Song song với các nền văn minh tại vùng Lưỡng Hà, người Ấn Độ cũng phát triển nền văn minh của mình, cũng đương đấu với những thử thách tương tự: sản xuất lương thực, kiến thiết thành bang, quản lý xã hội, tìm hiểu về kiếp nhân sinh và nguồn gốc vũ trụ. Như mọi nơi khác nền văn minh Ấn Độ triển nở bên bờ sông Ấn. Trong khoảng thời gian 2800 – 1800 TCN, văn hóa vùng Thung lũng sông Ấn, hay còn gọi là Harappan, phát triển và bành trướng trên một vùng rộng lớn.
Khái quát về văn minh Ấn Độ
Sau khi nền văn minh này sụp đổ thì một xã hội Ấn Độ rất khác tiếp nối. Xã hội này do người Aryan thống trị. Họ là những chiến binh nói tiếng Sanskrit cổ. Hệ thống đẳng cấp Ấn độ và Ấn giáo, những đặc trưng của xã hội Ấn độ cho tới ngày nay, đều từ sắc dân Aryan này mà ra. Đến giữa thiên niên kỷ thứ nhất TCN, người Aryan đã thiết lập vô số các tiểu quốc trên khắp vùng bắc Ấn. Đây là thời đại huy hoàng nhất của tôn giáo Ấn Độ khi Phật giáo và Kỳ Na giáo hình thành, đồng thời, tín ngưỡng Đại ngã phát triển thành đạo Hindu.
Vương triều Mauryan, đế quốc lớn đầu tiên của Ấn Độ, xuất hiện khi Hy Lạp xâm lược vùng bắc Ấn khoảng năm 325 TCN. Triều đại này đạt đến đỉnh cao dưới triều vua Ashoka, người đã thúc đẩy Phật giáo không chỉ trong vương quốc mà còn vượt xa khỏi biên giới. Nhưng không lâu sau triều đại của ông thì đế quốc sụp đổ, trong nhiều thế kỷ Ấn Độ bị chia cắt về mặt chính trị. Tuy Ấn Độ chưa bao giờ có một ngôn ngữ thống nhất, và một chính quyền trung ương cũng chỉ tồn tại lúc này lúc khác, nhưng các yếu tố văn hóa phát xuất từ thời cổ đại – với cốt lõi là các ý tưởng Đại ngã, hệ thống đẳng cấp, các bản anh hùng ca cổ đại – giàn trải từ thương mại cho mọi tiếp xúc khác trong xã hội, ngay cả khi tiểu lục địa này bị xâu xé thành các tiểu quốc thù địch nhau.
Những cư dân đầu tiên và văn minh Harappa ở lưu vực sông Ấn
Bán đảo Ấn Độ, to bằng cả châu Âu, được Ấn Độ dương ấm áp bao bọc. Ngày nay khu vực này bao gồm các nước Pakistan, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, và Sri Lanka, nhưng đó chỉ là sự phân chia gần đây, còn trong quá khứ Ấn Độ tức là toàn bộ bán đảo này.
Tại Ấn Độ, cũng như nhiều nơi khác, nông nghiệp và sự giao tiếp quyết định bởi yếu tố địa lý. Một số khu vực của bán đảo này là nơi ẩm ướt nhất trên trái đất, một số khác lại là sa mạc khô cằn. Hầu hết các khu vực tại Ấn Độ ấm áp quanh năm, nhiệt độ khoảng 37OC. Nhiệt độ trung bình khoảng 26 tại phía bắc, và 29,5 tại phía nam. Những cơn mưa gió mùa cứ hè về là tràn lên phía bắc từ Ấn Độ dương. Phần thấp nhất của dãy Himalaya ở phía bắc có rừng rậm bao phủ, mưa lớn quanh năm. Đi về phía nam là đồng bằng màu mỡ của sông Ấn và sông Hằng. Những vùng đồng bằng rộng lớn trải khắp đất nước này là vựa lúa của Ấn Độ từ muôn đời nay, và các đế quốc lớn trong lịch sử cũng nằm trong khu vực này. Về phía tây là vùng sa mạc Sajasthan sa mạc đông nam Pakistan. Chúng có vai trò quan trọng trong lịch sử, vì địa hình bằng phẳng góp phần giúp quân xâm lược từ phía tây bắc tiến vào Ấn Độ. Phía nam thung lũng các con sông lớn là dãy núi Vindhya có rừng rậm rạp, và vùng bình nguyên Deccan đồi núi, khô hạn. Chỉ vùng duyên hải thì mới có những đồng bằng nhỏ hẹp có thể canh tác nông nghiệp. Bờ biển dài của Ấn Độ và các đợt gió mùa tạo điều kiện cho ngành thương mại hàng hải phát triển.
Thời cực thịnh
Thời Đồ Đá Mới con người định cư tại lục địa Ấn Độ trễ hơn so với vùng Cận Đông, nhưng nông nghiệp phát triển tương đương, và đến khoảng năm 7000 TCN thì đã trở nên vững mạnh. Lúa mỳ và lúa mạch là những loại cây trồng có từ sớm, có lẽ du nhập từ vùng Trung Đông vào. Nông dân cũng chăn nuôi gia súc, cừu, dê, và biết làm đồ gốm.
Nền văn minh đầu tiên tại Ấn Độ thuộc vào loại ly kỳ nhất trong lịch sử thế giới. Theo Kinh thánh, con người sớm đã biết tới Ai Cập cổ đại và vùng Sumeria, nhưng trước năm 1921 thì người châu Âu gần như không biết gì về nền văn minh Ấn Độ cổ đại tại thung lũng sông Ấn này. Chỉ khi các nhà khảo cổ tìm thấy những bằng chứng động trời tại Mohenjo-daro (Pakistan ngày nay) về một nền văn hóa đô thị phát triển thời Đồ Đồng, có niên đại tận năm 2500 TCN, thì người ta mới bắt đầu biết tới nền văn minh này.
Nền văn minh lưu vực sông Ấn, hay văn minh Harappa, bắt nguồn từ tên của con sông và thành phố nơi người ta tìm thấy những vết tích đầu tiên. Các nhà khảo cổ đã khám phá ra khoảng 300 thành phố Harappan và nhiều thị trấn, làng mạc khác tại Pakistan và Ấn Độ, cho thấy quy mô rộng lớn của nền văn minh Harappan và sự phát triển của nó trong gần một thiên niên kỷ (Xem bản đồ phía dưới).

Đây là một nền văn minh có chữ viết giống văn minh Ai Cập và văn minh Lưỡng Hà, nhưng không ai có thể giải mã hơn bốn trăm ký tự khắc trên các trụ đá và bảng đồng của họ. Thậm chí người ta cho rằng những ký tự này chỉ là tên chứ không phải văn bản, hay có thể chỉ là những ký hiệu chứ không phải ngôn ngữ. Thời kỳ nở rộ của nền văn minh này kéo dài từ 2500 đến 2000 TCN.
Văn minh Harappa trải rộng trên diện tích khoảng năm trăm ngàn kilomet vuông vùng lưu vực sông Ấn, lớn gấp đôi văn minh Ai Cập cổ đại và Sumeria. Nhưng văn minh Harappa có mức độ đồng nhất đáng kinh ngạc. Trên toàn bộ khu vực, và ngay cả trong những làng mạc nhỏ, gạch xây dựng được chế tác theo tiêu chuẩn chung. Những bức tượng phụ nữ mang bầu tìm thấy trong vùng cho thấy dân chúng dường như có cùng những ý tưởng tín ngưỡng.
Cũng như vùng Lưỡng Hà, các thành phố thời Harappa là trung tâm thương mại kỹ nghệ, xung quanh là các làng mạc vùng quê. Thợ thủ công chế tạo đồ gốm có các hoa văn cầu kỳ và hình dáng phức tạp. Người Harappa là những nhà sản xuất vải cotton đầu tiên, và loại vải này nhiều tới mức người ta dùng nó để quấn hàng hóa trên tàu. Thương mại mở rộng. Ngay từ thời vua Sargon của đế chế Akkad, thiên niên kỷ thứ 3 TCN thì người Ấn Độ đã giao thương với vùng Lưỡng Hà, đôi bên trao đổi hàng hóa và những ý tưởng, có lẽ là qua ngả Vịnh Ba Tư. Cảng Lothal của Harappa có một bến tàu làm bằng đá dài tới 700 feet, nối tiếp là những kho ngũ cốc khổng lồ và các nhà máy chế biến. Hàng trăm tấm bảng khắc được tìm thấy tại đây, một số có nguồn gốc từ Vịnh Ba Tư, cho thấy Lothal là cảng biển trung tâm ra vào.

Thành phố Mohenjo-daro ở phía nam Pakistan, và thành phố Harappa, khoảng 400 dặm về phía bắc, rất rộng lớn vào thời kỳ ấy, có chu vi lên tới 3 dặm, dân số khoảng 35 đến 40 ngàn người. Cả hai đều có tường thành bao bọc, tháp canh cao tới 40 hoặc 50 feet. Có thể thấy rõ rằng hai thành phố đã được quy hoạch và xây dựng đâu ra đó trước khi đưa người tới định cư, chứ không phải đi lên từ những ngôi làng nhỏ. Có những kho thóc khổng lồ. Đường phố ngăn nắp, rộng từ 9 đến 34 feet. Nhà cửa khang trăng, một số có hai tầng, một số ba. Trung tâm của một căn nhà là khoảng sân nằm ở giữa, mọi căn phòng quay mặt vào cái sân này, khá giống với kiểu nhà của Ấn Độ ngày nay.
Có lẽ điểm ngạc nhiên hơn cả là hệ thống đường ống thoát nước phức tạp của hai thành phố, mà tại Mohenjo-daro còn được bảo tồn khá tốt. Mỗi căn nhà có một phòng tắm, có ống thoát nước nối với hệ thống cống rãnh bằng gạch chạy ngầm dưới những con đường. Cửa cống thu gom chất thải, và có lẽ sử dụng làm phân bón cho những cánh đồng xung quanh. Không có thành phố cổ đại nào có được hệ thống vệ sinh tốt như vậy.
Cả hai thành phố này đều có những công trình kiến trúc lớn mà các nhà khảo cổ cho rằng đó là các tòa nhà công cộng. Quan trọng nhất trong số đó nhà kho, có thông gió, để chứa lúa mì của dân chúng. Mohenjo-daro cũng có một khu chợ, hoặc một nơi tụ họp tương tự, một cung điện, và một hồ nước lớn ngang dọc 39×23 feet, sâu 8 feet. Tương tự các nhà tắm của đế quốc La Mã, thành phố có những phòng thay đồ công cộng dành cho những người đi tắm. Vì nhà tắm công cộng tại Mohenjo-daro giống với các hồ thanh tẩy tôn giáo của Ấn Độ sau này, nên một số học giả cho rằng quyền lực nằm trong tay các vị vua-tư tế và hồ tắm công cộng là để phục vụ cho các nghi thức tôn giáo của thành phố. Trái với Ai Cập cổ đại và vùng Lưỡng Hà, tại Harappa không có các lăng mộ. Điều đó khiến chúng ta khó biết được về đời sống của giới tinh hoa trong xã hội.
Sự thịnh vượng của nền văn minh Harappa phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp ổn định trên lưu vực của con sông. Tuy lượng mưa hàng năm đã tăng trong thời gian gần đây, nhưng tại sông Ấn, cũng như sông Nile, mùa nước lên sẽ tưới phù sa cho những vùng khô cằn. Cũng như tại Ai Cập, mùa nắng kéo dài và ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp.
Vì chưa thể giải mã chữ viết của người Harappa nên ta chưa biết rõ chính trị, tri thức, và đời sống tôn giáo của họ ra sao. Có một điểm rõ ràng là cấu trúc chính trị của họ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch thành phố và thúc đẩy thương mại, nhưng việc họ có vua hay không thì không rõ. Có những mối liên hệ rõ ràng giữa văn minh Harappa và văn minh Lưỡng Hà, và cũng có những khác biệt rõ rệt. Ví dụ, chữ viết Harappa được khắc lên các bảng đất sét giống người vùng Lưỡng Hà, nhưng lại không có mối liên hệ gì với chữ hình nêm, kiểu viết cũng khác.
Sự suy thoái bí ẩn
Khoảng sau năm 2000 TCN, văn minh Harappa suy thoái một cách bí ẩn. Cảng Lothal bị bỏ hoang vào năm 1900 TCN, và nhiều trung tâm dân cư khác trở nên thưa thớt và hoang tàn. Các học giả đưa ra nhiều cách lý giải cho bí ẩn những thành phố bị bỏ hoang này. Sự sụp đổ của chúng có thể là do ngoại xâm. Nhưng cũng có người cho rằng là do lý do nội bộ. Các lý thuyết về môi trường, bao gồm thiên tai như động đất, đã dẫn đến sự thay đổi dòng chảy của con sông, hoặc hạn hán kéo dài. Cũng có thể việc canh tác trường kỳ đã làm đất đai trở nên cằn cỗi, nhiễm độc, đến mức không thể trồng cấy được nữa, buộc người Harappa phải di chuyển về những vùng đất màu mỡ hơn. Cũng có học giả cho rằng nền thương mại quốc tế sụp đổ, dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Các thuyết khác quy nguyên nhân cho dịch bệnh khiến dân số giảm sút và người ta buộc phải tháo chạy khỏi các thành phố.
Tuy sau khi suy thoái người Harappa vẫn sinh sống tại các làng mạc rải rác, nhưng những trung tâm đô thị lớn đã bị bỏ hoang, nền văn minh phát triển của họ lụi tàn. Trong nhiều ngàn năm tiếp theo, Ấn Độ không có các thành phố lớn, không sản xuất được loại gạch hảo hạng, và không có chữ viết. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy sự nối tiếp của nền văn minh Ấn Độ sau này, chẳng hạn như nhiều loại đồ gốm tạc hình các thần thánh. Một số học giả cho rằng người Harappa là tổ tiên của người Tamils và các sắc dân nói tiếng Dravidian khác của vùng phía nam Ấn Độ hiện đại.

Người Arya và thời đại Vệ Đà, 1500-500 TCN
Sau khi nền văn minh Harappa sụp đổ, một sắc dân khác tự gọi mình là người Arya nổi lên thống trị vùng bắc Ấn. Họ nói một thứ tiếng Sanscript cổ, thuộc ngữ hệ Ấn-Âu, gần với tiếng Ba Tư cổ đại và có họ hàng xa với tiếng La Tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Celt, và các thứ tiếng kế thừa sau này, như tiếng Anh. Ví dụ, từ nava trong tiếng Sanskrit nghĩa là con tàu, gần với từ naval trong tiếng Anh nghĩa là hải quân; từ deva – thần linh – gần với từ divine – linh thiêng, thần thánh; từ raja – quý phái gần với từ regal. Bản thân từ Aryan cũng phát xuất từ từ Arya – cao quý, tinh sạch trong tiếng Sanskrit, và có cùng gốc từ với những từ như Iran và Ireland. Người Arya phát triển mạnh trong thời đại Veda (1500-500 TCN), đặt theo tên của bộ kinh linh thiêng viết bằng tiếng Sanskrit. Thời đại này chứng kiến sự phát triển chế độ tập cấp và đạo Bà La Môn, cùng những bản trường ca thuộc vào loại sơ khai nhất của văn học Ấn Độ.
Sự thống trị của người Arya trên vùng Bắc Ấn
Cách đây ít lâu thì các nhà nghiên cứu cho rằng người Arya đến từ bên ngoài Ấn Độ, có lẽ là một phần thuộc các phong trào di cư đã dẫn người Hittite chiếm đóng các vùng Anatolia, người Achaea xâm nhập Hy Lạp, và người Kassites chinh phạt vùng Sumer – tất cả diễn ra trong khoảng thời gian 1900 – 1750 TCN. Nhưng gần đây nhiều học giả cho rằng ngữ hệ Ấn-Âu đã lan tới vùng này sớm hơn nhiều. Và dương như người Harappa cũng đã nói thứ tiếng này từ sớm. Tức là, người Arya trước đó đã là một nhóm sắc tộc thuộc về dân số vùng này chứ không phải xâm lăng từ bên ngoài.
Các chính khách hiện đại còn làm phức tạp thêm về sự xuất hiện của người Arya và vai trò của họ trong lịch sử Ấn Độ. Những người châu Âu thế kỷ 18 và 19 đề xuất một thứ gọi là ngữ hệ Ấn-Âu trong giai đoạn rất nhạy cảm về nhận thức sắc tộc và đồng nhất dân tộc với ngôn ngữ. Lý thuyết chủng tộc ưu việt của Phát Xít Đức tôn vinh chủng Arya như là nòi giống vượt trội. Thậm chí trong những bối cảnh ít màu sắc chính trị hơn thì quan điểm cho rằng một sắc dân đến từ bên ngoài đã cai trị người Ấn vẫn gặp phải nhiều phản đối. Vì nếu nói vậy thì khác nào bảo người không thuộc chủng Aryan thì không phải người Ấn? Khác nào tạo cái lý do hợp pháp cho những người chinh phạt Ấn Độ sau này? Khác nào biện hộ cho chế độ tập cấp? Một trong những khó khăn mà các họ giả muốn đưa ra một quan điểm gây thất vọng về những vấn đề này đó là bằng chứng cho một nền văn hóa Harapa sơ khai hoàn toàn là do khảo cổ mà có, còn bằng chứng cho đế chế Arya hầu hết dựa trên phân tích ngôn ngữ các thứ tiếng hiện đại và các bản văn truyền miệng không rõ thời đại.

Nguồn thông tin trung tâm về thời Arya sơ khai là bộ Rigveda, hình thức sớm nhất của kinh Vệ Đà, mà về nguồn gốc là một tuyển tập truyền miệng các bài thánh thi, bài kinh, và các bài luận triết học được soạn bằng tiếng Sanskrit trong khoảng 1500-500 TCN. Cũng như trường ca Homer của Hy Lạp, viết vào cùng thời điểm, những bản văn này được truyền miệng và làm bằng thơ. Bộ Rigveda mô tả người Arya như là những bộ lạc chiến binh đã làm rạng danh tinh thần thương võ và chủ nghĩ anh hùng; họ ưu chè chén, săn bắn, đua ngựa, và khiêu vũ; và tính độ giàu có bằng cách đếm gia súc. Người Arya không càn qua Ấn Độ như kiểu một chiến dịch chớp nhoáng, họ cũng không phải một đạo quân có kỷ luật do một lãnh tụ chỉ huy. Thay vào đó họ là một tập hợp nhiều bộ lạc thường xuyên đánh lộn lẫn nhau và phải qua nhiều thế kỷ họ mới thực sự thống trị vùng bắc Ấn.
Chìa khóa cho thành công của người Arya có lẽ nằm ở công nghệ quân sự vượt trội của họ. Kẻ địch của họ thường cư trú trong những thị trấn có tường thành bao bọc bảo vệ, nhưng các chiến binh Arya có những kỹ thuật chiến tranh tiên tiến, họ có xe chiến, ngựa, kiếm đồng, và giáo. Các bản trường ca của họ trình bày cuộc chiến giành quyền kiểm soát vùng Bắc Ấn bằng những từ ngữ nặng tính tôn giáo, mô tả những thủ lĩnh của họ như những vị anh hùng thần thánh, còn kẻ thù là quân man rợ đã không tôn thờ thần linh cho đàng hoàng. Tuy nhiên, theo thời gian rõ ràng người Arya đã thẩm thấu văn hóa của những sắc dân họ chinh phạt, chẳng hạn như kỹ thuật nông nghiệp và thực phẩm.
Đứng đầu mỗi bộ lạc Arya là một tù trưởng, hay họ gọi là raja, lãnh đạo quân đội trong thời chiến và cai trị trong thời bình. Các chiến binh trong bộ lạc sẽ bầu chọn tù trưởng dựa theo khả năng chiến đấu. Quan trọng sau tù trưởng là giáo sĩ. Về sau các giáo sĩ phát triển thành một đẳng cấp cao quý, sở hữu trí tuệ trong các bản kinh thiêng liêng, và tất nhiên nắm giữ những câu thần chú và bùa phép trong đó, khá giống với tầng lớp tăng lữ của Ai Cập, Mesopotamia, và Ba Tư cổ đại. Dưới họ là tầng lớp chiến binh, những người cưỡi chiến xa và ngựa tham gia chinh chiến. Tầng lớp này thường tổ chức hội nghị mỗi khi cần raja cho lời khuyên hoặc quyết định. Thường dân trong bộ lạc thì chăn thả gia súc và làm việc chân tay. Những sắc dân bị chinh phạt sẽ phải làm những công việc nặng nhọc hoặc hầu hạ. Rất khó xác định đúng địa vị xã hội của họ. Tuy không phải nô lệ, nhưng chắc chắn là phải phụ thuộc và người Arya và làm khổ sai cho họ để được sống yên ổn.

Qua nhiều thế kỷ, người Arya tiến xa hơn về phía đông vào vùng thung lũng sông Hằng. Khi đó miền đất này chủ yếu là rừng rậm, nơi cư trú của các bộ tộc thổ dân. Nhu cầu phải san rừng có lẽ đã đẩy nhanh tốc độ sử dụng đồ sắt vào khoảng năm 1000 tCN, có lẽ là nhập từ vùng Lưỡng Hà. Đồ sắt giúp chế tạo được các loại rìu và dao cứng hơn, mà còn rẻ.
Người Arya không thống trị toàn Ấn Độ. Phía nam dãy Vindhya, những người nói tiếng Dravidy vẫn giữ quyền kiểm soát. Trong các bản anh hùng ca Ramayana và Mahabharata, thì những người phía nam và người xứ Sri Lanka được mô tả như những người mọi rợ, da đen, và là quỷ dữ chống lại các cuộc chinh phạt của người Arya. Cùng với Rigveda, những bản anh hùng ca này sẽ trở thành một phần của di sản văn hóa chung toàn Ấn Độ.
Khi những nhà cai trị Arya thống trị phần lớn dân số thì hình thái tổ chức chính trị cũng thay đổi từ chế độ bộ lạc sang chế độ quân chủ. Hay nói cách khác, nhà cai trị giờ đây kiểm soát một vùng đất mà dân số đã an cư, không phải là các bộ lạc du cư như trước đây nữa. Hơn thế nữa, nhà vua không còn phải do bộ lạc bầu bán ra nữa, mà sẽ do giới tăng lữ tuyển chọn, và thực hiện những nghi thức hoàng gia rồi rắm và giới này thiết kế ra. Giới tăng lữ, hay gọi là Brahmins, ủng hộ sự phát triển của một quyền lực hoàng gia, đổi lại họ phải được công nhận địa vị của mình. Các Brahmins cũng đóng vai trò cố vấn cho nhà vua. Đối diện với liên minh hoàng gia – tăng lữ này, những hội đồng chiến binh lụi tàn dần. Đến khi các đạo quân Ba Tư tiến đánh Indus khoảng 513 TCN thì đã có tới 16 vương quốc Arya ở vùng Bắc Ấn.
Đời sống của người Ấn Độ sơ khai
Đẳng cấp (Caste) là trung tâm của đời sống xã hội các vương quốc bắc Ấn. Xã hội người Arya chia thành giới chiến binh ưu tú, giới tăng lữ, hạng bình dân, và hạng cùng đinh. Cách phân chia này dần phát triển thành hệ thống đẳng cấp, quy định chặt chẽ các nhóm người có tính chất cha truyền con nối của xã hội. Xã hội Ấn Độ sơ khai chia làm bốn đẳng cấp từ trên xuống dưới, đẳng cấp này không được ăn uống chung chạ hay hôn nhân với đẳng cấp khác. Bốn đẳng cấp, hay gọi là varna, này bao gồm: Brahmin (tăng lữ), Kshatriya (tướng lãnh và quan lại), Vaishya (thương nhân), và Shudra (nông dân và người lao động). Đẳng cấp Shudra, gồm hầu hết là dân của những vùng bị chinh phạt, là đông nhất. Đối lại là ba đẳng cấp phía trên chỉ chiếm chưa đầy 30% dân số. Hệ thống đẳng cấp giúp cho một số rất ít người Arya có thể cai trị một số lượng lớn các sắc dân bị đô hộ, đồng thời không bị họ đồng hóa văn hóa.
Các quan niệm tôn giáo và xã hội củng cố cho hệ thống đẳng cấp này. Người Arya xem công việc tay chân là ô uế, chỉ dành cho tầng lớp lao động và nông dân. Nhưng ngược lại, thương mại không bị xem là kém quan trọng. Các văn bản của tầng lớp Brahma thời kỳ này cho thấy thương mại được xem trọng ngang với canh nông, phục vụ nhà vua hoặc tầng lớp tăng lữ.
Trong Rigveda, hệ thống đẳng cấp được quy cho là ý muốn của thần linh:
Chư thần đã chẳng phân chia [con người] thành các hạng khác nhau ư?
Cái gì đã trở thành miệng, cái gì biến thành hai tay?
Cái gì thành bắp đùi, cái gì hai chân chân?
Miệng của thần chính là [đẳng cấp] brahman, hai tay thần trở thành kshatriya; hai bắp đùi thần là vaishyas, và hai gót chân sinh ra shudra.
Đẳng cấp tăng lữ Brahmin có trách nhiệm ghi nhớ từng chữ từng câu của kinh Vệ Đà để tế bái chư thần. Họ không chỉ cử hành các nghi lễ truyền thống, mà còn tạo ra những nghi lễ mới tùy theo tình hình thực tế. Chẳng hạn khi nông nghiệp trở nên quan trọng đối với người Arya thì giới tăng lữ tự ví mình như là sứ giả của Agni, thần lửa, có bổn phận thanh tẩy đất đai canh tác mùa màng. Giới tăng lữ cũng nắm những câu thần chú và bùa phép chống lại bệnh tật thiên tai.
Tất cả những người không thuộc về bốn đẳng cấp kể trên – tức là những dân mới bị chinh phạt, hoặc những người bị mất địa vị do vi phạm lề luật – sẽ bị xem là ngoài vòng pháp luật. Họ không thuộc về bất kỳ đẳng cấp nào, bị xem là ô uế, không được đụng chạm, phải kiếm sống bằng những nghề mạt hạng như giết mổ gia súc, thuộc da.
Nô lệ là một đặc điểm của xã hội Ấn Độ sơ khai, tương tự như ở Ai Cập, Mesopotamia, và một vài nơi khác thời cổ đại. Những tù binh chiến tranh có thể chuộc thân bằng tiền, nhưng đa phần họ sẽ thành nô lệ. Về sau, giới nô lệ mất dần mối liên hệ với chiến tranh, và ngày càng trở thành một kiểu buôn bán. Tương tự vùng Mesopotamia, một người tự do có thể bán thân, và bán cả gia đình, làm nô lệ để có tiền trả nợ. Tương tự như quy định trong luật Hamurabi của người Babylon, nô lệ nếu chịu khó làm việc, và có chút may mắn, thì có thể chuộc thân và chuộc gia đình. Con cái nô lệ thì cũng là nô lệ như cha mẹ. Ở Ấn Độ cổ đại thì có thể mua bán, cho tặng nô lệ như món hàng.
Cuộc sống của phụ nữ thời Ấn Độ cổ đại khác nhau tùy theo địa vị xã hội chẳng kém gì đàn ông. Như hầu hết các bộ lạc du cư, người Arya theo chế độ phụ hệ và nghành trưởng (trọng nam và quyền lực nằm trong tay trưởng nam của gia đình). Vai trò của phụ nữ chỉ là thứ yếu, khác hẳn với thân phận của phụ nữ thuộc các sắc tộc bản địa vốn đa phần theo mẫu hệ. Nhưng thời Arya thì phụ nữ còn được đối xử tương đối tốt so với xã hội Ấn Độ sau này. Họ không bị tảo hôn, góa phụ có quyền tái giá. Phụ nữ được khắc họa trong trường ca Ramayana là những người có quyền lực, có thể đạt được ý định bằng cách dùng mỹ nhân kế hoặc trực tiếp ra tay.
Tiếp xúc với phương Tây
Cuối thế kỷ thứ 6 TCN, Ấn Độ rơi vào hỗn loạn khi hoàng đế Ba Tư Darius chinh phạt vùng Thung Lũng Sông Ấn và Kashmir khoảng năm 513 TCN. Tuy sự kiểm soát của Ba Tư chưa vượt qua được vùng Punjah, nhưng dù thế nó cũng thúc đẩy sự tiếp xúc giữa Ấn Độ với vùng Cận Đông, đưa vào Ấn Độ những ý tưởng, kỹ thuật, và vật liệu mới mẻ. Người Ấn Độ học được từ các nhà cai trị Ba Tư cách quản trị những lãnh thổ rộng lớn với dân số đông đảo, học kỹ thuật đúc tiền bạc, tiếp thu hệ thống tiền tệ tạo thuận lợi cho thương mại với những vùng khác của đế quốc. Ngay cả những tiểu quốc vùng Thung Lũng Sông Hằng, vốn chưa bao giờ thuộc về Đế quốc Ba Tư, cũng sử dụng hệ thống tiền tệ này.
Sự tiếp xúc với Ba Tư cũng đưa tiếng Aram du nhập vào Ấn Độ, được dùng để viết các văn thư hành chính của đế quốc. Người Ấn Độ, vốn có rất nhiều phương ngữ và các thứ tiếng bản địa, cũng dùng thứ chữ viết này để ghi chép và ban hành các văn bản. Thậm chí họ còn phát triển chữ Brahmi, tiền thân của loại chữ viết dùng trong tiếng Hindi hiện đại. Thời đó, các bản kinh thánh của Phật giáo và Kỳ Na giáo, các bản trường ca và những tác phẩm văn hoạc khác, đều dùng tiếng Aram để ghi chép.

Rồi Đế quốc Ba Tư bị Alexander đại đế đánh bại năm 326. Alexander dẫn binh đoàn Hy Lạp băng qua dãy Khyber tiến vào Thung Lũng Sông Ấn. Vùng đất Ấn Độ mà Alexander đặt chân tới khi đó là tập hợp hàng tá các tiểu quốc kình địch nhau. Ông đánh bại một vài tiểu quốc vùng tây bắc, và nghe biết về các tiểu quốc còn lại. Porus, vua vùng tây Punjab, giao chiến với Alexander với đạo quân 2000 voi chiến. Sau khi bị đánh bại, ông đồng ý trở thành chư hầu của Alexander.
Người Hy Lạp bị đánh động bởi nền văn hóa Ấn Độ. Alexander có nghe nói về sự tu tập của các triết gia Ấn Độ, cho vời họ đến để bàn luận. Người Hy Lạp cũng ấn tượng với các thành phố Ấn Độ, nhất là Taxila, trung tâm thương mại của Punjab. Người Hy Lạp miêu tả nó như là “đại đô thành phồn vinh, vĩ đại nhất trong số những đô thành nằm giữa sông Ấn và Hydaspes (sông Jhelum hiện nay) – một khu vực rộng ngang với Ai Cập, cực kỳ xanh tốt với những đồng cỏ và vườn trái cây bát ngát.” Từ Taxila, Alexander nam tiến theo hướng sông Ấn, hy vọng tìm tới tận cùng thế giới. Nhưng quân đội của ông đã mệt mỏi, không muốn đi tiếp. Khi Alexander trở lại, ông để tướng Seleucus trông coi vùng đất cực đông đã chiếm được.
Chandragupta và sự ra đời của đế quốc Maurya
Chandragupta là người hưởng lợi nhất từ cuộc xâm lăng của Alexander. Khi đó ông là quân chủ của một tiểu quốc đang lên trong vùng Thung Lũng Sông Hằng. Chớp thời cơ khủng hoảng mà Alexander gây ra, ông bành trướng lãnh thổ, đến năm 322 TCN tự xưng mình là quân chủ độc nhất của toàn vùng bắc Ấn. Đến năm 304, ông đánh bại các lực lượng của tướng Seleucus mà Alexander để lại.

Chandragupta áp dụng ngay những bài học từ nền cai trị Ba Tư. Chia lãnh thổ thành nhiều tỉnh, mỗi tỉnh cử một quan cai trị, thường là thuộc hoàng tộc. Ông thiết lập nền hành chính phức tạp để vận hành đất nước, xây dựng hệ thống thuế để đài thọ cho các dịch vụ công. Quân đội cũng được cải tổ, chia thành từng binh chủng, từ hải quân cho tới hậu cần.
Lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ cổ đại có một vị vua cai trị toàn cõi tiểu lục địa này với quyền lực tuyệt đối. Chandragupta đóng đô ở Pataliputra trong vùng Thung Lũng Sông Ấn (nay là Patna ở Bihar). Từ trung ương, nhà vua cử quan lại đi coi các tỉnh và báo cáo tình hình cho ông. Trợ tá đắc lực cho nhà vua trong việc xây dựng chính quyền là quan tể tướng Kautilya, tác giả của luận thuyết cho rằng nhà vua phải chiếm, giữ, và thực thi quyền lực, rất giống với chủ thuyết của giới Pháp gia tại Trung Quốc cùng thời.
Quan tể tưởng Kautilya nghĩ ra cách thức sử dụng những tùy tùng được ăn vận như thần thánh để hộ tống nhà vua, khiến cho dân chúng phải kính ngưỡng. Ông chủ trương kết giao với kẻ thù của kẻ thù để tạo liên minh. Nhà vua lân bang nào gặp rắc rối thì là thời cơ tốt để tiến đánh. Mối quan hệ liên vương quốc được định hướng theo quy tắc cá lớn nuốt cá bé.
Megasthenes, đại sứ Hy Lạp do Seleucus cắt cử tới, phục vụ 14 năm trong triều đình Chandragupta. Ông có soạn một tác phẩm miêu tả sinh động đời sống đương thời. Thành đô hình vuông, bốn xung quanh là tường gỗ bao bọc, mỗi cạnh dài 22 dặm, có 570 tòa tháp canh và 64 cổng. Bên trong thành có trường đại học, thư viện, những cung điện nguy nga, đền đài, vườn tược và công viên. Nhà vua ngự triều để nghe các quan tấu báo. Mọi mỏ quặng và rừng cây trong vương quốc đều thuộc về nhà nước. Hoàng gia mở những đồn điền công rộng lớn, bến tàu, kho thóc, xưởng dệt may rộng lớn. Ngay cả nghề mại dâm cũng thuộc sự quản lý của nhà nước. Theo Megasthenes thì chỉ một phần vương quốc được cai trị trực tiếp. Các vùng ngoại vi thì sẽ do các tiểu vương nắm giữ với điều kiện phải trung thành với hoàng đế.
Megasthenes mô tả Chandragupta là người luôn lo sợ bị phản bội và ám sát:
Nhà vua có nữ tỳ phục dịch. Lính canh và cấm vệ gác ngoài cửa điện. Nhà vua không ngủ ngày, còn ban đêm thì phải thay đổi giường ngủ liên tục để đề phòng bị ám sát. Nhà vua sẽ rời cung điện để ngự triều nghe tấu cho đến bản tấu cuối cùng, bất kể giờ ăn giờ nghỉ. Khi đi săn sẽ có một đoàn thị nữ theo hầu, trong ngoài có lính cấm vệ bao bọc. Đường xá bị phong tỏa bằng cách giăng dây, bất kỳ ai xâm phạm sẽ bị giết ngay.
Những biện pháp ấy có lẽ hiệu quả, vì Chandragupta sống rất thọ. Người ta kể rằng về cuối đời ông theo Kỳ Na giáo, về chết yên bình vào năm 298 TCN. Tuy bản thân áp dụng triết lý phi bạo lực, nhưng Chandragupta để lại một vương quốc và một quân đội đủ mạnh để duy trì trật tự và bảo vệ đất nước khỏi bị xâm lăng.