Lễ Tết Nguyên Đán Chol Chnam Thmay của đồng bào Miên (Khmer)

Chol Chnam Thmay
Chol Chnam Thmay
12 views
5 phút đọc
Nội dung

CHÂU GIANG TỬ

NÓI đến xứ Chùa Tháp, người ta liền hình dung đến kỳ quan Đế Thiên Đế Thích, Biển Hồ, “Cầu Saigon” …, hay những đền tháp, chùa chiềng (Wach) với kỹ thuật kiến trúc rập khuôn mang một sắc thái trầm lặng cơ hồ như phảng phất những gì huyền ảo… Người ta cũng không quên trong những ngày xa xưa, xuôi thuyền dọc theo bờ sông Cửu Long, dưới tàn cây “thốt lốt”, hàng cây dừa cao nghệu rũ bóng xuống mặt nước phẳng lờ và càng thấm thía hơn nữa qua giai thoại bình dân được phổ cập trong câu hát tâm tình mà ít người miền Nam nào không thuộc lòng :

Nam Vang đi dễ khó về,
Trai đi có vợ, gái mà có con…”

Người Miên nhìn chung đều mang sắc thái bình dị, có lẽ ảnh hưởng nơi tập tục tôn giáo mà phần đông đều theo Phật phái Tiểu Thừa. Ngôi chùa nổi tiếng tại kinh đô Chùa Tháp gọi tên là “PA LOUN” (theo âm Việt) vẫn được du khách nhắc nhở đến… Cũng như những hình ảnh đặc biệt của những chiếc áo cà sa vàng chói của sư sãi và trang phục cổ truyền đồng bào Miên mặc trong các ngày lễ tôn giáo. Hình ảnh nói trên chúng ta có thể nhìn thấy tại miền Nam nước nhà khi đóng vai trò du khách và lần lượt ta ghé thăm các tỉnh vùng hạ lưu sông Cửu Long như Vĩnh Bình (Trà Vinh), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Châu Đốc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá v.v… qua các tập thể Việt gốc Miên mà sinh hoạt của cộng đồng vẫn giữ nề nếp cổ truyền và sắc thái cá biệt thường do các vị Đại Đức “Mekon hay Amoukou” lãnh đạo tinh thần.

Do đó, đồng bào rất chú trọng đến các ngày lễ tôn giáo thường được ấn định rõ ràng trong Miên lịch hằng năm – Ngày các lễ nhỏ tại gia, có những lễ lớn tổ chức trọng thể tại Chùa thí dụ như các lễ :

  • Visak Bôchéa (rằm tháng 4)
  • Chôl Wasa (lễ cấm phòng sư sãi)
  • Phchum Bânh hay Đôn Ta (cúng ông bà)
  • Ork Ombok
  • He Ka Thinh
  • He Fka… v.v…

Và nhất là lễ Tết Nguyên đán được gọi là: “Chol Chnam Thmay” mà hằng năm đồng bào đều tổ chức rất linh đình, tận hưởng suốt 3 ngày trường.

Văn hóa Việt Nam:
Lễ Tết của người Quảng Đông tại Trung Hoa và Việt Nam
Cổ nhân và các tục lệ về ngày xuân
Tìm hiểu về Bài Chòi ở Bình Định
Tục thưởng xuân của đồng bào Chàm Hồi giáo miền Trung và miền Tây

Ăn tết tháng Ba

Quen với khí tiết mùa xuân, tiễn đưa năm cũ, tiếp đón năm mới và tận hưởng mấy ngày Tết đầu tháng giêng, chúng ta có thể ngạc nhiên với sự kiện trái ngược nêu trên. Sự thật như trên đã nói, chịu ảnh hưởng của đạo Phật tiểu thừa, Miên lịch căn cứ nơi sự kiện tuổi của Đức Phật lúc sanh tiền và cũng là một cách để kính cẩn nhắc nhở công đức của Đức Phật, vì trong thâm tâm mọi người đều quan niệm ngày này chính là ngày “CHỊU TUỔI” của tất cả mọi tín hữu. Vì thế ngày Tết còn được gọi giản dị là ngày lễ chịu tuổi. Phật lịch Miên ấn định sẵn ngày giờ vào Tết (thí dụ như năm 1966 tức Phật lịch 2.509, ngày Tết sẽ nhằm đêm 13/4/1966 tức là 23/3 Âm lịch Bính Ngọ. Theo tập tục, người ta kể trong tháng nầy : từ mùng một đến rằm là “KƠTT” và từ 16 về sau là “RÔCH”. Và đêm 13 rạng 14, tức là 8 rạng 9 RÔCH vào lúc 21g45 là giờ vào Tết, và cứ tận hưởng suốt thời gian 3 ngày tròn. Trong dịp nầy nếu tại xứ Chùa Tháp tưng bừng tở mở thì đồng bào Việt gốc Miên của chúng ta bao giờ tổ chức cũng linh đình và trọn vẹn tận hưởng.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Đã có lịch minh định sẵn và tuần tự theo thời gian, kế tiếp nhau các lễ lộc trước đã được cử hành, nên lễ tết chịu tuổi như được báo trước cho mọi gia đình nhờ đó, người ta bắt đầu chuẩn bị sớm. Lẽ tất nhiên trước nhất là chùa chiền, nhà cửa. Người ta lo quét tước, phát quang cỏ rác sạch sẽ tứ phía, lau chùi mọi nơi nhất là các nơi thờ phượng có tính cách tôn kính thường được các cấp chức sắc chăm sóc tỉ mỉ để tỏ lòng tôn kính. Nhìn chung là cả một sự lột xác vì toàn thể đã có vẻ đẹp và mới mẻ rực rỡ.

Nhà nhà ai cũng không quên lo chuẩn bị làm bánh trái thường dùng như bánh ích, bánh tét, bánh phòng. Cũng cần nên chú ý là người ta phải lo sẵn hai thứ bánh trái, hoa quả vì một để kính dâng các sư sãi theo lễ tục và một để ăn uống tại nhà, đãi đằng bà con, thân thuộc, và cả người bạn gia đình lân cận. Các người đàn ông thì lo tìm củi khô để xử dụng trong mấy ngày nầy. Mặt khác các bà mẹ cũng còn phải lo may sắm cho chính mình, con cháu trang phục mới như áo cổ đứng, có bâu, nút thắc chỉ màu cho các bậc phụ lão, các loại “Co ma” đặc biệt, cũng như các loại “chăn hum” (Sampot) quí giá – Nói tóm, là suốt năm làm lụng, buôn bán tảo tần để dành chi dụng cho ba ngày tết chịu tuổi.

Ngày chính lễ tưng bừng

Bắt đầu từ ngày vào Tết tức là ngày đầu Tết, cũng là ngày chánh, toàn thể tín hữu đều áo chăn tha thướt màu mè sặc sỡ, tay bâng quả bánh trái, hoa quả lũ lượt đến chùa. Dĩ nhiên nơi nầy phủ màu trang nghiêm, khói hương nghi ngút vì dù đông nhưng mọi người kính cẩn trang lặng tuyệt đối. Thường thì các vị sư cả chủ lễ. Đồng bào trước nhất mang hoa quả và nước hoa đến làm lễ “tắm Phật”. Tuần tự ai đến trước làm trước, có khi từng cá nhân, từng gia đình hoặc cũng có thể hợp lại cùng làm lễ một lúc.

Hồi kinh ngân nga thánh thót chúc mừng Đức Phật, đồng bào lũ lượt tiếp tục lễ Phật và trai tăng… và cứ như thế kéo dài suốt buổi sáng.

Qua buổi chiều dành cho việc thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau, hội hàng đình đám hả hê vui vẻ. Do đó các cuộc vui chơi được tổ chức rình rang. Có khi phân biệt từng khu vực, xóm làng đối diện nhau mời qua lại, ăn thua được cuộc bằng tiền bạc, đồ vật hay bò, hoặc xe bò… qua các cuộc bắn chàm, kéo dây, thẩy boule v.v… cũng có người thần đỏ hả hê vui, cũng có người vận đen ủ rũ sạch túi…

Đặc biệt là việc tổ chức vũ “Lâm Thon”. Nhà khá giả bỏ tiền ra thuê nguyên một ban về diễn tại chùa hay khu vực của mình, nếu không thì mò tới xem tại nhà hát… Cũng có thể người ta tổ chức nhảy “Lâm Thon” tại đám tiệc mà tiếng nhạc ngũ âm khi tấu lên nghe dập dình kích thích thực khách một cách say cuồng. Người người mời lẫn nhau, tự do ấm cúng xoay quanh như trên piste vũ trường dưới ánh đèn huyền ảo. Các cuộc vui như thế thường được kéo dài đến suốt đêm… Và ngay cả bạn hữu người Việt lân cận hay quen biết thường đều được mời tham dự một cách thân mật và thoải mái, mà có lẽ nếu đã có một dịp thưởng thức, chung vui, thì thật khó mà quên được…

Và cứ như thế mà kéo dài cuộc lễ và trò vui cho đến ngày thứ 3 mới chấm dứt. Công cuộc xuất hành làm ăn lại tuần hoàn trong cương vị cũ. Nhưng có khác là mỗi người đều biết là mình đã tiếp nhận thêm tuổi, nhờ đó mà già dặn hơn lên, để dễ dàng thành công trọn vẹn hơn trong các nghiệp vụ.

Mọi người nắm lấy vận may trong niềm tin yêu đó để rồi bắt tay vào việc, hướng trọn về một cái lễ tết : “CHÔL CHNĂM THMÂY” khác ở sang năm…

Mùa xuân Bính Ngọ 67.

(Trọn vẹn mừng Chế Tâm)

XI I 1967

CHÂU GIANG TỬ

5/5 - (3 votes)
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Văn hóa Việt Nam

Bài viết trong chuyên trang này được sưu tầm từ các nguồn uy tín và hay để chia sẻ với mọi người, vì văn hóa Việt Nam là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT

Bài viết có hữu ích cho bạn?

Support trang bằng cách kích quảng cáo bên dưới. Mỗi lượt kích Lightway nhận được 300đ

Trang bạn đang xem có đặt quảng cáo của Google. Ủng hộ ad vài giọt cà phê bằng cách kích vào quảng cáo bất kỳ nhé!