta biết xứ Bình định nhờ truyền thống Đào Duy Từ, Đào Tấn nên vẫn là một trung tâm của loại kịch nghệ cổ điển này. Giả thuyết dựa trên căn cứ Bài chòi luôn luôn đứng ở thế phụ thuộc đối với Hát bội : ông Tổ Bài chòi lấy ở Hát bội, có lối hát gọi là Hát Thứ Lễ trong đó bài chòi được trình diễn phụ vào hát Bội.

Nhưng nhận xét đó không làm ta lầm lạc về tình trạng kém phồn thịnh của các ban bài chòi ở sinh hoạt kịch nghệ địa phương. Hát bội là một thứ sinh hoạt văn nghệ cao cấp, của trưởng giả, được vua quan ưa thích nên văn từ hoa mỹ, tình ý thiết tha, diễn xuất tinh vi, tế nhị, khiến cho dân chúng ùa nhau đi coi rồi trút lên đầu mọi tội lỗi, cho

Hát bội làm tội người ta,
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con.

Các ban bài chòi dản dị hơn về tổ chức, nông cạn hơn về trình độ văn chương của các bài bản, nhưng cũng hấp dẫn dân chúng lắm. Trong lối hát Án (hát ở đình hay là hát ở các đám cúng vái), nó cũng thường thay thế hát bội. Các đám hát cúng đình không có gì đáng nói vì nó ghép với một sinh hoạt có thể coi như là “chính thức” của làng xã, đã được nhiều người xét đến. Trò chơi bài chòi mang hình thức thế tục như đã phân tích ở trên.

Riêng trong địa vị ở các đám cúng vái bài chòi mang một hình thức quan trọng hơn nhiều. Đám cúng vái được tổ chức lúc người ta thực hiện được một cuộc hẹn ước với thần thánh, ông bà, được tai qua nạn khỏi, đạt đến một ước ao… vì thế ta mới thấy có chữ hát Án, mang một ý nghĩa phán xét, trang nghiêm.

Nhưng với mức sống thấp kém mà bổng chốc hạ vài con heo, vật con bò, cho làng xóm “chúng” ăn, thật là uổng phí, và ít ai đài thọ nổi. Người được mời cũng chẳng muốn ăn không, nên phải đến dự với con cá, mớ trứng… và nhất là tiền. Thành thử, trong ý nghĩa kinh tế, sinh hoạt đó mang tính cách cho vay rõ rệt. Bởi vì, người tổ chức đám cúng, nhờ nơi tiền “đi đám” sẽ thu lại được một số vốn, và lại là con nợ của khách. Sau này, khi người khách đến ăn tổ chức đám tiệc, thì người chủ hôm nay phải đem tiền đi đám lại, với giá cao hơn giá đã nhận. Cái vòng cho vay lẩn quẩn đó giúp người thôn quê tổ chức được đám tiệc : dựng vợ gả chồng cho con cái, tang ma, làm chay… Thậm chí, có kẻ muốn vừa được một số tiền mặt, vừa trả nợ miệng và lấy uy tín với xóm làng (nhà ông X làm đám), nên cũng vật heo ra làm đám. Đó là tiền thân của lối tổ chức hụi (huê, họ). Bên cạnh khía cạnh nghi lễ, hội hè, ta thấy một “đám” có vẻ như là một thứ potlatch[6]trong những điều kiện địa phương.

Lối ca bài chòi ăn sâu vào sinh hoạt dân chúng như vậy không trách những nhà chính trị khôn ngoan, tìm cách nâng đỡ làm một khí cụ tuyên truyền. Còn nhớ khoảng tháng 9-1954, một đêm tối trời, chúng tôi nằm trên nhà trạm của Ty Công An Tỉnh ở Phù Mỹ, lắng nghe một người đàn bà hô bài chòi kể rõ trận đánh An khê với sự tan rã của Chiến đoàn Lưu động I00, cũng những tình tiết của Hội nghị Genève.. Đêm vắng lặng sau những ngày đình chiến lại càng có vẻ mông mênh hơn mà tiếng ca của người đàn bà quyện với tiếng xào xạc của lá dừa, lẩn khuất theo với bóng mờ của cây cối, dạng người, dưới ánh sao, khích động hoàn cảnh riêng, tạo ra một nỗi nhớ tiếc, chán ngán, như báo hiệu một thứ thanh bình mỏng manh và như tuyệt vọng với một thời an lạc không có lại được nữa. Xúc cảm có vẻ như lệch lạc, nhưng… chút kinh nghiệm riêng tư đó, có thể làm bước đầu hiểu hiệu quả của bài chòi đối với những người khác cùng xứ.

Cho nên thừa hưởng đường lối cũ, những người chống đối đặt ra những bài chòi tố cộng :

Thuế gì thuế đánh ngọn cây ;
Xâu gì xâu lại bỏ thây trên rừng ?

(Thuế nông nghiệp và Dân công)

Đá ong đập nhỏ bắt quỳ,
Tay đánh miệng chửi, bố vi bao vòng.

(Đấu tố)

Những năm tạm yên 1955-1959, trò chơi bài chòi xuất hiện lại ở các phố chợ nhỏ trong vùng. Nhưng ý nghĩa bài bạc lấn lướt ý nghĩa giải trí, cho nên người ta lấy số thay vào tên con bài để cho mau kết thúc. Thế rồi lô tô tổ chức với số đông con bạc tham dự nên lại lấn lướt bài chòi và phố phường ngày Tết đầy giọng ê a của lối mãi võ bán thuốc : “Cái con gì ra… là con ba mươi chín.. cái con gì ra…”

Chiến tranh lại tràn lan. Chỉ có tiếng khóc than đứt quãng với tiếng bom rơi, đạn réo thôi. Ngoài ra không còn gì nữa cả.

Phụ lục I

I-CÔ THÔNG TẰM

Cảm thương cho thím Thông tằm
Chồng đau bệnh trượng xuống nằm nhà thương.
Vợ chồng là nghĩa cang thường,
Lên xe tôi xuống nhà thương thăm chồng.
Con thơ có mẹ ẳm bồng,
Lên xe tôi xuống thăm chồng thế nao.
Vợ chồng là nghĩa tương giao.
Tôi mới bước vào thấy mặt chồng tôi.
Hai hàng nước mắt sụt sùi,
Xin anh ở lại em lui về nhà.
Kẻo mà con dại khóc la,
Nửa đêm giờ tý canh ba lỡ đàng.
Hay đâu mưu mẹo nó toan,
Hiềm mai (?) nó giết, nó trang (?) lột đồ.
Không ai cho tiếng tri hô,
Một mình vắng vẻ lột đồ lạnh tanh.
Cúi đầu lạy hết các anh,
Để cho cải tử hườn sanh trọn đời…
Giậm chân xuống đất kêu trời,
Trời đâu không thấy hồn dời âm bang.
Giết rồi lại bỏ suối vàng[8],
Vớt lên cấp táng tại làng Phong niên[9]
.
Cô Thông thiệt đứng gái hiền,
Nửa đêm hiện hồn lên tỉnh kêu cùng Cụ[10] hay.
Cụ tư suống Sứ ngày mai,
Sức Phong niên hương chức, hào mục quật rày lên coi.
Thầy Thông xem thấy hẳn hòi,
Thoa dầu đánh dấm vô coi rõ ràng.
Trong tay còn chiếc nhẩn vàng,
Thầy Thông thấy vậy hai hàng lụy rơi,
Giậm chân xuống đất kêu trời,
Trời đâu không thấy hồn dời âm gian[11].
Hai tay vuốt mặt cho nàng,
Em an phần mộ anh toan lên chùa[12].

2–DƯ ĐÀNH      

Huyện Bình Khê có đảng Dư Đành,
Ăn trộm ; ăn cướp nó thành lung hoang.
(Cho nên) trát sức về tỉnh, tỉnh sức phủ quan.
Lính tập, lình giản (?), dân làng đều canh.
Kể từ ngày tróc nã Dư Đành,
Xem trong gian đảng đã xong một bề.
Danh Hựu bắt tại Bình khê,
Trong nhà Bác Ngự đem về tống lao.
Đông giêng bắt đặng Danh Cao,
Dư Đành, Danh Nhĩ phá bao trật hoài.
Ngờ may lại xuống (hang đá) Phủ Tài,
Chú đạo (?), Thầy xã làm vài mươi dân.
Đuốc, dây, dáo, rựa rần rần,
Bắt đặng Danh Phỉ mười phần chắc tay.
Dư Đành còn ngủ chưa hay,
Kiền kiền bảy thước cán ngay yết hầu.
Dư Đành sức mạnh quá trâu,
Giựt mình vùng vậy, súng đâu bắn vào.
Dư Đành biết liệu làm sao,
Bó tay chịu tội lẽ nào nhờ quan (?).
Anh hùng chớ nệ than van,
Lâm cơn nước bí biết toan ngã nào[13].

3–NHỰT VỚI TÂY

Kể từ tàu Nhựt xuất chinh,
Đông dương lại lấy, nhựt trình (nó) đăng qua.
Còn hăm lấy nước lang sa,
Có không chưa thấy, ai mà cũng thất kinh.
Đương khi không nói chuyện thình lình,
Nói rằng Nhựt bổn qua mình đánh Tây[14].
Nội trong 14 tháng đây (?),
Tờ tư sức cấm tỉnh nầy sạch trơn.
Từ Hải phòng cho chí Quy nhơn,
Canh tuần nghiêm ngặt tính hơn mấy ngày.
Thủ giữ canh gác tàu bay,
Truyền cấm xe máy, xe tay tắt đền.
Phố phường đóng cửa, gài then,
Trụ điện tháo bóng nhà đèn mở dây.
Nhà tranh cấm đốt đèn cầy,
Nhà ngói ở tối, lầu Tây ở thầm,
Đồn săng đá khoét hộc đào hầm,
Làm cho Nam Việt sợ thầm xiết bao.
Nhà quê đồ đạc bào hao,
Bạc tiền bỏ ống đem ra rào moi chôn.
Cũng nghe cái tiếng họ đồn,
Của tiền dự trữ để dồn mang theo.
Đó là ba cậu nhà nghèo,
Nhà giàu bán lúa, bán heo, bán bò.
Cơm khô trút đổ vô vò,
Của đem ra gò moi dập, lo dông.
Ở đây ắt lẽ không xong,
Sợ Nhật nó tới vợ chồng còn chi.
Chi bằng kiếm ngõ trốn đi,
Chừng nào yên ổn mình thì hồi gia.
Kẻ thời sợ chết khóc la,
Của tiền đem gởi cửa nhà lo niêm.
Mướn xe cứ việc đi đêm,
Chừng nào nhà nước họ yên mình về.
Ở đây sợ nổi đêm khuya,
Nhật đem bom tới nó lia thình lình.
Sợ e thiệt hại thân mình,
Ắt là bỏ mạng gia-đình tanh hoanh.
Phần Lang sa sợ Nhật hùng anh,
Bắt lính khố đỏ khố xanh từng đàn.
Ra đi đạn xách súng mang,
Lên xe con khóc vợ than li bì.
“- Em ơi, phen này sanh tử kể chi,
Khuyên em ở lại anh đi lên đàng
”.
Lính săng đá phòng thủ Nha trang,

Khố đỏ ra hàng canh gác ngày đêm.
Bên Tây tính thế không êm,
Sức bắt lính mọi ra thêm đấu tài.
Làm Quy nhơn lính tráng hết ai,
Trại trong không có, đồn ngoài cũng không.
Kéo lính đi, cai đội rất đông,
Tây tà rút hết không ông nào còn.
Ra đi cũng sợ hao mòn,
Sợ bom bị tử, vợ con biết gì.
Làm Quy nhơn Nam việt[15] sầu bi,
Kẻ bỏ xuống biển người đi lên rừng.
Nhà quê than khóc tưng bừng,
Kẻ sợ mất lúa gạo, người (sợ) lưng bạc tiền.
Cùng năm[16] công chuyện không yên,
Làm cho nhà nước ưu phiền xiết bao.
Sợ Nhật qua không biết chạy ngõ nào,
Bắt từ tới chợ đào hào moi hang.
Trên tre dưới ván nghinh ngang,
Phòng tàu Nhựt tới [17] thả dang xuống ngồi.
Đó là khuất lấp thời thôi.
Trên tre dưới ván tô vôi bịt bùng.
Cực cho tội mấy ông tù,
Đào hầm khoét hộc công phu mệt mề.
Cùng năm công chuyện ê hề,
Chuyện gì không thấy, thấy nhà quê mang nghèo.

4–TAM HẠ NAM ĐƯỜNG (một đoạn)

LƯU KIM ĐÍNH (nối lối). – Sông Tả sang ký tích, Lưu Kim Đính ngã danh, niên kỷ vừa đôi tám xuân xanh, kinh luân đủ lục thao tam lược. Thuở trước thầy ta đã dặn :

(hô thai)

Thầy ta thánh mẫu Lê san,
Thầy cho đồ đệ nguồn cơn thăm nhà.
Mấy lời sư trưởng dặn ta,
Sông Tả sang tới đó tạc ra chiêu phu bài.
Trước thời lại gặp trúc mai,
Sau thời giải giá cứu ngài Triệu vương.
Bài phu tạc để một trương,
Giả đò kén khách qua đường mới xong.
Phải duyên ta bắt làm chồng,
Vái cùng nguyệt lão Tơ hồng xe dây.

CAO QUÂN BẢO – (hô thai)

Tống trào Cao Quân Bảo tài lành,
Nghe cha bị bắt chân thành trốn đi.
Thọ châu giải giá một khi,
Giải vây Đường quốc phen nì mới an.
Lên yên giục ngựa băng ngàn,
Quan san cách trở giữa đàng gặp mưa.
Cái duyên ngưng thủy trời đưa,
Ba sinh tiền định vừa ưa gầy tình.
Ai xui gặp gỡ thình lình,
Khiến Lưu kinh Đính đem tình nhớ thương.
Chiêu phu bài tạc để giữa đường,
Kén trai hào kiệt nam thanh đua tài.
Cao Quân Bảo đánh phá chiêu phu bài,
Sá chi thục nữ đua tài nam nhi,
Chữ rằng nữ tử vu quy,
Làm thân con gái vội chi kén chồng.
Ta đây tức giận trong lòng,
Pha tang bảng gái kén chồng coi chơi.

LƯU KIM ĐÍNH – (nói lối) Chận tướng phá bài phu, thiếp binh lai vấn tội. Người đi đâu phòng vội, đứng lại cho thiếp hỏi han (hô).
Cả kêu bớ gã đi đàng,
Tài tình chi đó dám phá tan bảng này.
Người đâu xiêu lạc tới đây,
Cha mẹ khá tỏ, tên họ rày khá phân.

Phụ lục II – Nói thơ miền Nam

Cũng cùng một lối hát dạo lẻ loi, ta thấy Miền nam có lối “nói thơ”. Chúng tôi trích dẫn sau đây những đoạn THƠ SÁU TRỌNG cũng đã nổi danh một thời.

Bản của nhà Phạm Văn Cường 1955 có ghi tên soạn giả Nguyễn bá Thời thuật một câu chuyện tỏ rõ mối khủng hoảng xã-hội Nam Việt, thời Pháp vừa đặt yên nền cai trị, có lẽ vào đầu thế kỷ. Đó là một loại chuyện Tư-Hồng-thất-bại của Miền nam, nép dưới dáng dấp hung hãn của một anh chồng đau khổ không có dịp để làm trai thời loạn một cách hào hùng thì cũng phải tuyệt vọng phản ứng lại trong những lối giải quyết riêng tư khiến nảy sinh một lối sống giang hồ mã thượng đặc-biệt còn lưu dấu cho người ta nể sợ một cách khinh khi. Hiện tượng du côn, anh chị ở Miền nam là con đẻ của chế độ ngoại trị, thoát sinh từ sự phẫn uất không đường hướng lý tưởng dẫn dắt của những cá nhân chịu thân phận bị bức hiếp dưới uy quyền của tiền bạc, thế lực ngoại nhân. Sáu Trọng là một nạn nhân của cái xã-hội đốn-mạt-hóa dân thuộc địa đó.

Sáu Trọng vào đời hiền lành, dễ thương :

Du nhàn thành thị sớm trưa,
Có chàng Sáu Trọng tuổi vừa mười lăm.
Bỏ đi tính đã mấy năm,
Nghĩ lại chạnh lòng thương cảnh nhớ quê.
Bấy lâu cách mặt ủ ê,
Nay mới trở về thăm viếng mẫu thân.

Cuộc tình duyên với Hai Đẩu ban đầu cũng thật là đầm ấm thiết tha.

Đẩu thề chứng có cao xanh,
Nguyện cùng thiên địa lấy anh trọn đời.

Thế nhưng khi dấn thân vào cuộc đời thành thị thì cuộc sống huy hoắc của xứ Bến thành buộc người chồng bỏ nghề bồi Tây làm bồi tàu và khiến người vợ ăn không ngồi rồi sanh lòng lang chạ. Sáu Trọng bỏ đi Châu đốc, còn Hai Đẩu đi theo con đường vạch sẵn của thân phận những kẻ làm chỗ yên nghỉ cho đám người đi tìm tiền bạc, danh vọng nơi viễn xứ. Từ đó, cách biệt thực rõ ràng giữ những kẻ gia nhập hàng ngũ thống trị và tên dân thuộc địa :

Ngày nay đặng chỗ hiển vinh,
Mắng rằng thằng Trọng dám nhìn tới ta.

Nỗi lòng thiết tha của người chồng chân thành, bạc phước dù có phân trần cho mấy nữa, làm sao cho người Chủ tỉnh Trà vinh mang cái kiêu ngạo của kẻ chiếm đoạt phải thông cảm để chịu trao lại vợ người một khi đã chiếm được nước người rồi ? Cả một hệ thống uy quyền được đặt ra đâu phải để bọn dân mất nước khinh khi được. Cho nên, Sáu Trọng có bị giải qua Biện lý cuộc rồi bỏ tù ba tháng về tội đập phá nhà Ký lục Be Be (?) thì cũng là chuyện dĩ nhiên. Chỉ có đáng thương là con người hiền lành chơn chất kia đã đổi tính theo chiều hướng tự hủy : nỗi phẫn uất phải có nơi tiết lộ, nếu không nhắm được vào đối tượng gây phản ứng thì cũng quay trở về phá phách bản thân hay những gì gần cận, gia-đình, tập thể bị áp bức chẳng hạn.

Cũng bởi nhạc gia chẳng ngay,
Cầm cân không vững mực ngay không gìn.
Muốn con năm bảy đời chồng,
Mà đem mà gả bạc phong cho nhiều.
Lấy hơi rể mới làm kiêu,
Âu ta tới đó đốt thiêu cửa nhà.

Bởi vậy, Hai Đẩu có thuê du côn giết Sáu Trọng để Sáu Trọng rốt lại đâm chết Hai Đẩu thì đó cũng chỉ là kết quả của phản ứng tự hủy trên giữa đám dân nô lệ không chống đối nổi cường quyền ngoại trị, quay trở về thanh toán lẫn nhau thôi.

Lúc này Hai Đẩu trên lầu,
Đuổi thằng Sáu Trọng mày hầu xuống thang.
Mấy thằng chó chết vô doan,
Tao không mắc nợ đòi can cớ nào.
Mầy không nhớ thuở tù lao,
Tao làm ba tháng ràng ràng mới đây.
Chớ nên lấp lửng tới rày,
Bồi tao lấy chổi đánh ngay trên đầu.
Thật chàng tích giận đã lâu,
Ngày nay nghe mắng xiết bao lửa hừng.
Nói rồi xách mắc lại gần,
Chém chơi một mác ngã lăn nằm dài.
Tiếp theo một mác ngang tai,
Thọc luôn một mác trúng ngay cửa đì.

Xã-hội được luật pháp bảo vệ không có luân lý thì đám người sống bên lề xã-hội phải giữ gìn một thứ luân lý riêng cho họ. Tay anh chị Năm Tỵ trọng nghĩa khí hơn bạc vàng, không chịu lãnh trăm bạc để giết Sáu Trọng ; đám dọn bàn góp nhóp tiền bạc nuôi tù Sáu Trọng.

Sáu Trọng nước mắt nhỏ se,
Ơn anh em bạn tôi đà đội ơn.
Dọn bàn nghe nói thiệt hơn,
Lấy năm đồng bạc cho em về tàu.
Sáu Trọng mặt ủ dàu dàu.
Ơn chư huynh đệ thuở nào mà khuây.
Dọn bàn mới nói lời nầy,
Làm ơn há dễ trông rày trả ơn.
Anh em tử tế thời hơn,
Cùng nhau huynh đệ keo sơn đời đời.

Một khuôn mẫu anh hùng cá nhân được đề cao.
Trọng rằng : Chẳng phải thất phu,
Dẫu lâm chi tử lao tù sá bao.

Cho nên trước giờ lên máy chém, Sáu Trọng vẫn giữ được bình tĩnh

… Từ giã cố tri,
Anh em ở lại vĩnh vi trọn bề.
Anh hùng sống ở thác về,
Nên hư cũng tiếng theo lề lối xưa.

Lời thơ của toàn tập thực là thô kệch, nhưng khi đám trưởng giả bản xứ, kẻ đầu hàng đi ca tụng vinh quang của mẫu quốc, người chống đối nhưng ngập chìm trong mớ phương tiện hưởng thụ ít oi được vứt cho, thì tiếng nói vụng về kia đã giải bày được với tất cả chân thành thực tại bi đát của con đường dân-tộc hủy diệt. Phương cách truyền bá lại thực cũng thô sơ, nhưng do đó mà được đưa vào chiều sâu của xứ sở, khiến tác phẩm có một giá trị vượt thường. Nói thơ, bài chòi chắc sẽ không trở lại dưới tiếng bom đạn cùng sức quyến rũ của các phương tiện truyền thanh truyền hình nhưng cũng đã làm tròn nhiệm vụ văn hóa của mình, nên hẳn có quyền yên nghỉ.

7-1962

2-1966


[1] Esquisse d’une étude de l’habitation annamile (de l’Annam Septentrional et Central du Thanh hóa à Bình định), Paris, Edition d’Art et d’Histoire, 1936.

[2] P. HUARD và M. DURAND, Connaissance du Viêtnam, E. F. E. O, Hà nội 1954, 244, 246.

[3] Xem phụ lục.

[4] NGUYỄN THÚC KHIÊM, Khảo về hát tuồng và hát chèo, Nam Phong tập XXV, số 144, 465.

[5] Bằng chứng của quan niệm “Xướng ca vô loại”.

[6] G.DAVY, La Foi Jurée, Etude Sociologique du Problème du Contrat, F. Alcan, 1922. Nhất là trong các định nghĩa của Boas, trang 154, L. 58, của Frazer 159, bài điểm của M. MAUSS 166, 167 ; trang 162 có cho biết Potlatch là từ ngữ chinook tương đương với chữ “cho”, “tặng vật”.

[7]Thông tằm là một viên Thông-sự (Thư ký) của sở nuôi tằm ở tỉnh thành Bình Định, tên là Trần-ngọc-Dư. Ông Dư đau, nằm bệnh-viện Qui-nhơn, bà vợ xuống Qui-nhơn thăm chồng rồi đi xe kéo từ Qui-nhơn về Bình-định, dọc đường (đến cầu Bà Di) thì bị cướp đồng mưu với tên kéo xe, giết bà để đoại nữ trang của bà, rồi chôn xác bà ở một nơi thuộc làng Phong-niên “xuống” Qui-nhơn (a), trên quốc lộ số I, qua tháp Bà Di (Thị Thiện của Đại Nam Nhất Thống Chí, Tour d’argent của người Pháp) độ vài trăm thước thì đến một cầu nhỏ bắt qua một lạch nước nhỏ là nơi xảy ra thảm kịch cướp bóc. Chuyện dản dị đã được tường thuật đầy đủ trong bài vè với một chút nghệ thuật gây khích động bằng tình tiết ly kỳ (hồn cô Thông báo mộng), bằng ngôn ngữ trực tiếp đưa ra những hình ảnh linh động, diễn tả hết nỗi thương tâm đã khiến cho người ta phải đặt tên cho địa điểm xảy ra án mạng là Cầu Thông Tằm.

(a) BÙI VĂN LĂNG, Địa dư nông học tỉnh Bình-Định, in lần 4, Hanoi, Trung Bắc Tân văn, 1938, 18.

[8] Một lối chơi chữ vụng về : tên phu xe kéo cùng đồng bọn sau khi giết người đã dấu xác dưới chân cầu, bên bờ con lạch.

[9] Tên làng ở địa điểm xảy ra án mạng

[10] Viên Tổng-đốc Bình-Phú bấy giờ là ông Nguyễn-đình-Hiến. Có người nói rằng Tổng-đốc Nguyễn-đình-Hiến được bà Dư báo mộng cho biết là bà bị cướp giết và chôn ở Phong-niên ; viên Tổng-đốc liền sức làng ấy tìm và quật lên khám. Nhờ đó, vụ án được phát giác.

[11] Người chồng đau khổ ngất đi.

[12] Người chồng đi tu. Đây chỉ là thêm tình tiết cho đậm nỗi thủy chung của tình chồng vợ.

[13] Câu kết tỏ lộ một chút tiếc thương đồng tình đối với kẻ sống ngoài vòng cương tỏa. Không lấy làm lạ rằng ở địa phương còn truyền tụng câu truyện Dư Đành đói quá ra đón đường một người đàn bà đi chợ sớm, ăn cả gánh than của người này ; khi bị Tây bắt đày đi Phi châu (Côn đảo ?), nhân dịp tàu ghé Nhật, bèn nhảy ùm xuống bể bơi trốn về (xem thêm phụ lục II).

[14] Điều này chứng tỏ rằng những lời tuyên truyền của Nhật và những đảng phái thân Nhật đã có kết quả và dân chúng cũng không dấu ý tưởng chống Pháp.

[15] Người Việt.

[16] Suốt năm.

[17] Tàu bay.

Đánh giá
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Văn hóa Việt Nam

Bài viết trong chuyên trang này được sưu tầm từ các nguồn uy tín và hay để chia sẻ với mọi người, vì văn hóa Việt Nam là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT

Bài viết có hữu ích cho bạn?

Support trang bằng cách kích quảng cáo bên dưới. Mỗi lượt kích Lightway nhận được 300đ

Trang bạn đang xem có đặt quảng cáo của Google. Ủng hộ ad vài giọt cà phê bằng cách kích vào quảng cáo bất kỳ nhé!