Khởi đầu chủ nghĩa đế quốc trên quy mô lớn. Năm 265 TCN, như chúng ta đã biết, La Mã xâm chiếm và thôn tính toàn bộ bán đảo Ý. Tự hào và tự tin sức mạnh của mình, La Mã gần như nắm chắc nhiều phần đất mới cho đế chế. Đảo Sicily thịnh vượng vẫn chưa nằm trong tầm kiểm soát của La Mã, La Mã cũng không thờ ơ nhiều vị trí khác trong vùng Địa Trung Hải. Lúc này La Mã có khuynh hướng cho rằng hầu hết mọi thay đổi trong nguyên trạng đều là mối đe dọa đối với quyền lực của sự an toàn của chính mình. Chính vì lý do như thế nên sau 264 năm TCN La Mã tiến hành một loạt các cuộc chiến với các nước lớn khác, thay đổi toàn bộ diễn tiến lịch sử của đất nước mình.
Đế quốc Carthage
Cuộc chiến đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong số các cuộc chiến này là cuộc chiến với Carthage, một đế quốc hàng hải lớn, trải dài từ bờ biển phía bắc châu Phi, từ Numidia đến eo Gibraltar. Carthage lúc đầu được hình thành trong thế kỷ 9 TCN như một thuộc địa của Phoenicia. Trong thế kỷ 6 TCN, thuộc địa này cắt đứt mối quan hệ với mẫu quốc, dần dần phát triển thành một quốc gia giàu có, hùng mạnh. Sự giàu có của tầng lớp thượng lưu do hoạt động thương mại, khai thác các tài nguyên bạc, thiếc của Tây Ban Nha và Anh cũng như các sản phẩm nhiệt đới ở Bắc Trung Phi, Quốc gia này vẫn chưa đạt đến điều kiện lý tưởng.
Người Carthage dường như không có khái niệm nào về sự cai trị tự do và có trật tự. Nạn hối lộ vô liêm sỉ trấn áp quần chúng thẳng tay là phương pháp thường được giới tài phiệt áp dụng để duy trì vị thế thống trị. Hình thức cai trị có thể mô tả như chính trị đầu sỏ. Đứng đầu hệ thống là 2 quan hành chính địa phương, hay suffete, có quyền lực gần giống như quyền lực của các quan tổng tài La Mã. Tuy nhiên, thống đốc thật sự là 30 hoàng thân thương gia, cấu thành Hội đồng cơ mật thuộc Viện nguyên lão.
Theo các quy định trong hiến pháp và nếu không thì những người này kiểm soát sự bình chọn và chi phối các ngành khác trong chính quyền. 270 thành viên còn lại trong Viện nguyên lão dường như được triệu tập vào các dịp thật đặc biệt. Bất chấp những bất cập về mặt chính trị này, Carthage có nền văn minh vượt trội trong thành tựu khoa học và xa hoa so với La Mã khi hai nước bắt đầu nổ ra cuộc chiến.
Tìm hiểu Văn Minh:
Khởi đầu của văn minh La Mã cổ đại
Văn minh Hy Lạp hóa, sự tiếp nối của Hy Lạp cổ đại
Đời Sống Của Người Athens và thành tựu của văn minh Hy Lạp cổ đại
Nguyên nhân của chiến tranh Punic lần thứ nhất
Xung đột đầu tiên với Carthage bắt đầu vào năm 264 TCN. Nguyên nhân chính là sự ganh tức của La Mã khi thấy người Carthage bành trướng ở đảo Sicily, Carthage đã kiểm soát phần phía tây của đảo và đang đe dọa các thành phố Syracuse và Messana của Hy Lạp trên bờ biển phía đông. Nếu những thành phố này bị chiếm, thì La Mã không còn cơ hội chiếm đảo Sicily. Đối mặt với nguy cơ này, La Mã tuyên chiến với Carthage với hy vọng buộc Carthage phải rút quân về lãnh thổ ở châu Phi. 23 năm chiến tranh sau cùng thắng lợi thuộc về các tướng lãnh La Mã. Carthage buộc phải giao nộp phần đất mình chiếm được ở Sicily, bồi thường 3.200 talent, khoảng 2 triệu dollar theo giá bạc năm 1957.
Chiến tranh Punic lần thứ hai
Nhưng người La Mã không thể duy trì thắng lợi này được lâu. Họ đã phải nỗ lực khác thường mới giành được chiến thắng ấy, khi thắng lợi đã làm cho họ có lòng tham và kiêu ngạo hơn bao giờ hết. Do đó, cuộc chiến với Carthage được tiếp tục trong hai trường hợp khác nhau về sau này. Năm 218 TCN người La Mã xem nỗ lực của người Carthage trong việc tái lập đế chế ở Tây Ban Nha như là mối đe dọa đối với quyền lợi của mình, và phản ứng bằng cách tuyên chiến. Cuộc chiến này kéo dài trong thời gian 16 năm.
Nước Ý bị các đạo quân Hannibal, viên chỉ huy nổi tiếng người Carthage, tàn phá, với các chiến thuật được nhiều chuyên gia quân sự bắt chước cho đến hiện nay. Mặc dù La Mã thoát khỏi cuộc đại bại trong đường tơ kẽ tóc, nhưng chủ nghĩa ái quốc của công dân và khả năng lãnh đạo của viên tướng Scipio tài giỏi sau cùng đã cứu nguy. Carthage bị bẽ mặt hơn bao giờ hết, buộc phải từ bỏ tất cả phần đất mình chiếm được ngoại trừ thành phố thủ đô và lãnh thổ bao quanh thành phố ở châu Phi, và phải bồi thường 10.000 talent.
Chiến tranh Punic lần thứ ba và sự hủy diệt Carthage
Lòng thù hận và tham lam của La Mã đạt mức cao nhất vào khoảng giữa thế kỷ 2 TCN. Vào lúc này Carthage phục hồi được chút ít sự thịnh vượng trước đây – đủ để nước khác thèm muốn và những kẻ xâm lược khiếp sợ. Lúc này không điều gì có thể làm cho các quan hành chính địa phương trong Viện nguyên lão hài lòng ngoại trừ việc hủy diệt hoàn toàn Carthage và tước đoạt toàn bộ lãnh thổ.
Năm 149 TCN Viện nguyên lão gửi tối hậu thư yêu cầu người Carthage phải bỏ thành phố, và định cư cách bờ biển ít nhất 10 dặm. Vì yêu cầu này chẳng khác nào án tử hình đối với một dân tộc sống lệ thuộc vào thương mại, nên Carthage từ chối – người La Mã chỉ chờ có thế. Kết quả là Chiến tranh Punic lần thứ ba, kéo dài từ 149 đến 146 TCN. Thế giới ít khi nào chứng kiến một cuộc chiến tuyệt vọng và tàn bạo hơn thế.
Cuộc tấn công cuối cùng vào thành phố nhắm vào nhà cửa của những cư dân bản địa, cảnh chém giết tàn bạo diễn ra. Khi sức kháng cự của người Carthage sau cùng bị bẽ gãy, một vài công dân còn lại phải ra hàng, và bị bán làm nô lệ, thành phố có thời rất nguy nga tráng lệ của họ bị san thành bình địa. Lãnh thổ này được sáp nhập và trở thành một tỉnh của La Mã, các khu đất tốt nhất dùng để làm thái ấp cho thành viên Viện nguyên lão.
Hậu quả chiến tranh với Carthage:
1) Xâm chiếm phía đông Hy Lạp. Chiến tranh với Carthage có ảnh hưởng rất lớn đối với La Mã. Thứ nhất, chiến tranh buộc La Mã phải xung đột với các quyền lực ở phía đông Địa Trung Hải, do đó mở dường cho sự thống trị thế giới. Trong Chiến tranh Punic lần thứ hai, Philip V xứ Macedon gia nhập liên minh với Carthage, cùng với vua Syria âm mưu chia cắt Ai Cập ra làm hai. Để trừng phạt Philip và ngăn chặn kế hoạch này, La Mã cử một đạo quân sang phía đông.
Kết quả là xâm chiếm Hy Lạp và Tiểu Á, thiết lập chế độ bảo hộ ở Ai Cập. Vì thế trước khi thế kỷ 2 TCN kết thúc, gần như toàn bộ vùng Địa Trung Hải đều thuộc quyền thống trị của La Mã. Cuộc xâm chiếm phía đông Hy Lạp dẫn đến việc du nhập các quan niệm ban-phương Đông và tập quán vào La Mã, thay đổi toàn bộ khía cạnh đời sống văn hóa.
2) Cách mạng xã hội, kinh tế. Ảnh hưởng quan trọng nhất của Chiến tranh Punic là cuộc cách mạng xã hội, kính tế diễn ra trên khắp đất nước La Mã vào các thế kỷ 2 và 3 TCN. Tình tiết của cuộc cách mạng này có thể liệt kê như sau: a) Sự gia tăng đáng kể nạn mua bán nô lệ do bắt và đem bán số tù binh chiến tranh; b) Sự sa sút của nông dân nhỏ do sự thiết lập hệ thống đồn điền trong các vùng bị xâm chiếm và lượng ngũ cốc giá rẻ từ các tỉnh đổ về; c) Sự gia tăng số quần chúng sống trong thành phố không ai giúp đỡ gồm số nông dân và công nhân bần cùng hóa được thay bằng lao động nô lệ; d) Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu bao gồm thương nhân, người cho vay, và “người thu thuế” hay những người ký hợp đồng với chính quyền để điều hành khai thác mỏ, làm đường, hay thu thuế; e) thể hiện sự xa hoa và thông tục ngày càng tăng, nhất là trong số parvenus giàu có do lợi nhuận thu được từ chiến tranh.
La Mã thay đổi thành một quốc gia gồm những kẻ ăn bám và nô lệ
Do cuộc cách mạng xã hội, kinh tế này, La Mã thay đổi từ một nền cộng hòa gồm nông dân tiểu điền chủ thành một quốc gia phần lớn gồm những kẻ ăn bám và nô lệ. Mặc dù tài sản được phân phối đồng đều, nhưng khoảng cách giữa giàu và nghèo lúc này lớn hơn bao giờ hết. Quan niệm kỷ luật và thành tâm cống hiến phục vụ cho thành phố-thành bang đã lỗi thời, lúc này trở nên mờ nhạt, con người bắt đầu làm cho thần thánh của mình vui và giàu có. Một vài thành viên trong giới quý tộc nguyên lão có nhiều biện pháp để kiểm tra các khuynh hướng xấu và phục hồi đức hạnh trước đây.
Lãnh đạo nổi bật của phong trào này là Cato Cả, đả kích kịch liệt cách sống ăn bám của lớp người giàu mới phất và cố gắng làm gương cho đồng bào bằng lao động chuyên cần trên nông trại, sống trong căn nhà có nền nhà dơ bẩn, vách không tô. Nhưng nỗ lực như thế cũng chẳng có tác dụng gì. Người giàu vẫn tiếp tục nuông chiều thị hiếu đắt tiền, tốn kém, tranh nhau trong việc tiêu dùng tiền bạc, của cải vào các mục đích thông tục.
Đồng thời, hệ thống đạo đức công cũng bị suy sụp. Những người thu thuế có hành động tham ô đối với các tỉnh, sử dụng thu nhập bất hợp pháp để mua số phiếu bầu của người nghèo. Quần chúng bất lực trong thành phố mong đợi các chính khách nuôi sống mình và làm thú tiêu khiển cho họ với những cảnh tàn bạo chưa từng thấy. Tất cả tác động nghiêm trọng đến mức một số nguồn có uy tín xác định niên đại sự bắt đầu suy sụp của La Mã từ giai đoạn này3.