Nước Anh thời Trung Cổ

nước anh thời trung cổ
nước anh thời trung cổ
337 views
10 phút đọc
Nội dung

Trong bài viết trước: Nước Anh thời Anglo-Saxon, chúng ta đã tìm hiểu những diễn biến lịch sử chính thời khai sinh ra nước Anh, ngay sau khi đế quốc La Ma, và cùng với sự đô hộ của họ trên đất Anh, sụp đổ. Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu lịch sử nước Anh thời Trung Cổ với những diễn biến nổi bật nhất.

Trong khi vua Alfred Đại Đế đang đoàn kết nước Anh chống lại các cuộc tấn công của người Danes vào thế kỷ thứ chín, thì một sắc dân Norse tàn bạo khác đã chiếm đất Pháp trên eo biển Manche. Tại Pháp, người dân thường cầu nguyện “Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con, khỏi sự bạo tàn của bọn giặc phương bắc!” Nhưng rồi thì những người bắc man xâm lược cũng ăn ở với người Pháp, và sau khoảng một trăm năm đôi bên hòa lẫn vào nhau trở thành người Norman, tin vào Đấng Kitô, nói một thứ tiếng khác, và hình thành một hệ thống xã hội mới.

Sự xâm lược của người Pháp và hình thành dòng máu mới

Hôn nhân giữa các gia đình hoàng gia Norman và các vua Saxon đã sản sinh ra William, Quốc vương xứ Normandy, một xứ sở thuộc quyền sở hữu đầy tranh cãi của Anh. Viện cớ rằng đã được hứa hẹn ngai vàng, ông xâm lược Anh vào năm 1066, đánh bại vua người Saxon là Harold tại trận Hastings. William, giờ đây được gọi với danh hiệu “Kẻ Chinh Phạt”, đã biến người Anh thành thần dân của mình, và cướp hết đất đai ban cho những người Norman đi theo ông. Đây là cuộc xâm lăng cuối cùng trên đất Anh, do người Pháp thực hiện.

Năm mà người Saxon đại bại, 1066, là một dấu mốc không thể quên với người Anh, cũng như năm 1492 đối với người Mỹ, khi Colombus tìm ra châu Mỹ. Người Saxon lo sợ xứ sở của mình đã đến hồi kết, nhưng qua thời gian họ chung sống và ăn ở với người Pháp-Norman và hình thành nên một nước Anh mới. Mỗi nhóm đều có những đóng góp riêng của mình đối với dòng máu Anh mới. Người Celts vùng Ireland và Scotland, cùng với người Welsh, có đặc điểm là giàu trí tưởng tượng và cảm xúc mãnh liệt. Người Angles, người Saxon, và người Danes thì nổi bật vì sự can đảm, sức chịu đựng, và yêu mến các hoạt động thể chất. Người Norman, do tiếp xúc với văn minh vùng Địa Trung Hải, đã học được cách suy nghĩ logic và tổ chức các hệ thống hoàn chỉnh về chính trị, tôn giáo, và đời sống xã hội. Về cách tận huỏng lối sống xa hoa và tinh tế, họ mang đến khiếu hài hước, màu sắc, và tính cách vui vẻ cho dòng máu Anh. Tất cả những tính cách đặc trưng trên hòa quyện để tạo nên đặc tính của người Anh.

Quý tộc Norman hình thành một tầng lớp cai trị mới, còn người Anglo-Saxon trở thành thần dân. Tuy nhiên, họ cùng chia sẻ quyền lực trong Giáo hội với sức ảnh hưởng ngày càng lớn lao.

Tìm hiểu thêm về nước Anh:
Khái quát những nét văn hóa của nước Anh
Sự phát triển của tiếng Anh qua các thời kỳ

Quyền lực và ảnh hưởng của giáo hội tại nước Anh thời Trung Cổ

Giáo hội là một thế lực lớn mạnh và bền bỉ trong đời sống nước Anh thời trung cổ. Giáo hội giúp yên ủi nỗi sợ cái chết, trao cho con người hy vọng về hạnh phúc vĩnh hằng, nuôi dưỡng đức tin vào Thượng Đế, và niềm tin rằng mọi loài thụ tạo, từ thấp hèn nhất đến cao quý nhất, đều có vị trí của mình trong công trình Tạo Dựng vĩ đại của Thiên Chúa.

Nông dân có lẽ sống trong những lều tranh, vách lứa. Das6n tính thì dựng nhà có tầng cao, đổ bóng xuống những con đường hẹp bên dưới. Và tất cả đều dồn sức xây dựng những nhà thờ nguy nga bề thế, lấp đầy bên trong những nội thất xa hoa. Các ngôi thánh đường ngày ấy giờ đây vẫn còn tồn tại, và là sự huy hoàng về kiến trúc của người Anh – từ những khung cửa uốn cong, những bức tường đá đồ sộ theo kiến trúc Romanesque, những ngôi nhà thờ Norman cho đến những khung cửa vuốt nhọn, những mái vòm vươn cao, và các ô cửa sổ kính màu khổng lồ theo kiểu Gothic.

Vào thời mà người ta còn tranh giành quyền lực chính trị, và chinh chiến là một đức hạnh, thì Giáo hội đã cầm lấy ngọn đuốc văn minh. Sách vở và nền học thuật được giới tăng lữ bảo tồn trong khi các hiệp sĩ và quý tộc gần như không quan tâm tới chuyện chữ nghĩa. Hoạt động giảng dạy và chép sách nở rộ trong các tu viện trên khắp nước Anh. Ngay cả những học giả trẻ thời vua Alfred cũng tụ tập với nhau tại Oxford để nghe các tu sĩ và cha cố giảng dạy. Hai trường đại học lớn Oxford và Cambridge được hình thành vào thế kỷ thứ 12 và 13.

Khi các tu viện ngày càng giàu có, một số tu sĩ bắt đầu đam mê cuộc sống trần tục và mất kỷ luật, như Chaucer chỉ ra. Tuy nhiên, nhìn chúng thì Giáo hội đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp, và ngay cả những vị vua cũng phải nhìn nhận “vương quyền” của mình là được đại diện của Chúa, tức là Giáo hội, trao ban. Thánh tích mà đoàn hành hương của Chaucer tìm tới thờ kính trong tác phẩm The Canterbury Tales cho thấy quyền lực của Giáo hội đối với nhà nước thế quyền. Hai trăm năm trước thời Chaucer, Thomas à Becket, Giám mục Canterbury, đã bị sát hại ngay trước bàn thờ trong thánh đường của chính ông vì ông đã không nhượng bộ vua Henry II trong cuộc tranh đoạt quyền lực giữa giáo hội và nhà nước. Vì can dự trực tiếp vào cuộc sát hại này, Henry phải làm việc đền tội rất nặng nề, còn tu viện Canterbury thì trở thành thánh tích linh thiêng mà bất kỳ giáo dân nào cũng mong muốn được đến hành hương một lần trong đời.

Lòng mộ đạo sốt sắng thời trung cổ dễ dàng được vận động trong những cuộc Thập Tự Chinh – biểu hiện cao độ cho ảnh hưởng của Giáo hội đối với tâm hồn người dân. Trong suốt thế kỷ 11, 12, và 13, Giáo hội đã tổ chức những cuộc viễn chinh lớn nhằm chiếm lại Jerusalem và Đất Thánh từ tay người Hồi giáo. Ngay cả các vị vua cũng đích thân dẫn quân đi đánh, trong số họ nổi tiếng nhất là vua Richard Tim Sư Tử. Tuy phong trào bắt đầu bởi lý tưởng tôn giáo, nhưng giới thương nhân và giới những người phiêu lưu mạo hiểm cũng theo chân các đoàn thập tự quân. Hành quân qua các xứ sở giúp họ mở mang tầm mắt, không chỉ còn biết tới châu Âu mà còn biết có châu Á. Vậy nên, người Anh tìm hiểu những chân trời mới, phát triển thương mại, và làm quen với khoa học, văn học, và nghệ thuật phương Đông.

Chế độ phong kiến, trật tự của các tầng lớp xã hội

Như một nhà độc tài hiện đại, vua William đập tan sự nổi loạn. Để giữ vững một đất nước chia rẽ và không mấy thiện chí, William cần quân đội; và để có quân đội thì ông áp dụng hệ thống phong kiến (feudal system). Thuật ngữ feudalism bắt nguồn từ từ feud hay fief, dùng để chỉ một mảnh đất của nhà vua giao cho ai đó cai quản. Ý tưởng cảu William đó là tất cả đất đai đều là của nhà vua, và được ban phát cho quần thần. Về phần mình, quần thần phải thề trung thành với nhà vua, hỗ trợ quân sự cho nhà vua, và đóng góp tài chính cho nhà vua. Ý tưởng vua bảo vệ quần thần, quần thần vâng lệnh vua của người Anglo-Saxon giờ đã được chuyển hóa thành quyền sở hữu đất đai. Quý tộc, hiệp sĩ, quan lại từ cao tới thấp đều phân chia đất đai của mình cho thuộc hạ. Như vậy, những người Norman trở thành chủ đất và quý tộc, những người gốc Anglo-Saxon bị tước hết đất đai và trở thành nông nô cày cấy và nộp hầu hết hoa màu cho lãnh chúa của họ. Hệ thống này tạo ra một xã hội phân cấp khắc nghiệt đến mức những người ở tầng lớp thấp nhất, tức nông nô, bị trói buộc vào mảnh đất được giao và không được phép bán nó.

Hiệp sĩ – hoa trái của chế độ phong kiến

Cùng với chế độ phong kiến, người Noman còn tạo ra tầng lớp hiệp sĩ (chivalry), dành riêng cho giới quý tộc. Từ chivalry có gốc Pháp là từ cheval, nghĩa là ngựa. Từ này chỉ tác phong của một hiệp sĩ, tức là kỵ binh mặc giáp và trang bị vũ khí. Chivalry – Hiệp sĩ quy điển – quy định việc đào tạo một quý tộc trẻ qua từng bước, ban đầu là tiểu đồng – page, sau đó mới được lên vệ sĩ – squire, cuối cùng được phong tước hiệp sĩ – knight. Ứng viên sẽ được dạy phép lịch sự với phụ nữ, tinh thần phụng sự đối với giáo hội, và tinh thần đồng đạo giữa hiệp sĩ với nhau. Hệ thống này tạo ra một nhóm những chiến binh quý tộc thiện chiến, lý tưởng của họ là danh dự, là những quy tắc Ki-tô giáo, và tình yêu lãng mạn. Trên thực tế, thì hành vi của các hiệp sĩ thường không có được như lý tưởng của họ. Tuy nhiên, thể chế này vẫn phần nào xoa dịu sự man rợ của thời trung cổ, và hướng con người ta tới một đời sống tốt hơn.

Mỗi hiệp sĩ sẽ chọn cho mình một quý nương để phục vụ và nhân danh nàng mà chiến đấu trên sa trường hoặc trong các trận đấu thương thường được tổ chức thời ấy. Các giải đấu thương sẽ được tổ chức thường kỳ, trong những sân vận động lớn. Các hiệp sĩ mặc giáp phục, tay cầm khiên và trường thương, hông đeo kiếm, cưỡi ngựa, và rồi lao vào đối phương trong một trận đánh giáp lá cà một sống một còn. Truyền thống dân gian kể nhiều câu chuyện về các vị hiệp sĩ lang thang, giong ngựa qua các vùng quê để tìm kiếm sự phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng cũng có nhiều hiệp sĩ chỉ quan tâm chuyện làm ăn kiếm chắc, chứ không bận tâm tới những lời thề.

Có rất nhiều chuyện kể về tầng lớp hiệp sĩ này, tình yêu và các cuộc chiến của họ. Nổi tiếng nhất tại Anh là câu chuyện Morte d’ Arthur của Malory, thuật lại những cuộc phiêu lưu của vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn tròn. Tiểu thuyết ngôn tình (romance) rất được ưa chuộng thời này, chủ yếu viết về các chàng hiệp sĩ gan dạ tài ba. Từ romance nghĩa là một câu chuyện đến từ những vùng đất có người Rome định cư, và cho ta gợi ý rằng có thể thể chế hiệp sĩ phát xuất từ miền nam nước Pháp, nơi những người hát rong xướng lên những bài ca về tinh thần lịch thiệp, thanh tao, và sự trung thành trong tình yêu.

Đời sống thị dân

Cùng với phong quang của giới hiệp sĩ, một tầng lớp trung lưu vững mạnh đã thành hình. Tuy không màu mè và quý phái như các hiệp sĩ, nhưng những thị dân (townsfolk) lại rất quan trọng trong đời sống thời trung cổ. Cùng với việc bành trướng thương mại, các thị trấn mọc lên và giới lao động bắt đầu giành được sự độc lập. Trong thương mại, tư duy về sự tổ chức đã phát triển thành hệ thống phường nghề (guild). Phường nghề cũng giống với các hiệp hội thương mại ngày nay, sẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ các thành viên trước sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, đào tạo thợ học việc, và thiết lập các mức thù lao và giá cả. Thợ may, thợ nhuộm, đồ tể v.v. tất cả đều có phường nghề của mình.

Phường nghề là một phần của đời sống xã hội cũng như đời sống doanh thương thời ấy. Từ các nhà thờ bắt đầu xuất hiện các vở kịch diễn lại những phép lạ, hay drama như chúng được gọi lúc ban đầu. Các vở kịch đầu tiên chủ yếu chỉ là các đoạn đối thoại giúp vui cho lễ hội tôn giáo. Nhưng càng phát triển thì giới tăng lữ bắt đầu ngờ rằng cái thu hút dân chúng tới nhà thờ không phải là đức tin mà là trò tiêu khiển.

Trong các quán trọ hoặc quảng trường, các phường nghề cũng dựng sân khấu, hoặc chập hai chiếc xe ngựa lại làm sàn, và diễn các vở kịch của mình. Nhiều vở diễn do nhiều phường khác nhau diễn tấu tạo thành một tuyển tập các vở kịch thuật lại toàn bộ Thánh Kinh. Phường đóng tàu có thể sẽ diễn cảnh đóng con tàu Noah; phường chài đóng cảnh Đại Hồng Thủy, phường bánh thì diễn Bữa Tiệc Ly. Thường thì sẽ có những trường đoạn hài hước lê thể kể về lũ Ma quỷ.

Các vở kịch về đạo đức, hình thức sau này của các vở kịch phép lạ, có tính phúng dụ, với các diễn viên đóng vai các đức hạnh và thói hư tật xấu: đức Khiết Tịnh, thói Kiêu Ngạo, đức Chân Thật, thói Xảo Trá. Cốt truyện của những vở kịch này nguyên bản hơn so với các vở kịch phép lạ, nhưng cách thức trình diễn thì y như nhau.

Các thị trấn cũng có trò tiêu khiển riêng, và cũng có cả những vở bi kịch. Mùi thịt ôi, cống rãnh lộ thiên, và sự kém vệ sinh ở khắp mọi nơi thường tạo ra những trận dịch. Cái Chết Đen, một đại dịch bí ẩn được cho là lan tràn từ châu Á, tàn sát nước Anh năm 1348 với con số thương vong lên tới 2/5 dân số.

Các thay đổi về chính quyền

Đến giữa thế kỷ thứ 13 thì nước Anh không còn là một tỉnh của Pháp nữa, nhưng là một quốc gia. Dòng máu Norman, thiết lập bởi William Đấng Chinh Phạt, và theo sau là Plantagenets, một họ lấy theo tên của người sáng lập gia đình vì ông có một hình thêu planta genesta, hay hoa đậu chổi, trên mũ trụ. Vua Henry (1154-1189) mang lại trật tự cho một thời kỳ quân chủ, và hạn chế quyền lực của các lãnh chúa địa phương cũng như những tù trưởng địa phương. Ông chịu trách nhiệm khởi xưởng Bộ Luật Dân Sự Anh. Sau khi chia lãnh thổ thành sáu quận, ông bổ nhiệm ba thẩm phán cho mỗi quận. Vì mỗi quận đều có tòa án cùng thẩm quyền, nên dẫn đến sự ra đời của bộ luật dân sự chung.

Một bước tiến khác đến luật pháp và công lý xảy ra trong triều đại cai trị hà khắc của vua John tàn ác mà hèn kém (1199-1216). Vua John không chỉ đánh mất các tài sản Pháp và tạo ra sự phản kháng nơi các quý tộc, mà còn đối chọi với giáo hoàng tới mức nước Anh bị cắt phép thông công. Làn sóng phẫn nộ trước những hành động độc tài của nhà vua cuối cùng đã đoàn kết các lãnh chúa, hiệp sĩ, và thị dân. Họ buộc vua John phải ký Hiệp Ước Margna năm 1215. Văn kiện này đặt ra những nền móng cho tự do cá nhân và chính trị cho toàn thể người Anh: được xét xử bởi bồi thẩm đoàn, tiền phạt quy định theo luật pháp, thuế được hội đồng phê chuẩn.

Năm mươi năm sau, Simon de Montfort, một lãnh chúa hùng mạnh, triệu tập hai hiệp sĩ từ mỗi hạt và hai công dân từ mỗi thị trấn họp lại thành nghị viện (Partliament, gốc từ parler, nghĩa là bàn bạc.) Mục đích của họ là kiểm soát nhà vua sát sao hơn nữa. Nhóm đại biểu đầu tiên này chính là tiền thân của Viện Thứ Dân (House of Commons).

Còn tiếp, đang cập nhật, mời bạn trở lại sau

4.8/5 - (6 votes)

Về Chuyên trang Lịch Sử & Văn Minh

Bài viết trong chuyên mục này được sưu tầm từ các trang uy tín về cùng chủ đề, hoặc do ad tự biên soạn, biên dịch để chia sẻ với mọi người, vì lịch sử và văn minh là chủ đề mà ad rất yêu thích.

Hy vọng chuyên trang cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích. Các bạn có thể ủng hộ trang bằng cách kích quảng cáo.