Lịch Sử và Văn Minh

Khởi đầu của văn minh La Mã cổ đại

Nếu Hy Lạp cổ đại chỉ thống trị về mặt văn minh, thì La Mã tiến xa hơn, kế thừa văn minh Hy Lạp, và thống trị toàn phương tây về mặt chính trị, dựng nên một trong những đế quốc vĩ đại, rộng lớn, và trường tồn nhất lịch sử loài người

la ma co dai
Đăng ngày:

Như Hercules, các công dân, lúc này họ vừa nói

Người đã tìm được vinh quang bằng cái giá phải trả là cái chết

Từ Tây Ban Nha trở về, tìm kiếm các vị thần bảo mệnh.

Caesar đã chiến thắng.

Sau khi hiến tế cho những vị thần công chính, cứ để cho vợ anh ta đi bước nữa, hạnh phúc với người chồng không cân xứng,

Và người em gái của vị lãnh tụ nổi tiếng của chúng ta, và, đeo băng

Hỡi những người van xin, các bà mẹ của thanh niên và thiếu nữ

Những người giờ đây đã được an toàn…

Horace, Odes, III.xiv

Sự ra đời và phát triển của La Mã

Trước khi vinh quang Hy Lạp bắt đầu phai mờ rất lâu, một nền văn minh khác, phần lớn bắt nguồn từ văn minh của người Hy Lạp, đã bắt đầu phát triển trên hai bờ sông Tiber ở Italy. Thật ra, vào lúc này người Hy Lạp đã bước vào Thời hoàng kim, La Mã là một thế lực thống trị bán đảo Ý. Hơn 6 thế kỷ sau đó, quyền lực La Mã tăng dần, và vẫn còn uy thế đối với thế giới văn minh khi vinh quang Hy Lạp đã trở thành ký ức.

Tại sao nền văn minh La Mã nói chung kém phát triển hơn nền văn minh Hy Lạp. Nhưng người La Mã chưa hề sánh ngang bằng người Hy Lạp trong các thành tựu tri thức và nghệ thuật. Lý do một phần là địa lý. Ngoại trừ cẩm thạch có chất lượng ngoại hạng và một ít đồng, vàng và sắt, Ý không có tài nguyên khoáng sản. Đường bờ biển kéo dài chỉ có hai hải cảng tốt, Tarentum và Naples. Mặt khác, diện tích đất phì nhiêu của Ý nhiều hơn Hy Lạp. Do đó, người La Mã trên thực tế vẫn là một dân tộc sống bằng nghề nông trong phần lớn lịch sử của họ. Họ không hề cảm thấy thích thú với sự kích thích tri thức qua việc mua bán, trao đổi với các dân tộc khác.

Ngoài ra, địa hình của Ý là bán đảo, nên dễ bị xâm lược hơn Hy Lạp. Núi Alps không phải là rào cản hữu hiệu chặn đứng dòng người đến từ Trung Âu, trong khi bờ biển thấp ở nhiều nơi mời gọi nước ngoài xâm chiếm bằng đường biển. Do đó, sự cai trị đất nước bằng vũ lực là biện pháp phổ biến hơn sự hòa hợp hòa bình giữa dân di cư với cư dân bản địa. Vì lý do này, người La Mã tập trung vào các chiến dịch quân sự gần như từ lúc họ định cư trên vùng đất Ý, vì họ buộc phải tự bảo vệ mình chống lại những cuộc xâm lược của ngoại bang.

Từ Khởi Đầu Cho Đến Sự Lật Đổ Chế Độ Quân Chủ

Cư dân đầu tiên của nước Ý

Chứng cứ khảo cổ cho thấy nước Ý đã có người ở ít nhất từ Thời kỳ đồ đá muộn. Vào lúc này, lãnh thổ do một dân tộc có quan hệ gần với chủng tộc Cro-Magnon ở miền nam Pháp, cư trú. Trong Thời kỳ đồ đá mới, dân tộc có nguồn gốc Địa Trung Hải xâm nhập vùng đất này, một số đến từ Bắc Phi, số khác đến từ Tây Ban Nha và xứ Gaul. Đầu Thời kỳ đồ đồng chứng kiến một số vụ xâm nhập khác. Số di dân đầu tiên thuộc nhóm ngôn ngữ Ấn-Âu đến từ vùng đất ở phía bắc dãy Alps. Họ là nông dân và những người chăn thả gia súc, mang theo ngựa và xe bò có bánh vào nước Ý. Văn hóa của họ dựa trên việc sử dụng đồng, mặc dù sau năm 1000 TCN, dường như họ đã biết sử dụng đồ sắt. Những người xâm nhập Ấn-Âu này có vẻ là tổ tiên của hầu hết cái gọi là dân tộc Ý, kể cả người La Mã. Về mặt chủng tộc, có lẽ họ có mối quan hệ với những kẻ xâm nhập Hy Lạp từ Hy Lạp đến.

Người Etruscan và người Hy Lạp

Giữa các thế kỷ 12 và 6 TCN hai dân tộc di cư khác chiếm đóng nhiều phần khác nhau trên bán đảo Ý: người Etruscan và người Hy Lạp. Không biết người Etruscan có nguồn gốc từ đâu, nhưng hầu hết các nguồn tài liệu có uy tín cho rằng họ là cư dân bản địa của một số nơi thuộc vùng Cận Đông, có lẽ Tiểu Á. Mặc dù chữ viết của họ vẫn chưa được giải mã, nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy đặc điểm văn hóa của họ. Họ có bảng chữ cái dựa trên tiếng Hy Lạp, trình độ kỹ năng cao trong nghệ thuật luyện kim, thương mại phát triển mạnh với phương Đông, và một tôn giáo ảm đạm thờ phụng các vị thần ác. Họ để lại cho người La Mã kiến thức xây dựng cửa tò vò và mái vòm, thuật bói toán, và thói tiêu khiển man rợ: giác đấu.

Người Etruscan không thiếp lập đế chế rộng lớn, mà hài lòng với việc thống trị các dân tộc Ý ở phía bắc và phía tây sông Tiber, khai thác của cải và lao động của họ. Người Hy Lạp chủ yếu định cư dọc theo các bờ biển phía nam và tây nam nước Ý và trên đảo Sicily. Các khu định cư quan trọng nhất của họ là Tarentum, Syracuse và Naples, mỗi khu đều có một thành phố-thành bang hoàn toàn độc lập. Người La Mã tiếp thu bảng chữ cái từ người Hy Lạp, nhiều khái niệm tôn giáo cũng như phần lớn nghệ thuật và truyện thần thoại.

Hình thành La Mã

Người sáng lập La Mã thật sự là các dân tộc Ý sống trong vùng Latium phía nam sông Tiber. Mặc dù chưa rõ niên đại xây dựng thành phố, nhưng có lẽ không muộn hơn năm 1000 TCN. Niên đại theo truyền thuyết, 753 TCN, là do các tác gia La Mã sau này nghĩ ra. Latium bao gồm nhiều thành phố, nhưng La Mã với lý do có vị trí chiến lược nên ít lâu sau nắm quyền lãnh đạo đối với một số thành phố quan trọng nhất. Hết cuộc xâm chiếm này tiếp nối cuộc xâm chiếm khác cho đến cuối thế kỷ 6 TCN lãnh thổ nằm dưới sự thống trị của thành phố-thành bang La Mã, có lẽ đồng tồn tại với toàn bộ đồng bằng Latin từ các triền núi Apennines đến Địa Trung Hải.

Cai trị La Mã theo chế độ quân chủ, quyền lực của nhà vua

Sự phát triển chính trị của La Mã vào đầu giai đoạn này trong một phương diện nào đó giống như sự phát triển trong cách cai trị của các cộng đồng Hy Lạp trong giai đoạn hình thành lịch sử của họ. Nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt. Người La Mã từ đầu dường như quan tâm đến quyền bính và tính ổn định nhiều hơn tự do hoặc chế độ dân chủ. Thành phố-thành bang của họ về cơ bản là sự áp dụng quan điểm gia đình theo chế độ gia trưởng cho toàn bộ cộng đồng, vua có quyền xét xử đối với thần dân giống như người cai quản gia đình có quyền đối với mọi thành viên trong nhà.

Nhưng quyền bính của người cha bị hạn chế theo tập quán và theo yêu cầu người cha phải tôn trọng ý muốn của các con ở tuổi trưởng thành, uy quyền tối cao của nhà vua được “hiến pháp” cổ đại hạn chế, vua không có quyền thay đổi nếu không được sự đồng ý của các nhân vật chủ chốt trong vương quốc. Đặc quyền của nhà vua chủ yếu không phải đặc quyền lập pháp, mà là đặc quyền hành pháp và tư pháp. Vua trừng phạt thần dân vì tội vi phạm trật tự, thường bằng cách tử hình hoặc đánh bằng roi. Vua xét xử tất cả các vụ xử dân sự và hình sự, nhưng nhà vua không có quyền tha nếu không được sự đồng ý của hội đồng lập pháp. Mặc dù vua lên ngôi phải được sự đồng ý của thần dân, nhưng không thể phế truất vua được, và không có ai trên thực tế dám phủ nhận vương quyền của vua.

Viện nguyên lão và Hội đồng lập pháp

Ngoài vương quyền ra, sự cai trị của người La Mã trong thời điểm này còn có Hội đồng lập pháp và Viện nguyên lão. Hội đồng lập pháp gồm các nam công dân ở độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự. Như một trong số các nguồn quyền lực then chốt, theo lý thuyết, tổ chức này có quyền phủ quyết tuyệt đối đối với một đề nghị thay đổi bất kỳ trong luật pháp mà nhà vua ban hành. Ngoài ra, tổ chức này còn quyết định liệu có nên tha hay không và liệu có nên tuyên chiến xâm lược hay không.

Nhưng điều cơ bản là tổ chức này là một tổ chức phê chuẩn, không có quyền đề xuất việc ban hành luật pháp hoặc đề nghị thay đổi chính sách. Thành viên trong tổ chức này thậm chí không được lên tiếng ngoại trừ khi được nhà vua cho phép. Viện nguyên lão, hoặc Hội đồng các trưởng lão, với các thành viên là người đứng đầu nhiều thị tộc khác nhau hình thành cộng đồng. Thậm chí còn hơn cả công dân thông thường, những người cai trị thị tộc là hiện thân cho quyền lực tối cao của thành phố-thành bang. Nhà vua là thành viên duy nhất trong số họ, người được họ giao phó quyền chủ động sử dụng quyền bính. Khi ngai vàng chưa có người kế vị, thì quyền lực của nhà vua ngay lặp tức chuyển cho Viện nguyên lão cho đến khi sự lên ngôi của một vị quốc vương mới được thần dân chấp nhận.

Lúc bình thường, chức năng chủ yếu của Viện nguyên lão là xem xét các đề xuất của nhà vua, đề xuất này đã được hội đồng lập pháp phê chuẩn và phủ quyết nếu như vi phạm quyền do tập quán xưa xa hình thành. Vì thế hầu như không thể tạo ra được sự thay đổi cơ bản trong luật pháp khi đa số công dân chưa sẵn sàng phê chuẩn. Thái độ bảo thủ cực đoan này của các giai cấp thống trị tồn tại dai dẳng cho đến khi lịch sử La Mã kết thúc.

Lật đổ chế độ quân chủ

Càng gần cuối thế kỷ 6 TCN thái độ đố kị của Viện nguyên lão đối với nhà vua tăng nhiều đến mức lật đổ chế độ quân chủ và thiếp lập chế độ cộng hòa chính trị đầu sỏ. Trong khi tính chất thật của cuộc cách mạng này chắc chắn là cuộc vận động của giới quý tộc giành quyền lực tối cao cho mình, thì các yếu tố chủ nghĩa dân tộc cũng đóng một vai trò quan trọng. Truyền thuyết kể lại rằng nhà vua cuối cùng trong số các nhà vua La Mã là một người Etruscan, có dòng họ là người Tarquin, đã tiếm đoạt ngai vàng trước đó một vài năm. Người La Mã trong các thế kỷ sau này mô tả theo kiểu khủng khiếp, những hành động độc ác của những nhà cai trị này và ngụ ý rằng sự lật đổ chế độ quân chủ chủ yếu là do cuộc nổi dậy chống lại những kẻ áp bức người nước ngoài. Tuy nhiên, có lẽ cũng chắc chắn rằng các vị nguyên lão chẳng sớm thì muộn cũng nảy sinh tham vọng độc chiếm quyền lực, như giới quý tộc trong các thành phố-thành bang Hy Lạp đã làm trước đó một vài thế kỷ.

Nền Cộng Hòa Đầu Tiên

Nguồn gốc chủ nghĩa đế quốc La Mã

Lịch sử nền Cộng hòa La Mã trong hơn 2 thế kỷ sau khi thiết lập gần như là lịch sử của chiến tranh thường xuyên. Nguyên nhân dẫn đến một loạt xung đột thật phức tạp, có thể sự lật đổ người Tarquin dẫn đến sự trả thù của những người đồng hương sống trong các nước láng giềng. Điều cũng nhận thấy là các dân tộc khác sống ở vùng biên giới lợi dụng sự lúng túng đi kèm với cách mạng để chia cắt lãnh thổ La Mã. Nhưng chắc chắn lý do thuyết phục là lòng tham muốn được nhiều đất hơn. Người La Mã là một dân tộc kiêu ngạo, gây hấn, với dân số đang tăng nhanh. Khi dân số tăng nhanh, nhu cầu phải có lối ra trong lãnh thổ mới trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân như thế rõ ràng dẫn đến cuộc chiến với người Volsci và người Aequi vào đầu thế kỷ 5 TCN. Sự bành trướng của người La Mã bằng cái giá phải trả của các dân tộc này dấy lên sự đố kị của các dân tộc hùng mạnh khác. Trước tiên, nền Cộng hòa phải chiến đấu với thành phố hùng mạnh Veii của người Etruscan, cách bờ bắc sông Tiber không xa.

Sau nhiều năm vây hãm, thành phố bị phá hủy, cư dân trong thành phố bị bán làm nô lệ, lãnh thổ bị sáp nhập vào lãnh thổ La Mã. Khoảng năm 390 TCN, các bộ tộc xứ Gaul tàn bạo lợi dụng sự kiệt sức tạm thời của La Mã để xâm chiếm Cộng hòa. Họ chiếm được, cướp phá thành phố nhưng sau cùng phải đút lót 1.000 cân vàng. Kế đến, người La Mã phải giải quyết các cuộc nổi dậy của một số dân tộc mình xâm chiếm trước đây: người Aequi, người Volsci, và một vài dân tộc Latin.

Sự đàn áp những cuộc nổi dậy này đánh thức thái độ hoài nghi của các thành phố-thành bang xung quanh và họ hiểu rằng kẻ chiến thắng luôn thèm khát, muốn có thêm nhiều chiến thắng nữa. Các cuộc chiến mới lần lượt tiếp nối nhau trong những gì có vẻ như là một chuỗi chiến tranh kéo dài bất tận, cho đến năm 265 TCN, La Mã đã xâm chiếm toàn bộ bán đảo Ý.

Ảnh hưởng của các cuộc xung đột quân sự đầu tiên

Chuỗi các cuộc xung đột quân sự kéo dài này có ảnh hưởng sâu sắc đối với lịch sử tiếp theo sau của La Mã, ảnh hưởng bất lợi đối với quyền lợi của số công dân nghèo, và làm cho ruộng đất tập trung nhanh vào tay các điền chủ giàu có. Phục vụ lâu năm trong quân đội buộc người nông dân bình thường xao lãng việc canh tác, kết quả họ lâm cảnh nợ nần, thường phải bán đất trả nợ. Phần lớn trong số họ chạy về thành phố, cho đến khi sau này họ định cư như tá điền sống trên các thái ấp rộng lớn trong các lãnh thổ xâm chiếm.

Chiến tranh cũng có tác động khẳng định tính chất nông nghiệp của dân tộc La Mã. Sự chiếm được các vùng đất mới diễn ra thường xuyên làm cho toàn bộ dân số bị thu hút vào nghề nông. Do đó không cần phát triển công nghiệp và thương mại như kế mưu sinh. Sau cùng, như trong trường hợp Sparta, chiến tranh xâm chiếm của người La Mã nô dịch hóa dân tộc bằng quan điểm quân sự, và do đó cản trở sự phát triển văn hóa.

Thay đổi chính trị tiếp theo sau sự lật đổ chế độ quân chủ

Trong cùng giai đoạn của nền Cộng hòa đầu tiên này, La Mã trải qua một số thay đổi chính trị đáng kể. Những thay đổi này không nhiều như thay đổi trong cuộc cách mạng trong thế kỷ 6 TCN cũng như những sự phát triển trong các năm sau này. Cách mạng lật đổ chế độ quân chủ là cuộc cách mạng bảo thủ, mục đích chính là thay thế hai tổng tài được bầu chọn cho nhà vua và tôn vinh vị trí của Viện nguyên lão bằng cách trao cho Viện nguyên lão quyền kiểm soát công quỹ, và quyền phủ quyết tất cả hành động của Hội đồng lập pháp.

Bản thân tổng tài thường là thành viên trong Viện nguyên lão, hoạt động như người đại diện cho tổ chức của mình. Họ không phối hợp cai trị, nhưng mỗi người có toàn quyền hành pháp và tư pháp, vốn trước đây chỉ dành cho vua. Nếu giữa họ có phát sinh mâu thuẫn, thì phải triệu tập Viện nguyên lão để quyết định, hoặc trong tình trạng vô cùng khẩn cấp, bổ nhiệm một người có quyền hành tuyệt đối, với nhiệm kỳ không được quá 6 tháng. Trong các phương diện khác, sự cai trị vẫn giữ nguyên không đổi so với thời kỳ còn chế độ quân chủ.

Cuộc đấu tranh giữa giới quý tộc và bình dân

Không lâu sau khi thiết lập nền Cộng hòa, cuộc đấu tranh nổ ra giữa các tầng lớp công dân La Mã khi tầng lớp bình dân muốn có được nhiều hơn các quyền lực chính trị. Trước khi chế độ quân chủ kết thúc, công dân La Mã đã chia thành 2 tầng lớp – tầng lớp quý tộc và bình dân. Giới quý tộc gồm các nhà quý tộc, chủ đất giàu có, hiển nhiên họ là con cháu của các lãnh đạo thị tộc trước đây. Họ giữ vị trí độc quyền trong Viện nguyên lão và các chức vụ quản lý hành chính địa phương. Bình dân gồm nhiều người dân bình thường – nông dân nhỏ, thợ thủ công và người buôn bán.

Phần lớn là khách hàng, thân chủ hoặc những người lệ thuộc vào giới quý tộc, có nghĩa vụ phải chiến đấu bảo vệ họ, ủng hộ họ về chính trị, và canh tác trên các thái ấp của họ để được sự bảo vệ. Giới bình dân rất bất bình. Buộc phải đóng thuế cao, buộc phải phục vụ trong quân đội vào thời chiến, nhưng họ lại bị loại trừ, không được tham gia các chức vụ cai trị, ngoại trừ làm thành viên trong Hội đồng lập pháp, Ngoài ra, họ cảm thấy mình là nạn nhân của các phán quyết đối xử phân biệt trong các phiên tòa xử. Thậm chí họ cũng không biết mình được hưởng quyền pháp lý gì vì luật pháp chưa thành văn và không ai khác ngoài các viên tổng tài mới có quyền giải thích chúng. Trong các vụ xử đòi nợ, chủ nợ thường được phép bán con nợ làm nô lệ. Vì thế để giải tỏa những mối bất bình ấy, giới bình dân nổi dậy vào đầu thế kỷ 5 TCN.

Thắng lợi của giới bình dân

Thắng lợi đầu tiên của giới bình dân vào khoảng năm 470 TCN, khi họ buộc giới quý tộc đồng ý bầu chọn số lượng quan bảo dân có khả năng bảo vệ công dân bằng quyền phủ quyết đối với các hành động phi pháp của các quan hành chính địa phương. Tiếp theo sau thắng lợi này là yêu cầu thành công về việc ban hành pháp luật vào năm 450 TCN. Kết quả là việc ban hành Luật 12 bảng nổi tiếng, được gọi như thế là do luật được viết trên các bảng gỗ. Mặc dù Luật 12 bảng được người La Mã trong các thời đại sau này kính trọng, xem đó là một loại hiến chương tự do của nhân dân, nhưng thực tế không có nghĩa như thế.

Nói chung, luật tiếp tục theo tập quán cổ đại, thậm chí không xóa bỏ việc bán làm nô lệ để trừ nợ. Tuy nhiên, luật giúp cho người dân hiểu được mình có vị trí nào trong luật pháp, và họ được phép gửi đơn kháng cáo lên Hội đồng lập pháp để phần đối hình phạt tử hình của quan hành chính địa phương. Khoảng một thế hệ sau, giới bình dân có đủ tư cách ứng cử vào các vị trí như quan hành chính địa phương cấp thấp, và năm 362 TCN bầu chọn quan tổng tài đầu tiên thuộc giới bình dân. Vì tập quán cổ đại quy định rằng các quan tổng tài, sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tự động trở lại Viện nguyên lão, nên sự độc quyền của giới quý tộc trong Viện nguyên lão không còn nữa.

Thắng lợi sau cùng của giới bình dân vào năm 287 TCN bằng việc thông qua Luật Hortensius (đặt theo tên người có quyền hành tuyệt dối Quintus Hortensius), quy định rằng biện pháp do Hội đồng lập pháp đưa ra sẽ có tính chất ràng buộc đối với thành phố-thành bang cho dù Viện nguyên lão có phê chuẩn hay không.

Ý nghĩa thắng lợi của giới bình dân

Ý nghĩa của những thay đổi này không nên được hiểu lầm, không phải tạo ra một cuộc cách mạng để giành nhiều tự do cho cá nhân hơn mà chỉ đơn thuần hạn chế quyền lực của các quan hành chính địa phương, và đấu tranh để thường dân tham gia nhiều hơn trong chính quyền. Thành phố-thành bang như một tổng thể vẫn còn mang tính chất chuyên chế như trước đây, vì quyền bính của nó đối với công dân thậm chí không bị phủ nhận. Theo lời Theodor Mommsen, người La Mã từ thời người Tarquin cho đến người Gracchi “thật ra chưa hề xóa bỏ nguyên tắc cho rằng nhân dân không được cai trị mà bị trị”1.

Do quan điểm này, việc ban toàn quyền lập pháp cho Hội đồng lập pháp dường như chỉ mang tính hình thức, Viện nguyên lão vẫn tiếp tục cai trị như trước kia. Giới bình dân được chấp nhận vào Viện nguyên lão cũng không có tác động mở rộng tự do cho tổ chức ấy. Uy tín của Viện nguyên lão quá cao, quá sâu rộng, trong quyền bính La Mã, đến mức các thành viên mới ít lâu sau bị thái độ bảo thủ của thành viên cũ nuốt chửng. Ngoài ra, các quan hành chính địa phương không được hưởng lương đã ngăn cản hầu hết số công dân nghèo không muốn tìm kiếm chức vụ công.

Xã hội và văn hóa La Mã vẫn còn khá nguyên thủy

Về mặt tri thức và xã hội, người La Mã cũng có tiến bộ nhưng chậm, thời điểm này vẫn còn rất ban sơ, nguyên thủy.

Mặc dù đã có chữ viết vào đầu thế kỷ 6 TCN, nhưng ít được sử dụng, ngoại trừ dùng để sao chép luật pháp, chuyên luận, và điếu văn trong đám ma. Giáo dục cũng còn hạn chế trong các lời dạy từ người cha trong các môn thể thao nam tính, nghệ thuật thực dụng và đức hạnh chiến binh, thì có lẽ đại đa số quần chúng vẫn còn mù chữ.

Chiến tranh và nông nghiệp tiếp tục là những nghề chính đối với đa số công dân. Trong thành phố cũng có vài thợ thủ công, cũng có sự phát triển thương mại nho nhỏ, qua chứng cứ thuộc địa hàng hải ở Ostia vùng duyên hải vào thế kỷ 4 TCN. Nhưng thương mại La Mã vào thời điểm này tương đối không có ý nghĩa quan trọng nắm thấy rõ qua thực tế đất nước này cho đến 269 TCN vẫn chưa có hệ thống tiền tệ tiêu chuẩn.

Tôn giáo của người La Mã so với tôn giáo của người Hy Lạp

Giai đoạn nền Cộng hòa đầu tiên là giai đoạn khi tôn giáo La Mã mang đặc điểm được dự định phải duy trì suốt phần lớn lịch sử đất nước này. Trong nhiều phương diện, tôn giáo này trông giống tôn giáo của người Hy Lạp, có lẽ là do di sản văn hóa kế thừa nguyên thủy của cả hai dân tộc đều phát xuất cùng một nguồn gốc. Cả hai tôn giáo đều mang nội dung thực dụng, thuộc thế giới này, không hề có nội dung tinh thần cũng như đạo đức.

Mối quan hệ giữa con người với thần thánh là mối quan hệ bên ngoài, máy móc, mang tính chất mặc cả hoặc giao kèo giữa các bên vì lợi ích cho cả hai. Thánh thần trong cả hai tôn giáo đều thực hiện cùng một chức năng: thần Jupiter cũng giống như thần Zeus, là nam thần cai quản bầu trời, nữ thần Minerva cũng giống như Athena là nữ thần bổn mạng của thợ thủ công, Venus giống như Aphrodite là nữ thần tình yêu, Neptune giống như Poseidon là nam thần biển, v.v.. Tôn giáo La Mã cũng không hơn gì tôn giáo Hy Lạp, đều không có giáo điều, phép bí tích hoặc niềm tin vào sự thưởng phạt ở kiếp sau.

Những sự tương phản với tôn giáo Hy Lạp

Nhưng cũng có những sự khác biệt đáng kể. Tôn giáo La Mã mang mục đích chính trị nhiều hơn và ít mang mục đích nhân văn hơn, nó không dùng để tôn vinh con người, hoặc làm cho con người cảm thấy tự nhiên như ở nhà, trong thế giới của mình mà để bảo vệ thành phố-thành bang khỏi sự xâm chiếm của kẻ thù, cũng như làm cho thành phố-thành bang thêm quyền lực và thịnh vượng.

Thần thánh ít mang tính chất theo thuyết tính người, thật ra, đây chỉ là kết quả của ảnh hưởng Hy Lạp và Etruscan khi họ tạo ra các thánh thần riêng tư nói chung, vốn trước đây đã được thư phụng như numina hay vật linh. Người La Mã chưa hề nghĩ thần thánh của mình cãi lộn lẫn nhau hoặc hòa trộn với con người theo kiểu thần tính trong thời kỳ Homer. Sau cùng, tôn giáo La Mã hàm chứa những thành phần như những thầy tu nhiều hơn Hy Lạp.

Thầy tu, theo họ thường gọi là pontiff, hình thành một tầng lớp có tổ chức, bản thân cũng là một nhánh cai trị. Họ không những giám sát việc dâng cúng lễ vật, mà còn là người bảo vệ một tổ chức phức tạp có luật pháp và truyền thống thiêng liêng, chỉ riêng họ mới hiểu. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ rằng những pontiff này không phải là thầy tu hiểu theo nghĩa những người trung gian giữa cá nhân người La Mã với thần thánh, họ không nghe lời xưng tội, không tha thứ tội lỗi, và không làm phép bí tích.

Hệ thống đạo đức trong nền Cộng hòa đầu tiên

Hệ thống đạo đức của người La Mã trong giai đoạn này và trong các giai đoạn sau hầu như không có liên quan gì với tôn giáo. Người La Mã không yêu cầu thần thánh ban phát cho mình điều tốt mà chỉ ban phát cho cộng đồng và cho gia đình lời chúc phúc cụ thể. Hệ thống đạo đức là vấn đề của chủ nghĩa ái quốc, thái độ tôn trọng quyền bính và truyền thống. Đức hạnh chủ yếu là lòng dũng cảm, danh dự, kỷ luật, kính trọng thần thánh và tổ tiên, có nghĩa vụ đối với quốc gia và gia đình.

Trung thành với thành phố-thành bang là điều kiện tiên quyết, quan trọng hơn hết. Vì lợi ích của thành phố-thành bang, công dân phải sẵn sàng hy sinh không những sinh mạng của mình, nếu cần phải hy sinh sinh mạng của cả gia đình lẫn bạn bè. Lòng dũng cảm của một số quan tổng tài, theo nghĩa vụ, phải xử con tội chết vì vi phạm kỷ luật quân đội là chủ đề được nhiều người khâm phục. Một vài dân tộc trong lịch sử châu Âu, với ngoại lệ người Sparta và có lẽ là người Đức hiện đại, đã từng xem vấn đề quyền lợi quốc gia quan trọng hơn hết, và cá nhân phải hoàn toàn phục tùng vì lợi ích của quốc gia.

5/5 - (2 votes)

BÀI LIÊN QUAN