Bái Hỏa Giáo và văn hóa Ba Tư cổ đại

bai hoa giao cua ba tu
276 views
17 phút đọc
Nội dung

Văn hóa chiết trung Ba Tư

Văn hóa của người Ba Tư, hiểu theo nghĩa hẹp là các thành tựu tri thức và nghệ thuật, phần lớn có nguồn gốc từ các nền văn minh trước đó. Phần lớn trong số này xuất phát từ Lưỡng Hà, một phần xuất phát từ Ai Cập, và một số từ Lydia và bắc Palestine. Hệ thống chữ viết của họ ban đầu là chữ hình nêm Babylon, nhưng họ cũng nghĩ ra một bảng chữ cái với 39 chữ, dựa trên bảng chữ cái của người Aramean đang mua bán trao đổi bên trong biên giới của họ. Trong khoa học họ không đạt được thành tựu gì cả, ngoại trừ việc tiếp thu với một số bổ sung sửa đổi nhỏ trong dương lịch của người Ai Cập và khuyến khích thám hiểm như một phương tiện hỗ trợ thương mại. Họ có công trong việc truyền bá kiến thức về hệ thống tiền tệ của người Lydia ra nhiều nơi ở Tây Á.

Cung điện lớn của Darius và Xerxes ở Persepolis.
Cung điện lớn của Darius và Xerxes ở Persepolis. Ảnh chụp cho thấy cầu thang phía Đông có cổng Xerxes bên trái. Các kiến trúc sư Ba Tư sử dụng cột tạo rãnh, có lẽ mô phỏng theo người Hy Lạp, và phù điêu giống như phù điêu của người Assyria

Đặc điểm chiết trung trong nghệ thuật Ba Tư

Phù điêu trong Cầu thang ở Persepolis.
Phù điêu trong Cầu thang ở Persepolis. Hình chụp ở đây cho thấy những người bị chinh phục mang lễ vật triều cống dâng vua Ba Tư. Nhiều dân tộc khác nhau theo kiểu trang phục.

Tuy nhiên chính trong kiến trúc của người Ba Tư mới thể hiện rõ nhất đặc điểm chiết trung trong nền văn hóa của họ. Họ mô phỏng kiểu kiến trúc tạo bậc thang và nền đắp vốn rất phổ biến ở Babylon và Assyria. Họ cũng mô phỏng tượng bò đực có cánh, gạch men màu sáng, và các motif trang trí khác trong kiến trúc Lưỡng Hà. Nhưng ít nhất hai trong số các đặc điểm hàng đầu trong xây dựng Lưỡng Hà nói chung không được người Ba Tư áp dụng – cửa tò vò và mái vòm. Thay vào đó, họ tiếp thu cột và dãy cột của Ai Cập. Những vấn đề chẳng hạn như bố trí nội thất và sử dụng thiết kế hoa sen và cọ ở chân cột cũng cho thấy ảnh hưởng rõ nét của Ai Cập. Mặt khác, việc tạo rãnh ở cột và kiểu trang trí xoắn ốc hay dạng cuộn phía dưới đầu cột không phải của người Ai Cập mà của người Hy Lạp, tiếp thu không những từ Hy Lạp trong phần lục địa mà còn tiếp thu từ các thành phố Ionian vùng Tiểu Á. Nếu có một điều gì đó độc đáo trong kiến trúc Ba Tư, thì đó là tính thế tục thuần túy. Cấu trúc Ba Tư đồ sộ không phải là đền thờ mà là cung điện. Nổi tiếng nhất là dinh thự nguy nga của Darius và Xerxes ở Persepolis. Dinh thự của Xerxes, xây dựng phỏng theo đền thờ ở Karnak, có sảnh tiếp khách khổng lồ ở giữa, với hàng trăm cột, bao quanh là vô số phòng dùng làm văn phòng hay nơi ở của các hoạn quan và thành viên hậu cung hoàng gia.

Bái Hỏa Giáo (Zoroastrian Religion)

Tôn giáo của người Ba Tư. Người Ba Tư cổ đại để lại ảnh hưởng kéo dài nhất là ảnh hưởng từ tín ngưỡng của họ. Hệ thống niềm tin của họ có nguồn gốc từ thời cổ đại. Tín ngưỡng này phát triển mạnh khi họ bắt đầu công việc xâm chiếm. Với sức hấp dẫn quá mạnh, và điều kiện được người khác chấp nhận đã chín muồi, tín ngưỡng này phát triển trong hầu khắp vùng Tây Á. Giáo điều của tín ngưỡng này làm thay đổi hoàn toàn các tín ngưỡng khác, thay cho niềm tin hiện có. Thế giới quan của các dân tộc cho đến thời điểm này đã được tín ngưỡng này nâng đỡ và làm sai lệch.

Sự xây dựng tôn giáo Zoroaster

Mặc dù nguồn gốc xuất xứ của tín ngưỡng này có từ thế kỷ 5 TCN, nhưng người sáng lập thật sự là Zoroaster2 dường như sống trước khi người Ba Tư thành lập đế chế khoảng 100 năm.

Tín ngưỡng được đặt theo tên ông, Zoroastrianism – Bái hỏa giáo. Dường như ông nhận thức rằng mình có nhiệm vụ phải làm trong sạch niềm tin truyền thông của dân chúng “xóa thuyết đa thần, hiến tế động vật, và ma thuật, để hình thành sự thờ phụng dựa trên bình diện tâm linh và đạo đức hơn. Cuộc vận động do ông dẫn dắt là sự đi kèm tự nhiên với sự chuyển tiếp sang cách sống dựa vào nông nghiệp văn minh hơn được thể hiện rõ trong lời dạy của ông phải kính trọng bò cái và trong quy định của ông xem việc canh tác đất là một nhiệm vụ thiêng liêng. Bất chấp nhiều nỗ lực cải cách của ông, nhiều tập tục mê tín trước đây vẫn còn tồn tại (như hiện nay), và dần dần pha trộn vào quan niệm mới.

Đặc điểm Bái hỏa giáo

1) Thuyết nhị nguyên. Trong nhiều phương diện. Bái hỏa giáo có đặc điểm độc đáo trong số các tín ngưỡng trên thế giới cho đến thời điểm ấy. Trước hết, tín ngưỡng này theo thuyết nhị nguyên – không phải một thần như tín ngưỡng của người Sumer, và Babylon, trong đó thần thánh có thể mang tính thiện và ác, cũng như không kỳ vọng vào thuyết một thần, hay niềm tin vào một thần tính duy nhất, như trong tín ngưỡng của người Do Thái và Ai Cập trước đó. Hai vị thần quan trọng cai quản vũ trụ: Ahura-Mazda3, vô cùng thiện, không hề làm điều ác, hiện thân cho nguyên tắc hiểu biết, chân lý và công chính; Ahriman, vị thần xảo trá, hiểm ác, chúa tể các thế lực đen tối, độc ác. Cả hai đều trong cuộc chiến vô vọng để giành uy thế. Mặc dù họ có sức mạnh ngang nhau, nhưng thần hiểu biết sau cùng giành chiến thắng, và thế giới được cứu khỏi các thế lực đen tối.

2) Niềm tin theo thuyết mạt thế. Thứ hai, Bái hỏa giáo là tín ngưỡng theo thuyết mạt thế. “Thuyết mạt thế” là giáo điều của sự vật gần đây hay cuối cùng bao gồm những quan niệm như sự xuất hiện của đấng cứu thế, sự phục sinh từ cái chết, sự phán xét cuối cùng, và truyền đạt ý người được cứu rỗi sẽ đến được thiên đàng vĩnh hằng. Theo niềm tin Bái hỏa giáo, thế giới kéo dài 12.000 năm. Sau 9.000 năm, có sự quang lâm lần hai của Zoroaster, như một dấu hiệu và lời hứa sự chuộc lỗi sau cùng vì đã làm điều thiện, tiếp theo sau là sự sinh ra bằng phép màu của Saoshyant, với nhiệm vụ là làm cho điều thiện trở nên hoàn hảo như sự chuẩn bị cho ngày tận thế. Sau cùng, ngày trọng đại cuối cùng sẽ đến khi Ahura-Mazda chế ngự và ném Ahriman xuống địa ngục. Người chết sau đó sẽ từ huyệt mộ sống dậy được phán xét theo những gì đáng được thưởng phạt. Người công chính sẽ được hưởng phúc đời đời trong khi người độc ác sẽ bị xử bằng lửa địa ngục thiêu đốt. Sau cùng, tất cả đều được cứu rỗi, vì địa ngục Ba Tư, không giống như địa ngục của người Cơ Đốc, không kéo dài mãi.

3) Tín ngưỡng đạo đức. Từ những gì vừa nêu, có thể rút ra kết luận rằng tín ngưỡng Bái hỏa giáo rõ ràng là một tín ngưỡng đạo đức. Mặc dù nội dung hàm chứa ý tiền định, chọn lọc một số được cứu rỗi, nói chung vẫn dựa trên giả định cho rằng con người đều có tính tự nguyện, rằng mình được tự ý phạm lỗi hay không phạm lỗi, và họ sẽ được thưởng phạt trong thế giới bên kia theo hạnh kiểm của họ trên trần thế. Các đức hạnh được tán dương được liệt kê thật ấn tượng. Một số mang nguồn gốc chính trị hay kinh tế: sự chuyên cần, tuân thủ hợp đồng, phục tùng người cai trị, con đàn cháu đống, và canh tác đất (“Người nào gieo ngũ cốc cũng gieo tính chất thiêng liêng”). Những điều khác cũng có ý nghĩa rộng hơn: Ahura-Mazda khuyên con người nên thật thà, nên thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau bằng mọi khả năng của mình, nên kết bạn với người nghèo và có lòng hiếu khách. Bản chất của những đức hạnh rộng hơn này có lẽ được thể hiện trong một sắc lệnh khác của thánh thần: “Hễ người nào cho người thật thà thịt… thì anh ta sẽ được lên Thiên đàng”.

Tội trọng. Các loại hạnh kiểm bị cấm đoán rất nhiều và đa dạng gồm toàn bộ danh sách trong số Bảy tội trọng của đạo Cơ Đốc thời Trung cổ và nhiều tội khác. Kiêu ngạo, tham ăn, lười biếng, thèm muốn, phẫn nộ, dâm ô, ngoại tình, phá thai, vu khống và lãng phí là những tội trọng điển hình. Việc cho vay lấy lãi được mô tả là “trọng nhất trong số các tội”, và sự tích góp của cải bị phản đối nhiều nhất. Những kiềm chế mà con người cần có gồm loại Khuôn vàng thước ngọc tiêu cực: “Chỉ có những gì tự nhiên mới là điều tốt và không nên làm bất kỳ điều gì không tốt đối với chính bản thân”. Cũng thật thích hợp khi cho rằng Bái hỏa giáo ban đầu lên án cách sống khổ hạnh. Tự làm cho mình đau khổ, chay tịnh, và đau buồn thái quá cũng bị cấm với lý do chúng làm tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác và làm cho con người không còn thích hợp với nhiệm vụ làm nông nghiệp và sinh con đẻ cái. Sự điều độ chứ không phải kiêng cữ tuyệt đối là quan niệm truyền thống của người Ba Tư4.

4) Tín ngưỡng khải huyền. Bái hỏa giáo có ý nghĩa đặc biệt vì nó là một tín ngưỡng khải huyền – hiển nhiên là hình thức đầu tiên thuộc loại này trong lịch sử thế giới phương Tây. Tín đồ là những người nắm giữ chân lý duy nhất, không phải vì họ khôn ngoan hơn người khác, mà còn hiểu được những điều bí ẩn của thần thánh. Trong tư cách thành viên trong thực thể thần thánh, đương nhiên họ có được sự hiểu biết của thần thánh, dĩ nhiên, không phải hoàn toàn, mà chỉ một phần hiểu biết ấy. Chân lý họ đang hiểu vì thế cũng mang tính huyền bí, không thể giải thích bằng logic hay khám phá bằng nghiên cứu, điều nghiên. Một phần chân lý trong hình thức chữ viết thần thánh – Avesta, người ta cho rằng đã từ trên trời gửi xuống – nhưng phần lớn gồm sự khải huyền bằng lời nói miệng mà Zoroaster tiếp nhận từ Mazda rồi truyền cho các môn đệ. Trái với quan niệm chung, tín ngưỡng khải huyền không phổ biến trong thế giới phương Tây. Người Ai Cập không có kinh thánh hay Lời của Thần thánh, và các dân tộc vùng Lưỡng Hà cũng thế. Tương tự, các tín ngưỡng của Hy Lạp và La Mã đều dựa trên nền tảng không có Chân lý nào do thần thánh ban cho.

Bái hỏa giáo, Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo là những niềm tin duy nhất, với ngoại lệ có thể là đạo Hindu, xem sự khải huyền của thần thánh là một trong những thành phần cơ bản của mình. Chắc chắn, đây là một yếu tố làm tăng thêm sức mạnh của họ, nhưng cũng phải tính đến chủ nghĩa giáo điều và tính không khoan dung.

Di Sản Huyền Bí Và Thế Giới Khác Của Ba Tư

Sự pha trộn Bái hỏa giáo với niềm tin nước ngoài. Tín ngưỡng của người Ba Tư được Zoroaster truyền bá không kéo dài được lâu trong tình trạng nguyên thủy. Tín ngưỡng này bị sụp đổ, trước hết, do sự dai dẳng của tục mê tín thời cổ xưa, ma thuật và thầy tế. Tín ngưỡng càng phát triển rộng khắp, thì càng bị pha trộn tàn tích của sự man rợ này. Cùng với thời gian, sự sửa đổi bổ sung thêm do ảnh hưởng của các niềm tin nước ngoài, nhất là niềm tin của người Chaldean. Kết quả sau cùng là sự phát triển một dạng tổng hợp trong đó giới thầy tế nguyên thủy, niềm tin vào Chúa cứu thế, và thuyết nhị nguyên của người Ba Tư cộng với thái độ bi quan và thuyết định mệnh của những người Babylon mới.

Tục thờ thần Mithras

Từ sự tổng hợp này, dần dần xuất hiện một sự pha trộn nhiều hệ thống thờ cúng, cũng giống nhau trong giáo điều cơ bản nhưng chú trọng nhiều mục đích khác. Lâu đời nhất trong số những hệ thống thờ cúng này là tục thờ thần Mithra, tên đặt theo Mithras, vị thần của Mazda trong cuộc đấu tranh chống các thế lực độc ác. Lúc đầu chỉ là một vị thần nhỏ trong tín ngưỡng Bái hỏa giáo, Mithras sau cùng được nhiều người Ba Tư công nhận là vị thần đáng được thờ phụng nhất. Lý do giải thích sự thay đổi này có lẽ là do sự hấp dẫn do những kỳ công của vị thần này. Người ta cho rằng thần sinh ra từ đá, trước sự chứng kiến của một nhóm nhỏ người chăn cừu, mang quà đến tặng để tỏ lòng tôn kính nhiệm vụ trọng đại của thần trên trái đất. Sau đó thần khuất phục tất cả sinh vật quanh mình, thuần hóa phần lớn số sinh vật này và làm cho chúng có ích cho con người.

Để thực hiện được mục đích của mình cho tốt hơn, thần kết hợp với mặt trời, mang sự ấm áp và ánh sáng đến để phát triển nông nghiệp. Nhưng quan trọng nhất trong số các kỳ công của thần là hành động thu phục bò thiêng. Túm lấy sừng bò, thần chiến đấu một cách vô vọng cho đến khi thần ép được con bò chạy vào hang động, trong hang theo lệnh của mặt trời thần giết chết con bò. Từ máu thịt con bò chết tạo ra tất cả các loại cỏ, ngũ cốc và nhiều loại cây trồng khác quý báu đối với con người. Ngay sau khi thần làm xong những việc này, thì Ahriman làm cho trái đất hạn hán, nhưng Mithras cắm mạnh mũi lao của mình vào đá, để nước phun ra. Kế đến thần ác làm phép dâng lũ lụt, nhưng Mithras đóng thuyền để cho mọi người cùng gia súc của mình lên thuyền thoát thân, Mithras cùng mặt trời dùng bữa cơm cúng tế rồi bay lên trời. Vào thời điểm thích hợp thần sẽ trở lại và ban sự bất tử cho tất cả tín đồ sùng đạo.

Nghi lễ và tuân thủ tục thờ thần Mithras

Nghi lễ trong tục thờ thần Mithras vừa công phu vừa có ý nghĩa, bao gồm lễ thụ giáo phức tạp gồm bảy giai đoạn hay cấp độ, giai đoạn cuối cùng thắt chặt tình bạn huyền bí với thần thánh. Sự phủ nhận cái tôi và vết rạch trên thịt kéo dài là nghi lễ đi kèm cần thiết trong quá trình thụ giáo. Việc được chấp nhận làm thành viên chính thức trong hệ thống thờ cúng giúp cá nhân được quyền tham dự lễ ban thánh thể, quan trọng nhất trong lễ ban thánh thể này là lễ rửa tội và bữa ăn thiêng liêng gồm bánh mì và nước, và có thể là rượu, vẫn còn nhiều sự tuân thủ khác như lễ tẩy uế (nghi lễ tẩy uế bằng nước thánh), đốt nhang, ca hát bằng âm nhạc thần thánh, và giữ mình trong những ngày thiêng liêng. Vào ngày Chủ nhật cuối cùng, ngày 25/12 là ngày thiêng liêng như thế. Phỏng theo tín ngưỡng thờ sao của người Chaldean, mỗi ngày trong tuần, phải dành trọn cho thiên thể. Vì mặt trời như người trao ánh sáng và liên minh tín đồ sùng đạo thờ thần Mithras là quan trọng nhất trong số các thiên thể này, ngày của thần đương nhiên được xem là ngày thiêng liêng nhất. Ngày 25/12 cũng mang ý nghĩa mặt trời: xấp xỉ với ngày đông chí đánh dấu sự trở lại của mặt trời sau một cuộc hành trình dài ở phía nam đường xích đạo. Ngày này còn mang ý nghĩa “ngày sinh nhật” của mặt trời vì nó bao hàm sự hồi sinh khả năng tạo ra sự sống có lợi cho con người.

Sự phát triển và ảnh hưởng của tục thờ thần Mithras

Người ta vẫn chưa biết chính xác sự thờ phụng thần Mithras trở thành một hệ thống thờ cúng từ khi nào, nhưng chắc chắn phải trước thế kỷ 4 TCN. Đặc điểm của hệ thống thờ cúng này được xác lập vững chắc trong giai đoạn xã hội xáo động sau sự sụp đổ đế chế của Alexander, và sự phát triển của nó vào thời điểm ấy ở mức cực nhanh. Vào thế kỷ cuối cùng TCN khi được du nhập vào La Mã, mặc dù chỉ có ý nghĩa khiêm tốn ở nước Ý cho đến năm 100, nhưng thu hút nhiều người thuộc tầng lớp hạ lưu, hàng ngũ binh sĩ, người nước ngoài và nô lệ, cải sang đạo này.

Sau cùng, nó phát triển thành vị thế một trong những tín ngưỡng phổ biến nhất Đế chế, đối thủ cạnh tranh chính của đạo Cơ Đốc, và bản thân ngoại giáo La Mã lâu đời. Tuy nhiên, sau năm 275, sức mạnh của tục thờ thần Mithras giảm sút nhanh chóng. Vẫn chưa thể biết hệ thống thờ cúng đáng ngạc nhiên này có ảnh hưởng nhiều đến mức nào. Nét bề ngoài trông giống như đạo Cơ Đốc chắc chắn không phải là khó hiểu, nhưng dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là cả hai đều giống hệt nhau, hoặc tín ngưỡng này là nhánh của tín ngưỡng kia. Tuy nhiên, có lẽ đúng khi cho rằng đạo Cơ Đốc trẻ hơn hai kình địch đã vay mượn phần lớn hình thức bên ngoài của tục thờ thần Mithras, đồng thời bảo tồn triết lý của riêng mình ở mức hầu như còn y nguyên.

Mani giáo Ba Tư

Một trong số những tín ngưỡng kế vị chính của tục thờ thần Mithras trong việc lưu truyền di sản thừa kế từ Ba Tư là Mani giáo Ba Tư, do Mani, một thầy tu sinh ra trong dòng dõi quyền quý ở Ecbatana, sáng lập vào khoảng năm 250. Giống như Zoroaster, ông hiểu rằng nhiệm vụ của mình là phải cải cách tín ngưỡng đang thịnh hành, nhưng ông ít được sự đồng cảm của đồng bào trong nước, và phải chấp nhận các cuộc mạo hiểm truyền đạo ở Ấn Độ và miền tây Trung Hoa. Khoảng năm 276 CN ông bị kết án và bị những người Ba Tư đối lập đóng đinh vào giá chữ thập. Sau khi ông chết, lời dạy của ông được các môn đệ truyền bá trong tất cả các nước Tây Á và sau cùng đến tận nước Ý khoảng năm 330 CN. Nhiều tín đồ Mani giáo Ba Tư ở phương Tây, Augustine Đại đế chẳng hạn, sau cùng cũng cải sang Ki-tô giáo.

Thuyết nhị nguyên nghiêm ngặt của tín đồ Mani giáo Ba Tư

Trong số tất cả những lời dạy trong Bái hỏa giáo, lời dạy tạo ấn tượng sâu sắc nhất theo suy nghĩ của Mani là thuyết nhị nguyên. Vì thế lẽ đương nhiên thuyết nhị nguyên trở thành giáo điều trọng tâm của niềm tin mới. Nhưng Mani đưa ra cách giải thích về giáo điều này rộng hơn tín ngưỡng trước đây. Ông hiểu rằng không chỉ đơn thuần hai vị thần tham gia cuộc đấu tranh không ngừng để giành uy thế, mà còn là cuộc đấu tranh của toàn bộ vũ trụ chia thành hai vương quốc, vương quốc này là phản đề của vương quốc kia. Thứ nhất là vương quốc tinh thần do một vị Thần hằng thiện cai quản. Thứ hai là vương quốc vật chất do sự cai quản của quỷ Satan. Chỉ có các thực thể “tinh thần” như lửa, ánh sáng, và linh hồn của nước mới do Thánh thần tạo ra. Đen tối, tội lỗi, dục vọng, và tất cả mọi thứ khác thuộc thể xác và sở hữu hữu hình đều có nguồn gốc từ quỷ Satan. Bản thân nhân tính cũng là điều ác, vì những bố mẹ đầu tiên của giống nòi đã có được thể xác hình hài từ quỷ Satan.

Ngụ ý đạo đức của thuyết nhị nguyên

Ngụ ý đạo đức của thuyết nhị nguyên nghiêm ngặt đã rõ. Vì mọi thứ đều có quan hệ với cảm giác hay dục vọng vốn là công việc của quỷ Satan, nên con người phải phấn đấu giải thoát mình không bị lệ thuộc vào sự nô dịch hóa tính chất tự nhiên càng nhiều càng tốt. Con người nên kiềm chế mọi hình thức khoái lạc, ăn thịt, uống rượu, thỏa mãn dục vọng. Ngay cả hôn nhân cũng bị cấm đoán, vì điều này sẽ dẫn đến kết quả sinh ra nhiều hình hài thể xác cho số cư dân sống trong vương quốc của quỷ Satan.

Ngoài ra, con người phải vượt qua sự cám dỗ xác thịt bằng cách ăn chay trường và chịu đau khổ. Nhận thấy chương trình khắc khổ này quá khó đối với con người thông thường, Mani chia nhân loại thành “hoàn hảo” và “thế tục”. Chỉ có loại “hoàn hảo” mới buộc phải trung thành với toàn bộ chương trình, xem đó là lý tưởng của những gì mà tất cả mọi người nên đạt đến. Loại “thế tục” chỉ cần tránh sùng bái thần tượng, hám lợi, gian dâm, nói dối, và ăn thịt. Để giúp con cái của nước Chúa trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực đen tối. Chúa cử các thiên sứ và người chuộc tội đến trong từng thời điểm để an ủi và truyền cảm hứng, động viên con người. Noah, Abraham, Zoroaster, chúa Jésus và Paul, tất cả đều nằm trong số các thừa sai thần thánh này, nhưng thừa sai cuối cùng và quan trọng nhất chính là Mani.

Ảnh hưởng của Mani giáo Ba Tư

Ảnh hưởng của Mani giáo Ba Tư rất khó ước đoán, nhưng chắc chắn là rất đáng kể. Người dân thuộc mọi giai tầng trong Đế chế La Mã, kể cả một số thành viên trong giới giáo sĩ Cơ Đốc, đều theo giáo điều này. Trong hình thức Cơ Đốc hóa, nó trở thành một trong những giáo phái chủ yếu trong Giáo hội thời kỳ đầu, và có một số ảnh hưởng đối với sự phát triển dị giáo Albigensian vào cuối thế kỷ 12 và 13. Nó truyền cảm hứng cho những tự biện Cơ Đốc giáo vô lý về thuyết nhị nguyên giữa Chúa với ma quỷ và giữa tinh thần với vật chất bán chổi đót.

Không những Mani giáo Ba Tư góp phần vào chủ nghĩa khắc khổ trong Cơ Đốc giáo, mà còn củng cố giáo điều về tội tổ tông và toàn bộ hành động trụy lạc của con người, được một số nhà thần học rao giảng. Sau cùng, nó chính là nguồn tuyệt hảo của tính đối ngẫu nổi tiếng trong các chuẩn mực đạo đức do Thánh Augustine và các Cha Giáo hội khác thiết lập: (1) chuẩn mực hoàn hảo đối với một vài người (tăng ni), xa lánh thế giới này và sống cuộc đời thánh thiện làm gương cho số còn lại, (2) chuẩn mực có thể của xã hội dành cho số tín đồ Ki-tô bình thường.

Thuyết Ngộ đạo

Hệ thống thờ cúng quan trọng thứ ba phát triển như một thành phần trong di sản thừa kế Ba Tư là Thuyết Ngộ đạo (từ tiếng Hy Lạp gnosis, nghĩa là kiến thức, hiểu biết). Vẫn chưa rõ tên của người sáng lập, cũng như niên đại xuất xứ, nhưng chắc chắn nó ra đời vào đầu thế kỷ 1. Thuyết Ngộ đạo đạt đỉnh điểm vào nửa sau thế kỷ 2. Mặc dù, có được một số môn đệ ở Ý, nhưng ảnh hưởng của Thuyết Ngộ đạo chủ yếu ở vùng Cận Đông.

Thuyết huyền bí trong Thuyết Ngộ đạo

Đặc điểm làm cho hệ thống thờ cúng này phân biệt rõ nét với các hệ thống thờ cúng khác là thuyết huyền bí. Những người theo Thuyết Ngộ đạo phủ nhận rằng chân lý trong tín ngưỡng có thể tìm thấy bằng lý trí hoặc thậm chí có thể hiểu được. Họ tự xem mình là những người duy nhất có được kiến thức, hiểu biết về tinh thần do Chúa trực tiếp khải huyền cho họ biết. Chỉ riêng kiến thức này cũng mang ý nghĩa quan trọng, được xem là sự dẫn dắt hạnh kiểm và niềm tin. Tương tự, sự tuân thủ tín ngưỡng của họ mang tính bí truyền cao, nghĩa là chỉ có người thụ giáo mới hiểu được ẩn ý. Phép bí tích cũng như lễ rửa tội rất nhiều, nghi thức huyền bí và việc sử dụng các công thức và con số thiêng liêng là những minh hoạ điển hình.

Ảnh hưởng kết hợp của một số nhánh Bái hỏa giáo

Ảnh hưởng kết hợp của những tín ngưỡng Ba Tư này rất nhiều. Hầu hết trong số này được đề ra vào thời điểm khi điều kiện chính trị và xã hội đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển của chúng. Sự sụp đổ của đế chế Alexander khoảng năm 300 TCN mở ra một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử thế giới cổ đại. Rào cản quốc tế bị xóa bỏ, có sự di cư và hôn nhân giữa nhiều dân tộc, sự sụp đổ của trật tự xã hội lâu đời tạo ra một tâm trạng vỡ mộng sâu sắc và hiểu biết mơ hồ về sự cứu rỗi dành cho cá nhân. Sự chú ý của con người trước đó chưa bao giờ sau khi Ai Cập sụp đổ, xảy ra tập trung vào phần đền bù bằng một kiếp sống ở kiếp sau. Trong những hoàn cảnh như thế, tín ngưỡng thuộc loại mô tả chắc chắn phát triển giống như cây nguyệt quế xanh tươi. Thế giới khác, huyền bí, và tin vào Chúa cứu thế, đã đưa đến con đường thoát mà con người đang tìm kiếm từ một thế giới đầy hỗn loạn và lo âu.

Các thành phần khác trong di sản thừa kế từ Ba Tư. Mặc dù không phải là tín ngưỡng duy nhất, di sản do người Ba Tư để lại hàm chứa một số thành phần mang tính chất thế tục. Hình thức chính quyền của họ được các nhà vua La Mã sau này tiếp thu, không phải trong khía cạnh chính trị thuần túy mà trong tính chất chuyên chế thần quyền. Khi các hoàng đế như Diocletian và Constantine I xem thần quyền là cơ sở cho chính thể chuyên chế của mình và đòi hỏi thần dân trong nước phải quỳ phủ phục trước mặt mình, họ thật sự đang nhấn chìm nhà nước trong tín ngưỡng như người Ba Tư đã làm từ thời Darius. Dấu vết ảnh hưởng của Ba Tư trong triết học Hy Lạp cũng thấy rõ, nhưng ở đây thêm lần nữa chủ yếu là trong tín ngưỡng, vì gần như chỉ giới hạn trong các lý thuyết huyền bí của những người theo chủ nghĩa Plato. Mới cùng các đồng minh triết lý của họ.

5/5 - (1 vote)

Về Chuyên trang Lịch Sử & Văn Minh

Bài viết trong chuyên mục này được sưu tầm từ các trang uy tín về cùng chủ đề, hoặc do ad tự biên soạn, biên dịch để chia sẻ với mọi người, vì lịch sử và văn minh là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích. Các bạn có thể ủng hộ trang bằng cách kích quảng cáo.