Tục thưởng xuân của đồng bào Chàm Hồi giáo miền Trung và miền Tây

dong bao cham hoi giao
13 views
9 phút đọc
Nội dung

DOROHIEM

NHƯ chúng ta đã biết, tại nước nhà hiện có một số đồng bào Chàm sinh sống. Một phần lớn tại miền Trung (các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận), một số khác định cư tại Tỉnh Tây Ninh, Tỉnh Châu Đốc (Nam Phần) và một số đáng kể lập nghiệp tại Saigon.

Tại miền Trung, trải qua những giai đoạn thăng trầm của thời cuộc, đồng bào Chàm Hồi Giáo (tục gọi là người Ba Ni) sống trong những thôn ấp riêng biệt, có những vòng rào kiên cố, hòa đồng với sắc thái huyền bí địa phương (như tôn thờ các đền tháp) nên việc hành đạo đã có phần lệch lạc đối với Hồi Giáo chính thống[1]. Trái lại, đồng bào Chàm Hồi Giáo Nam Phần từ lâu nay đã có sẵn một hệ thống tổ chức thôn ấp hoàn mỹ dựa vào Hồi Giáo luật nên đã sẵn có một số phương tiện vật chất lẫn tinh thần cá biệt, với những vị lãnh đạo nguyên trước kia được đào tạo tại MÃ LAI Á hay Thành địa MECCA (Arabie Séoudite) nên sinh hoạt tôn giáo ở đây có liên hệ thường xuyên với các Trung tâm Hồi giáo thế giới, qua trung gian của những người hàng năm xuất ngoại hành hương Thánh địa MECCA.

Do đó đồng bào Chàm Hồi giáo đã xử dụng niên lịch Hồi giáo và hàng năm trong sinh hoạt của cộng đồng vẫn có năm tàn canh lụn, cũng có mùa xuân ngày Tết, vẫn tống cựu nghinh tân… mà đồng bào gọi là “harei Roya” (có nghĩa là giáp năm).

I–Một vài chi tiết về niên lịch Hồi giáo

Trong nhiều trường hợp người ta hay gọi là tắt là “Hồi lịch” cho nên dễ gây nên ngộ nhận là quyển lịch của Hồi Quốc (Quốc gia Pakistan). Sự thật gọi là lịch Hồi giáo (muslim calendar) vì các Quốc gia Hồi giáo thế giới đều xử dụng đồng nhất. Nó cũng không có nghĩa chỉ một loại lịch mà tất cả các nơi đều nhập cảng và xử dụng, thật ra là căn cứ nơi một xuất xứ duy nhất gọi là “PHA LẤT” (tài liệu căn bản tính thời gian, ngày tháng) do Trung tâm Hồi giáo thế giới (Wor’d Muslim Congress) lập ra và các vị TUAN vốn du học tại nơi này đã có một trình độ hiểu biết về giáo lý uyên thâm sẽ soạn lại thành niên lịch.

Tại Việt Nam, hàng năm Văn phòng Hiệp Hội Chàm Hồi giáo (Saigon) đều có ấn hành để phân phối trong tập thể, và công việc nghiên cứu thực hiện này do Tuan Haji SAHAT đảm trách.

Có sự trùng hợp với mùa trăng, nên lịch Hồi giáo được xem như lấy tuần trăng làm đơn vị căn bản. Và trên toàn thể, cứ tháng 29, rồi đến tháng 30, luân chuyển mà không có nhuần. Do đó có những năm, lịch Hồi giáo chỉ xê xích ngày tháng với dương lịch và âm lịch đôi chút mà thôi. Cũng nên nhắc ở đây, lịch Hồi giáo có ghi cả ngày tháng dương lịch nữa. Đó là một cố gắng đáng kể nhằm giúp đỡ cho tín hữu mọi sự dễ dàng trong sự giao tiếp hàng ngày với đồng bào Kinh.

Các ngày Thánh lễ Hồi giáo (đồng loạt với các quốc gia Hồi giáo thế giới) đều có ghi rõ trong lịch, đấy là phương tiện duy nhất giúp cho cá nhân vì sinh kế rời khỏi thôn ấp của cộng đông nhớ đến giáo điều và tập tục ràng buộc để thực hành nghĩa vụ. Vì thế người ta không ngạc nhiên về những trường hợp đồng loạt cử hành giáo lễ của tín đồ Chàm Hồi giáo ở nơi nơi, thí dụ như lễ nhập chay Ramadan, Nispu, Arwaoh, Moulod (sinh nhật thánh tổ Muhammad)… mà ngay một cá nhân đơn lẻ cũng ít khi bỏ quên, dù đang sinh sống bất cứ nơi nào.

Về ngày có thể so sánh với dương lịch như sau:

  • Harei Đid: Chủ nhật,
  • Harei Sôm: thứ hai,
  • Harei Ngà: thứ ba,
  • Harei Buđ: thứ tư,
  • Harei djip: thứ năm,
  • Harei Sud: thứ sáu,
  • Harei chag: thứ bảy.

Về tháng có những danh xưng và ý nghĩa riêng:

Theo thứ tự, khởi đầu từ tháng giêng, như sau: Mubar rom, Sgo phar, Ro bin ul wăl, Ro bi ul A khir, Jăm đui Awăl, Jăm đui A khir, Ro jăp, Saa ban, Ramadan, Săk wăl, Zul co y dha, Zul Had jah.

Trong tuần lễ, ngày thứ sáu còn gọi là “Zăm ah” là ngày Thánh lễ (tựa như ngày chủ nhật đối với Gia tô giáo). Tại các Thánh Đường Hồi giáo (Madjis) đều có tổ chức lễ cầu nguyện long trọng quy tụ hầu hết tín đồ của tập thể thôn ấp. Cũng do đó ngày này đã trở nên ngày không “lành” đối với cuộc khởi công làm ăn, vì lẽ dễ hiểu là cá nhân đó vì công việc mà đã bỏ dỡ buổi Thánh lễ, trái nghĩa vụ mà ít cá nhân tín đồ nào dám vi phạm.

Cũng trong quan niệm trên, mọi sự xuất hành làm ăn còn được khuyến cáo tránh trùng hợp vào những ngày thứ tư cuối tháng (harei Buđ a khir pou làn) tựa như là mùng 5, 14, 23 của âm lịch được xem như ngày “hỏa”. Theo Đại giảng luận (KITAB) đó là ngày nấu loại chì trừng phạt những kẻ ít chịu làm lành tránh dữ của Thượng đế (Allah), có nghĩa là tai họa sẽ rơi xuống mà người đời không thể biết được ngày nào và sẽ nhắm vào ai.

Văn hóa Việt Nam:
Lễ Tiến Xuân – Nghênh Xuân dưới triều Nguyễn
Các nghi lễ hoàng gia của triều đình nhà Nguyễn
Giai thoại về câu đối Tết của người Việt xưa

2–Những nghi thức nghinh tiếp “Harei Roya”

Như trên đã nói, Roya có nghĩa là giáp một năm, nên đúng ra phải nói là lễ giáp năm. Nhưng cũng chính ngày này, tại MECCA hàng triệu tín hữu Hồi giáo tứ phương đến hành hương Thánh địa bắt đầu cùng thực hiện các lễ tục để rồi sau đó hồi hương được mang tước vị “HADJI” nên nó còn là ngày trọng đại mà cá nhân nào cũng ao ước, do đó ngày lễ giáp năm còn gọi là “harei Roya Hadji”.

A. Công cuộc chuẩn bị “Tà Tuồn Thun Pà Hầu”

Do niên lịch đặc biệt trong nhà mà mọi người đều biết ngày đi tháng về, và chuẩn bị kỹ càng mọi sự việc, ngay cả công ăn việc làm để nghinh tân tống cựu. Thường thì những cá nhân rời quê vì sinh kế nếu sắp xếp tiện đều trở về lần lượt ngay từ tháng chay Ramadan (khoảng tháng I0 hồi lịch) để không chỉ chuẩn bị riêng tư gia mà là cùng tập trung nhân lực và tài lực vào công tác trang hoàng, chuẩn bị cho ngôi Thánh đường chánh của tập thể (madjis). Riêng về thanh niên, trẻ con thì đảm trách công tác tập thể: phát quang vườn tược, đường lộ chính hướng về Thánh đường và hồ nước thiêng (CULLAH) dành cho việc nước “sămbahyăng” ngày chính lễ.

Công tác chuẩn bị này được chính thức soát xét lại đúng vào thứ hai mươi bảy tháng chạp (màlăm đoa pa lu đa chuh) cuối năm, chính đêm nay trẻ con sẽ làm lễ “chạy đèn” suốt từ đầu làng đến cuối làng với những điệu hát tiễn chân gọi là “PO PƯ PEÁ PƯ” khoan nhặt từng hồi thật buồn bã. Riêng tại Thánh đường một lễ cầu nguyện được tổ chức linh đình nhằm tiễn chân năm cũ và xin Thượng đế ban cho một năm mới an lành, sung túc (Xem ma cư thun pa hầu). Kể từ ngày này, thường đã là những đêm không ngủ, và nhà nhà bắt đầu làm bánh trái dự trữ gồm nhiều thứ: nằm parăng, ha pum, pây kgah, cha đoll, pây nung, và nhất là loại bánh đặc biệt “Đin pà gòn” làm bằng loại nếp tốt nước cốt dừa, dồn đầy vào ống tre và thui cho đến chín, ăn rất béo và thơm tho lạ thường.

Các cô gái vào tuổi trăng tròn (vì không thể ra đường tự tiện đơn độc ban ngày) bắt đầu năn nỉ anh em đi tìm dùm lá “CHÀ MIỀN” để đem tán nhuyễn nhuộm cả móng tay và chơn (cách đêm đỏ hoe) biểu hiện cho một tia sáng hạnh phúc tương lai. Loại hoa đặc biệt gọi là “Pà ngư MLIH” cũng rất được quí trọng trong dịp này. Các cậu thanh niên muốn làm đẹp lòng nàng thôn nữ, cứ việc tìm cho nhiều về gửi tặng qua trung gian của các bà hiền mẫu. Đây cũng là dịp mà các bà mẹ tìm tòi, nắm trông các nàng dâu tương lai. Hoa Mlih tượng trưng cho sự trinh trắng, ngoài ra nó cũng là một biểu hiệu cho cây “CRÊK” được xem cây thiêng của thời Chiêm vương ngày trước[2] mà ngày nay không còn tìm thấy nữa. Các cô gái sẽ cài hoa Mlih trên búi tóc, kết chỉ đeo hay hòa thành nước thơm để sức và dâng cho đấng sinh thành tượng trưng cho tấm lòng trinh trắng và hiếu thảo trong đêm 30 rạng ngày Roya.

B. Mùng I, ngày tận hưởng trọn vẹn.

Chuẩn bị từ ngày hai mươi bảy tháng cuối cùng nên mọi việc đã hoàn tất trong ngày áp chót. Đêm 30, mọi tín hữu đều tập trung tại Madjis để dự lễ nghinh tân, gồm có các lễ tục:

  •   Tah lèl: Cầu nguyện cho linh hồn các người quá vãng.
  • Tak Birr: cầu nguyện tiếp đón năm mới an lành.
  • Săl vat: kêu gọi đấng ALLAH.
  • Xướng kinh Cor’an qua cuộc thi tuyển.Thuyết giảng đặc biệt.

có thể kéo dài cho đến hừng đông. Mọi người đều xuống sông tắm gội, thoa nước thơm “Mlih” xem như gội rửa những cái loạng choạng của năm cũ. Trẻ con và cả người lớn bắt đầu mặc đồ mới, trang sức cẩn thận (có thể gọi là cuộc thi đua). Khoảng 8 giờ sáng, trong khi đàn ông đến Thánh đường thì đàn bà, con gái lo làm cơm nước để sau buổi lễ nhà nhà đều bưng đến tập trung làm buổi tiệc đoàn kết của cộng đồng tại nhà giảng cạnh Thánh đường đàn bà[3]. Đây cũng là một trường hợp thi đua, những nhà khá giả tự làm lấy một mình, kẻ túng thiếu có thể góp một phần vào đó.

Mọi người đàn ông đến hồ nước thiêng (Cullah) lấy nước làm thủ tục sămbahyăng xong đều tập trung vào Thánh đường. Buổi hành lễ chánh thức bắt đầu. Một vị I Mâm đứng lên Takbirr và thỉnh mời vị chủ lễ lên tọa trên bậc tam cấp (Mim Barr). Vị này thường là người có trình độ giáo lý uyên thâm, được Hakem chỉ định sẵn, mặc áo dài tu sĩ đầu quấn khăn Hadji, tay cầm gậy bắt đầu đọc bài giảng “Khut bah”. Nội dung Khut bit thường dựa vào một ít câu kinh Cor’an điển hình và khai triển nhằm khuyên răn, nhắn nhủ tín đồ biết quý mến nhau, ăn ở hiền lành, lo củng cố đạo và làm tròn nghĩa vụ đạo giáo. Quan trọng nhất là nghĩa vụ hành hương Mecca, mọi người được khuyến cáo dành dụm tiền bạc có đủ khả năng kinh phí hành hương.

Học tiếng Anh:
Một số cách rút gọn mệnh đề trong tiếng Anh
Tại sao I và me thường bị dùng nhầm lẫn
Từ That trong đàm thoại hàng ngày

Trong lúc này, Thánh đường im phăng phắc, mọi người không ai chuyện trò, không xê dịch, mà chỉ chăm chú lắng nghe, một vài người thút thít khóc ròng… Bài giảng chấm dứt mọi người đổ xô lên tam cấp thỉnh vị “Kho Tip” ấy xuống và thay phiên nhau ôm chầm hôn má tỏ tình biết ơn. Sau đó mọi người quay lại đụng ai cũng bắt tay nhau nói câu: “Sa la mu a lây kum”, nghĩa là bỏ chuyện cũ dung thứ tất cả cho nhau. Tất nhiên cũng có lễ Sămbahyăng tập thể liền đó và do một vị I Mâm khác đứng trong “Mih rap” hướng dẫn. Một hồi trống khoan thai từ đỉnh tháp báo hiệu chấm dứt buổi lễ với một giọng ngân dài lê thê:

Ollohu Akbar, Thượng Đế tối vĩ đại. Tôi tin không có Thượng đế nào khác, ngoài ALLAH”.

Tại các quốc gia Hồi giáo, chính lúc này, giáo kỳ (nền xanh, sao lưỡi liềm trắng) được thượng lên đỉnh tháp theo sau những viên đại bác rền trời[4]. Một buổi cơm tập thể sau đó kéo dài đến xế trưa và sau đó là cuộc viếng thăm thân hữu, họ hàng, tay bắt mặt mừng, cùng xin xí xóa cho nhau những xích mích giận hờn của năm cũ. Buổi chiều dành nguyên cho lễ tảo mộ: con cái, thân quyến cùng phát quang sạch sẽ và lễ cầu nguyện tổ chức tại chỗ tiếp theo do một vị Tuan phụ trách (Đu a) nhằm cầu nguyện cho linh hồn kẻ quá vãng được siêu thoát trên Thiên Đàng (Sôr ka)…


[1] Chàm Bani tức là Hồi-Giáo để phân-biệt với Chàm Kaphir. Kaphir không theo Hồi-Giáo mà phần nhiều theo đạo Bà-la-môn. Họ cữ thịt bò và tôn thờ con bò. Việc này thật khác-biệt với trường-hợp cữ thịt heo của người Hồi-Giáo vì xem con heo như là vật nhơ uế.

– Lễ mãn chay Ramadan thường cũng được đồng bào gọi là Roya Phi-trạt, hay khác hơn họ phiên dịch là ngày Tết, gây cho nhiều người nhẫm lẫn là có đến 2 cái Tết trong năm. Thật ra đó chỉ là một giáo-lễ trong năm nhằm kỷ-niệm ngày ALLAH truyền chuyển xuống trần-gian qua trung-gian của Thánh Muhammad, quyển kinh COR’an. Ý-nghĩa của một ngày lễ trọng tựa như ngày rằm tháng 8 âm-lịch vậy.

[2] Xem Đất Việt trời nam của Thái-Văn-Kiểm trang 175.

[3] Phụ nữ chỉ hành-lễ tại gia do I bà chủ lễ.

[4] Xem :

– Dohamide, Tập-san Bách-khoa 1962-63, từ số 135 đến số 147.

– Roux, jean-Paul : L’islam en Asie trang 285.

what Islam, Ibrahim-Maa, 1961, Malaysia.

Pakistan and religion.

5/5 - (4 votes)
CHIA SẺ

Về Chuyên trang Văn hóa Việt Nam

Bài viết trong chuyên trang này được sưu tầm từ các nguồn uy tín và hay để chia sẻ với mọi người, vì văn hóa Việt Nam là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích.

SÁCH MỚI CẬP NHẬT