(Mười hai vị thần cai quản Âm Ty trong tín ngưỡng của người Hittite cổ đại)
Nhưng đối với họ, phải hiến tế để số thần thánh này có được thức ăn hàng năm:
Công thức hiến tế của người Hittite, H. T. Bossert dịch từ chữ tượng hình.
đối với nam thần Karnua là bò đực non và cừu;
đối với nữ thần Kupapa là bò đực non và cừu;
đối với thần Sarku là cừu;
và cừu Kutupalis dành cho các nam thần.
Ý nghĩa quan trọng của các nền văn hóa này. Một vài nền văn hóa cổ đại khác trong vùng Cận Đông cần được chú ý nhiều hơn. Chủ yếu trong số này là các nền văn hóa Hittite, Aegea, Phoenicia và Lydia. Người Hittite rất quan trọng vì họ là những người trung gian giữa phương Tây và phương Đông. Họ là một trong những mối quan hệ liên kết chính giữa các nền văn minh Ai Cập, thung lũng sông Tigris-Euphrates và vùng biển Aegea. Dường như chắc chắn họ cũng là những người đầu tiên phát hiện ra sắt. Họ giới thiệu kim loại ấy cho các dân tộc láng giềng biết, và họ cũng nhanh chóng sử dụng sắt thay cho đồng.
Nền văn minh Aegea cũng có ý nghĩa quan trọng vì những thành tựu đáng kể trong nghệ thuật cũng như đặc điểm tự do và khuyến khích thử nghiệm. Mặc dù phần lớn trong số các thành tựu này biến mất, nhưng có chứng cứ cho thấy người Hy Lạp tiếp thu ở người Aegea rất nhiều. Chẳng hạn, tín ngưỡng Hy Lạp, chứa đựng nhiều thành phần Aegea. Tương tự, nguồn gốc Aegea có lẽ là sự chuyên tâm của người Hy Lạp đối với thể thao, điền kinh, hệ thống trọng lượng và đo lường, kiến thức về hàng hải, và có thể cũng là các truyền thống nghệ thuật. Cũng như đối với người Phoenicia, không ai có thể xem thường ý nghĩa quan trọng trong phần đóng góp của họ về bảng chữ cái đối với thế giới văn minh xung quanh. Người Lydia trong lịch sử được xem là những người nghĩ ra hệ thống tiền tệ đầu tiên.
Người Hittite Và Người Phrygian
Khám phá tàn tích của nền văn minh Hittite. Cách đây khoảng 80 năm, người ta không biết gì về người Hittite ngoại trừ tên gọi của họ. Người ta thường cho rằng họ không có vai trò quan trọng nào trong lịch sử. Trong Kinh Thánh có nhắc đến họ nhưng không nhiều và tạo cảm giác rằng họ không gì khác hơn là một bộ tộc man rợ. Nhưng vào năm 1870, người ta phát hiện một số hòn đá có khắc chữ kì lạ ở Hamath, Syria. Đây là khởi đầu của một sự tìm kiếm mở rộng tiếp tục với một số thời gian cách quảng cho đến tận ngày nay. Cách đây không lâu, người ta phát hiện thêm hàng chục công trình tưởng niệm và bản đất sét ở vùng Tiểu Á, Cận Đông cho đến thung lũng sông Tigris-Euphrates. Năm 1907, người ta khai quật một số chứng cứ của một cổ thành nằm gần làng Boghaz-Keui, tỉnh Anatolia. Khai quật tiếp, phát hiện tàn tích của một kinh thành xây dựng vững chắc được gọi là Hattusas hay Thành phố Hittite. Trong tường thành, người ta phát hiện khoảng hơn 20.000 tài liệu và mảnh giấy rời, hầu hết trong số này là luật pháp và sắc lệnh, phần lớn trong số này đã được giải mã.
Đế chế Hittite
Dựa trên những chứng cứ này và các chứng cứ khác được tích lũy dần, ít lâu sau người ta biết chắc rằng người Hittite khi xưa là những người cai trị một đế chế hùng mạnh chiếm hầu hết khu vực Tiểu Á, và mở rộng đến tận thượng lưu sông Euphrates. Có lúc, đế chế này gồm cả Syria và thậm chí nhiều phần thuộc Phoenicia và Palestine. Người Hittite đạt đỉnh điểm quyền lực trong những năm từ 2000 đến 1200 TCN. Trong thế kỷ cuối cùng thuộc giai đoạn này, họ phát động một cuộc chiến kéo dài, kiệt sức với Ai Cập, làm cho cả hai đế chế này phải sụp đổ. Cả hai không thể lấy lại sức mạnh vốn có trước đây. Sau năm 1200 TCN Carchemish ven bờ sông Euphrates có thời là thành phố Hittite hàng đầu, nhưng là một trung tâm thương mại hơn là kinh thành của một đế chế vĩ đại. Thời hoàng kim đế chế đã qua. Sau cùng, sau năm 717 TCN, tất cả lãnh thổ còn lại của người Hittite đều bị người Assyria, Lydia, và Phrygian xâm chiếm và sáp nhập.
Bí ẩn về chủng tộc và ngôn ngữ của người Hittite
Người Hittite từ đâu đến và mối quan hệ của họ với các dân tộc khác như thế nào là các vấn đề hiện nay chưa có lời đáp dứt khoát. Theo mô tả của người Ai Cập, một số dường như thuộc loại Mongoloid. Tất cả đều có mũi khoằm, rất to, trán thụt, mắt xếch. Hầu hết giới học giả hiện đại cho rằng nơi họ xuất xứ là Turkestan và cho rằng họ có mối quan hệ với người Hy Lạp. Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Ấn-Âu. Bí ẩn của họ được một học giả người Czech là Hrozny giải mã trong Thế chiến I. Sau đó, hàng ngàn bản đất sét có ghi luật pháp và những ghi chép chính thức của các vị hoàng đế đã được giải mã. Chúng tiết lộ một nền văn minh giống với văn minh của người Babylon cổ đại hơn các nền văn minh khác.
Đời sống kinh tế của người Hittite
Vẫn chưa đủ chứng cứ để có thể đánh giá chính xác nền văn minh của người Hittite. Một số sử gia hiện đại ám chỉ nền văn minh này phát triển ở trình độ tương đương với nền văn minh Lưỡng Hà hoặc thậm chí tương đương với nền văn minh Ai Cập. Nhận xét như thế xuất phát từ thực tế, vì người Hittite chắc chắn có hiểu biết rất rộng về nông nghiệp và đời sống kinh tế nói chung phát triển rất cao. Họ khai thác rất nhiều đồng, bạc và chì, sau đó bán cho các dân tộc lân bang. Họ khám phá ra cách khai khoáng và sử dụng sắt, phổ biến cách sử dụng sắt cho phần thế giới văn minh còn lại. Thương mại là một trong những hoạt động kinh tế chủ yếu của họ. Thật ra, dường như họ gần như lệ thuộc vào sự thâm nhập thương mại cũng như chiến tranh để mở rộng lãnh thổ của mình.
Trình độ tri thức của nền văn hóa Hittite
Mặt khác, không có gì cho thấy có sự vượt trội đáng kể trong các thành tựu tri thức, dĩ nhiên mặc dù không ai có thể biết nghiên cứu trong tương lai sẽ tiết lộ thêm điều gì. Hàng ngàn bản đất sét được phát hiện cho đến nay, chủ yếu là các tư liệu về kinh doanh, luật pháp và tôn giáo. Tư liệu văn học của người Hittite chủ yếu gồm truyện thần thoại, kể cả những phóng tác thiên sử thi Gilgamesh và truyền thuyết sự tạo thành, hồng thủy của người Babylon cổ đại. Họ không có gì có thể gọi là triết học, cũng như không có chứng cứ nào về tính độc đáo khoa học ngoài nghệ thuật luyện kim. Nhưng rõ ràng họ có một số thành tựu trong việc hoàn thiện chữ viết, ngoài chữ hình nêm có sửa đổi phỏng theo chữ hình nêm Lưỡng Hà, họ cũng phát triển một hệ thống chữ tượng hình một phần mang đặc điểm ngữ âm.
Luật pháp Hittite
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của người Hittite là hệ thống luật pháp. Mặc dù phản ánh ảnh hưởng của người Babylon, nhưng mang tính độc đáo đáng kể. Khoảng 200 đoạn văn hoặc sắc lệnh riêng biệt, đề cập nhiều lĩnh vực đa dạng, đã được giải mã, phản ánh một xã hội tương đối mang tính chất đô thị, phát triển nhưng sự kiểm soát của chính quyền không nhiều. Đất đai trên danh nghĩa thuộc về nhà vua hoặc thuộc về các cấp chính quyền thành phố. Đất cấp cho cá nhân do công phục vụ trong quân đội và việc canh tác đất phải theo yêu cầu nghiêm ngặt. Nếu người nào không thực hiện đúng các nghĩa vụ này, thì phần đất của họ bị nhà nước lấy lại. Giá cả được quy định theo pháp luật đối với vô số các mặt hàng, không những đối với các mặt hàng xa xỉ mà cả sản phẩm công nghiệp cũng như lương thực và quần áo. Tương tự, tất cả các loại lương và phí phục vụ đều được quy định chi tiết, với mức lương trả cho phụ nữ chưa bằng một nửa mức lương trả cho nam giới.
Đặc điểm nhân văn trong luật pháp Hittite
Nói chung, luật pháp Hittite mang tính nhân văn nhiều hơn luật pháp của người Babylon cổ đại. Tử hình dành cho 8 tội – như thuật phù thủy, quan hệ tình dục với thú, và trộm cắp tài sản trong cung diện. Ngay cả tội giết người có dự định trước chỉ ở mức bị phạt tiền. Tùng xẻo không được cụ thể hóa như một hình phạt ngoại trừ tội cố ý đốt phá hoặc trộm cắp do nô lệ gây ra. So với tính chất tàn bạo trong luật pháp Assyria, luật pháp của người Hittite đáng chú ý hơn nhiều. Không có minh hoạ nào được tìm thấy trong các sắc lệnh của người Hittite về những hình phạt độc ác như lột da, hoạn thiến, và đóng cọc xuyên qua người, mà các nhà cai trị ở Nineveh nghĩ rằng đó là hành động cần thiết để duy trì quyền bính. Thật không may, lý do giải thích tinh thần phóng khoáng hơn này của các nhà làm luật Hittite vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Có lẽ họ đã ý thức rằng việc công nhận công lý là điều quan trọng hơn biện pháp vũ lực trong duy trì trật tự xã hội.
Nghệ thuật của người Hittite
Nghệ thuật của người Hittite không phải ở mức xuất sắc nổi bật. Như chúng ta đều biết, nghệ thuật này chỉ bao gồm tượng điêu khắc và kiến trúc. Tượng điêu khắc thường thô, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự mới lạ và sức sống khác thường trong tác phẩm của các dân tộc phương Đông. Hầu hết được thể hiện dưới dạng phù điêu mô tả cảnh chiến tranh và truyện thần thoại. Kiến trúc rất đồ sộ, buồn tẻ. Đền thờ và cung điện là những công trình không trang trí, thấp bé, cổng vòm nhỏ, hai cột và tượng sư tử đá to lớn nằm cạnh lối vào.

Tín ngưỡng Hittite
Người ta cũng không biết nhiều về tín ngưỡng Hittite ngoại trừ tín ngưỡng này mang tính thần thoại phức tạp, vô số thần thánh, và nhiều hình thức thờ phụng có nguồn gốc Lưỡng Hà. Tên nam thần chính có vẻ là Addu, một vị thần bão, luôn được mô tả bằng chiếc tầm sét trên tay. Nhưng vị trí chính trong đền thờ bách thần dành cho nữ thần mẹ sinh sản, không biết tên.

Thần mặt trời cũng được thờ phụng cùng vô số các thần thánh khác, một số dường như không có chức năng cụ thể. Người Hittite dường như hoan nghênh việc kết hợp các vị thần của các dân tộc mình chinh phục và thậm chí các vị thần của các dân tộc đã mua hàng hóa của họ. Thông lệ tín ngưỡng bao gồm bói toán, hiến tế, nghi thức thanh tẩy, và cầu nguyện. Trong sử sách chưa tìm thấy điều gì biểu hiện rằng tín ngưỡng này mang ý nghĩa đạo đức chổi quét nhà cán nhựa.

Người Hittite như những người trung gian
Người Phrygian. Ý nghĩa lịch sử chủ yếu của người Hittite có lẽ nằm trong vai trò của họ như những người trung gian giữa thung lũng sông Tigris-Euphrates với các phần cực tây Cận Đông. Chắc chắn bằng cách này, một số thành phần văn hóa từ Lưỡng Hà được truyền bá cho các dân tộc như người Canaan, người Hykso, và có lẽ cho các dân tộc sống trên các đảo thuộc biển Aegea. Nhưng văn hóa Hittite không phải là không có ảnh hưởng trực tiếp, có vẻ đã được phản ánh trong tập quán xã hội của người Phrygian, phát triển cực thịnh từ năm 900 đến 300 TCN. Lãnh thổ của họ nằm ở phần trung tây Tiểu Á, trải rộng về phía đông đến tận sông Halys. Trong ngôn ngữ và văn học, có vẻ có mối quan hệ với người Hy Lạp, và cấu thành một kênh quan trọng trong việc truyền bá thành phần văn hóa đến người Hy Lạp và La Mã.
Thể chế được mô phỏng nhiều nhất của họ là hệ thống thờ cúng Cybele, Mẹ Vĩ đại, phát triển rất nhanh, ảnh hưởng đến các tín ngưỡng huyền bí của cả Hy Lạp lẫn Ý. Các vị thần chính trong hệ thống thờ cúng này là Cybele, Mẹ Đất, và Sabazius, Con trai, đã chết rồi sống lại từ cái chết mỗi năm, với sự tàn lụi và sống lại của thực vật. Nghi thức mang đặc điểm các vũ điệu điên cuồng, xuất thần, lễ hiến tế đẫm máu, truy hoan, trác táng. Người Phrygian bị người Lydia chinh phục khoảng năm 610 TCN nhưng phục hồi quyền lực, được hưởng vị thế bán độc lập và tương đối thịnh vượng thêm 2 thế kỷ nữa. Tất cả các vị vua đầu tiên của họ đều được gọi là Gordius hoặc Midas. Đoàn khảo cổ của trường Đại học Pennsylvania khám phá lăng mộ của một vị vua vào năm 1957 gần Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Người Hittite và nền văn minh Aegea
Một số nguồn có uy tín cho rằng người thành Troy bị người Hy Lạp tấn công vào thế kỷ 12 TCN là liên minh với người Hittite. Nếu điều này đúng, thì điều gần như chắc chắn rằng văn hóa Troy phải mang dấu ấn của người Hittite. Và trong chừng mực người thành Troy vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với người đảo Crete, nếu quả thật họ không cùng một chủng tộc, thì điều hợp lý khi cho rằng có một số sự trao đổi văn hóa giữa người Hittite và các trung tâm quan trọng trong nền văn minh Aegea.