NGUYỄN ĐĂNG THỤC
TẤT cả sinh hoạt về tinh thần cũng như vật chất, về trí thức cũng như nghệ thuật, về chính trị kinh tế cũng như tôn giáo tín ngưỡng ở xã hội nông nghiệp Á Đông xưa nay vẫn khuôn trong vòng vũ trụ quan Âm Dương. Âm Dương, khác với Vật Tâm ở điểm chính yếu này, một đàng là hai trạng thái kinh nghiệm của sự sống, hay thái độ xử thế tiếp vật, một khuynh hướng vận động, của một bản thể đồng nhất miên tục, còn một đàng là hai hình ảnh tĩnh của tinh thần, hai khái niệm trừu tượng hợp lý biệt lập và đối lập, cái nọ phủ nhận cái kia, không có thể tịnh hành như hai khuynh hướng Âm Dương. Một nhà bác học về Trung Hoa Văn hóa, có tiếng ở thế giới, hiện nay là J. NEEDHAM trong bài diễn thuyết cho UNESCO ở Paris năm 1947 có so sánh hai vũ trụ quan ở Đông phương và Tây phương như sau:
“Chắc chắn quan niệm nguyên tử đầu tiên là do người Hy lạp có trước, nhưng tôi có thể chứng thực rằng ý niệm về ba động thực là nguyên lai ở Trung Hoa, bởi vì mỗi khi người ta thấy mô tả tác dụng của Âm Dương thì luôn luôn là một quá trình cực cao và cực thấp, khi cái nọ lên thì cái kia xuống, đấy là quan niệm về ba động. Quan niệm bản lai về nguyên tử như là cái gì không thể phân chia được thì thực là ý niệm của Hy lạp hay Ấn Độ, còn ý niệm ba động có tăng có giảm, có lên có xuống có thể gọi được là ý niệm Trung Hoa”.
Nói đến ba động, chúng ta không thể nghĩ đến sóng nước lên xuống liên tiếp nhấp nhô trên mặt biển. Sóng lên là Dương, sóng xuống là Âm, nhô ra là Dương, lõm vào là Âm. Vậy Âm Dương chỉ là hai trạng thái vận động, hai quá trình của các nước mà thôi, cho nên nó vận động từ Âm sang Dương hay từ Dương sang Âm, chác với hai khái niệm bất di bất dịch Vật với Tâm, cái gì là Tâm thì không thể là Vật, cái gì là Vật thì không thể là Tâm.
Muốn hiểu rõ cái vũ trụ quan uyển chuyển và rất phổ thông ấy của xã hội Á Đông, chúng ta không cần suy luận dài dòng càng làm cho khó hiểu thêm, chúng ta chỉ cần trở lại ngày Tết đầu năm của nông dân Việt Nam, quan sát họ “ăn tết”, “chơi Xuân”, “chẩy hội”:
Tháng Giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc
Tháng ba hội hè…
Đấy là cảnh thanh bình ở các xã hội nông nghiệp xưa, mà nay còn đâu? Chính xem cách tổ chức cuộc sinh hoạt của các xã hội nông nghiệp, sinh hoạt tình cảm, sinh hoạt tín ngưỡng, qua các hội hè đầu xuân mà người ta hiểu nguyên lai vũ trụ quan Âm Dương vậy.
Ngày xuân, nước suối trong veo, ánh nắng ấm áp, đánh tan sương mù lạnh lẽo, công việc đồng áng tạm đình, trai gái nông dân được rỗi rãi, cùng nhau gặp gỡ ở sườn đồi sườn núi, bờ suối bên đường, trai đứng xếp hàng thường về phía Bắc sườn đồi, mạn Nam dòng suối, gái đứng xếp hàng về phía Nam sườn đồi, mạn Bắc dòng suối, đấy là cổ tục, tùy theo chiều ánh nắng của dương quang, hay bóng dâm phản chiếu. Thế rồi bên trai “Xướng” lên, bên gái “Hoạ” lại, bên trai “Cầu” bên gái “Ứng” theo cái định luật của ba động Âm Dương, “Đồng thanh tương ứng, Đồng khí tương cầu”.
Một đàn cò trắng bay chung
Bên Nam, bên Nữ ta đồng cất lên.
Cất lên một tiếng linh đình,
Cho loan sánh phụng, cho mình sánh ta.
Cất lên một tiếng la đà,
Đàn ông hát trước đàn bà hát sau.
Cái “đàn cò trắng bay chung”ấy chính là đoàn thể cộng đồng của xã hội nông dân nguyên thủy. Bên Nam bên Nữ, đàn ông đàn bà, chính là cách thức phân công đầu tiên, tuy phân chia Nam, Nữ như hai giai cấp khác nhau mà cùng nhau xướng họa ; để “loan sánh phụng” để “mình sánh ta” đúng theo mô thức Âm Dương, khuynh hướng khác mà chí hướng chung, chung một nguồn sống.
Vậy ngày hội hè mùa xuân của nông dân thường có một tinh thần thân ái, yêu sống lạc quan và đoàn kết tập thể. Chúng ta ai cũng nhớ rằng ngày Tết ở dân Việt sẵn có cái mỹ tục thuần phong kiêng tất cả điều xấu, như cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, nói xấu gièm pha lẫn nhau, kiêng gắt gỏng, kiêng đòi nợ hay vay mượn. Những kẻ ngày thường rất thù oán đố kỵ nhau mà đến ngày Tết gặp nhau đều phải hỷ hả tha thứ cho nhau, giữ hòa khí vui vẻ với nhau để khỏi “xúi”. “Giận đến chết, ngày Tết vẫn vui”. Tục kiêng kị này có lẽ là dấu vết cộng đồng thân ái còn lại trong phong tục ngày xuân. Thủa xưa, thời cộng đồng nguyên thủy không phải chỉ có ngày Tết, đầu Xuân người ta mới thân ái cộng đồng, mà suốt năm hàng ngày các phần tử trong một đoàn thể đều phải có tinh thần đoàn kết cộng đồng vậy:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Tư tưởng cổ điển Đông phương như ở các xã hội nông nghiệp Trung Hoa hay Việt Nam vốn thiên về thực nghiệm, có khuynh hướng hiện thực, ưa cụ thể hóa những ý niệm trừu tượng. Cho nên vấn đề thời gian và không gian là hai phạm trù khái niệm giả định của các triết học tư duy cận đại hay khoa học thực nghiệm, đối với Đông phương mất tính cách trừu tượng khách quan. Không một triết gia Đông phương nào đã quan niệm thời gian là một dòng trôi chảy đều đều của những đoạn kế tiếp nối vào nhau. Cũng không có ai quan niệm không gian trống rỗng đơn giản do những phần tử đồng dạng chắp lại cái nọ xen vào cái kia. Bởi vì nhân loại Đông phương còn cảm xúc trực tiếp với cái nguồn sống “sinh sinh” (生生) của thiên nhiên chung quanh, cho nên thời gian đối với họ trong tâm lý nhà nông là thời tiết của bốn mùa, và là thời kỳ gặt hái hay hội hè hay nhàn rỗi “ngày ba tháng tám” “ngày rộng tháng dài”. Không gian cũng thế, là “giang sơn” là “thổ ngơi” là phương hướng lẫn lộn. Mỗi phương có một đặc tính với khí hậu riêng tùy theo khu vực địa lý của nó. Quan niệm thời gian đi đôi với không gian, không rời nhau, không tách hẳn ra làm hai khái niệm độc lập. Mỗi phương đi đôi với một thời. Thời gian và không gian có cả một mớ thuộc tính cụ thể để chỉ định. Ví dụ như sắc đỏ là thời nhà Chu, và cũng là đặc tính của mùa hè thuộc về lửa, và về phương Nam gần mặt trời chẳng hạn.
Đấy là quan niệm cụ thể về thời gian và không gian. Không biệt lập hẳn với những hành vi cụ thể. Người ta có thể ảnh hưởng vào thời gian và không gian bằng thay đổi sắc thái của những tượng trưng phù hiệu của chúng. Thời và phương không có ý nghĩa thời gian tự thâu hay không gian tự thâu. Thời là thời vận, là cơ hội thuận lợi hay không thuận lợi cho chủ trương nhất định. Phương có nghĩa là phương hướng của nhà địa lý phong thủy. Người ta tưởng tượng Thời gian và Không gian như một toàn thể những sự xếp đặt cụ thể và phức tạp như là những địa thế và vận hội chính theo nghĩa ấy mà chúng ta phải hiểu câu thơ mở đầu của Phan Thanh Giản trước khi tuẫn tiết:
Trời Thời, Đất Lợi, lại Người Hòa.
Lý do không phải cổ điển Đông phương không sớm biết hình học hay là lịch học đâu. Lý do là ở tại tư tưởng triết học, sự giới hạn vào một mớ hiểu biết về địa thế và vận hội để hành động. Nhờ sự hơp lý hóa cái mớ hiểu biết ấy mà các hiền triết Đông phương mong khám phá những nguyên tắc của một nghệ thuật tối cao. Cái nghệ thuật ấy bao hàm cả vật lý học lẫn luân lý học nhằm mục đích tổ chức tu sửa vũ trụ lẫn xã hội. Bởi vậy cho nên quan niệm Thời gian và Không gian ở Đông phương còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của hình thái xã hội. Đặc tính của Thời gian trôi chảy tuần hoàn, cho nên tượng trưng bằng cái vòng tròn, đối xứng với Không gian tượng trưng là hình vuông.
Trăm năm tính cuộc “Vuông” “Tròn”,
Phải đo cho tới ngọn nguồn lạch sông. (KIỀU)
“Tròn” chữ Hán Việt là Viên 圓, “Vuông” chữ Hán Việt là Phương 方. Thiên viên, Địa phương 天圓地方 Trời tròn, Đất vuông, ấy là mô thức nguyên thủy trong quan niệm Thời gian và Không gian của Đông phương:
Thời gian có tính cách nhịp điệu cũng như Không gian chia làm các khu cân đối. Người ta không thể quan niệm một trật tự, một hàng ngũ tế lễ hay “dương cơ”, một địa thế ưu đãi, một trật tự Thời gian hay Không gian nếu người ta không gán cho chúng một trọng tâm lấy làm điềm trục. Cho nên người ta chia ruộng đất theo kiểu chữ Tỉnh 井 gọi là Tỉnh điền, hay là người ta đắp nền nhà Minh đường đều lấy khu chính giữa làm trung tâm, cũng như một năm lấy tháng trung tâm ở giữa hai kỳ tế Xuân Thu. Hội và Kỳ đều chỉ định vào Thời gian, nhưng Kỳ có nghĩa là Kỳ hạn còn Hội có nghĩa là ngày Hội hè. Thời gian ở đây có ý nghĩa là những thời kỳ có sự sum họp vui vầy theo nhịp điệu trong một năm, về mùa đông rét lạnh, nông nghiệp nghỉ ngơi, tập trung vào nơi trú ẩn ấy là thời gian đông đặc, có giá trị cho cả một năm. Và ở chỗ nào có sự quây quần tụ họp của đoàn thể xã hội thì đấy là Không gian có giá trị, “đất lành chim đậu” hay là Địa lợi. Cái nhịp điệu Thời gian, Không gian phỏng theo nhịp điệu của sự hoạt động xã hội nông nghiệp vậy.
Tóm lại quan niệm Thời gian và Không gian của người Đông phương không chú trọng vào phương diện khu biệt những khái niệm trừu tượng, cho nên không phải là hai cái khung đồng dạng, đồng tính. Họ chia Thời gian và Không gian ra 5 qui mô chính dùng để xếp đặt những phù hiệu thuộc về cơ hội và cảnh vật. Quan niệm ấy đủ đem lại cho họ những cốt cách của một nghệ thuật hoàn bị toàn diện, một quan niệm nhất quán dùng để tu sửa vũ trụ và xã hội nông nghiệp thời phong kiển. Người Đông phương tránh sự nhìn nhận Thời gian và Không gian như là nhưng lý niệm (concept rationnel) độc lập, hay là hai cá tính biệt lập. Thời Không là một phức thể có hiệu nghiệm, xếp đặt cách cụ thể. Sự xếp đặt một mớ những qui tắc ấy, không phải hỗn độn mà trái lại có điều lý, theo nguyên lý trật tự. Cái nguyên lý ấy với cái cảm tưởng về hiệu nghiệm của nhịp điệu là một vậy. Cái sức hiệu nghiệm của nhịp điệu điều tiết rất rõ rệt hiện nhiên trong phép tổ chức xã hội theo Lễ Nhạc 禮樂 trong đó Lễ là lý, Nhạc là hòa, Lễ là trật tự ở ngoài, Nhạc là trật tự ở trong lòng người. Tổ chức xã hội theo Lễ-Nhạc tức là hợp cả ngoài và trong vật chất và tinh thần có điều lý, có trật tự quân bình. Đấy là từ điều tiết nhịp điệu Thời Không mà sức hiệu nghiệm đã ảnh hưởng vào tư tưởng vậy. Cái cảm tưởng về sức hiệu nghiệm ấy của vũ trụ tiết điệu, Thời Không nhịp nhàng ấy là cơ bản của quan niệm Âm-Dương, mà ở trong Âm có Dương cũng như trong Dương có Âm vậy 陰中之陽,陽中之陰. Đấy là cái vũ trụ quan mà Nguyễn công Trứ đã hình dung vào một câu thơ hết sức linh động:
渾渾一大塊
Hồn hồn nhất đại khối,渺渺如蟻羣
Diểu diểu như nghị quần.
nghĩa là:
Lững lững vô cùng một khối lớn,
Giằng giặc liên tục như đàn kiến.
Đấy là Vũ Trụ Thời Không Âm Dương mà ngày Tết Việt Nam, trong tiềm thức của nhân dân nông nghiệp lấy làm ngày giờ linh thiêng bất khả xâm phạm để đánh dấu một năm mới, một khởi điểm cho cuộc đời mới, cho vận số mới vậy.