Tìm hiểu Văn Minh Ba Tư Cổ Đại

Ba Tư cổ đại
The defeat of Croesus of Lydia by Cyrus the Great on the capture of Sardis, c.546 BC. Croesus, 595 BC - c. 546 BC. King of Lydia. Cyrus II of Persia, c. 600 - 530 BC, aka Cyrus the Great?or Cyrus the Elder. Founder of the Achaemenid Empire. From Hutchinson's History of the Nations, published 1915(Photo by: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)
187 views
10 phút đọc
Nội dung

Điều chúng ta chọn, Ahura-Mazdah và Công chính xinh đẹp, đến mức chúng ta có thể suy nghĩ, nói và làm bất kỳ điều gì được cho là việc làm tốt đẹp nhất đối với cả hai thế giới. Vì phần thương cho việc làm tốt nhất mà chúng ta đang phấn dấu, sự an toàn và cỏ khô dành cho Kine, bất cứ thứ gì chúng ta được chỉ bảo hay không được chỉ bảo, cho dù là người cai trị thần dân đi nữa. Hãy thật sự trở thành người tốt nhất trong số những người cai trị là Vương quốc, vì chúng ta gán Ahura-Mazdah và điều Công chính Tốt nhất cho Vương quốc. Trong tư cách một người nam hay một người nữ cũng đều hiểu điều gì là phải, với sự thiết lập để cho người ấy làm điều phải, cho chính bản thân mình và cho bất kỳ người nào mà người ấy cảm thông.

A. T. Olmstead, Seven-fold Yasna

Ba Tư sản sinh một nền văn minh mới. Người Chaldean, như chúng ta đã thấy, là dân tộc cuối cùng trong số các dân tộc có nền văn hóa về cơ bản là nền văn hóa của Lưỡng Hà. Năm 539 TCN người Ba Tư chiếm thung lũng giữa hai sông, ít lâu sau, chiếm toàn bộ đế chế của các nhà vua Chaldean. Nhưng người Ba Tư cũng hình thành được những gì thật sự là một nền văn minh mới. Trong khi họ tiếp thu phần lớn từ người Chaldean, nhưng họ không cố bảo tồn nền văn hóa cũ, và họ du nhập rất nhiều thành phần mới từ các nguồn khác. Tín ngưỡng của họ hoàn toàn khác hẳn, trong khi nghệ thuật của họ là sự tổng hợp các thành phần có nguồn gốc từ các dân tộc mà họ xâm chiếm. Họ cũng không tiếp tục quan tâm đến khoa học của người Chaldean cũng như không quan tâm đến sự phát triển kinh doanh và thủ công nghiệp. Sau cùng, cũng nên nhớ rằng đế chế Ba Tư còn bao gồm nhiều lãnh thổ rộng lớn trước đây không thuộc về các nhà vua Chaldean.

Bối cảnh Ba Tư

Người ta không biết gì nhiều về người Ba Tư trước thế kỷ 6 TCN. Cho đến thời điểm ấy, có vẻ như họ sinh sống hoà bình và xa lánh ở bờ biển phía đông Vịnh Ba Tư. Vùng đất quê hương của họ chỉ có lợi thế khiêm tốn. Ở phía đông, núi cao bao phủ, ở đường bờ biển không có hải cảng. Các thung lũng kém phì nhiêu, nhưng vẫn có thể cung cấp một lượng thức ăn hậu hĩ cho một số dân có hạn. Ngoại trừ việc phát triển một tín ngưỡng đến trình độ cao ra, người Ba Tư không có tiến bộ nào khác. Họ không có hệ thống chữ viết, nhưng họ có một ngôn ngữ nói có quan hệ gần với tiếng Sanskrit, và các ngôn ngữ ở châu Âu cổ đại và hiện đại. Chỉ riêng lý do này và không phải vì chủng tộc mà người ta gọi họ thật chính xác là chủng tộc Ấn-Âu. Ở buổi đầu lịch sử, họ không phải là một quốc gia độc lập mà chỉ là chư hầu của người Mede, một dân tộc có cùng nguồn gốc đang cai trị một đế chế rộng lớn ở phía bắc và đông sông Tigris.

ba tư cổ đại

Sự xuất hiện của Cyrus

Chân dung Cyrus đại đế
Chân dung Cyrus đại đế

Năm 559 TCN một hoàng thân tên Cyrus lên làm vua của một bộ tộc phía nam Ba Tư. Khoảng năm năm sau, ông trở thành người cai trị tất cả những người Ba Tư, rồi sau đó có tham vọng thống trị các dân tộc lân bang. Trong tư cách Cyrus Đại đế, ông đã đi vào lịch sử như một trong những người nổi tiếng nhất trong mọi thời đại. Trong một thời gian ngắn 20 năm, ông thành lập một đế chế rộng bao la, lớn hơn bất kỳ đế chế nào có xưa nay. Có thể nghĩ rằng thành công của ông hoàn toàn là do sức thuyết phục từ nhân cách của ông. Lúc đầu, ông được người Mede chấp nhận như nhà vua của họ ngay sau khi ông trở thành người cai trị người Ba Tư. Người ta vẫn chưa rõ lý do. Theo nhiều truyền thuyết khác nhau, ông là cháu hay con rể của vua Mede.

Có Lẽ do suy nghĩ mơ hồ về các dân tộc có cùng nguồn gốc đã buộc người Mede và người Ba Tư kết hợp với nhau dưới sự dìu dắt của một lãnh đạo chung. Dù sao đi nữa, “sự chinh phục” người Mede của Cyrus thành công với sự phản kháng không đáng kể có ý nghĩa không gì khác hơn là sự thay đổi các vương triều. Cyrus cũng hưởng lợi từ sự chia rẽ trong nhà nước Chaldean, như chúng ta đã đề cập trong chương trước, và từ tình trạng đổ nát của các đế chế Cận Đông khác. Ngoài ra, điều kiện địa lý của vùng đất quê hương Ba Tư buộc phải mở rộng, xâm lấn. Diện tích đất phì nhiêu hạn chế, thiếu các nguồn tài nguyên khác, và các nước lân bang giàu có luôn mời gọi xâm lăng là các yếu tố gần như chắc chắn làm cho Ba Tư phải phá vỡ những giới hạn của mình ra khỏi lãnh thổ ban đầu ngay sau khi sự túng quẫn, nghèo khó vừa mới bắt đầu manh nha.

Sự chinh phục của Cyrus

Nước đầu tiên trong các cuộc chinh phục thật sự của Cyrus là vương quốc Lydia, ở nửa phần phía tây Tiểu Á và cách biệt với vùng đất của người Mede bằng con sông Halys, hiện nay thuộc về phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Biết rõ tham vọng của người Ba Tư, Croesus, nhà vua nổi tiếng của người Lydia, quyết định phát động một cuộc chiến ngăn chặn để tránh cho đất nước của mình không bị xâm chiếm. Nhà vua thành lập liên minh với Ai Cập và Sparta, rồi sau đó đến đền thờ Delphi để hỏi các nhà chiêm tinh, xin lời khuyên về cuộc tấn công trực tiếp. Theo Herodotus, các nhà chiêm tinh khuyên rằng nếu ông vượt sông Halys và tấn công, thì sẽ tiêu diệt được một đạo quân hùng mạnh.

Nhà vua làm theo lời khuyên, nhưng đạo quân đại bại là đạo quân của nhà vua. Lực lượng của nhà vua bị đánh tan tác, vương quốc bé nhỏ nhưng giàu có của nhà vua bị thôn tính, trở thành một tỉnh của nhà nước Ba Tư. Bảy năm sau, năm 539 TCN, Cyrus lợi dụng sự bất bình và mưu phản trong đế chế Chaldean để chiếm thành Babylon. Chiến thắng của ông là một chiến thắng dễ dàng, vì ông được sự hỗ trợ của người Do Thái trong thành phố và giới thầy tế Chaldean, bất mãn với các chính sách của nhà vua. Việc chiếm kinh thành Chaldean tạo điều kiện nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát trên toàn bộ đế quốc và bằng cách này bổ sung Vùng đất phì nhiêu hình lưỡi liềm vào trong lãnh thổ của Cyrus.

Những người kế vị Cyrus

Người vĩ đại chết vào năm 529 TCN, rõ ràng là do các thương tích trong cuộc chiến với các bộ tộc man rợ. Ít lâu sau, một loạt các rắc rối bao phủ nhà nước ông vừa thành lập. Giống như nhiều người hình thành đế chế khác trước và sau đó, ông dành phần lớn tâm trí vào sự chinh phục nhưng không chú ý đến việc phát triển trong nước. Con trai của ông là Cambyses lên kế vị, vào năm 525 TCN xâm chiếm Ai Cập, trong khi cuộc nổi dậy lúc nhà vua mới không có mặt trong nước lan rộng khắp các lãnh thổ châu Á. Người Chaldean, người Elamite, và thậm chí người Mede đấu tranh giành lại độc lập. Công sứ chính của vương quốc, được giới thầy tế xúi giục, tổ chức một cuộc vận động giao ngai vàng cho một ông vua bù nhìn thuộc phe họ. Khi biết được tình hình trong nước, Cambyses từ Ai Cập thành lập một đạo quân đáng tin cậy nhất, nhưng trên đường về ông bị mưu sát. Các cuộc nổi dậy này sau cùng bị Darius đàn áp, ông là một quý tộc có quyền thế, giết chết ông vua bù nhìn và chiếm ngai vàng.

Darius Đại đế

Tranh khắc của Darius I ở Persepolis
Tranh khắc của Darius I ở Persepolis

Darius I, hay Đại đế, theo cách gọi có phần nào thiếu chính xác, cai trị đế chế từ năm 521 đến 486 TCN. Những năm đầu cai trị, chủ yếu là trấn áp các cuộc nổi dậy của thần dân trong nước và cải thiện tổ chức quản lý hành chính của nhà nước. Trong cả hai nhiệm vụ này, ông có được thành công đáng kể, nhưng tham vọng quyền lực đã đưa ông đi quá xa. Lấy cớ kiểm soát sự xâm nhập của người Scythian, ông vượt sông Hellespont, chiếm phần lớn vùng bờ biển Thracian, và do đó tạo ra sự thù địch của người Athens.

Ngoài ra, ông còn tăng cường hoạt động trấn áp người Hy Lạp ở Ionian trên bờ biển Tiểu Á, trước đây rơi vào ách thống trị của Ba Tư trong cuộc xâm chiếm của Lydia. Ông can thiệp vào hoạt động thương mại, thu vật triều cống nhiều hơn, và buộc họ phải phục vụ trong quân đội của mình. Kết quả trực tiếp là cuộc nổi dậy của các thành phố Ionian với sự giúp đỡ của Athens. Khi Darius cố trừng phạt người Athens vì tội tham gia cuộc nổi dậy, ông lao vào cuộc chiến với gần như tất cả các thành bang Hy Lạp.

Sự sụp đổ của đế chế Ba Tư

Sự đại bại của người Ba Tư trong cuộc chiến với Hy Lạp là bước ngoặt trong lịch sử của họ. Khả năng tấn công của đế chế lúc này không còn nữa, vì sự quan tâm của dân tộc tập trung vào sự vinh quang quân sự, ảnh hưởng từ sự hợp nhất bị tan vỡ. Cả nước rơi vào sự trì trệ và suy sụp. 150 năm tồn tại sau cùng của đế chế này mang đặc điểm các vụ ám sát thường xuyên, cuộc nổi dậy của các thống đốc tỉnh, và sự xâm lăng của các bộ tộc man rợ, sau cùng cho đến năm 330 TCN nền độc lập của đế chế bị các đạo quân của Alexander Đại đế thôn tính.

Cách đối xử của người Ba Tư đối với các dân tộc bị xâm chiếm

Có nhiều tư liệu viết về tư tưởng tự do và tính hiệu quả của chính quyền Ba Tư, nhưng dường như không chắc rằng cách quản lý này vượt trội hơn một số đế chế trước đó. Trong khi thực tế Cyrus cũng như những người kế vị sau này không hề bắt chước chủ nghĩa khủng bố của người Assyria, chính sách của các bạo chúa Ba Tư không phải là không trấn áp. Tương tự, cũng khó giải thích nguyên nhân của tần số các cuộc nổi dậy thường xuyên chống lại họ. Sau cùng, họ áp mức triều cống rất nặng đối với các dân tộc bị xâm chiếm – Ai Cập phải cống nạp 700 lạng bạc và Chaldea 1000 lạng bạc hàng năm1 – ấy là chưa kể đến việc buộc công dân các nước này phải phục vụ trong quân đội và không cho họ tham gia các chức vụ cai trị. Những bất lợi như thế này không thể bù đắp cho đặc quyền được giữ lại tập quán, luật pháp và tín ngưỡng địa phương, mà người Ba Tư ban cho các dân tộc bị mình chinh phục.

Chính quyền Ba Tư

Trên lý thuyết, vua Ba Tư là nhà vua chuyên chế cai trị bằng sự ân sủng của thần hiểu biết. Không có thể chế hay nguyên tắc công lý nào hạn chế quyền bính tối cao của nhà vua. Trên thực tế, nhà vua phải làm theo ý của các quý tộc chủ chốt trong vương quốc và phải tôn trọng tập quán lâu đời, tôn trọng luật pháp truyền thống của người Mede và người Ba Tư. Vì mục đích cai trị địa phương, đế chế được chia thành 21 tỉnh, mỗi tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo của một satrap hay thống đốc dân sự. Mặc dù có quyền hạn tối cao trong mọi vấn đề xét xử dân sự, nhưng satrap không có quyền bính quân sự. Lực lượng quân sự được giao phó cho một người chỉ huy các đơn vị đồn trú đóng khắp tỉnh. Như một người bảo vệ bổ sung, một viên chức cao cấp được bổ nhiệm về mỗi tỉnh để giám sát, kiểm tra thư từ của satrap và báo cáo chứng cứ bất trung nếu có. Và sau cùng, để cho an toàn hơn, nhà vua phái các quan thanh tra mỗi năm một lần cùng một tóp quân bảo vệ hùng mạnh đến thăm từng tỉnh và kiểm tra việc quản lý, cai trị. Số quan chức này, được gọi là “Tai Mắt của Nhà Vua”, thường là thành viên trong hoàng tộc hay những người mà nhà vua đặc biệt tin tưởng. Mặc dù hệ thống này phức tạp, tinh vi, tốn kém, nhưng tỏ ra kém hiệu quả đến mức cuộc nổi dậy của các satrap là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Ba Tư.

Thành tựu của các nhà vua Ba Tư

Gần như mọi hoạt động của chính quyền hoàng gia đều hướng đến mục tiêu hiệu quả quân sự và an ninh chính trị. Nhất là Darius I, cố đào tạo thanh niên Ba Tư dòng dõi con nhà quyền quý để làm cho họ thích nghi với cuộc sống chiến binh. Ông cũng tìm cách làm cho các tầng lớp thượng lưu thấm nhuần các đức hạnh khắc khổ, lòng trung thành và danh dự, khuyên họ không nên thói tật và xa hoa. Sau cùng, tất cả nỗ lực của ông chỉ là hoài công, vì người Ba Tư cũng không hơn gì người Assyria không thể cưỡng lại nổi sự cám dỗ của quyền lực và của cải bất ngờ mua chổi đót.

Một hành động trong số các hành động nổi bật khác của chính quyền là việc xây dựng hệ thống đường sá tuyệt hảo, là hệ thống giao thông tốt nhất trước thời La Mã. Nổi tiếng nhất là Con đường hoàng gia, dài khoảng 1.600 dặm, nối liền Susa gần Vịnh Ba Tư với Sardis ở Tiểu Á. Xa lộ này được bảo quản duy tu tốt để cho những người đưa tin của nhà vua, đi ngày đi đêm, có thể đi hết con đường chỉ trong một tuần. Gần như các tỉnh đều được nối liền với một trong số bốn kinh thành Ba Tư: Susa, Persepolis, Babylon và Ecbatana. Mặc dù lẽ đương nhiên con đường này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, nhưng xa lộ được xây dựng chủ yếu để tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát các bộ phận nằm xa đế chế.

5/5 - (2 votes)

Về Chuyên trang Lịch Sử & Văn Minh

Bài viết trong chuyên mục này được sưu tầm từ các trang uy tín về cùng chủ đề, hoặc do ad tự biên soạn, biên dịch để chia sẻ với mọi người, vì lịch sử và văn minh là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích. Các bạn có thể ủng hộ trang bằng cách kích quảng cáo.