Năm 1815, Bộ luật Gia Long (BLGL) được công bố. Bộ luật có 398 điều, chia thành 22 quyển, điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Giống như Hình thư đời Lý – Trần và BLHĐ đời Lê, tất cả các điều khoản của BLGL đều được xây dựng dưới quy phạm pháp luật hình sự và áp dụng các chế tài hình sự. Có thể nói, đây là bộ luật cơ bản nhất của triều đình nhà Nguyễn. Các triều Vua sau này: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… chỉ lấy đó làm gốc ban hành các đạo dụ để bổ sung, thêm bớt một số điểm.
Khác BLHĐ, BLGL không quy định tội giết người trong nhiều chương mà quy định tập trung tại một phần – Phần “Nhân mạng”, gồm các tội: “Mưu sát nhân”” (Điều 1); “Mưu sát chế sứ cập bản quản trưởng quan”” (Điều 2); “Mưu sát tổ phụ mẫu, phụ mẫu”” (Điều 3); “Sát tử gian phu”” (Điều 4); “Mưu sát cố phu phụ mẫu”” (Điều 5); “Sát nhất gia tam nhân”” (Điều 6); “Thái sinh chiết cát nhân”” (Điều 7); “Tạo sức cổ độc sát nhân”” (Điều 8)… Nghiên cứu quy định về tội giết người trong BLGL [7], chúng tôi rút ra một số nhận xét sau đây:
Thứ nhất: BLGL đã có sự kế thừa những thành tựu khoa học của BLHĐ trong việc phân hoá TNHS cũng như trong đường lối xử lý người phạm tội giết người. Cụ thể là: 1) Điều 2 Quyển 2 Phần “Danh lệ”” BLGL đã khẳng định tội giết người là tội phạm nguy hiểm, dã man và tàn ác nhất. Trong mười tội ác (Thập ác) đã có đến bốn tội liên quan đến hành vi giết người: Ác nghịch danh từ này chỉ những tội ác như giết ông bà nội, cha, mẹ, ông bà ngoại, chú, bác, cô, anh, chị của ông nội, chồng. Làm tuyệt mất nhân luân, giết chết bản tính tự nhiên, mặc tình ác hại cho nên gọi là ác nghịch. Bất đạo chỉ tội giết chết ba mạng người trong một gia đình, chẳng những phạm tội chính là tử tội, còn phạm tội cắt tay chân người sống, cắt bộ phận sinh dục, chế thuốc độc bùa mê, hung ác, tàn nhẫn, làm giặc phá tan chính đạo, nên gọi là bất đạo. Bất mục là mưu giết bán ty ma trở lên. Những điều ấy đều là phạm đến thân thuộc và bất hòa trong cửu tộc. Không cùng ai hòa hợp được nên gọi là bất lục. Bất nghĩa là bộ dân giết bổn thuộc, tri phủ, tri châu, tri huyện; lính mà giết quan chỉ huy; lại tốt mà giết bổn bổ ngũ phẩm trở lên; giết thầy học. Những sai phạm trên là chống lại quan nhà nước, chống lại thầy học, nên gọi là bất nghĩa. 2) Theo quy định của BLGL thì giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị xử phạt nặng hơn trường hợp giết người thông thường: Giết tri phủ, tri châu, tri huyện, quan chỉ huy, quan cai quản… Ví dụ: Điều 2 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL quy định: “… Quân sĩ mưu giết quan cai quản mình… đều bị chém cả…””; Giết ông bà nội, cha, mẹ, ông bà ngoại, chú, bác, cô, anh, chị… Ví dụ: Điều 3 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL quy định: “Phàm mưu sát ông bà, cha mẹ… đã thi hành, không cần biết bị thương hay không, kẻ cháu con dự mưu không chia thủ phạm, tùng phạm đều xử chém…””; Giết nhiều người. Ví dụ: Khoản 5 Điều lệ của Điều 6 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL quy định: “Giết ba, bốn mạng trong một nhà không phải là tử tội, hung phạm xử chết bằng lăng trì…””; Giết người một cách man rợ (cắt tay chân người sống, cắt bộ phận sinh dục); giết người bằng phương pháp có tính nguy hiểm cao, có khả năng làm chết nhiều người (chế thuốc độc, bùa mê); giết người một cách hung ác, tàn nhẫn hoặc giết người là ân nhân của mình (thầy học) đều bị coi là phạm tội “Thập ác”” (theo quy định tại Điều 2 Quyển 2 Phần “Danh lệ”” BLGL) và sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. 3) Theo quy định của BLGL thì giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được xử phạt nhẹ hơn trường hợp giết người thông thường: Ông bà, cha mẹ giết cháu, con; Gia trưởng giết nô tì… Ví dụ: Điều 13 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL quy định: “Phàm ông bà, cha mẹ cố giết cháu con, gia trưởng cố giết nô tì… thì (chỉ bị) phạt bảy mươi trượng, đồ một năm rưỡi…””. 4) Cũng như BLHĐ, BLGL quy định tuổi chịu TNHS về tội phạm nói chung và tội giết người nói riêng là trên 7 vì những người từ 7 tuổi trở xuống, “trí và lực đều chưa đủ, việc phạm tội của họ không phải xuất phát từ ý họ mà là có người xúi giục” nên dù có phạm tội giết người họ cũng không bị phạt tội. Vấn đề này được quy định tại Điều 21 Quyển 3 BLGL với nội dung cụ thể như sau: “… (Những người)… từ 7 tuổi trở xuống dù có phạm tội chết cũng không chịu hình phạt nào… Có ai xúi giục thì bắt tội người ấy…”.
Thứ hai: So với BLHĐ, BLGL đã có sự phát triển đáng kể. Cụ thể là: 1) BLGL đã bổ sung thêm nhiều trường hợp phạm tội giết người bị xử phạt nặng hơn trường hợp giết người thông thường như: Giết người vì động cơ vụ lợi. Ví dụ: Khoản 2 Điều lệ của Điều 1 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL quy định: “Phàm mưu chiếm của cải hại mạng người thì chiếu luật xử chém ngay…”; Thê thiếp giết chánh thê. Vấn đề này được quy định tại khoản 10 Điều lệ của Điều 4 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” với nội dung cụ thể như sau: “Phàm thiếp nhân gian cùng gian phu mưu giết bà chánh thê thì xử theo luật nô bộc mưu sát gia trưởng, xử chết qua lăng trì…”… 2) BLGL đã bổ sung thêm nhiều trường hợp phạm tội giết người được xử phạt nhẹ hơn trường hợp giết người thông thường như: Giết người gian dâm với vợ mình khi người đó bỏ chạy. Vấn đề này được quy định tại khoản 2 Điều lệ của Điều 4 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” với nội dung cụ thể như sau: “Người chồng ruột ở ngay nơi xảy ra sự việc gian dâm… tức thời rượt theo (gian phu) đến ngoài cửa nhà anh kia mà giết chết thì chiếu luật không nên xử thêm gì nữa, thì phạt tám mươi trượng… ”; 3) BLGL là Bộ luật đầu tiên đề cập đến chế định miễn TNHS cho người phạm tội. Đó là trường hợp giết người đang gian dâm với vợ mình. Vấn đề này được quy định tại khoản 2 Điều lệ của Điều 4 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” với nội dung cụ thể như sau: “Người chồng ruột ở ngay nơi xảy ra sự việc gian dâm, giết chết gian phu liền đó, chiếu luật không cần xử…”. 4) Nếu trong BLHĐ tội giết người được quy định rải rác ở các chương khác nhau và khi quy định tội giết người nhà làm luật không đặt tên tội (tội danh) cho hành vi được quy định mà mô tả ngay hành vi phạm tội thì trong BLGL tội giết người đã được quy định tập trung trong một phần – Phần “Nhân mạng” – với những tội danh cụ thể như: “Mưu sát nhân” (Điều 1); “Mưu sát chế sứ cập bản quản trưởng quan” (Điều 2); “Mưu sát tổ phụ mẫu, phụ mẫu” (Điều 3)… Căn cứ để nhà làm luật quy định các trường hợp giết người khác nhau vào cùng một phần đó là tính chất của quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại (quyền sống của con người). Đây chính là sự tiến bộ đáng kể nhất trong kỹ thuật lập pháp hình sự của cha ông ta thời phong kiến. Bởi lẽ, trong BLHS hiện đại, cơ sở để nhà làm luật xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự phần các tội phạm thành từng chương cũng chính là khách thể loại của tội phạm.
Thứ ba: Tuy đã có sự kế thừa và phát triển nhưng do sao chép gần như nguyên vẹn các quy định trong Bộ luật Mãn Thanh của Trung Quốc nên BLGL không thể tránh khỏi những hạn chế như: 1) Chính sách hình sự thể hiện trong BLGL cũng có sự phân biệt giữa quan lại và thường dân hay binh lính; giữa vợ và chồng; giữa ông bà, cha mẹ và con cháu, thậm chí sự phân biệt này còn rõ ràng hơn trong BLHĐ. Theo đó: a) Quan lại nếu phạm cùng một tội như thường dân hay binh lính thì được xử nhẹ. Ví dụ: Điều 2 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL quy định: “… Quan lại mưu sát thì giam chờ, còn những đứa khác thì chém hết không đợi lịnh…”. b) Con cháu giết ông bà, cha mẹ thì bị xử nặng nhưng ông bà, cha mẹ giết con cháu lại được xử nhẹ. Ví dụ: Điều 3 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL quy định: “Phàm mưu sát ông bà, cha mẹ và tôn trưởng trong vòng thân thuộc… kẻ cháu con… đều xử chém…” nhưng Điều 13 Quyển 14 Phần “Nhân mạng” BLGL lại quy định: “Phàm ông bà, cha mẹ cố giết cháu con… thì (chỉ bị) phạt bảy mươi trượng, đồ một năm rưỡi…”. 2) Chính sách hình sự thể hiện trong BLGL cũng rất hà khắc, theo đó, những người từ 10 tuổi trở xuống (đến trên 7 tuổi), thậm chí cả những người bị mắc bệnh tâm thần cũng phải chịu TNHS. Vấn đề này được quy định tại Điều 21 Quyển 3 với nội dung cụ thể như sau: “… (Những người) từ 10 tuổi trở xuống… phạm tội giết người phải tội chết thì nghị xử tâu lên vua chờ quyết định của vua…’’”; Khoản 13 Điều lệ của Điều 11 Quyển 14 Phần “Nhân mạng”” BLGL quy định: “Người bịnh điên giết một hơi hai mạng người bình thường trở lên thì xử treo cổ giam chờ”…
Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng với sự kế thừa và phát triển những thành tựu khoa học của BLHĐ, BLGL đã trở thành “bộ luật lớn nhất của chế độ phong kiến Việt Nam, là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất của nền cổ luật Việt Nam”” [8], là một phần của di sản văn hoá Việt Nam mà triều Nguyễn đã có công đóng góp.
Các bộ luật xưa:
Luật Hồng Đức xử tội giết người như thế nào?
Bộ luật Napoleon (Bộ luật dân sự Pháp 1804)
Bộ Luật Hammurabi của đế quốc Babylon
Tìm hiểu luật 12 Bảng của luật pháp La Mã cổ đại
Trích lục một số quy định cụ thể về tội tử hình của luật Gia Long
Nhân mạng:
1. Mưu sát nhân (Âm mưu giết người):
– Phàm có nhiều suy tính cùng nhiều người lập mưu với sự cố ý giết người thì xử chém giam chờ. Ai a tùng giúp sức bị treo cổ (giam chờ). Ai không góp sức phạt 100 trượng, lưu 3000 dặm. Giết xong liền bị bắt và chưa giết xong lo chạy trốn chết thì y theo cùng mưu, cùng đánh người mà xử.
– Nếu làm người bị thương nhưng chưa chết một cách cố ý thì treo cổ (giam chờ). Kẻ a tùng góp sức thì phạt 100 trượng, lưu 3000 dặm. Không góp sức thì phạt 100 trượng, đồ 3 năm.
– Nếu lập mưu giết, đã làm nhưng địch thủ không bị thương thì cố ý làm đầu, phạt 100 trượng, đồ 3 năm. Kẻ a tùng cùng mưu, cùng thực hiện, phạt 100 trượng. Trường hợp cùng mưu nhưng không cùng thực hiện cũng đều buộc tội như nhau.
– Về sự cố ý được biết là qua 3 hạng: đã giết, đã làm bị thương, đã thực hiện. Thân không trực tiếp làm nhưng vẫn là tội cầm đầu, kẻ a tùng không thực hiện, không góp sức thì giảm một bực tội. Nếu nhân đó lấy được tiền của thì giống như bạo trộm, không chia ra thủ tòng, đều xử chém cả. Hành động nhưng không chia tang vật và không hành động cũng không chia tang vật đều xử vào tội mưu sát cả.
2. Mưu sát chế sứ cập bản quản trưởng quan (Mưu sát sứ của vua và trưởng quan bản quản):
– Phàm người vâng lịnh vua đi xứ mà bị quan lại sở tại mưu giết, những người quan trong bộ Lại mưu giết tri phủ, tri châu, tri huyện dưới quyền mình. Quân sĩ mưu giết quan cai quản mình và nếu lính lại mà mưu giết quan ở bộ từ ngũ phẩm trở lên trưởng quan, đã thi hành mà chưa bị thương thì kẻ đầu nậu bị phạt 100 trượng, lưu 2000 dặm. Đã gây thương tích thì kẻ cầm đầu bị treo cổ, bọn a tòng bị giảm một bực tội lưu giảo. Quan lại mưu sát thì giam chờ, còn những đứa khác thì chém hết không đợi lịnh…
3. Mưu sát tổ phụ mẫu, phụ mẫu (Mưu sát ông bà, cha mẹ):
– Phàm mưu sát ông bà, cha mẹ và tôn trưởng trong vòng thân thuộc, ông bà ngoại chồng, cả đến ông bà nội cha mẹ, đã thi hành, không cần biết bị thương hay không, kẻ cháu con dự mưu không chia thủ phạm, tùng phạm đều xử chém. Còn như đã giết thì xử tử hình bằng lăng trì, giam cấm cố trong ngục nhưng vẫn bêu xác. Kẻ a tùng có thân thuộc để tang khác nhau mà y theo ty ma trở lên mà xử tội, có người thường thì bắt tội theo người thường. Loại mưu sát thân thuộc có để tang đều phỏng theo đây mà trị tội.
– Mưu sát ty ma trở lên tôn trưởng, đã thực hiện thì tên cầm đầu phạt 100 trượng, lưu 2000 dặm, kẻ a tòng phạt 100 trượng, đồ 3 năm. Đã làm bị thương thì kẻ cầm đầu phạt treo cổ, kẻ a tòng góp sức hay không đều xử theo thường phạm. Đã giết thì đều phạt chém không cần biết thủ hay tòng.
– Bậc tôn trưởng mưu sát bổn tông và bên ngoại ty ấu, [đã thực hiện] thì xử tội theo cố sát giảm 2 bực, đã làm bị thương thì giảm 1 bực, đã giết thì xử theo luật cố sát. Luật cố sát thì y theo điều nói về đánh lộn tôn trưởng, cố sát ty ấu mà xử tội. Kẻ a tòng xử tội theo chỗ thân thuộc.
– Nếu nô tỳ và người làm công mưu sát gia trưởng và trong vòng thân thuộc bên ngoại của gia trưởng như: ông bà cha mẹ, nếu thân tộc là bực ty ma trở lên gồm cả tôn ty nói chung và hàng thân thuộc tôn ti có để tang thì tội như cháu con. Nghĩa là cháu con mưu sát ông bà, cha mẹ và tôn trưởng trong vòng thân thuộc, ông bà ngoại, bực ty ma trở lên, tôn trưởng đều xử tội như nhau.
4. Sát tử gian phu (Giết chết gian phụ):
– Phàm thê thiếp ăn nằm với đàn ông khác mà chồng chị ta bắt được cả gian phu ngay nơi hiện trường thì liền giết ngay thì không bàn…
– Còn như thê thiếp nhân đồng mưu với gian phu giết chồng mình thì xử tử với tội lăng trì, gian phu xử chém (giam chờ). Nếu gian phu [chính anh ta], giết người chồng của mụ nọ, mà mụ nọ dù không biết tình vẫn bị treo cổ (giam chờ).
5. Mưu sát cố phu phụ mẫu (Mưu sát cha mẹ của người chồng đã qua đời):
– Phàm xuất gia làm thê thiếp mà mưu sát ông bà, cha mẹ [của chồng đã qua đời] và mưu sát cậu cô thì tội giống nhau. (Nếu thê thiếp bị đuổi đi thì không ở chung luật này). Nếu cậu cô mưu sát thê thiếp đã cải giá của con cháu mình đã chết thì theo luật cố sát đã thi hành, giảm 2 bậc, đã làm bị thương giảm 1 bậc.
– Nếu nô tỳ (không nói người làm công), chỗ trọng là biết nghĩa, nhưng lại sát gia chủ, thì xử theo tội người thường (là nô tỳ của mình nhưng đã chuyển bán cho người khác rồi) thì xử tội như người thường thôi. Những điều luật nói là chuộc thân nô bộc là chủ bộc nhờ nghĩa con đỏ, thế mà người nô bộc lại mưu sát cựu gia trưởng thì xử tội theo tội mưu sát gia trưởng.
6. Sát nhất gia tam nhân (Giết 3 người trong một nhà):
– Phàm giết một nhà là mưu sát, cố sát, đốt nhà, ăn trộm, giết một nhà lo cùng ở chung cùng một nhà, cả đến nô tì, kẻ làm công, hoặc không cùng ở chung như người trong bổn tộc có chế độ 5 bậc để tang được coi là 1 nhà, chẳng phải thật là tội chết đối việc giết 3 người và chặt tứ chi người ta [chỉ giết 1 người đã bị tội rồi, tuy vậy, không hẳn là có tội chết đối với 2 người kia]. Kẻ cầm đầu bị xử tử bằng lăng trì, tịch thu tài sản giao cho vợ con người bị giết. Không nói con gái mắc trọng tội này, lưu 2000, kẻ a tùng góp sức thì xử chém, tài sản vợ con không bị tịch thu, không góp sức vào thì xử theo luật mưu giết người, có giảm một bậc tội.
– Nếu đem giết lần lượt 3 người trong 1 nhà thì xử theo luật thường. Nếu từ đầu mưu kế chỉ là giết 1 người, nhưng khi thực hiện lại giết đến 3 người. Người không thực hiện cố ý xử chém, không cố ý thì coi là a tùng không làm giảm một bực so với người làm mà buộc tội, nhưng vẫn lấy tạm thời chủ ý giết 3 người làm đầu.
7. Thái sinh chiết cát nhân (Cắt chặt những bộ phận cơ quan trên thân người còn sống):
– Phàm cắt chặt những bộ phận sống trên thân người, gồm cả gây thương tích, giết chết. Kẻ cầm đầu xử chết bằng lăng trì, tịch thu tài sản giao cấp cho gia đình, vợ con người bị hại. Những người ở chung trong gia đình thủ phạm, dù không biết sự việc cũng xử lưu 2000 dặm, an trí.
– Cắt chặt những bộ phận trên thân thể sống của người ta như: cắt chặt lấy tai mắt, tạng phủ nơi thân người, chặt tứ chi thân thể. Việc nầy giống việc chặt tứ chi, nhưng việc chặt tứ chi là chỉ muốn giết người mà thôi, còn việc nầy là giết người mà làm chuyện yêu thuật để mê hoặc người, cho nên đặc biệt nặng tội.
– Kẻ a tùng góp sức thì xử chém, không tịch thu gia sản. Người không góp sức vào thì xử theo luật mưu sát có giảm.
– Nếu đã thi hành, nhưng chưa gây thương tích cho người thì kẻ cầm đầu xử chém, vợ con y, lưu đày 2000 dặm, gia sản không bị tịch thu, kẻ a tùng có góp sức thì phạt 100 trượng, lưu 3000 dặm. Kẻ không góp sức vào thì giảm một bực. Lí trưởng biết mà không tố cáo thì phạt 100 trượng, không biết thì không bị tội. Ai báo cáo bắt được, quan thưởng 20 lạng bạc.
8. Tạo sức cổ độc sát nhân (Nuôi tạo thuốc độc để giết người):
– Phàm nuôi chứa thuốc độc có khả năng giết người và chỉ cách người khác thì bị tội chém (không hẳn là đã giết người). Người chế thuốc độc ấy (không kể là đã giết người hay chưa) tài sản cho vào quan, vợ con và những người cùng ở chung một nhà, dù không biết sự việc, đều bị lưu 2000 dặm, an trí (tài sản, vợ con người dạy cách chế không ở trong điều khoản này).
– Nếu lấy cổ độc (chất độc hại) để đầu độc người cùng ở chung. Cha, mẹ, vợ, con, cháu người bị đầu độc, không biết sự việc làm thuốc độc ấy thì không bị tội lưu. Nếu biết, tuy bị đầu độc nhưng vẫn bị tội.
– Nếu Lí trưởng biết không tố cáo thì phạt 100 trượng, không biết thì không có tội. Tố cáo, bắt nộp quan thì được thưởng 20 lạng bạc.
– Nếu chế tạo bùa yêu mị, lời chú trở để hại người (gồm con cháu nô tì, làm công, tôn trưởng, ty ấu) dùng bùa chú ấy để mưu sát [dù đã làm, chưa bị thương] đưa đến chết người thì y theo ý muốn giết hại mà xử. Như chỉ muốn người ta bịnh mà không cố ý giết chết thì giảm hai bậc tội so với mưu sát [đã làm, chưa bị thương tích]. Cháu con đối với ông bà, cha mẹ (không nói thê thiếp đối với ông bà, cha mẹ chồng, cả cháu con đều biết điều nghĩa) cũng được giảm…
– Nếu dùng thuốc độc giết người, xử chém (giam chờ) hoặc thuốc rồi mà không chết mưu sát làm bị thương thì bị treo cổ.
– Trường hợp mua chưa dùng thì phạt 100 trượng, đồ 3 năm. Biết sự việc mà bán thuốc độc ấy thì tội đồng với phạm nhân, đến chết giảm một bậc. (Nếu người tình cờ có chất độc mới đem bán hoặc đời trước truyền lại hoặc được mà vô ý làm thành môn thuốc. Nếu tạo chế mà chưa dùng tạo chế và cất giấu khác nhau, là không biết được, dạy con cái, dạy con người ngoài không cố ý để giết ai hoặc đầu độc ai. Như gặp độc dược ấy mà đốt hết đi, cả sách viết về việc ấy). Không biết không bị tội.
9. Đấu ẩu cập cố sát nhân (Đánh lộn và cố ý giết người):
– Phàm đánh lộn giết người thì không cần biết bằng tay chân, vật gì khác như dao mác… đều xử treo cổ giam chờ.
– Còn như cố sát thì xử chém giam chờ. Nếu cùng mưu, cùng đánh người, nhân đó họ phải chết, coi việc làm bị thương bỏ mạng là nặng, xử kẻ giúp tay vào (đánh trọng thương bỏ mạng). Tội này treo cổ giam chờ, kẻ cầm đầu không cần biết có đánh hay không, phạt 100 trượng, lưu 300 dặm. Những kẻ khác (không từng ra tay khiến bỏ mạng, lại không phải chủ mưu) mỗi người 100 trượng (nói chung về số người ít nhiều có thương tích nặng nhẹ).
13. Sát tử tôn cập nô tì đồ lại nhân (Giết cháu con nô tì tính chuyện kiếm lời):
– Phàm ông bà, cha mẹ cố giết cháu con gia trưởng, cố giết nô tì mưu đồ kiếm lợi thì phạt 70 trượng, đồ 1 năm rưỡi.
– Nếu cháu con đem xác chết ông bà, cha mẹ, nô tì, người làm công đem xác gia trưởng (chưa chôn) mưu đồ kiếm lời thì phạt 100 trượng, đồ 3 năm, thân tộc, tôn trưởng thì phạt 80 trượng, đồ 2 năm, đại công, tiểu công, ty ma thì giảm 1 bực.